Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

LOANH QUANH HÀ NỘI: TÙY DUYÊN...

Lần này đi Hà Nội đúng là tùy duyên thật, vì thoạt đầu mục đích của chuyến đi cũng chưa rõ ràng, chẳng là tháng 9… năm ngoái (2013) Vietjet Air bán vé 0 đ, mà thời gian bay lại kéo dài đến cuối năm 2014, canh những tháng gần gần tìm không ra vé, lò dò đến tháng 11 thấy một lô vé 0đ, cộng các thứ thuế và phí tính ra có 280.000 đ khứ hồi Sài Gòn-Hà Nội, hỏi gấp các bà bạn, một số ngần ngừ vì chuyện ngày tháng, 3 bà khác bảo: “Mua ngay, đi ngày nào cũng được, ra … uống cà phê rồi về cũng được, đến lúc đó không đi được thì bỏ, vé rẻ quá mà, có sao đâu”. Vậy là canh được mỗi lần 2 vé, may mà bay cùng ngày chỉ khác chuyến, 2 người thì mua chung 1 gói cước hành lý ký gởi 15 kg giá 100 ngàn, vì mỗi người đã có 7 kg xách tay rồi. Tổng cộng 380.000 đ bay khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội, có điều như vậy là mua trước đến… 14 tháng. Với các bà O60 này thì 1 năm cũng đã có thể có nhiều thay đổi rồi, thành ra hẹn nhau từ 14 tháng trước mà đến ngày hẹn tụ hội đi được thì cũng là một cái duyên.
Lúc này mới hỏi nhau ra đó làm gì, chiều ngày thứ 1 bay ra, có trọn một ngày thứ 2, chiều ngày thứ 3 bay về, bàn nhau cái ngày trọn vẹn đó đi đâu xa xa, 2 ngày kia loanh quanh Hà Nội. Cả 4 bà đều muốn đi Yên Tử, 2 người chưa biết, 2 người đã đi từ năm 2005, chỉ mới có cáp treo lên đến chùa Hoa Yên thôi. Nhưng đã vài lần ra Hà Nội mà không đi được, có năm ra tháng 9, mưa gió sụt sùi làm sao leo núi, lần khác ra tháng 11 thì cáp treo đang ngưng để bảo dưỡng. Năm nay thời tiết không nắng, chỉ mưa bụi lay phay, cáp treo vẫn hoạt động, chân giò O 60 còn leo nổi lên đỉnh Yên Tử dù thật sự là vất vả, hoàn thành ý nguyện: Bái Phật trên non thiêng. Rồi đứng trên đỉnh núi mây mù nghe Mỹ Linh réo rắt Trên đỉnh Phù Vân, đó cũng là một cái duyên nữa.







Lần này cả hai ngày lang thang Hà Nội đều có ghé chùa. Buổi chiều đưa chị Quế - người rất ít biết về Hà Nội - ra Hồ Tây, ghé chùa Trấn Quốc, ngôi chùa được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội, đã 1.500 năm, dựng từ thời Tiền Lý (541-547), nguyên là chùa Khai Quốc.



Bỏ lại sự nhộn nhịp phố xá bên ngoài, nhà chùa dù đang đông người thăm viếng vẫn mang vẻ bình yên chốn tu hành. Một nữ thí chủ chậm rãi quét sân.



Chú chim sẽ nhỏ dù chân khách thập phương qua lại vẫn nhảy nhót  trên sân không bay đi.



Bóng ngói nóc chùa chiếu xuống những con cá đỏ yên lặng trong hồ.



Vẫn biết Phật tại tâm, nhưng đến chùa mà thấy lòng lắng lại thì nơi đó đúng là chùa, tôi nghĩ vậy.



Một buổi khác, đi tự do, chị Quế đi Hà Tây đến chùa Đậu nơi có 2 tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường. Chị Hải đi thăm người quen ở Ngã Tư Sở, nhìn bản đồ thấy gần chùa Bộc, vậy là tôi tháp tùng theo, vì đang rất muốn nhìn tận mắt tượng vua Quang Trung ở đây. Chùa ở phố Chùa Bộc thuộc quận Đống Đa.



Xưa kia chùa Bộc thuộc trại Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, còn có tên gọi là Thiên Phúc Tự hay Sùng Phúc Tự. Theo truyền thuyết, chùa Bộc được xây dựng từ rất lâu đời. Trong trận đánh quân Thanh tiêu diệt đồn Khương Thượng, chùa bị cháy, bị phá huỷ nặng nề. Sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã cho xây dựng, tôn tạo lại chùa. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, trong chùa có thờ tượng Đức Ông, có điều là tượng Đức Ông này còn có tượng hai tùy tùng ngồi bên dưới. Sau này, trong một lần quét dọn, chỉnh trang lại chùa người ta đã phát hiện ra dòng chữ ''Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng''  ở phía sau bệ tượng. Các nhà sử học đã xác định được Bính Ngọ là năm 1846. Người ta suy luận là để tránh nhà Nguyễn đang đàn áp khắp nơi diệt Tây Sơn, nhân dân đã bí mật đúc tượng vua Quang Trung đưa vào thờ với tên là tượng Đức Ông. Điều đáng chú ý của cụm tượng này là Vua Quang Trung với vẻ mặt nghiêm nghị, mình mặc hoàng bào, mang đai ngọc, mũ bình đính kiểu xung thiên, nhưng một chân đi hài, một chân để ra ngoài, cho thấy vua vừa trang nghiêm nhưng cũng ung dung, gần gũi với bên dưới. Còn hai vị đại thần Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở thì nghiêng mình như đang chờ lệnh, vua tôi rất gần gũi thân mật, đúng hình ảnh của một ông vua xuất thân từ nhân dân. Bảo tàng Tây Sơn ở Bình Định cũng đã phục chế một bộ tượng như vậy để thờ.







Sau chùa, có một cái ao đầy hoa súng, đó là dấu tích Hồ tắm tượng. Tương truyền trước đây hồ rộng bạt ngàn, khi nghĩa quân Tây Sơn hạ đồn Khương Thượng đã để cho đàn voi nằm, tắm ở đây. Từ đó hồ có tên là Hồ tắm tượng. Trải qua bao biến cố lịch sử, hồ giờ chỉ còn như một cái ao.



Đến chùa Bộc, gặp nguyên bản bộ tam tượng vua tôi Quang Trung, thấy di tích Hồ tắm tượng, lại là một cái duyên nữa với tôi.
Dù Hà Nội bây giờ đã dần trở thành quen thuộc, năm nào cũng nháng qua ít nhất 1 lầnđể đi đâu đó xa hơn, nhưng vẫn cứ thích lang thang nhìn nhìn ngó ngó. Ăn sáng có 2 buổi thì một buổi bát miến ngan bị nêm muối quá tay mặn ơi là mặn, vắt chanh vào chẳng cứu vãn được, thế mà nhìn qua bên đường lại thấy tấm bạt … cà phê Mắm (vì nằm trên phố Hàng Mắm), tự nhiên thấy mặn thêm, uống bao nhiêu là nước vẫn chưa vừa.



Nhưng sáng hôm sau trên vĩa hè Nguyễn Hữu Huân được bù lại đĩa bánh cuốn nóng tráng mỏng như lụa, mấy miếng chả quế xinh xinh, lá húng nhỏ thơm thơm.



Rồi cà phê Lâm lần nào ra cũng phải đến, vì ở đó thời gian như ngừng lại, lần nào bước vào cũng một cảnh y như thế, người ngồi uống cà phê với những cái bàn ghế thấp trông hệt bức tranh treo trên tường được vẽ từ mấy mươi năm trước.





Bước ra phố, sà xuống gánh hàng rong bán củ niễng, trám chua…





Ngó lên, những thúng hoa đằng sau xe đạp dập dềnh trước mặt.



Buổi chiều ở Hồ Tây, bên kia hồ là góc thành phố hiện đại với những cao ốc. Nhưng giữa lòng hồ mênh mông vẫn là những cái đăng bắt cá với chiếc ghe nhỏ.



Bên này hồ một cô bé ngồi đợi bạn, tay vẫn hý hoáy đan cái mũ len, tôi thích tưởng tượng ra xem ai sẽ nhận cái mũ len ấy: Bố, mẹ hay bạn trai?



Buổi chiều khác ở Hồ Gươm, đang canh Tháp Rùa qua những nhánh liễu rập rờn thì lại bỏ đi theo xem người ta chụp ảnh cưới.



Các cô dâu Hà Nội chụp ảnh cưới ở Hồ Gươm đều giống nhau áo dài trắng, quần lụa đen nền nã.



Nhìn yêu quá, vậy là đi theo chụp lén, có một cô dâu xinh như người mẫu.





Ngẫm nghĩ lại những ngày ít ỏi ra đây, có vẻ như thiên thời, địa lợi, nhân hòa… Vậy chắc là có duyên rồi!

2 nhận xét:

  1. He he he... Về Blogpsot cũng ... tùy duyên. Cám ơn bạn bè vẫn ghé qua nhà dù bụi bám nhện giăng.

    Trả lờiXóa
  2. Duyên tình của em với Hà Nội đâu đã hết. Còn trở lại Sơn Tây, còn đi nhìn lại bông tam giác mạch.

    Trả lờiXóa