Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

CUỐI NĂM NHÌN LẠI CHUYỆN... TUI CÓ BLOG

Trước đây tôi không nghĩ đến chuyện có một blog riêng cho mình, đơn giản là vì tôi không có nhiều thời gian rảnh, do tôi là một đứa ham chơi, khi còn đi làm lúc nào tranh thủ được là tôi lại xách ba lô đi lang thang, đến lúc về hưu, chân giò hơi rệu không đi nhiều được nữa thì tôi du lịch… trên mạng, có thời gian hai ba tháng liền tôi mải mê theo bước một anh chàng trung niên nhân cơ hội nghỉ làm đã đi phượt khắp vùng Trung Á ( kể cả những nơi đang có chiến sự). Rồi lại thêm việc lên net tìm sách online cho đỡ chi tiêu một khoản lương hưu, tìm được rồi thì mê mãi như đào được mỏ vàng, bởi vì đủ hết cả từ Victor Hugo, Lev Tolstoy đến Dan Brown, Sidney Sheldon…, từ Nguyễn Tuân, Hồ Biểu Chánh đến Nguyễn Ngọc Tư , Hồ Anh Thái…, truyện kiếm hiệp của Kim Dung gần như có đủ… Cho nên dù có hai bà chị Văn Khoa rất thân có blog từ hồi Yahoo 360 là Thu Nhân và Cỏ May nhưng tôi cũng chỉ chạy vô để đọc thôi vì không comment được. Lớp tôi chủ nhiệm hồi nẳm cũng làm một cái blog chung của lớp trên Facebook, và sẵn làm luôn cho cô một cái, nhưng tôi nghe hướng dẫn như vịt nghe sấm, thành ra chỉ đợi có ai viết lên tường nhà mình cái gì đó thì bên yahoo sẽ xuất hiện và tôi men theo đó về blog của tôi, chứ thật sự tôi không biết làm sao để vô nhà mình ở FB.

Vậy rồi tôi có một “cái nhà” ở Mul, nhân duyên là do một nhóm nhỏ Nữ sinh viên Văn Khoa muốn tạo ra một nơi để ghi lại tất cả những gì của một tình bạn đẹp đã có từ 40 năm nay, GÓC NHỎ VĂN KHOA ra đời với người chủ xướng và đã rất vất vả làm nên một cái nhà Văn Khoa xinh xắn là chị Thu Nhân. Muốn về nhà Văn Khoa thì cũng phải có blog, tôi cũng được một cái nhà, nhưng những ngày đầu tiên y như tôi bước vào rừng, và tôi biết chắn chắn là đã đi lạc (có dạo Mul bao giờ mà biết đường), nên tôi cứ… đi bừa, phước chủ may thầy có hôm tôi vô được nhà tôi, có hôm tôi lọt tuốt vô nhà hàng xóm, cũng may cư dân xóm Mul hiền lành không ai rầy rà chuyện tôi vô nhà ngó nghiêng rồi đi ra (thật ra tôi cũng có comment cám ơn chuyện cho tôi vô nhà nhưng mấy cái còm đó bay đi đâu mất tiêu tôi không biết). Không những vậy một em gái Văn Khoa đời 72 là Gioheomay còn sốt sắng làm giúp cho tôi một cái theme và banner thật dễ thương, lại còn cho mưa rơi trên tấm hình tôi ngồi bên cửa sổ. Vậy là sau khi có hộ khẩu xóm Mul chưa được 1 tháng tôi đã có một “cái nhà” rất điệu đàng y như chủ của nó.

Photobucket

GÓC NHỎ VĂN KHOA ăn đầy tháng thì xóm nhỏ Văn Khoa cũng hình thành trong lòng xóm Mul, ban đầu lơ thơ vài ba căn, các chủ nhân cũng y như tôi lúc ban đầu. Có ông anh Cả Văn Khoa nửa đêm đứng ngơ ngẩn giữa xóm rồi còm một cái ở nhà Văn Khoa hỏi: "Đây là đâu? Nhà tui đâu?", bây giờ ngày nào Mul giở chứng làm khó không đi xóm được là anh sốt ruột. Có một đại tỷ khác hiền lành hết sức, gần nửa tháng ngày nào cũng vậy đi vòng vòng quanh xóm, đến nhà ai cũng nghiêm túc đứng ở bên ngoài ngó vô, không dám bước vào, bây giờ nhà chị đông vui nhất xóm Văn Khoa vì bếp lúc nào cũng đỏ lửa và hoa lá ngoài vườn được chị mang sang tặng hàng xóm rất nhiều.

Xóm Văn Khoa bây giờ bắt đầu đông vui, tôi cũng được quen thêm nhiều bạn Mul thật dễ thương, nhiều bạn ngày nào cũng ghé qua nhà để lại một câu nhắn gì đó làm tôi thật vui vì thấy được quan tâm nhiều thế, các bạn hàng xóm lại có nhiều người rất tài hoa hoặc vui nhộn, tối tối đi một vòng quanh xóm thật thú vị .

Photobucket

Dù là đi xa tối đến cũng vẫn đỏ đèn online

Và lại là một hạnh duyên, từ bài thơ Lời hẹn dã quỳ hoa của Gioheomay, ngày 11-11-2011, đã có 10 cư dân xóm Văn Khoa và xóm Mul off  tại Đà Lạt ở nhà tôi, thật ra là đúng 11 người nếu bạn Kim Liên ở Di Linh tối hôm trước đó không bị cảm nặng. Các chị, các em không nề hà nhà tôi không rộng, trải nệm trên sàn để ngủ, TBT của GNVK còn không cần nệm nữa chứ, một bạn “bề thế” khác còn phải ngủ trên giường xếp. Nhà trên lưng đồi, leo dốc lên xuống không dễ dàng gì nhưng ai cũng tươi như hoa… Đà Lạt, căn nhà nhỏ của tôi trên xứ lạnh đã rất ấm.

Photobucket

Và tôi cũng bắt đầu viết blog, bắt đầu thả note, rồi tôi kịp nhận ra rằng có một nơi để trải lòng và được thông cảm, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi mừng vì cái tản đầu tiên mà tôi viết là một lời xin lỗi Sài Gòn, vì tôi áy náy thật sự, tôi sinh ra và lớn lên, làm việc và già đi  ở đây, cơm áo gạo tiền tôi làm ra từ Sài Gòn nhưng tôi lại… mê nơi khác. Ở Sài Gòn ra đường tôi che kín mặt mũi, mở miệng ra là tôi kêu than Sài Gòn đủ thứ chuyện, đến một lúc tôi nhận ra mình sai mất rồi thì vừa may có một cái nhà trên Mul đây để nói có thể nói lời xin lỗi một cách văn hoa mà không… bị mắc cở. Nhưng lúc tôi viết cái tản đầu tiên này tôi chưa biết post hình, thành ra nhà tôi bây giờ toàn hình nơi đẩu nơi đâu, còn hình Sài Gòn thì chưa có, để lời xin lỗi được trọn vẹn tôi đưa hình lên đây để thấy Sài Gòn rộng lượng lắm.

Photobucket

Photobucket

Cuối cùng cám ơn mọi người đã chịu khó đọc đến dòng cuối cùng tâm sự dài dòng mà chắc là chẳng có gì hấp dẫn của tui. CHÚC MỪNG NĂM MỚI

 Photobucket

.

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

NHỮNG NGÀY CỦA THÁNG 12

NGÀY MAI!

Tôi chính thức bước vào tuổi 59. Kể ra thì những năm khi bắt đầu là U 60 tôi thật tình không thích tháng 12, tháng đó có 1 ngày mà bước qua thì tuổi càng hoành tráng, lại còn thêm chỉ ít lâu sau, năm mới AL đến, vậy là thêm một tuổi mụ. Trời đất ơi! Chỉ trong vòng trên dưới 2 tháng mà thêm 2 tuổi liền, làm sao mà không sợ chứ: sợ già, sợ bịnh, sợ… chết. Nhưng càng về cuối tuổi U 60 càng bớt sợ, có lẽ vì sợ thì cũng vậy thôi, đã có một thằng nhóc tuổi mẫu giáo gọi là bà nội, học trò cũ thi thoảng về thăm đứa nào đầu cũng rắc muối, thậm chí có đứa dẫn cháu ngoại tới biểu thưa… bà cố, già thiệt rồi còn gì nữa mà… sợ, nghĩ được vậy rồi thì thấy tháng 12 cũng thú vị. Khi nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo thì hạnh phúc nhỏ lẫn khuất đâu đây quanh mình.

Ví d như

NGÀY HÔM NAY!

Nấu cái gì đó để đại gia đình tụ họp lại ăn. Thật ra bên cạnh những ngày giỗ chạp, còn thêm những ngày như thế này để có lý do quây quần với nhau. Sống trong cùng một thành phố nhưng nhà các em tôi ở đủ hướng Đông Tây Nam Bắc, người lớn lo đi làm, trẻ con lo đi học, thanh niên thiếu nữ ngoài đi làm, đi học còn đi chơi, không có cớ thì chẳng ai thấy mặt ai. Và người vui nhất những dịp này là Lão Phật Gia, bởi vì đó là những lúc mà Bà nhìn thấy đầy đủ 8 thành quả của đời Bà cùng với hậu duệ của chúng nó. Tôi là tác phẩm đầu tiên của Bà, tôi đạt được an nhiên bây giờ là cũng do Bà, với lại cũng không chỉ tôi mà mọi người trong nhà cũng thế – Kể cả Ông khi Ông còn sống – Bởi vì Bà là… cái thắng rất tốt của đại gia đình, bất cứ thành viên nào trong nhà bắt đầu bị lạc bước mon men đến gần vùng cấm thì lập tức có ngay thanh barie 80 năm vẫn còn tốt của Lão Phật Gia chặn đường ngay, vì thế nên chị em chúng tôi ngày nay mới được thế này.

 

Photobucket

 

NGÀY HÔM NAY!

Cửa hàng hoa theo thông lệ hàng năm cứ đến ngày này lại mang đến một giỏ hoa theo lời dặn từ ở một nơi xa. Nói như một lời tụng ở nhà chị Quế:

Nhìn hoa thấy vui, chính là buồn.

Nghĩ lại tưởng buồn, bỗng hóa vui…

 

Photobucket

 

NGÀY HÔM NAY!

Nhận được e-mail gởi một ca khúc mừng Xuân của ông anh cả Văn Khoa, nhận được tin nhắn, điện thoại của người thân, bạn Văn Khoa, bạn dạy học, bạn Mul, học trò cũ… chúc mừng ngày sinh. Bao nhiêu là người vẫn đang nhớ đến ta!

Còn như

NGÀY HÔM QUA!

Buổi trưa, 2 đứa bạn thân thời đi dạy đến lôi đi… ăn buffet ốc. Biết tôi thích ăn ốc, chúng nó cũng vậy, nhưng lớn tuổi rồi bác sĩ khuyên kiêng khem đủ thứ, thành ra thi thoảng cũng có cớ để không phải kiêng gì hết. Chính vì vậy mà kết thúc buổi ăn trưa gọi là mừng sinh nhật của tôi, trên cái bàn chỉ có 3 người – một ông và 2 bà đều suýt soát tuổi 60 – có đến 9 cái dĩa vì đã nếm qua đủ các loại ốc: ốc len, ốc hương, ốc nhảy, ốc vòi voi, ốc khế, ốc giác, chem chép, ngêu, sò huyết…

Buổi tối, một buổi tối mà một số bạn Văn Khoa và bạn Mul đã í ới gọi nhau chuẩn bị cả tuần nay cho Quan Thư đại tỷ và tôi, 2 người của hội dã quỳ có sinh nhật trong tháng 12. Rất tiếc vào phút chót chị Quan Thư có việc gấp phải về quê, thành ra tôi trở thành nhân vật chính của buổi tối này. Căn phòng rộng vẫn dành cho đến 10 người hát Karaoke bỗng hóa chật vì trên bàn nào hoa, nào bánh, nào quà, 2/3 các bạn tôi hôm ấy vừa chạy đến từ trường hay từ cơ quan.

 

Photobucket

 

Gioheomay như thường lệ đã sẵn máy ảnh và chụp rất nhiều cho buổi mừng sinh nhật này,

 

Photobucket

 

Minhtmap đã thửa một cái bánh tuyệt đẹp ở Grival, và còn nhiệt tình đến chở chị Quế đi, chị Quế mang theo rất nhiều bánh pía đặc sản Sóc Trăng.

 

Photobucket

 

Cô bé QuyAn khệ nệ vừa một giỏ hoa vừa một cái bánh vừa xinh vừa ngon vì là bánh bông lan bắp.

 

Photobucket

 

Photobucket

 

Chuột siu quậy công phu làm một khung  ảnh lớn hình Giaminh rất điệu trước nhà.

Photobucket

 

Cỏ May đã mất khá nhiều thì giờ để chọn ra được một cái túi xách vừa đủ xinh cho Giaminh điệu lại vừa đủ lớn để có thể bỏ cái laptop nhỏ vào khi đi Đà Lạt.

 

Photobucket

 

Thu Nhân, bà chị tội nghiệp, ở tận Bến Tre cũng online để tham gia, nhưng đã cút bắt nhau, khi Thu Nhân ở blog nhà thì cả hội vô Góc nhỏ Văn Khoa, và sau đó ngược lại, cứ vậy chúng ta đi tìm nhau. 

Các bạn tôi! Người nào cũng có một núi công việc phải lo hàng ngày, thì giờ với các bạn quý biết bao nhiêu, vậy mà các bạn vẫn dành cho tôi một buổi tối tuyệt vời với nhạc Trịnh Công Sơn, với hoa, với bánh và với ấm áp của tình bạn.

Photobucket

 

Và trưc đó…

NGÀY KIA! Rồi NGÀY ĐẦU THÁNG!

Một entry chúc mừng sinh nhật những người bạn bên nhà chị Haphan52, tôi cũng có mặt mà lại được chúc mừng đầu tiên dù chỉ mới mon men làm quen với chị Hà.

Và một tiệc online tưng bừng mừng sinh nhật tháng 12 của các bạn Văn Khoa do TBT nguoivankhoa thực hiện. Các bạn Văn Khoa, các bạn Mul quen thuộc đều gởi lời chúc vui đến những người có sinh nhật tháng 12, tôi được là một phần trong đó.

 

Mừng Sinh Nhật Minh An:

 Chúc Em Chân Cứng Đá Mềm, Tim luôn Tươi Nhuận
cho vườn trĩu nhánh Cà Phê, cho Dâu Tằm chín rộ,
cho Hoa Hiên tươi sắc, cho Tường Vi mãi níu lời hò hẹn
Cho những Ngày Hội Tình Bạn mãi rộn ràng

 

Photo Sharing


Cuộc đời đãi tôi đến thế còn mong gì hơn nữa! CÁM ƠN CHA MẸ! CÁM ƠN ĐỜI! CÁM ƠN NGƯỜI!
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Ở ĐÂY MÀ LẠI... NHỚ Ở ĐÂY!

Gần 3 tuần sau ngày dã quỳ rã hội, vườn nhà tôi có nhiều việc để làm, mùa mưa sắp hết và cỏ mọc tốt như rừng dưới vườn, phải thuê người cuốc cỏ. Cà phê chín nhiều rồi, tôi thích tự mình hái những trái cà phê đỏ như mặt trời nhỏ lấp lánh.

Photobucket

Photobucket

Tôi lại đổ dốc về nhà như thường lệ vì công việc, nhưng vừa mở cửa vào nhà, nhìn đến đâu thì lại nhớ đến đó…

Photobucket

Cái bàn nhỏ này, những ngày đó đầy ngập trên bàn: một túi chocola lớn, đủ loại của chị Thu Nhân, một hộp chocola đắng, 3 hộp bánh Grival của Minhtmap, gần đó là một giỏ bánh tét lá cẩm nhân chuối của chị Quế, một giỏ bánh cơm cháy chiên giòn của chị Quan Thư… Tóm lại là những thứ mà ngày thường các quý bà thường e ngại tránh đụng đến, nhưng những ngày đó tất cả đều tự cho phép mình không cần phải ăn kiêng.

Photobucket

Cái giường xếp này đã cưu mang Minhtmap 2 đêm ngủ ở đây, là nơi để Cỏ May được Minhtmap mát-xa chân, và vì những cái bàn hiếm hoi trong nhà đều chất đầy ắp đồ đạc bánh trái nên cái giường xếp này cũng là nơi để Gioheomay lướt net, Chụt và Minhtmap đổ hình vào máy tính, ở ngoài này đông vui hơn nên chẳng ai muốn mang máy vào phòng ngủ để làm.

Photobucket

Căn bếp nhỏ xíu này, nơi mọi người chen chúc pha cà phê buổi sáng, nơi Gioheomay tranh rửa chén và làm Giaminh thất nghiệp, Minhtmap cũng bắt chước dành rửa chén và đã… làm bể một cái tô (nhắc như một kỷ niệm chứ không có ý bắt đền em đâu nghe Mập). Là nơi Giaminh và Nhã Thảo nấu cháo gà, trộn gỏi gà, Cỏ May nấu bánh canh cua, Thu Nhân chiên cơm, nơi em bé Quyan nín thở gọt 5 trái susu vì lúc đó cô Giaminh cứ quanh quẩn trong nhà bếp liếc liếc, dòm dòm.

Photobucket

Hai cái bàn thấp làm nơi ăn cơm, ở đây mọi người đã nâng ly mừng hội ngộ, ở đây MM ngộ ra “ba lơn tắc hữu danh hài trị”…

Photobucket

Vẫn còn vỏ những chai rượu trong nhà, chai vang Brise de France của Chụt còn nửa chai, chai Vermouth Martini của Minhtmap đã hết sạch, chai Torley Charmant của Gió cũng hết - có ai đó nói đây là nước nho, nhưng chị Quế thì bảo là uống vào thấy muốn hơi…xỉn, hôm nay tôi nhìn kỹ thì có 12% độ cồn - thảo nào hôm đó dù là uống Martini, hay vang Pháp hay nước nho… có cồn, ai cũng như muốn… xỉn, ca hát vang một góc thung lũng nhỏ nhà tôi. Hôm nay xem lại trong tủ lạnh vẫn còn một chai Valentino.

Trong nhà nhớ chuyện trong nhà, bước ra sân nhớ những chuyện ngoài sân.

Photobucket

Bộ ghế đá này, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối mọi người quây quần ở đây, để uống cà phê, để nướng thịt bò, nướng khoai, để nói đủ thứ chuyện đời xưa và đời nay. Đây là nơi mà cây đàn guitar của MM đã làm sân nhà tôi lãng mạn hẳn lên. Đây là nơi Cỏ May “quân tử trả thù 40 năm chưa muộn…” với chị Quan Thư,  và đại tỷ hiền lành này cứ phải lấy khăn chấm nước mắt… vì cười.

Chỉ với cái góc sân nhỏ này, bao nhiêu phó nhòm và bao nhiêu máy ảnh, ít nhiều cũng khoe được với mọi người một góc Đà Lạt trăng. Bông hoa côban này hôm đó Chụt chụp chỉ mới hé vài nhánh nhỏ xíu trắng nhiều hơn tím, hôm nay đã tím ngát thế này rồi.

Photobucket

 Tôi ngồi viết entry này ngoài sân, chiều hôm nay hoàng hôn tím ngan ngát, nhớ làm sao những ngày dã quỳ hoa…

Photobucket

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Truyện HOA VIOLET NGÀY THỨ TƯ

 

Photobucket

ANDRÉ MOURIOS

- Ô kìa, bà Jenny, bà ở lại đi !

Trong suốt bữa ăn chiều, Jenny Sóocbiê thật là rực rỡ. Rực rỡ ta muốn nói ở đây tức là tài năng của người nữ nghệ sỹ sân khấu, như một nữ văn sỹ tài hoa đã viết, có cả huyền thoại và chuyện thực quyện vào nhau, được gắn chặt bởi lòng nhiệt thành không bao giờ cạn. Say mê, hứng khởi, bị chinh phục, các thực khách của Léon  Laurent đều có cảm giác được sống những giây phút khoái trá, lãng quên cả thời gian.

- Không thể được đâu ạ, đã gần 4 giờ rồi, và hôm nay là ngày thứ Tư ... Ông biết đấy ông Léon ạ, hôm nay là ngày tôi mang hoa violet đến cho con người đã từng yêu tôi tha thiết.
- Thật đáng tiếc, - Léon nói với giọng đứt quãng, làm cho không khí càng thêm long trọng. – Vâng, tôi biết rõ lòng chung thủy của bà ... tôi không dám nài.

Bà ôm hôn các vị khách nữ, cánh đàn ông ôm hôn bà, và bà ra đi. Ngay sau khi bà vừa bước ra, mọi người đều bật lên lời khen ngợi :

- Bà ấy thật phi thường! Bà ấy bao nhiêu tuổi rồi ông Léon ?
- Cũng sấp sỉ tám chục rồi. Hồi tôi còn nhỏ, khi mà mẹ tôi đưa tôi đến nhà hát kịch cổ điển Pháp thì Jenny đã nổi tiếng trong vai Xelimen rồi. Và tôi thì bây giờ chẳng còn trẻ trung gì nữa.
- Thiên tài không có tuổi, - Klerơ Mênetơriê nói - ... Còn câu chuyện về những bông hoa ấy ?
- Cả một thiên tiểu thuyết, một hôm bà đã thổ lộ cho tôi chứ bà không bao giờ viết. Nhưng tôi không muốn liều kể lại khi không có mặt bà ở đây. Rồi nó tam sao thất bản đi thì đáng sợ lắm
- Đúng thế, kể cũng thật đáng sợ nếu tam sao thất bản. Nhưng chúng tôi là khách của ông, ông phải kể gì để khuây khỏa chúng tôi và thay thế bà Jenny chứ, bởi vì bà ấy đã bỏ chúng tôi lại
- Thôi đành vậy. Tôi sẽ cố thử kể lại câu chuyện những bông hoa Violet ngày thứ Tư. Tôi sợ câu chuyện mang quá nhiều mầu sắc tình cảm so với thị hiếu của thời đại chúng ta.
- Không sao, - Béctơrăng Smít nói - Thời đại chúng ta đang đói tình cảm. Nó giả vờ ngổ ngáo chỉ để che dấu hoài vọng tình cảm của nó mà thôi.
- Ông cho là như vậy ? ... Thôi được ... Tôi sẽ làm đã cơn khát này... Các vị ở đây đều còn quá trẻ để có thể nhớ lại tiếng tăm lừng lẫy của Jenny trong suốt 1 thời gian dài như thế nào. Mái tóc vàng hung buông xõa trên đôi vai tuyệt đẹp, cặp mắt dài lúng liếng, giọng nói sắc, gần như lạnh lùng, bất chợt lại lặng đi vì xúc động; tất cả làm tăng thêm vẻ đẹp lộng lẫy kiêu kỳ!

- Ông vào đề hay quá, ông Léon ạ.

- Vâng nhưng khí không hợp thời... Dầu sao cũng xin cám ơn lời khen của ông... Bà ấy đoạt giải lần đầu ở Viện Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ vào quãng năm 1895, và sau đó biểu diễn trong Hý kịch Pháp. Kinh nghiệm cho tôi hay rằng cái nhà hát nổi tiếng này cũng khó tính lắm. Diễn viên biểu diễn ở đó phải có chức danh và họ giữ khư khư lấy chỗ của mình. Những vai phụ có tài nhất có thể phải đợi ở đó hàng chục năm trời trước khi được đóng vai quan trọng nhất của Marivô hay của Molie. Jenny, cô gái rất điệu đà ấy, đã vấp phải những người đàn bà quyền uy và dai như đỉa. Người phụ nữ khác thì đã nín nhịn mà giẫm chân tại chỗ hay sau hai năm đã chuyển sang một nhà hát khu phố nào đó. Jenny của chúng ta đã không như thế. Cô ấy đã tuyên chiến, huy động tất cả những gì cô ấy có : tài năng nghệ sỹ, học vấn, vẻ đẹp quyến rũ và mái tóc làm say đắm lòng người.

Rất nhanh, cô đã giành được ở nhà hát 1 chỗ đứng hàng đầu. Nhà cầm quyền kính nể cô. Các nhà đạo diễn kịch đòi cô đóng những vai khó mà như họ nói, chỉ có cô mới đóng được. Các nhà phê bình chẳng tiếc 1 lời nào để tán dương cô. Ngay cả con người gớm ghiếc Xác Vây cũng viết: "Cô ta có những điệu bộ, kiểu cách đến cá sấu cũng phải mê".

Cha tôi, người quen biết Jenny từ thời gian đó, đã nói với tôi rằng, cô ấy hết lòng say mê nghề nghiệp của mình, diễn xuất 1 cách thật thông minh và luôn tìm cách gây những hiệu quả mới làm người xem ngã ngửa ra. Khi đó kịch trượt vào 1 chủ nghĩa hiện thực ngây thơ. Trong 1 vở nào đó tôi không nhớ, Jenny phải chết vì ngộ độc, cô đã đi đến các bậnh viện để tìm hiểu các hiệu quả của thuốc độc. Còn về cách biểu diễn tình cảm thì cô tự nghiên cứu ở chính mình.

Bằng nghệ thuật của mình, cô đã chỉ rõ sự thiếu thận trọng của Banzac khi ông này đem vào một trong những cuốn tiểu thuyết của ông những ham muốn cá biệt của riêng ông, hoặc của người phụ nữ mà ông yêu.

Các vị làm gì mà chẳng biết ngay rằng một cô cái mới hai mươi hai tuổi, đẹp lộng lẫy và đột nhiên đạt tới vinh quang sẽ được biết bao người theo đuổi. Bạn đồng ngiệp, rồi các nhà viết kịch, rồi các chủ nhà băng cố thử vận may. Một trong số họ, Henry Stan, được cô ưa thích. Không phải vì ông ta giàu. Cô sống chung với gia đình và cũng chẳng đòi hỏi gì quá cao sang. Chàng trai ấy quả thật rất có duyên và nhất là anh luôn luôn bày tỏ ý muốn được cưới cô làm vợ... Các vị cũng biết là đám cưới này bị hoãn lại vì bố mẹ Stan phản đối. Ba năm sau mới thành, nhung rồi cũng chẳng đi đâu vì Jenny vốn quen sống tự do không thể tự khuôn mình vào cuộc sống vợ chồng. Nhưng đó lại là một chuyện khác. Chúng ta hãy quay về với nhà hát Hý Kịch Pháp, với bước đường vào đời của bạn bè của chúng ta và với...những bông hoa violet.

Các vị hãy hình dung cảnh phòng giải lao của các nghệ sĩ vào cái đêm mà Jenny đóng lại trong vở "Nàng công chúa thành Bátđa" của Dumas con. Vở kịch có những hạn chế của nó; và tuy đang ngưỡng mộ những vở có cấu trúc vững chắc khác của ông như "Nửa vòng thế giới", "Bạn của những người phụ nữ, Frăngxiông, cái ông Dumas thái quá lần này trong vở "Người xa lạ" và "Nàng công chúa..." cũng vẫn làm tôi buồn cười. Tất cả những ai đã xem Jenny trong vai này đều phải công nhận là cô đã là cho vở kịch giống thực hơn. Tôi vẫn thường nói điều đó với bà Jenny. Điều kỳ lạ là người nghệ sĩ đã tin vào những gì mình diễn. "Vào buổi ấy, - bà nói, - tôi luôn nghĩ gần giống như những nhân vật chính của ông Dumas và tôi thấy thật là kỳ cục khi đem phơi bày trước ánh sáng những gì đang diễn ra trong tôi, nơi sâu kín nhất trong tâm hồn tôi. "Cũng phải nói thêm là trong vai này, mái tóc buông xõa và đôi vai trần đã có tác dụng của nó". Tóm lại, cô đóng vai đó thật tuyệt vời.

Cô trở lại phòng giải lao giữa hai màn kịch, sau một tràng vỗ tay. Mọi người vây chặt lấy cô. Jenny ngồi xuống chiếc ghế con bên cạnh Henry Stan và nói huyên thuyên về thành công một cách hào hứng.
-Thế là thoát, anh Henry thân yêu...em lại nổi lên rồi! Cuối cùng em thở được...Anh đã nhìn thấy em ba hôm trước rồi đấy. Hôm đó em diễn tốt hơn có phải không nào?...Ùm một cái xuống tận đáy ao. Em ngạt thở...và tối nay... hấp! Một cố gắng phi thường, em nổi trên mặt nước! Henry ơi, anh nói đi, liệu em có bị mắc cạn ở màn cuối không, nếu như em không biết cách bơi đến bờ? Ôi trời ơi, trời ơi!

Người dẫn khách bước vào và trao cho cô bó hoa.
-Của ai đấy? À, phải rồi, của Xanh Lu...Tình địch của anh đấy anh Henry ạ...Hãy để vào lô của tôi.
-Thưa cô, còn có một lá thư nữa, - Người dẫn khách nói.
Cô mở bức thư, đọc và phá lên cười.
-Của một cậu học sinh trung học...Cậu ta nói với em là ở trường cậu đã xây dựng một câu lạc bộ Jenny.
-Cả câu lạc bộ đua ngựa cũng thành câu lạc bộ Jenny-Henry nói thêm
-Cái cậu học sinh trung học này làm em xúc động hơn -Jenny nói- Và lá thư này còn kết thúc bằng một bài thơ...Anh thân yêu, anh nghe nhé"
"Và sau hết, hãy tha thứ cho tôi vì vần thơ giản dị
Đừng khinh rẻ những vần điệu của tôi
Tình yêu tôi vô cùng chân thật. Cầu xin nàng,
Đừng tiết lộ gì với ngài Hiệu trưởng"

-Không đáng yêu sao hả anh?
-Em sẽ trả lời họ chứ?
-Tất nhiên là không rồi! Có đến hàng tá nhưng loại như thế trong một ngày. Nếu em trả lời hết thì em còn làm được gì nữa. Nhưng mà điều này làm em yên tâm. Những người hâm mộ ở lứa tuổi mười sáu này; em sẽ giữ hộ được lâu hơn.
-Đã chắc gì,..Ba mươi tuổi, họ sẽ trở thành những ông chưởng khế.
-Nhưng vì sao những ông chưởng khế lại không tiếp tục hâm mộ em?
-Vẫn còn cái này nữa, thưa cô - Người dẫn khách nói.

Ông ta đưa cho Jenny một bó hoa Violett.
-ôi, xinh qua, anh Henry nhìn này...Không có danh thiếp a?
-Không, thưa cô...Người gác cổng nói lại với tôi là một chàng học viên trường sĩ quan pháo binh và công binh mặc đồng phục đã đưa đến chỗ ông ta.
-Em thân yêu -Henry Stan nói- anh có lời khen em đấy. Làm xúc động những "Cái đầu đầy ẩn số" ấy không phải dễ đâu.

Cô ngửi mãi mùi hương hoa Violet.
-Thơm quá,... đây mới chính là lời khen ngợi khiến em vui lòng...Em không yêu đám khán giả chín chắn và vô tình; họ đến xem em chết vào buổi tối cũng như buổi trưa họ đi ra quảng trường hoàng cung để nghe đại bác vậy.
-Đám khán giả nhẫn tâm -Stan nói- Họ luôn luôn là như vậy. Họ thích các trò xiếc...Thành công thật là mỹ mãn, nếu như một nữ diễn viên có thể nuốt được hàng trăm chiếc kim!
Cô bật cười
-Và người nuốt được chiếc máy khâu sẽ là tột đỉnh vinh quang.
Bên ngoài khán giả kêu ầm ĩ: "Diễn tiếp đi!" Jenny đứng dậy:
-Thôi nhé, chờ em một lát. Em đi nuốt nốt trăm chiếc kim của em đây.
Và thế đấy, theo như Jenny kể lại, thiên tình sử bắt đầu.

Thứ Tư sau, vào giữ giờ giải lao, người dẫn khách lại đưa cho Jenny một bó hoa violet, miệng tủm tỉm cười.
-Sao, lại của anh chàng học viên sĩ quan của tôi à?
-Vâng, thưa cô.
-Trông anh ấy thế nào?
-Tôi cũng không biết. Cô nên hỏi người gác cổng.
-Không, cũng chẳng có gì quan trọng lắm.

Tuần sau nữa, cô không diễn vào tối thứ Tư, nhưng khi cô đến rạp ngày thư Năm để tập thì đã thấy bó hoa violet có hơi héo ở trong lô của mình rồi. Khi ra về, dừng lại, cô hỏi người gác cổng.
-Ông Bécna, hoa violet của tôi là thế nào đấy? Vẫn là của anh chàng trẻ tuổi đấy à?
-Vâng, thư cô...đây là lần thứ ba.
-Anh ta giống ai, anh chàng học viên sĩ quan ấy mà?
-Anh ta thật dễ thương...dễ thương lắm...có hơi gầy một chút, má hõm, mắt quầng thâm. Có hàng râu con kiến. Một chiếc ống nhòm...Trông anh ta hơi kỳ quặc với chiếc kiếm bên người... Xin thề với cô là anh chàng này say đắm lắm. Anh ta trao cho tôi bó hoa và nói""Tặng cô Jenny Soocbie" và mặt anh ta đỏ ửng lên.
-Tại sao anh ta lại cứ đến vào ngày thứ Tư?
-Cô không biết sao? Thứ Tư là ngày họ được phép đi ra ngoài. Thứ Tư nào các bồn hoa và hành lang không đông nghịt những học viên sĩ quan, một người dẫn thêm một cô gái trẻ.
-Anh chàng của tôi cũng có chứ?
-Vâng, thưa cô, nhưng là chị của anh ấy. Họ giống nhau đến kỳ lạ.
-Chàng trai tội nghiệp! Ông Bécna, nếu tôi dám, tôi sẽ báo với ông cho anh ta lên chỗ tôi ít ra là một lần, để anh ta có thể tận tay trao hoa cho tôi.
-Thế hả, quả thực tôi chẳng dám khuyên cô như vậy đâu...Những chàng trai si tình ấy, chừng nào mà ta không tỏ ra quan tâm đến họ thì chưa có gì là nguy hiểm cả. Họ đứng từ xa mà chiêm ngưỡng các nữ nghệ sĩ, như thế họ cũng đã mãn nguyện lắm rồi... Ta chỉ hơi tỏ ra quan tâm đến họ một chút thôi, thế là họ bám chặt ngay lấy, lúc đó tình huống sẽ trở nên kinh khủng...Ta cho họ ngón tay, họ sẽ đòi cả bàn tay...Ta cho họ bàn tay, họ sẽ đòi cả cánh tay...Vậy đấy cô ạ, cô đừng cười, tôi có kinh nghiệm về chuyện này lắm rồi...Tôi ở đây đã hăm lăm năm nay. Tôi, tôi đã nhìn thấy ở ngay trong lô này khối cô gái si tình...và những chàng trai gàn dở...và cả các quý ông già nua nữa chứ... Tôi luôn luôn nhân hoa, nhận thiếp, còn cái chuyện để cho họ lên thì dứt khoát là xin đừng.
-Ông nói đúng đấy, ông Bécna ạ...Chúng ta cần phải lạnh lùng, cẩn tắc và có khi phải tàn nhẫn nữa.
-Đâu phải là tàn nhẫn hở cô. Lý trí đấy chứ.

Nhiều tuần lễ đã trôi qua. Cứ một thứ Tư, Jenny lại nhận được một bó hoa. Bây giờ cả rạp biết chuyện. Một nữ diễn viên nói với Jenny:
-Tôi đã nhìn thấy anh chàng học viên sĩ quan của chị rồi. Anh ta có khuôn mặt đẹp, trông thật lãng mạn. Một chàng trai sinh ra để diễn "Bỡn cợt" hoặc "Người bán nến"
-Sao chị biết đó là anh chàng của tôi?
-Tại vì tình cờ tôi có mặt chỗ người gác cổng khi anh ta đưa hoa đến và rụt rè nói:"Xin ông cho gửi tặng cô Jenny Soocbie." Thật cảm động. Hẳn là anh chàng này thông minh lắm. Anh ta sợ mọi người chê mình kỳ quặc, tuy nhiên lai không nén nổi lòng mình...Đã có lúc, tôi cứ tiếc là anh ta không đến vì tôi; tôi sẽ cảm ơn, sẽ an ủi anh ta. Mà chị phải nhớ là anh ta không đòi một cái gì đâu nhé, kể cả việc được gặp chị. Nhưng nếu tôi ở vào địa vị của chị...
-Chị sẽ tiếp anh chàng chứ?
-Đúng thế, một lát thôi...Đã bao năm nay. Rồi sẽ đến lúc nghỉ hè. Chị sẽ ra đi...Chẳng sợ anh chàng bám dài đâu...
-Chị nói đúng. Thật là điên rồ nếu ta rẻ rúng những người hâm mộ lúc này còn đông và còn trẻ, để đến ba mươi năm nữa ta chạy theo họ khi họ chẳng còn được mấy người và đã già khú đế ra rồi.

Tối hôm đó, khi ra về, Jenny nói với người gác cổng:
-Ông Bécna ạ, thứ Tư tới, khi anh chàng học viên sĩ quan mang hoa đến thì ông bảo với anh ta mang hoa lên chỗ tôi nhé, sau màn ba nhé...Tôi diễn vở Midăngtrốp. Tôi không phải thay trang phục. Tôi sẽ lên lô của tôi và tiếp anh ấy... Không, tôi đợi anh ta ở hành lang, dưới chân cầu thang,... hay ở trong phòng giải lao vậy.
-Vâng, nhưng cô không e ngại gì à?
-Có gì phải ngại? Mười ngày nữa tôi đã đi. Vả lại, lúc đó chàng học viên này bị nhà trường nhốt chặt rồi còn gì.
-Vâng...Tôi...điều tôi muốn nói là...

Thứ Tư sau, Jenny đóng vai Xelimen, mặc dù không cố ý, vẫn có vẻ như khao khát muốn được làm đẹp lòng con người chưa quen biết. Giờ nghỉ, khi vào hậu trường, cô có cảm giác bị cuốn hút, gần như lo âu. Cô ngồi ở phòng giải lao và đợi. Một vài người quen lượn lờ xung quanh. Ông giám đốc thì đang nói chuyện với Blăng Pecxong, lúc bấy giờ đang là tình địch của Jenny. Mãi chẳng thấy bộ quân phục màu vàng đen xuất hiện. Mỗi lúc cảm thấy một bồn chồn, rồi không giữ nổi kiên nhẫn, cô chạy đễn chỗ người dẫn khách:
-Không ai hỏi tôi sao?
-Thưa cô, không.
-Hôm nay đúng là thứ Tư, thế mà tôi chẳng hề nhận được những bông hoa violet. Hay là ông Bécna quên không đưa lên chỗ tôi?..Hoặc giả có sự nhẫm lẫn nào chăng?
-Nhầm lẫn? Nhầm lẫn thế nào được ạ, cô có cần tôi đến tận chỗ người gác cổng để xem lại không ạ?
-Vâng, ông vui lòng đi giúp...Nhưng mà thôi. Để tôi đi hỏi ông Bécna.

"Thế quái nào mà"..cô tự chế nhạo mình. Suốt sáu tháng trời mình hầu như không hề để ý đến tấm lòng thủy chung kín đáo ấy, thế rồi bỗng nhiên, vì không thể cứ hững hờ mãi, bây giờ mình lại bối rối như chờ đón người yêu...Ôi, Xelimen, cô sẽ luyến tiếc Anzét biết bao, khi chàng từ biệt cô với nỗi đau buồn.

Sau buổi diễn, cô bước vào buồng người gác cổng.
-Thế nào ông Bécna, người tình đầu tiên của tôi đâu, sao ông vẫn chưa cho anh ấy lên chỗ tôi?
--Thưa cô, cứ như thể là cố tình ấy. Hôm nay anh ta không đến...Lần đầu tiên cô nhận tiếp anh ấy, thì cũng là thứ Tư đầu tiên kể từ sáu tháng nay, anh ta không đến.
-Thật kỳ lạ! Ông có nghĩ là anh ta có thể được báo trước và sợ không dám đến không?
-Chắc chắn là không, cô ạ...Không ai biết là cô và tôi...Cô không nói gì. Còn tôi, tôi cũng không hề nói gì, ngay cả với vợ tôi...
-Thế ông giải thích việc đó như thế nào?
-Tôi chịu...Có thể là do ngẫu nhiên. Có thể anh ta nản chí. Có thể anh ta ốm...Thử chờ đến thứ Tư sau xem thế nào.

Nhưng thứ Tư sau, vẫn chẳng thấy chàng học viên sĩ quan, cũng chẳng thấy hoa violet.
-Làm thế nào bây giờ, ông Bécna? Liệu có thể nhờ đám bạn bè tìm anh ta không?...Hay nhờ ông hiệu trưởng?
-Nhưng bằng cách nào, ngay cả tên anh ta, chúng ta cũng có biết đâu?
-Ừ nhỉ... thật chán quá! Thế là hỏng hết rồi!
-Không đâu cô ạ...Năm tháng còn dài. Cô sắp đi biểu diễn ở các nơi, còn thành công nhiều...Có gì là hỏng đâu hả cô?
-Ông nói đúng. Tôi thật là một kẻ vô ơn...Chỉ vì tôi yêu những bông hoa violet ngày thứ Tư quá đấy mà.
Ngày hôm sau, cô tạm biệt Pari, Henry Stan vẫn đi cùng với cô. Ở khách sạn, buồng nào của Jenny cũng đầy hoa hồng. Khi trở lại Pari, cô đã quên chàng sĩ quan lãng mạn của mình.

Một năm sau, cô nhận được một lá thư của ông đại tá Jơnơvie nào đó, xin đựoc gặp vì công việc riêng. Một bức thư hoàn toàn đứng đắn. Không có lý do gì để chối từ cuộc gặp gỡ. Jenny mời ông đại tá đến nhà cô vào một buổi chiều thứ bảy. Ông đến với bộ quần áo thường phục màu đen. Jenny đón tiếp ông bằng vẻ duyên dáng thường thấy trên sân khấu hơn là trong cuộc sống bình thường, nhưng trong thái độ của cô, tất nhiên, vẫn toát lên một câu hỏi ngầm: "Vị khách chưa quen này muốn gì đây?" Cô chờ đợi.
-Xin cảm ơn cô đã tiếp tôi, tôi không thể nào giải thích qua thư mục đích cuộc viếng thăm này. Nếu như tôi đã tự cho phép mình xin gặp cô, thì xin cô hiểu cho rằng đó không phải là một người đàn ông có ý nghĩ táo bạo ấy, mà là một người cha... Cô trông thấy tôi mặc đồ tang đấy. Tôi để tang đứa con trai tôi, trung úy Andre Jơnơvie, chết tại Mađagasca cách đây hai tháng.
Jenny làm một cử chỉ dường như muốn nói: "Xin chia buồn cùng ông với tất cả tấm lòng, nhưng..."
-Cô không biết con trai tôi...Tôi biết mà...Nhưng nó biết và ngưỡng mộ cô...Điều này với cô, có vẻ như khó tin...nhưng tất cả những gì nói sau đây đều là sự thật...Cô là người mà con tôi ngưỡng mộ và yêu mến nhất trên đời này...
-Tôi sợ là tôi không thể hiểu được...ngài đại tá ạ. Anh ấy nói với ngài như vậy à?
-Với tôi ư? Không...Nó đã nói điều đó với chị nó, người bạn tâm tình của nó...Mọi chuyện bắt đầu vào cái hôm hai chị em nó đi xem "Trò chơi của tình yêu và của Ngẫu nhiên" Các con tôi về nhà nói đến cô một cách hào hứng: "Sự e thẹn thật là tinh tế", "Lời thơ thật là xúc động"...Hàng nghìn điều khác nữa, mà tôi tin là có thật. tôi không hề nghi ngờ một chút nào, nhưng những điều ấy chỉ có thể có với nhiệt tình của tuổi trẻ, lòng khát khao lý tưởng...Con trai tội nghiệp của tôi vừa mơ mộng lại vừa lãng mạn.
-Trời ơi! Vậy chính là chàng trai...-Jenny thốt lên.
-Vâng, thưa cô, người học viên mà mỗi thứ Tư trong cả một năm trời đã mang đến cho cô những bó hoa violette, chính là André, con trai tôi...Cả điều này nữa tôi biết được cũng là do con gái tôi...Tôi hy vọng cái trò trẻ con ấy, như một lời ca ngợi không làm cô phật ý. Nó yêu cô ghê gớm, cô, hoặc cũng có thể là hình ảnh mà nó tạo nên từ cô... Chị của nó đã phải chạy vạy vất vả để có thể kiếm thêm được cho nó những bức ảnh của cô từ những người thợ ảnh...Ở trường nó bị bạn bè chế giễu vì tình yêu này...Họ bảo nó: "Vậy thì sao không viết thư cho cô ấy đi."
-Thế tại sao anh ta không viết?
-Nó đã viết, cô ạ, tôi có mang đây cho cô một chồng thư chưa bao giờ gửi mà chúng tôi đã tìm thấy sau khi nó mất đi.

Ông đại tá lấy từ trong túi ra một bó thư và đưa cho Jenny xem. Về sau bà có cho tôi xem, nét chữ nhỏ, thoắng, khó đọc...Kiểu chữ của những nhà toán học, cách hành văn của một nhà thơ.
-Xin cô hãy giữ những lá thư này, nó là của cô... Và xin cô hãy tha thứ cho chuyện kỳ quặc này...Tôi nghĩ là vì bổn phận của tôi đối với kỷ niệm của con trai tôi...Trong tình cảm mà cô đã khơi dậy trong nó, không có gì là thiếu tôn trọng hay dễ dãi. Với nó, cô là biểu hiện của sự hoàn nảo và duyên dáng...Và tôi xin cam đoan với cô là André cũng xứng đáng với tình yêu cao cả của nó.
-Nhưng tại sao anh ấy không đòi được gặp tôi? Tại sao bản thân tôi cũng không tìm cách để gặp anh ấy?...Tôi thật đáng trách. Tôi thật đáng trách quá...
-Đừng tự trách móc mình, cô ạ. Cô đã không thể tưởng tượng ra...Nếu như khi ra trường, Andre xin được phân đi Madagascar, đó chính là vì cô, chắc chắn là như vậy...Đúng thế, nó đã nói với chị nó: "hoặc là em sẽ thoát khỏi tình yêu vô vọng này do xa cách, hoặc em sẽ làm nên sự nghiệp, và khi đó..."
-Đó không phải là những điều vĩ đại sao, lòng chung thủy ấy, tình kiên nhẫn ấy, và sự kín đáo ấy!-Jenny thốt lên.
Ông đại tá đứng lên. Jenny cầm lấy tay ông.
-Tôi nghĩ là tôi đã không làm điều gì xấu, tuy nhiên... có lẽ tôi cũng phải có bổn phận đồi với người đã khuất, than ôi, vong hồn chưa được thỏa...Hãy nghe tôi, ngài đại tá, xin ngày hãy nói cho tôi biết nơi con trai ngài được chôn cất...Tôi xin thề với ngài là cho đến cuối đời, tôi sẽ đến, vào mỗi thứ Tư, đặt trên nấm mộ của anh ấy một bó hoa violette.

-Và đó là lý do tại sao-  Léon Laurent kết luận-lý do tại sao trong suốt cuộc đời mình, Jenny của chúng ta trở nên hay hoài nghi, cảm thấy vỡ mộng, một vài người thậm chí còn nói là trắng trợn, và con người đó cứ mỗi thứ Tư, lại từ bỏ bạn bè, công việc, và đôi khi cả tình yêu để một mình đi đến nghĩa trang Monparnasse, đến bên nấm mộ người trung úy không bao giờ quen biết...Các vị có thấy là tôi có lý không, khi tôi nói rằng câu chuyện này là quá đậm màu tình cảm đồi với thời đại chúng ta.

Một phút im lặng, rôi Betran Smit nói:
-Vẫn luôn có những điều thơ mộng trên đời này cho những ai xứng với nó.

 

Photobucket

 

 

Đọc tiếp ...

Quán cà phê sách HOA VIOLET NGÀY THỨ TƯ

Photobucket

Photo by Gioheomay

Hội ngộ dã quỳ chỉ có 3 ngày, chúng tôi đến quán cà phê sách Hoa violet ngày thứ tư những hai lần. Đó là một trong những ngôi biệt thự xưa kiểu Pháp nằm trên đường Trần Hưng Đạo, có một khung cửa sổ với dây leo xanh mà ai cũng muốn ghé vào để chụp ảnh. ( Nhưng tấm ảnh đẹp nhất đã được chụp ở đây có lẽ là ảnh Quỳnh Trang trong entry John vàng và áo hồng cánh sen ở nhà Chuột siu quậy).

Photobucket

Photo by Minhtmap

Có một chiếc xích đu xinh xắn mà ngay lúc này bụi dã quỳ phía sau đã làm cái góc đó không thể nào hoàn hảo hơn được.

Photobucket

Photo by GM

Có những kệ sách rải rác trong phòng uống cà phê

Photobucket

Photo by GM

Trước khi đi đến đó một người bạn trong đoàn đã hỏi tôi về tên của quán, tôi đã láu táu giải thích đó là tên một truyện ngắn lãng mạn của tác giả người Pháp ANDRÉ MAUROIS. Và tôi đã nhanh nhẩu kể tóm tắt truyện ngắn đó trong vòng 5 phút trong lúc xe đưa chúng tôi đi một vòng quanh hồ Xuân Hương:

Có một anh lính say mê một cô ca sĩ nổi tiếng, chiều thứ tư nào anh cũng mang đến nhà hát tặng cô một bó hoa violet, nhưng chẳng bao giờ đến gần được vì có rất nhiều người giàu có vây quanh nàng, tuy nhiên những bó hoa violet chiều thứ tư đều đặn cũng làm cô để ý dù chỉ thoáng qua, cho đến một ngày cô chợt nhận ra không có hoa violet cho mỗi chiều thứ tư nữa, nhưng chỉ ưu tư thoáng chốc rồi cô cũng quên đi vì quanh cô lúc nào cũng đầy quà tặng. Cho đến một ngày cha của người lính trẻ đến trao lại cho cô nhật ký của anh vì anh đã hy sinh. Cô đọc nhật ký và ân hận vì nỗi vô tình của mình, từ đó cho đến 50 năm sau khi tóc đã bạc phơ mỗi chiều thứ tư cô vẫn mang một bó hoa violet đến mộ anh lính trẻ...

Sau khi dứt lời, tôi nhận ra ngay là tôi đã kịp... giết nhà văn André Maurios một lần nữa! Làm sao mà lại có thể tóm tắt một truyện ngắn hay như thế chỉ trong 5 phút cơ chứ. Tôi tiếc lắm, tôi rất thích truyện ngắn này và trong 5 phút láu táu đó có thể tôi đã làm cho ít nhất 7 độc giả ngồi trên xe thờ ơ với Hoa violet ngày thứ tư vì cái việc tóm gọn rất ư là không lãng mạn như thế.

Trở về Sài Gòn, tôi tìm trên kệ sách, có một cuốn Hoa violet ngày thứ tư, tôi mua từ năm 1999, sách đã ngả vàng, nhưng làm sao khi chỉ một cuốn sách mà có rất nhiều bạn.

Photobucket

Tôi đi tìm trên mạng, và thật là may ! Một bạn đọc tên NGUYỄN YÊN SƠN, có lẽ anh rất mê nhà văn André Maurois, anh đã kiên nhẫn ngồi gõ lại hầu hết các truyện ngắn của nhà văn và đưa lên đường link:

 vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=486559

để mọi người có thể đọc.

Nhưng tôi vẫn muốn giới thiệu cho các bạn tôi truyện ngắn này nên rất cám ơn và xin phép anh Nguyễn Yên Sơn cho tôi mang về nhà tôi.

 

Photobucket

Photo by Trần Đức Tài

Nếu sau entry này mà các bạn vẫn thấy thích thì xin mời đọc Hoa violet ngày thứ tư tôi đã để sẵn trong nhà tôi.

  

 

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

THÁNG 11... NHỚ NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐI DẠY HỌC

Năm 1975, tôi có hai năm học bổ túc dành cho tất cả những ai đã học các môn Khoa học Xã hội và tôi ra trường Sư phạm năm 1977, thời gian chờ quyết định nhận nhiệm sở là lúc lớp tôi liên tục tổ chức tiệc chia tay… Sài Gòn. Hôm thì nhà đứa này nấu cháo huyết, hôm thì nhà đứa kia chiên bánh cay…, bởi vì theo như những lời đồn thổi thì sẽ có 80% giáo sinh ra trường về các tỉnh phía Nam nhận nhiệm sở. Riêng tôi thì gia đình cũng chuẩn bị tư tưởng cho tôi khá kỹ về chuyện đi dạy học xa nhà, ba tôi mua cho tôi một bộ tiểu thuyết Xa Mạc-Tư-Khoa khổ 20x12 dầy cộp, má tôi soạn đi soạn lại những đồ đạc cần đem theo, tôi thì liên tục viết lưu bút chia tay bạn bè... Nhưng bộ Xa Mạc-Tư-Khoa tôi đọc vừa xong thì lại nhận quyết định dạy học tại Sài Gòn. Ngôi trường mà trước đây ngày nào tôi cũng đi ngang qua và chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ dạy học ở đây.

 Ngày 15-4-1977, tôi đi nhận nhiệm sở, tôi chọn cái áo dài lụa trắng thích nhất để mặc, kết quả là bác bảo vệ không cho tôi vào… vì không có phù hiệu, sau khi biết là giáo viên bác đã rối rít xin lỗi, tôi cười vui vẽ nói không có chi nhưng tự nhủ tôi sẽ chỉ mặc áo dài màu khi đi dạy.

 

Photobucket

 

 

Ngôi trường cả cấp II và cấp III, khoảng trên dưới 250 lớp và có gần 300 giáo viên, những ngày đầu tôi gần như không dám vào phòng giáo viên, kiếm cớ lân la ở thư viện. Đông giáo viên như vậy mà vẫn thiếu nên tôi được phân công buổi sáng dạy khối lớp12 và buổi chiều khối lớp 7. Rút kinh nghiệm chuyện áo dài trắng, giờ đầu tiên lên lớp, một lớp 12 khối D, tôi mặc áo dài tơ vàng, tóc bới cao cho giống… mệ, khi chuông reng báo giờ lên lớp, chắc nhìn mặt tôi thấy ngơ ngơ tội nghiệp, một đàn anh cùng tổ bộ môn chuyên ngậm píp thuốc lá trong giờ ra chơi cho tôi một lời khuyên: “Muốn nói cho bọn cấp III này nghe lời thì em phải nhìn vào mắt chúng nó mà nói nhé, nhìn tránh đi chỗ khác thì em không dạy nổi chúng nó đâu”. Tôi mang theo lời tư vấn đầu tiên, bước những bước chân nhẹ nhàng lên lớp, gót giày cao gót nghe lốp cốp các bậc cầu thang. Tôi vừa xuất hiện ở cửa lớp, bọn học sinh đồng loạt đứng dậy, lô nhô… như một cái rừng, tôi đĩnh đạc bước lên đầu bục giảng ở cửa lớp để đi lại bàn giáo viên, trong khung cảnh im ắng đó ở cuối lớp bỗng vang lên một câu “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, và tiếp theo là sự yên lặng, không một tiếng cười khúc khích lẽ ra phải có, cha mẹ ơi, cái bục giảng nằm theo chiều ngang lớp chỉ độ 10 m, nhưng tôi đi hoài mà chẳng thấy đến được bàn giáo viên, chân chỉ chực khuỵu xuống, đôi giày cao gót gõ lốc cốc kiêu hãnh vài phút trước đây bây giờ chỉ làm tôi muốn… té. Bước được đến bàn giáo viên tôi phải đứng dựa vào bàn để trấn tĩnh, và bây giờ cái rừng người đó đều đồng loạt ngước nhìn tôi với ánh mắt ngây thơ… vô số tội, thật tình tôi chỉ muốn tránh nhìn chúng nó, nhưng nhớ lời đàn anh ngậm píp, tôi cố nhìn thẳng vào học sinh, chúng nó cũng nhìn tôi, chân tôi run và suýt chút nữa tôi đã nhìn tránh đi nơi khác, may là có cái bàn cho tôi tựa vào, cô trò nhìn nhau chỉ vài giây nhưng tôi thấy dài lắm, tôi đã định bỏ cuộc… nhìn vào mắt nhau này. Nhưng may quá, chúng nó đã cụp mắt xuống, tôi không rầy rà tiếng nào mà chỉ gật đầu chào và nhỏ nhẹ cho các em ngồi xuống (còn sức đâu mà la rầy gì nữa, tôi chỉ mừng vì thoát được chuyện… nhìn nhau), suốt tiết dạy đầu tiên đó tôi hầu như chỉ giảng và cố viết lên bảng càng ít càng tốt, để tránh xoay lưng ra lớp, lý do là… lưng áo tơ vàng của tôi ướt đẫm mồ hôi. Chấm dứt giờ dạy, chuông ra chơi vang lên, bước ra khỏi lớp tôi chạy về phòng giáo viên và vào ngay toilet… để khóc. Chủ nhật tuần đó nhà tôi có một đoàn học sinh lộc ngộc lố nhố đến thăm, nhìn ra cổng nhà, tôi lại toát mồ hôi, nhưng hóa ra là các em đến xin lỗi.Thì ra chúng nó bắt cá với nhau xem cô giáo mới ra trường sẽ phản ứng ra sao: nam sinh thì cá là tôi sẽ khóc, nữ sinh cá là tôi sẽ… chửi. Cuối cùng chúng nó thán phục: “Cô ngon lành quá, coi cái vụ đó như phủi bụi”. Dĩ nhiên tôi dấu nhẹm chuyện khóc trong toilet. Má tôi rất vui vì mới đi dạy đã có học trò đến thăm, bà tốn hết cả nồi chè bo bo đậu đen đường tán cho chúng nó.

Nhưng có lẽ vì thế mà cô trò chúng tôi trở nên tâm đầu ý hợp. Và tôi say sưa với chuyện dạy học của mình, nửa năm học đầu tiên 1977-1978, bởi tính nhiều chuyện, tôi hay thêm thắt vào bài giảng những chuyện không có trong sách giáo khoa: Giảng bài chiến thắng Hà Hồi - Ngọc Hồi, trên bản đồ tôi còn chỉ thêm một con đường ngược từ Thăng Long về Phú Xuân mà ngày mùng 5 Tết, Quang Trung theo đó gởi về cho vợ một cành đào để công chúa Ngọc Hân đỡ nhớ quê nhà. Trong cuộc chiến Nguyên Mông, sách giáo khoa chẳng có chữ nào về danh tướng Phạm Ngũ Lão, tôi cũng mất thêm 5 phút quý báu của 1 tiết lên lớp để kể chuyện ông ngồi đan sọt mãi lo nghĩ chuyện nước mà giáo đâm vào đùi chảy máu cũng không hay. Hoặc bài người nông dân áo vải chống quân Minh tôi phải rán chứng minh cho học sinh thấy cụ Nguyễn Trãi làm quân sư cho Lê Lợi cũng không kém chi Gia Cát Lượng phò Lưu Bị với chi tiết cụ cho lấy mật mía viết từng chữ lên lá cây rồi bỏ vào rừng cho kiến đục thân lá, sau đó thả xuống suối, người dân nhặt được lá xếp lại thành ra câu sấm truyền “Lê Lợi vi quân – Nguyễn Trãi vi thần”. Tóm lại thường thì khi tiếng chuông ra chơi hoặc chuyển tiết vang lên, hành lang nhộn nhịp giáo viên, học sinh qua lại thì lớp tôi dạy lúc nào cũng im ỉm cửa vì tôi đang… cháy giáo án bên trong. Học kỳ I kết thúc, chuyện thường xuyên cháy giáo án của tôi bị nêu ra, Khối thì sợ mất điểm thi đua,Tổ bộ môn sợ mất chỉ tiêu tiên tiến… Tôi được Ban Giám Hiệu mời làm việc với lời nhắc nhở rằng nếu không thực hiện đúng 5 bước lên lớp, tôi sẽ bị coi là không đủ… khả năng chuyên môn. Vậy là chấm dứt những chuyện ngoài giáo án.

Không nói được trong giờ, thì nói ngoài giờ, năm đó tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 11 A (ban Văn-Sử-Ngoại ngữ), học trò cũng rất mê Sử, vậy là chúng tôi tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa trao đổi về môn Sử: “ Phan Thanh Giản: Công hay tội?”. Vấn đề này, bây giờ năm 2011, nói ra thấy bình thường, đó là trao đổi tranh luận về lịch sử, với các tư liệu lịch sử chính thống gần như đầy đủ trong thư viện. Nhưng năm 1978, khi mà tài liệu lịch sử duy nhất trong thư viện là sách giáo khoa mà sách giáo khoa  là pháp lệnh, và trong đó ghi ràng ràng: “Phan Lâm mãi quốc; Triều đình thí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp), thì một cuộc ngoại khóa với cái tên như vậy đủ khả năng cho sự nghiệp dạy học của tôi dừng lại ngay từ giờ phút đó, nhưng tôi – một con nhãi ranh điếc không sợ súng – nên cứ ngơ ngơ tiến hành. Cũng may ông bà phù hộ tôi, nên dù tôi đã có lễ phép đến mời từ Ban Giám Hiệu, đến Tổ trưởng bộ môn,Trưởng khối chuyên môn và các giáo viên đồng nghiệp trong tổ, nhưng chắc ai cũng thấy chẳng nên mất thì giờ với một cô nhóc mới ra trường như tôi nên chẳng ai đến dự, thành ra cũng chẳng ai biết chúng tôi đã làm gì, trừ ông đàn anh ngậm píp. Chỉ với sách giáo khoa nhưng các học trò của tôi cũng tranh luận rất sôi nổi, phe bảo có tội vì đã làm mất 6 tỉnh miền Nam, phe nói có công kể ra những chuyện thanh liêm, thương dân và đã nhất là ông đã tự vẫn sau khi làm mất 6 tỉnh… Giá như ngày đó tìm ra được một bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn như bây giờ thì đã không phải bàn, bởi vì 10 năm sau khi cụ Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886,vua Đồng Khánh đã xét lại công tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn miếu Huế. Nhưng như đã nói – đó là năm 1978 – và  thầy trò chúng tôi đã phạm húy khi dám bàn luận về công của cụ Phan Thanh Giản, đàn anh ống píp – người duy nhất đến dự buổi ngoại khóa – khi được mời phát biểu cảm tưởng vào cuối buổi đã cười cười nhận xét về hai bông hồng được cắm rất khéo trên bàn chủ tọa, về sự lưu loát và tranh luận rất sôi nổi của các em học sinh… rồi thôi. Khi ra ngoài hành lang chỉ còn có hai anh em, anh đã gõ cái ống píp lên đầu tôi: “Này cô em, muốn đi dạy học thì không nói gì ngược lại với sách giáo khoa cả nhé! Và cũng đừng kể lể gì trong họp tổ về cái buổi này đấy!”

Vậy là theo năm tháng tôi dần dần đã đi theo cái quỹ đạo tất nhiên của chuyện dạy học: giáo án và đồ dùng dạy học đầy đủ, đúng 5 bước lên lớp, không ngẫu hứng phá cách trong giờ. Thậm chí có lúc tôi phát chán vì sự lập lại đều đều những tiết dạy. Nhưng dù có lúc mệt mõi như vậy, sau 11 năm đi dạy học, đến khi vì một việc riêng tôi chuyển ngành sang một Viện nghiên cứu KHXH. Vậy mà từ đó đến gần 20 năm sau thỉnh thoảng tôi lại bị những giấc mơ mà bạn bè gọi là “hội chứng… đi dạy học”, tôi thấy tôi đi dạy trở lại, nhưng luôn đến trường trễ giờ và không biết là sẽ dạy lớp nào, tôi đi tìm phòng giáo vụ để xem thời dụng biểu nhưng tìm mãi không ra, hoặc đã đi lên cầu thang nghe tiếng học trò đùa giỡn ầm ầm trên đó biết là lớp của mình nhưng sao đi hoài vẫn không đến lớp được, hoặc đi lên lớp nhưng không nhớ là đã dạy đến bài nào, không có một chữ nào trong đầu, không giáo án trong tay… cứ như vậy, kết thúc giấc mơ là nỗi lo sợ khiến tôi tỉnh giấc. Mọi người suy luận chắc tôi vẫn… thèm đi dạy học, trong khi tôi lại thấy tôi đã yêu thích công việc ở Viện Nghiên cứu, nhưng các giấc mơ cứ trở đi trở lại trong một thời gian dài mới chấm dứt. Tháng 11 đến, nghe các bạn blog râm ran nói chuyện trường lớp, bỗng nhớ lại cái lúc đầu tiên mình đi dạy học!

 

Photobucket

 

 

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

ĐÀ LẠT - ÂN TÌNH XƯA

Tháng 11 này, tôi có hẹn với các bạn lên Đà Lạt ngắm dã quỳ, cứ tưởng cảm giác nôn nao những cuộc hẹn ở tuổi 18 đã đi qua rồi, nhưng hình như đang trở lại, có lẽ vì tôi là chủ nhà, cứ mong các bạn đến để khoe Đà Lạt, dù tôi không phải là người ở đây, tôi vẫn cứ thích nghe mọi người… khen Đà Lạt, chắc vì ân tình xưa của tôi với Đà Lạt

Dạo đó  - mùa hè năm 1978 - ban ngày tôi dạy học sinh phổ thông, và vì là đoàn viên thanh niên nên buổi tối tôi nhận dạy thêm bổ túc văn hóa cho người lớn, cho nên có những trường hợp phụ huynh học sinh ban ngày lại là học viên BTVH của tôi. Lớp tôi chủ nhiệm buổi sáng có một phụ huynh như vậy, chị lại là một người quan trọng ở Bến xe Miền Đông, thời đó giá vé xe đò chỉ vài đồng nhưng một người chỉ mua được 2 vé, nên khi chị hỏi tôi nếu có cần tổ chức cho trường đi đâu xa thì đưa giấy giới thiệu đến chị có thể cho ký hợp đồng cả xe. Được lời như mở tấm lòng, tôi là hướng đạo sinh từ bé nên thấy viễn cảnh một kỳ cắm trại xa qua cơ hội trên trời rơi xuống này, bàn với BCH Đoàn trường, trong đó cũng có vài em là hướng đạo sinh và cuối cùng tôi đã được đưa lại một kế hoạch đi cắm trại… ở Đà Lạt 1 tuần để trình Ban Giám Hiệu, hỏi ý kiến Bí thư Chi đoàn giáo viên là một chị ở B về, chị cũng đồng ý vì cho rằng nên tổ chức như vậy để học sinh có cơ hội học đi đôi với hành, Hiệu phó kiêm Bí thư Đoàn trường cũng ở trong phong trào SVHS Sài Gòn trước đây nên chị cũng dễ dàng chấp nhận cho phép tổ chức với điều kiện Chi đoàn giáo viên phải đi theo. Vậy là một kế hoạch như mơ đã sắp thành hiện thực, đến khi cho học sinh đăng ký tôi đã phải hết hồn khi nhận lại danh sách hơn gần 130 em tham gia (đó là còn giới hạn chỉ nhận học sinh trong BCH Chi đoàn lớp), cộng với gần 20 giáo viên trẻ, chúng tôi có một đoàn đi cắm trại gần 150 người. Khi tôi mang về cái hợp đồng ký với Bến xe Miền Đông 3 xe đò lớn thì cả đám học sinh ấy chúng nó hò reo vang trời.

Khâu khó nhất là kiếm được xe đã xong, còn lại chỉ là…chuyện nhỏ, mỗi em xin bố mẹ tiền vé xe đi Đà Lạt không khó vì tôi nhớ chỉ khoảng mươi đồng, liên lạc với trường Bùi Thị Xuân kết nghĩa Đà Lạt để xin ngủ… trong trường, chia ra mỗi tổ có khoảng 15 trại sinh và họp lại để phân công chuẩn bị, mỗi trại sinh mang theo phần gạo ăn một tuần của mình, đóng góp một số củi để nấu ăn và đốt lửa trại, phân chia nhau đem theo chăn, mùng, nồi niêu xoong chảo, mỗi người cũng chuẩn bị góp thức ăn khô như muối xả, đậu phộng kho nước tương, cá khô… rồi đem theo nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt…, các loại rau củ sẽ mua ở Đà Lạt. Gần đến ngày đi, Đoàn trường Bùi thị Xuân báo tin trường phải dành cho một cuộc họp hành lớn gì đó, nên chúng tôi sẽ được chuyển sang ở trường Nguyễn Du gần đó. Hình như lúc đó với chúng tôi chuyện ăn ngủ không quan trọng, chỉ thấy thích mê đi vì được đi chơi Đà Lạt 1 tuần liền. Ngày khởi hành, 3 chiếc xe đò mà trên mui chở đầy củi, còn trong xe thì nào là gạo rồi mùng mền, nồi xoong, đàn guitar… Chúng tôi ngoài giấy giới thiệu đóng dấu đỏ lòe còn cẩn thận mang theo cuốn sổ giấy giới thiệu và con dấu tròn của Đoàn trường. Trên dọc đường đi hơn 300 km bọn học sinh hát suốt, qua bao nhiêu là trạm gác đều suôn sẽ, bởi vì dù trên xe đầy ắp gạo củi nhưng chắc không ai nhìn chúng tôi thành đi buôn đường dài bởi những cái miệng dù xe ngừng lại trạm kiểm tra vẫn cứ ngoác ra vận hành hết đề-xi-ben của cổ họng để hát, có lẽ điếc tai quá nên trạm nào cũng cho chúng tôi đi ngay sau khi chỉ nghiêng nghiêng ngó ngó một tí trên xe.

Đến nơi trời đã về chiều, các bạn học sinh Đà Lạt đón chúng tôi ở một ngôi trường nhỏ, nhưng rất thuận tiện cho việc cắm trại, trường có khoảng trên 10 lớp học mái tôn, cửa gỗ nhưng rất kín nên khá ấm áp, một sân rộng phía trước để sinh hoạt và đốt lửa trại, phía sau một bên là dãy nhà vệ sinh, một bên là một khoảng sân rộng có mái lá, trống trải chung quanh hình như là nơi sản xuất hướng nghiệp gì đó, bây giờ là mùa hè nên trời mưa về buổi chiều, đây là chổ đặt bếp nấu ăn lý tưởng cho chúng tôi. Các bạn học sinh Đà Lạt sau đó đã mang đến nào là xô, chậu… rồi các loại rau củ: susu, khoai tây, cà rốt, củ dền, bắp cải…Tóm lại chúng tôi đã có một nơi cắm trại tuyệt vời. Một đêm lửa trại hoành tráng dưới trời Đà Lạt 17 độ mùa hè.

Chương trình hàng ngày của trại khá chặt chẽ: 5.00 có còi trực nhật đánh thức, 5.30 tập thể dục tập thể, 6.00 nổi lửa nấu cơm ăn sáng và nắm cơm mang theo ăn trưa, đến chiều về lại nổi lửa nấu cơm ăn tối và sinh hoạt lửa trại, 6 ngày ở Đà Lạt, mỗi ngày từ đường Bùi Thị Xuân chúng tôi đã được các bạn Đà Lạt hướng dẫn đến các nơi tham quan bằng cách… đi bộ, dạo đó Đà Lạt vẫn còn xanh mướt rừng thông trong thành phố, và hầu như khắp nơi đều vẫn là những vườn rau, vườn hoa, để đến những thắng cảnh mỗi ngày chúng tôi thường đi về trên 10km, xe đạp của các bạn Đà Lạt được dùng để chất đồ cắm trại mang đi trước, tuy nhiên do được dẫn đi theo những đường ngang ngõ tắt, xuyên qua những ngọn đồi có những cây hoa hướng dương nở to như như cái mẹt nhỏ, hoặc đầy hoa marguerite  trắng, đi qua các thung lũng đầy vườn rau, cứ nghe tiếng lao xao í ới: Cây cà rốt đây á? Cái này là cây khoai tây á? Hoa này là hoa gì đây?..., những người nông dân Đà Lạt thích thú nhìn bọn học sinh Sài Gòn và  cho bao nhiêu là rau củ đem về, thường cuối ngày khi trở về trại nấu cơm chúng tôi không phải ra chợ mua rau như đã dự tính. Đang giữa mùa mưa nên buổi chiều về là trời mưa, chúng tôi lếch thếch ướt át về trại như một đám tàn quân, tôi đã rất sợ, mưa gió lạnh lẽo thế này, lại chỉ ngủ trên những cái bàn học kê sát lại với nhau, nhỡ có đứa nào lăn ra ốm thì nguy, nhưng chắc cũng nhờ một phần trời thương, còn lại thì chiều nào về cũng phải đốt bếp nấu cơm, bọn trẻ xúm xít quanh bếp lửa nướng khoai, nướng bắp nên ấm, ban đêm thì nằm chen với nhau (vì chia nhau mang đồ đạc nên cứ 2 đứa lại chung một cái mền) thành ra cũng không lạnh lắm, buổi chiều về coi bèo nhèo tưởng sáng mai phải cho nghỉ xả hơi một bữa, nhưng sáng ra mặt mày đứa nào cũng tươi rói, lại đi tiếp. Thời gian đó thác Cam Ly vẫn còn rất đẹp, đầu nguồn vẫn còn nhà rông dài của người K’Ho, những rừng thông tuyệt đẹp vây chung quanh. Thác Datanla còn rất hoang sơ, chúng tôi cắm trại ở rừng thông phía trên chỉ ngắm thác từ xa, bọn con trai tìm cách để leo xuống thác. Trường "Couvent des Oiseaux"  (bây giờ là trường Cao Đẳng Sư Phạm) bên cạnh một rừng thông già đẹp như mơ. Đồi Cù thì mênh mông làm kiệt sức khi chơi trò chơi lớn ở đây, đã có một cuộc thi chạy marathon quanh hồ Xuân Hương…, đó là cuộc cắm trại hoành tráng nhất mà tôi có trong đời.

 

Photobucket

Photobucket

 

Rồi 6 ngày cũng trôi qua nhanh như chớp mắt, chiều ngày cuối chúng tôi chỉ để gạo lại đủ nấu cho bữa sáng và nắm cơm trưa, còn thì cho hết số gạo còn lại vào một bao lớn để các bạn Đà Lạt mang đến cho nhà chùa làm từ thiện. Khi đi mang bao nhiêu là củi để nấu, khi về mang bao nhiêu là… củ để làm quà (khoai lang, khoai tây, su su, cà rốt…), tối hôm đó lại một đêm lửa trại chia tay, gần như bọn trẻ thức cả đêm, lưu bút chuyền tay nhau tới tấp. Sáng hôm sau trại nhổ neo, đồ đạc gọn gàng trên sân trường, chia tay bịn rịn học sinh Sài Gòn – học sinh Đà Lạt, có cả những giọt nước mắt, tất cả sẵn sàng chờ xe đến.

Đúng 7 giờ ghi trong hợp đồng… chẳng thấy cái xe nào cả, cứ ngóng mãi về phía cuối dốc đợi xe lên, đến 8 giờ thì không thể đợi được nữa rồi, tôi và chị Bí thư Chi đoàn giáo viên mượn xe đạp chạy ra bến xe, ngoài đó vắng ngắt, những chuyến xe đò buổi sáng đều đi cả rồi (dạo đó bến xe mỗi ngày chỉ có một lượt xe đi và về), đưa hợp đồng ra chẳng ai biết cả, người ta nói: “Hợp đồng này ký với bến xe ở Sài Gòn, ở đây chúng tôi không biết.” Khi hỏi bây giờ biết có hợp đồng rồi liệu ngày mai có xe không, chúng tôi được trả lời: “Sài Gòn ký thì Sài Gòn điều xe, ở đây không biết”. Lần thứ nhất trong đời tôi bắt đầu biết thế nào là sự quan liêu, phóng ra bưu điện gọi về Sài Gòn, ngày đó điện thoại đường dài khó khăn hết sức, có khi gần 10 phút mới nối được cuộc gọi. Đầu tiên xin gặp chị phụ huynh, người quan trọng ở bến xe, sau một lát được trả lời chị đã đi công tác ở tỉnh, đề nghị cho gặp nhân vật đã đứng tên ký hợp đồng, sau một lát được trả lời… anh ta đã nghỉ phép sau 2 ngày nữa mới đi làm (sau này mới biết anh ta nghỉ phép và… lơ đãng cất luôn cái hợp đồng đó vào tủ), đòi nói chuyện với người có trách nhiệm ở bến xe hôm đó và đọc hợp đồng cho ông ta nghe, được trả lời: “Không biết gì về hợp đồng này hết, mỗi ngày bến xe có bao nhiêu là giấy tờ, ai ký người đó chịu trách nhiệm”. Kết thúc cuộc điện đàm, tôi nghe lạnh từ dọc sống lưng xuống tới gót chân, tôi hình dung ra chiều hôm đó, ở cổng trường đầy phụ huynh đến đón con và…

Định thần lại chúng tôi tiếp tục gọi về trường và nhờ người trực để báo lại với phụ huynh… ngày mai học sinh đi trại mới về. Trước mắt là nói như vậy để ở Sài Gòn yên tâm, còn làm sao để có xe về thì hai đứa tôi… chưa biết. Sau đó chạy ngay về trại, dọc đường vừa đạp xe vừa hội ý là phải nói sao cho học trò đừng hốt hoảng, chị bí thư chi đoàn giáo viên đã cố hết sức điềm tĩnh báo tin…ngày mai mới có xe về, tôi hội ý chớp nhoáng với giáo viên chuẩn bị tinh thần là nếu bọn trẻ có lo âu khóc lóc thì sẽ trấn an chúng nó. Nhưng vừa nghe dứt câu thì bao nhiêu thứ gì đang có trong tay chúng nó ném thẳng lên trời và gào U…ra…ra…. Thì ra bọn nó chẳng lo âu tẹo nào mà chỉ mừng vì được ở lại một ngày nữa, bọn học sinh Đà Lạt ở lại chia tay cũng mừng không kém, xúm lại liền bàn xem hôm nay sẽ đi đâu chơi nữa, thầy cô giáo đang lo về chuyện lương thực vì còn bao nhiêu gạo đã mang cho nhà chùa cả rồi. Nhưng bọn học sinh thì chẳng lo lắng gì cả, chúng nó chỉ các bao khoai, ý nói tối nay sẽ ăn khoai nướng, bữa trưa thì đứa nào cũng có một nắm cơm rồi. Chi đoàn giáo viên lại hội ý, bàn chán cũng chẳng ra được cách nào, đợi “thằng cha nghỉ phép” kia đi làm thì phải 2 ngày nữa, còn cử người mang hợp đồng về Sài Gòn thì mỗi ngày chỉ có một chuyến xe, sáng mai mới đi được… mà rõ ràng là không thể nào ở lại thêm vài ngày nữa được. Bên ngoài bọn học sinh cứ chạy ra chạy vào để xin đi chơi, cuối cùng các giáo viên chia nhau đi theo chúng nó, còn hai chúng tôi thì tiếp tục nhiệm vụ… kiếm xe mà trách nhiệm thuộc về tôi vì tôi là người ký hợp đồng!

Hai đứa tôi bắt đầu uể oải đạp xe leo dốc…mà không biết đi đâu, dự tính tìm đường đến UBND thành phố (là tính vậy mà cũng chưa biết đến sẽ tìm ai), đang đi  thì bỗng nhiên thấy tấm biển TỈNH ỦY LÂM ĐỒNG, vậy là quẹo đại vô, có giấy giới thiệu dấu tròn đỏ chót nên bảo vệ cho vào ngay, đến văn phòng chúng tôi xin gặp… bác Bí thư, khi người ta hỏi có hẹn trước không thì bọn tôi lắc đầu nhưng cũng nhanh trí giới thiệu là giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh và có việc cần gấp lắm, có lẽ cũng thấy tội nghiệp 2 cô giáo đường xá xa xôi tìm đến nên người ta lại bảo: Đồng chí bí thư đi họp rồi. Hai đứa tôi bèn xin ngồi đợi, nói rồi là ngồi xuống ngay (bởi cũng chẳng biết đi đâu bây giờ). Một cô trong văn phòng mời chúng tôi uống trà nóng mới pha, một dì khác chắc thấy mặt mũi hai con bé này bợt bạt vì lạnh nên thương tình mang ra cho một ít mứt gừng nhà làm, cô khác thấy vậy cũng đem khoai lang khô ra mời, bọn tôi vừa đói vừa mệt bây giờ có trà nóng, có khoai lang thế là yên tâm ngồi đợi. Đến 1 giờ trưa bác bí thư ngồi trong văn phòng chắc cũng không mở cửa ra đi ăn cơm được vì 2 con nhãi ranh này vẫn ngồi đó, và ngó bộ dạng thì chúng nó có thể ngồi đợi cho đến tối, nên cuối cùng bác bí thư đành mời chúng tôi vào, nghe xong bác liền lắc đầu: “Ở đây là văn phòng tỉnh ủy, đâu có liên quan gì đến bến xe nên làm sao can thiệp được”. Chúng tôi bèn nói một câu ngang phè: “Nhưng chúng cháu là Đoàn thanh niên, cánh tay phải của Đảng. Bây giờ Đoàn gặp khó khăn, chúng cháu kiếm Đảng chứ biết kiếm ai bây giờ!” Nhưng không ngờ cái câu ngang như cua ấy lại…đúng quan điểm lập trường, phần vì thấy không cách nào xua đuợc 2 cô giáo này đi, nên cuối cùng bác bí thư viết một thư tay, ký tên đóng dấu vào và nhờ một dì trong văn phòng cùng đi với chúng tôi ra bến xe. Nhờ lá thư và nhờ cách xởi lởi của dì ấy, đến 4.30 chiều thì chúng tôi có được lời hứa sẽ có 2 xe vào sáng mai và 1 xe vào sáng mốt, vì không thể có cả 3 xe cùng lúc trong khi bến xe chỉ có 5 cái xe. Ôi trời, tôi đạp xe ra về lên dốc mà như bay lên mây, ít ra thì chiều mai cũng có 2/3 học sinh đã có mặt ở Sài Gòn. Nhóm về sau nhờ nhóm về trước nhắn tin cho gia đình nên cũng yên tâm ở lại một đêm nữa. Tối hôm đó cả trại ăn tối với bắp nướng, khoai nướng và chuối rừng nướng, ngày hôm đó lúc chúng tôi đi tìm cách để có xe thì cả trại đi chơi trong rừng ở Trại Hầm tại một con suối có tên là Hố Tôm, bắt những con tôm suối và hái về rất nhiều chuối rừng. Tôi chưa từng ăn trái chuối nướng nào ngon như vậy, mật tươm vàng ươm miếng chuối. Tôi ở trong nhóm về sau, và có một ngày thư thả thật sự, tôi lang thang trong thành phố, một lần khi quẹo vào một con dốc nhỏ, tôi bắt gặp một thung lũng trồng hoa, rất nhiều marguarite trắng, và lần đầu tiên trong đời tôi được người ta cho tự hái hoa, ôm bó hoa cúc trắng đi bộ buổi chiều đầy sương tháng 6 Đà Lạt, tôi cảm thấy mình… đẹp như… trên phim xinê. 

Có lẽ vì ân tình ngày đó của Đà Lạt, đất và người ở đây đã cưu mang chúng tôi,  những kẻ đang  điêu đứng vì thói quan liêu của thời bao cấp, nên tôi đâm ra rất mê Đà Lạt, có dịp là tôi lại về đây. Đến khi gần cuối đời một cơ duyên khiến tôi mua được mảnh đất nhỏ nơi này, tôi đã tiêu hết đồng xu cuối cùng của một đời lao động vất vả của mình cho ước mơ một căn nhà trên cao nguyên, và tôi đã không phải hối tiếc vì việc này. Tôi rất hạnh phúc khi được bạn bè đến thăm để tôi khoe Đà Lạt, như để trả một chút cho ân tình cũ mà Đà Lạt đã cho tôi khi tôi 25 tuổi.

Photobucket

Đọc tiếp ...