Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

ĐẾN MỘT NƠI CÓ TUYẾT

Tháng 12, đã bắt đầu mùa đông ở những nơi có tuyết, người sống ở đây chắc rất chán ngán 4 tháng mùa đông, nhưng người phương Nam như tôi lại chỉ mong một lần nhìn thấy tuyết, và cũng muốn tận mắt nhìn mùa thu lá vàng lá đỏ, một người bạn mách cho một nơi có cả 2 trong 1: mùa thu dưới chân núi và mùa đông trên đỉnh núi. Vậy là sau khi nghỉ hưu, một ngày cuối tháng 10 năm 2010 tôi xách túi đến nơi đó: Cửu Trại Câu ở tỉnh Tứ Xuyên Trung quốc, nơi chín ngôi làng người Tây Tạng A Bá sinh sống trong thung lũng. Dạo đó đường đi còn hơi khó, bay từ Sài Gòn sang Thượng Hải, tiếp tục một chuyến bay khác đến Thành Đô (Cheng Du), từ đây đến vùng tự trị người Tạng A Bá Cửu Trại Câu (Jiuzhaigou) khoảng 500km đường đèo núi rất đẹp nhưng khá hiểm trở vì sau trận động đất năm 2008 vẫn chưa sửa chữa hoàn chỉnh, nhất là khi bắt đầu có tuyết rơi, mặc dù vé xe sẽ chỉ khoảng vài trăm tệ (500-800 ngàn đồng) nhưng tham sống sợ chết tôi đành đứt ruột móc hầu bao để cùng tham gia với tour du lịch bay một chuyến đắt xắt ra miếng từ Thành Đô đến sân bay Cửu Hoàng, chuyến bay chỉ khoảng 1 tiếng nhưng đến 8 triệu đồng cho vé khứ hồi (đi đúng vào mùa giá đắt nhất vì là mùa đẹp nhất, trước đó lá chưa vàng nhiều và sau đó tuyết đã rơi dầy rồi, rất lạnh). Và cũng đã được cảnh báo, thường xuyên bị delay do sân bay trên núi nên khi có mưa tuyết là hoãn chuyến. Y như rằng, mong mỏi được nhìn tuyết là có… mưa tuyết trên núi Songpan đúng ngay buổi sáng bay từ Thành Đô qua, vé ghi 8 giờ sáng nhưng được báo là khi nào thời tiết bên sân bay Cửu Hoàng tốt lên, bớt mưa tuyết thì mới bay qua được, vật vạ đến hơn 11 giờ trưa mới khởi hành.
Lẽ ra thời gian trống đó có thể đến thăm các chú gấu Panda mà ngày hôm qua đã phải chọn lựa giữa gấu và… Gia Cát Lượng, không có thời gian để đi cả hai nơi, tôi mê Gia cát tiên sinh nên đành bỏ gấu. Ngoài ra ấn tượng trên đường phố Thành Đô là những chiếc mặt nạ và một xe mứt quả nhìn rất ngon, người bán là một quý ông người Tạng khá bảnh trai, nhưng chỉ nhìn thôi, cả mứt lẫn người.





Từ máy bay nhìn ra mưa tuyết mịt mù, máy ảnh cùi bắp chụp chẳng được gì, lại nghe bạn đồng hành dọa việc hạ cánh xuống một sân bay trên đỉnh núi ngay trong mưa tuyết làm tôi lo…niệm Phật hơn ngắm cảnh các đỉnh núi đầy tuyết dưới cánh máy bay. Vừa xuống đến sân bay là lúp xúp chạy trong các hạt tuyết li ti đến xe đi ngay núi Hoàng Long (Huanglong) cách đó khoảng 60 km, ngoài việc là một Di sản thiên nhiên thế giới, đỉnh núi này cao hơn 4.000m, nơi đến tham quan cao khoảng gần 4.000m, tôi muốn thử xem có chịu được không khí loãng ở độ cao này không thì mới tính đến chuyện đi Tây Tạng sau này. Đường đèo dốc quanh co, lên cao tuyết bắt đầu phủ trắng xóa.





Được nửa đường ghé một trạm vừa nghỉ chân vừa để mua oxy hoặc thuốc uống đề phòng không khí loãng ở độ cao sắp đến, vác theo một bình oxy nhỏ trông có vẻ… hơi bịnh hoạn, nên hầu như ai cũng chọn mua thuốc uống, 3 ống thuốc nhỏ xíu  60 tệ (180 ngàn đồng) uống 2 ống khi đi lên và 1 ống khi trở xuống , khi ngọn núi tuyết đầu tiên hiện ra, ai cũng muốn xuống để sờ tuyết tận tay, và thật sự là không lạnh đến mức không chịu được như tôi đã nghĩ, âm vài độ thôi. Thoạt đầu khi nhìn đôi giày Puma mỏng manh của tôi cả đoàn ai cũng cảm thấy ái ngại, nhưng chân tôi dễ bị tê khi đi giày kín mũi lâu nên tôi phải đi một đôi giày nhẹ, tháo ra dễ dàng để cứ ngồi lên xe là tôi bỏ giày ra, dận một đôi bốt to sù thì có mà đến tối về chân sưng to vì giãn tĩnh mạch, vì vậy trong đôi giày mỏng manh, tôi bọc ngoài đôi vớ là…bao nilon mỏng, ấm ra phết, bước xuống tuyết chẳng thấm nước tẹo nào, bà già mấy ngày đi leo núi với đám trẻ chẳng sao cả (trừ chuyện tối về là phải xoa dầu đôi chân).



Do trễ máy bay nên phải rời đám tuyết lên đường đi gấp đến khu Di sản Hoàng Long, nhưng đường quanh co đầy tuyết  nên xe cũng không dám đi nhanh.



Khi đến nơi khu du lịch đã hết giờ, mùa này có tuyết họ đóng cửa sớm, vậy là công cốc, đành vào ăn cơm nhanh rồi quay về, gặp được một đoàn Việt Nam từ trong khu sinh thái ra cũng đang ăn tối, cho e-mail để hỏi xin mấy cái ảnh Hoàng Long về ngắm đỡ ghiền, nhưng khi được gởi ảnh càng ngắm càng tức bà chúa Tuyết, chào sân bằng một cú delay máy bay quá mạng.


(Ảnh tư liệu)


(Ảnh tư liệu)

Trênđường về bắt đầu có người bị sốc độ cao, đau đầu dữ dội, đau đến mức bất lịch sự với mọi người khi cáu kỉnh yêu cầu không ai được nói chuyện vì …đang nhức đầu quá. Hướng dẫn viên phải giải thích nhức đầu do không khí trên cao loãng, khi xe xuống chân núi mọi việc sẽ ổn, cáu kỉnh là một hiện tượng sốc tâm lý. Có lẽ do sợ bị lây… sốc tâm lý nên cả xe im re, bản thân mình cũng lơ mơ cảm giác nhức đầu dù đã uống thuốc đầy đủ, kiểu này đi Tây Tạng cũng khó, ở đó độ cao gần 5.000m, lại đi bộ khá nhiều. Về đến khách sạn lẳng lặng chui vào phòng ngủ, để máy sưởi, cái mền sưởi không dám bật… vì nhà quê, sợ bỏng, nhưng phòng ấm áp, ngủ tốt.
Sáng hôm sau như đền bù lại cho một ngày khá ấn tượng hôm qua, cảnh tượng dưới chân núi Cửu Trại Câu thật đẹp.



Công viên quốc gia Cửu Trại Câu nằm ở độ cao 2.500m trên dãy núi Mân Sơn, phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc, đây là nơi sinh sống của 9 ngôi làng người dân tộc Tạng (Tibetian) nên được gọi là Cửu Trại Câu (Thung lũng 9 làng). Hiện tại, bảy trên chín ngôi làng vẫn còn có dân cư là nhữngngười Tây Tạng sinh sống. Một số ngôi làng mà du khách có thể dễ dàng tiếp cận như Heye, Shuzheng và Zechawa nằm dọc theo con đường chính phục vụ khách du lịch.Tại đây có bán đồ thủ công mỹ nghệ địa phương, quà lưu niệm và đồ ăn nhẹ.





Phía sau làng Heye là các Jianpan, Panya, Yana và Rexi là làng nhỏ hơn nằm trong thung lũng. Guodu và Hejiao là hai làng không còn dân cư.



Nhà cửa cũng như quần áo người Tạng A Bá ở đây đầy sắc màu.





Có những điểm thờ Phật mà các lời nguyện được viết trên những lá cờ đầy màu sắc dán lên trên, các bánh xe luân hồi là một đồ vật quay vòng nhiều lần theo chiều kim đồng hồ, người ta tụng kinh Phật bằng cách xoay quanh các bánh xe kinh luân đó và đi theo chiều kim đồnghồ.



Trên bản đồ du lịch, Cửu Trại Câu giống như một chữ Y lớn, nhánh dưới là Thụ Chính Câu, nhánh trái là Trắc Oa Câu, nhánh phải là Nhật Trắc Câu. Mỗi nhánh dài chừng 20– 40 km. Mỗi nhánh bao gồm hàng chục hồ lớn nhỏ và các thác nước,  rừng nguyên sinh, trong đó có  hồ và thác nổi tiếng vì đã xuất hiện trong các phim Anh hùng, Tây du ký....
Hồ Ngũ Hoa có một truyền thuyết đáng yêu, vị nữ thần của thung lũng thích gội đầu bên hồ, và vị nam thần, chồng của nàng, mang nước đến để nàng gội. Mỗi lần đi lấy nước, vị thần phải đi lên và xuống hết 189 bậc đá. Cho tới bây giờ, các cặp tình nhân yêu nhau vẫn tới đây và tin rằng nếu họ cùng đi hết 189 bậc và ước nguyện cho tình yêu thì sẽ được mãi mãi bên nhau.



Các hồ nước trong vắt soi bóng một cách lạ lùng, nội quy rất nghiêm, xả rác hay nhúng tay xuống nước sẽ bị phạt. Có lẽ từ trước đến giờ chỉ có LươngTriều Vỹ, Trương Mạn Ngọc đã từng được phép nhúng chân xuống hồ khi đóng phim.







Từ chân núi, mùa thu lộng lẫy xuất hiện, phía dưới là những bụi cây màu sắc, trên đỉnh núi lấp lánh tuyết bám như kim cương.





Lá vàng rồi lá đỏ.





Thác Trân Châu rộng 310m, cao tới 40m, nơi quay phim Tây du ký, máy ảnh cùi bắp chụp chỉ được cỡ này.





Nói thật là mênh mông quá, bây giờ cũng không nhớ đã đi những đâu, xe bus chạy dập dìu trong khu du lịch, leo lên trạm này, xuống một trạm khác, dạo quanh ngắm cảnh rồi lại leo xe bus đến một trạm khác nữa, cứ vậy đi dần lên đỉnh núi.



Thỉnh thoảng bỏ trạm bus đi bộ trong những lối đi dễ thương trong rừng.





Vé vào cổng bao gồm luôn việc lên xuống xe bus đi bất cứ đâu trong công viên và một phiếu ăn trưa, nơi ăn trưa ở lưng chừng núi, sau khi ăn bắt đầu đi dần lên cao, đã thấy lấp lánh tuyết.



Hồ Lư Vi, mùa thu cỏ đổi màu thật đẹp.



Hồ Gương.



Hồ Thiên Nga, nghe nói mùa hè có thiên nga, còn thì hiện chỉ thấy có một chú vịt can đảm vì nước chắc là lạnh buốt dưới 0 độ.





Hồ Ngọa Long.







Hồ Trường Hải là hồ lớn nhất, ở độ cao nhất và sâu nhất ở Cửu Trại Câu. Hồ dài 7,5km, sâu 103m.



Từ hồi đọc tiểu thuyết Nga, đến cảnh mùa đông thảm tuyết phủ trắng trong rừng, mơ màng tưởng tượng, bây giờ thì đã đi trong cánh rừng mùa đông, lá vàng lốm đốm trên tuyết trắng.





Tóm lại chỉ còn biết suýt soa với cảnh như mơ.





Rất nhanh chiều đã xuống, những ai muốn ở lại Cửu Trại Câu phải nhanh chóng đến các homestay trong làng để thuê ngay, nếu không muốn bị các bảo vệ mời ra khỏi công viên sau 5.30 chiều.
Đoàn mình trở về khách sạn, ngày mai bay về lại Thành Đô  đi núi Nga Mi (Emei), toàn những người mê truyện kiếm hiệp Kim Dung nên rất tha thiết một lần đặt chân đến Nga Mi. Lại một đêm ngủ say trong căn phòng ấm, mờ sáng đã bị hướng dẫn viên đập cửa phòng kêu sớm 1 tiếng trước giờ hẹn, hóa ra tối hôm qua trận tuyết đầu tiên của năm đã đổ xuống, bước ra ngoài nhìn, tuyết rơi trắng xóa trên các mái nhà chung quanh, ngọn núi cạnh khách sạn đã phủ trắng.





Người Tạng A Bá gọi trận tuyết đầu mùa mà dầy, êm và đẹp thế này là tuyết cát tường, thật là lạc quan, mà nghĩ cũng đúng, sống với mùa tuyết cả nửa năm, không lạc quan làm sao mà sống. Tranh thủ ăn sáng nhanh nhanh rồi ra xe, từ Cửu Trại Câu đến sân bay Cửu Hoàng là 80 km, bay chuyến 11 giờ nhưng tuyết rơi thế này khả năng sẽ đi rất chậm, thấy bác tài quấn xích bánh xe. Xe chạy qua hàng mấy chục km đầy những cây thông Noel trắng xóa tuyết.



Tuy nhiên có lúc cũng kẹt xe vì một chiếc xe phía trước bị trượt ngang đường, xuống khỏi xe một chốc, tuy nhiên không dám đi lại nhiều vì trơn trợt.





Xe lại tiếp tục trên con đường hai bên cây thông Noel, tự nhủ số cây thông mình nhìn thấy hôm nay đủ cho cả các Giáng sinh sắp tới của cuộc đời.



Đang đi tự nhiên xe ngừng trước một siêu thị nhỏ, chẳng có gì để tham quan ở đây, hướng dẫn viên cười cười khuyên mọi người nên mua mì gói để sẵn trong túi, hóa ra đã có thông tin delay từ sân bay và HDV cũng báo trước sân bay có phát cơm hộp khi delay chuyến trưa, nhưng cơm rất tệ, sẽ không ăn nổi nên tốt nhất là mua mì gói. Đến sân bay lúc 10.30, delay… không biết đến bao giờ vì tuyết đang rơi mù mịt, cả đoàn không ai đi lấy cơm sân bay cả vì thậm chí còn được một bác người A Bá chìa cho một hộp cơm, lắc đầu cám ơn vì cơm nhìn chán quá. Lấy nước sôi sì sụp ăn mì (mì TQ dỡ hơn mì Việt Nam nhiều, một ly mì hình như đến 3,5 tệ ). Mãi đến 12 giờ vẫn chưa bay, HDV đi thương lượng với sân bay vì sẽ còn một đoạn đường 160km từ Thành Đô đến Nga Mi trong buổi chiều, có vẽ vận dụng được các mối quen biết nên 12.30 thấy chỉ có đoàn mình được xách va ly ra máy bay, trong phòng chờ vẫn còn khá đông người, lên một cái máy bay đã đầy người, 10 mạng đoàn mình ra ngồi tít sau cùng máy bay, cảm nhận trên máy bay ai cũng có vẻ mệt mõi không vui, đoàn mình đã ăn no nên vui vẽ ngồi mở máy ảnh ra xem hình với nhau, được hơn nửa tiếng vẫn chưa bay, cô tiếp viên người Tứ Xuyên xinh đẹp đến mời ăn bánh gạo, thầm nghĩ chuyến bay có 1 tiếng mà cũng có ăn nhẹ, lại tiếp tục xem ảnh, 13.30 vẫn chưa bay, đang nhắm mắt định ngủ thì nghe có tiếng ồn ào, nhìn ra phía trước thấy một cảnh loạn xạ, người nhốn nháo, đầy tiếng la hét, bạn trong đoàn bật kêu: Không tặc à! Ối giời, quay sang đánh thức HDV đang ngủ say từ lúc lên máy bay, sau khi nghe ngóng, bạn ấy quay lại giải thích, hành khách nổi điên vì được… phát bánh lần nữa. Thì ra họ là những hành khách bay chuyến 8 giờ sáng, có những người ở rất xa, 5,6 giờ sáng đã đội tuyết đến sân bay, 10 giờ được lên máy bay và… ngồi đến bây giờ, một lần ăn trưa, một lần ăn bánh, đến lần phát bánh thứ hai thì nổi xung lên, nhưng biết làm sao bây giờ, tuyết vẫn chưa ngừng rơi, mà sân bay thì trên đỉnh núi, không phải cứ muốn là bay được. Đến lúc này thì mình bắt đầu biết sợ mùa đông xứ tuyết, cuối cùng gần giờ 3 chiều thì bay được, rời sân bay Thành Đô lại tiếp tục leo lên xe như giặc đuổi sau lưng, nhưng các dự định buổi tối ở Nga Mi đều hỏng hết, mình không xem được buổi biểu diễn văn nghệ Nga Mi Tú của Trương Nghệ Mưu, các bạn trẻ trong đoàn thì dự định buổi tối ở chân núi Nga Mi sẽ tìm… một tửu quán, vào kêu 1 cân thịt và 2 vò rượu, ngồi uống xem coi có khi có thể xuất hiện 1 nữ hiệp hay một hiệp khách chăng. Nhưng  về đến Nga Mi đã gần 9 giờ tối rồi, chỉ loanh quanh một lát rồi đi ngủ thôi.
Ngày hôm sau ở Nga Mi cũng vẫn còn gắn bó với bà chúa Tuyết, với độ cao 3.000m, bắt đầu bằng một đoạn cáp, thời gian này cáp chưa lên được tới đỉnh, nên sau đó là leo bộ khoảng 1km5 các bậc thang, có dịch vụ kiệu khiêng lên đến đỉnh và khiêng xuống giá 400 tệ (1.200.000 đ).



Bà già tôi chọn phương án leo bộ và chỉ tốn 5 tệ cho một cây gậy trúc cùng 10 tệ cho đôi vớ đan bằng dây gai lồng vào giày để có thể bám trên mặt các bậc thang trơn trợt vì tuyết.



Trời lạnh nên leo bộ cũng không mệt lắm, cảnh hai bên lối đi đẹp như tranh thủy mặc.







Nơi này vào mùa khô ráo thì đường đi thế này nè


(Ảnh trên Internet)

Có đi rồi cũng sẽ đến, cuối cùng cũng đã lên được Kim Đỉnh nơi có tượng Phổ Hiền Bồ Tát cao 7,35 m, nặng 62 tấn, được đúc bằng đồng mạ 20 kg vàng bên ngoài.



Đã đến được chùa Vàng, Bạc, Đồng.





Chỉ còn không ngắm được biển mây chung quanh vì tuyết đang rơi và cũng không có mặt trời để thấy Nhật Quang quanh tượng Bồ Tát. Khi trở xuống càng lúc tuyết càng rơi nhiều, các du khách nữ che kín mặt như nữ hiệp, tôi đi cùng một bạn trẻ vậy là được gọi Diệt Tuyệt sư thái và Chu Chỉ Nhược.





Nhưng khi rời Nga Mi đi sang ngọn núi Thế Loan đối diện thì nơi đây không còn tuyết rơi nữa, nhưng cũng không còn sức đâu để leo lên núi nơi Đại Phật Lạc Sơn cao 71m, được chế tác trong 90 năm, vào đời nhà Ðường nguyên niên, năm 713. Thân tượng Phật cao 59,98m, đầu cao 14,6m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và ngay cả phần móng tay của bức tượng, là bộ phận nhỏ nhất cũng đủ cho một người ngồi.


(Ảnh trên Internet)

Đi thuyền ra nơi hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y bái Phật Lạc Sơn từ xa, không có tuyết nhưng giữa sông gió thổi lồng lộng.





Vậy là kết thúc một chuyến đi, đã được gặp bà chúa Tuyết, nhìn tận mắt một mùa thu như trong mơ, đến nơi mà khi đọc Ỷ Thiên Đồ long ký chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ đến được núi Nga Mi, đã được bái Lạc Sơn Đại Phật, một công trình vĩ đại của con người còn lại sau khi Taliban phá bỏ 2 tượng Phật lớn thứ 2 sau Lạc Sơn Đại Phật đã được khắc sâu trong núi từ 1.500 năm trước ở Bamiyan, Afghanistan.
Ngồi ở sân bay Thượng Hải với các tượng trang trí trong lúc chờ bay, tôi rất vui với ý nghĩ sắp trở về nhà, dù là tuyết, dù là mùa thu lộng lẫy, dù là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới rồi cũng lướt qua, chỉ có cái góc nhà mình là gần gũi nhất!


1 nhận xét: