Bình Định trước khi biết đến như một nơi có nhiều thắng cảnh du lịch, thì đó là vùng đất của ký ức. “Đồ Bàn trống đã sang canh. Nhất Vương, nhị Đế lừng danh một thời”. Và
ký ức đẹp đẽ nhất, hào hùng nhất mà Bình Định rất tự hào là vua Quang
Trung. Ngay từ năm 1827, sau 25 năm nhà Tây Sơn sụp đổ và bị xóa trắng
mọi dấu tích, bất chấp sự cấm đoán hà khắc của nhà Nguyễn, trên nền nhà,
vườn cũ của anh em Nguyễn Huệ, lúc ấy đã thành bãi đất hoang, người dân
làng Kiên Mỹ huyện Tây Sơn âm thầm xây lên một ngôi đình để thờ ba anh
em Tây Sơn mang tên "đền Kiên Mỹ". Năm 1978 Bảo tàng Quang Trung được
xây dựng tại đây, cách thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc, thuộc
làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn.
Hiện
tại quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là 1 trong những
khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất nước. Trên một khuôn viên rộng 95.000m²
với kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống.
Khu
vực bảo tàng bao gồm 9 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau, với
11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế, xuyên suốt
qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế
Quang Trung (1771 – 1789).
Sa bàn và các bản đồ chiến trận Tây Sơn. Như thấy vang lại lời hịch Tây Sơn "Đánh
cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"
Chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn
Súng thần công, mãng gỗ thuyền chiến tìm thấy ở đầm Thị Nại, căn cứ thủy binh thời Tây Sơn
Vũ khí thời Tây Sơn
Tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh
Bảo
tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu
có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất
thời cận đại.
Thú
vị nhất là bộ tượng vua Quang Trung thiết triều với Thượng thư bộ binh
Ngô Thì Nhậm và Đại tư mã Ngô Văn Sở. Bộ tượng phục dựng nguyên mẫu bộ
tượng này ở chùa Bộc (phường Khương Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội). Thời
Nguyễn bộ tượng ở chùa được gọi là tượng Đức Ông, danh tính không rõ,
sau này một lần lau dọn người ta phát hiện dòng chữ ''Bính Ngọ tạo Quang
Trung tượng'' phía sau bệ tượng. Các nhà sử học đã xác định được Bính
Ngọ là năm 1846.
Bộ tượng ở giữa là vua Quang Trung, hai bên là
cận thần Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở, vua với vẻ mặt nghiêm nghị, mình
mặc hoàng bào, mang đai ngọc, mũ bình đính kiểu xung thiên. Điều đáng
chú ý của cụm tượng này là Vua Quang Trung với một chân đi hài, một chân
để ra ngoài, cho thấy vua vừa trang nghiêm nhưng cũng ung dung, gần gũi
với bên dưới. Còn hai vị đại thần thì nghiêng mình như đang chờ lệnh,
trông rất thân mật, không như vẻ cung kính quỳ lạy khi thiết triều như
các triều đình phong kiến khác. Bộ tượng toát lên một vẻ rất… Nguyễn
Huệ.
(Tượng chùa Bộc - Ảnh trên Internet)
Ngoài
khu vực bảo tàng, còn có điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, thờ 9 tượng thờ
bằng gốm sứ dát vàng gồm tượng ba anh em nhà Tây Sơn và sáu văn võ tướng
tiêu biểu là: Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn
Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị
Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng.
Nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên
Cây me 200 tuổi do cụ Hồ Phi Phúc (thân sinh vua Quang Trung) trồng
Giếng nước cổ của gia đình Tây Sơn.
Nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, với nghệ nhân chính là bà Võ Thị Thuận, nghệ sĩ biểu diễn với dàn trống trận Quang Trung.
Và nhiều tiết mục múa võ Bình Định, mà theo mình hay nhất là tiết mục cô gái Bình Định múa võ với hai chàng trai.
Đường
còn xa, rời nhà Bảo tàng với rất nhiều cảm xúc, nhớ truyền thuyết về
vua Quang trong ngày mùng 5 Tết khi áo bào còn đầy mùi thuốc súng thắng
trận tại Thăng Long, ông đã cho gởi một cành đào bích đất Bắc Hà về
thành Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chuyện vua Lê gã công chúa là một
sắp xếp chính trị, chuyện cành đào đất Bắc về Phú Xuân chỉ là giai
thoại nhưng đó là một giai thoại đẹp, và tôi vẫn cứ muốn tin đây là sự
tương ngộ giữa “trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Rời bảo tàng, để lại
sau lưng bức tượng vua Quang Trung mà nghe như đâu đó tiếng thở dài của
Ai tư vãn “… Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng. Nỗi đoạn trường còn sống còn đau…”
Về
đất Phú Xuân lần này tôi có một chữ duyên, trở ra QL 19, trên đường về
đi ngang qua đền thờ nữ đô đốc Bùi Thị Xuân. Tiếc là buổi trưa, đền đóng
cửa, nhưng đặt chân được đến đền thờ là quý rồi, vì tôi dạy Sử trường
PTTH Bùi Thị Xuân ở TP Hồ Chí Minh. Bài giảng Quang Trung đại phá quân
Thanh ở lớp 11 ngày đó dạy như lên đồng. Có thêm một tấm ảnh của 5 bà
ngoại Văn Khoa trước đền thờ vào thời gian chỉ còn 3 ngày nữa là đến
20/10 cũng lại là một điều rất duyên.
Ngược
xuôi trên đường thiên lý ở Bình Định thỉnh thoảng lại thấy trên đỉnh
đồi xa xa một ngọn tháp Chàm, nhớ nhạc sĩ Văn Cao đã viết rất thơ hình
tượng tháp Chàm Bình Định: "Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm..."
Các
cụm tháp Chàm nằm rải rác đánh dấu một thời kinh đô Vijaya của người
Champa, sử liệu Việt gọi là Đồ Bàn. Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã
Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn cách Quy Nhơn khoảng 20km về
hướng Tây Bắc. Thành Hoàng Đế được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm
1775 trên cơ sở thành Vijaya (Đồ Bàn) của Vương quốc Chămpa để lại và đã
được chính thức gọi tên là thành Hoàng Đế từ năm 1778.
Theo các
kết quả bước đầu khai quật vào năm 2013, có 3 tầng văn hóa đã phát triển
trên đất này, dưới cùng là văn hóa Chămpa, phía trên là dấu tích văn
hóa Tây Sơn và nhà Nguyễn. Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến
trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm
Thành. Thành Ngoại có chu vi là 7400m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng
Thành có hình chữ nhật dài 430m rộng 370m. Bên trong Thành Nội là Tử Cấm
Thành cũng có hình chữ nhật dài 174m rộng 126m.
Dấu tích xưa của thành là vòng thành bằng đá ong, nay đã được làm mới hoàn toàn.
Trong thành còn một kỳ đài và 2 con sư tử đá được cho là từ thời vương triều Chămpa.
Ký
ức Chămpa hiện chỉ còn lại qua những cụm tháp nằm rải rác ở Bình Định,
chúng tôi chỉ có điều kiện ghé qua 3 trong 8 nhóm tháp Chăm của Bình
Định.
Tháp Bánh Ít cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km, nằm giữa 2
nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành, đi trên Quốc lộ 1 A có thể nhìn
thấy tháp trên đỉnh một quả đồi.
Tháp
chính cao 22m, chung quanh tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng
thấp và nhỏ hơn. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác
nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Tháp
Đôi nằm cạnh cầu Ðôi trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành
phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp Ðôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh,
được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, Tháp Đôi là công trình kiến trúc độc
đáo gồm 2 tháp nằm cạnh nhau theo trục Bắc – Nam trong đó tháp Bắc cao
20m và tháp Nam cao 18m.
Bốn góc của bộ diềm mái là hình bốn chim thần điểu Ga-ru-đa bằng đá.
Tháp
Cánh Tiên nằm trên đỉnh gò không cao lắm ở gần Thành Hoàng Đế, là một
ngôi tháp đẹp, được tạo dáng độc đáo, thanh thoát với bố cục hết sức hợp
lý. Các hình chạm khắc trang trí chủ yếu tập trung trên bộ mái. Với bốn
tầng hiện còn, tầng nào cũng có bốn tháp góc trang trí, mỗi góc lại có
một tầng nhỏ, tạo dáng lá nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như những
cánh chim đang bay.
Tuy
nhiên có một điều làm du khách sẽ thất vọng trong thời điểm này vì tháp
được tôn tạo… quá mới. Tháp cổ làm bằng đá sa thạch đỏ, nhưng trừ những
viên gạch dưới chân tháp dù còn rất mới nhưng cũng có màu đỏ, còn thì
những chi tiết ở các góc cạnh được phục dựng hình như… bằng xi măng. Cảm
giác thật khó chịu quá, rồi tôi rất mong rằng kiến thức vể kiến trúc
Chăm của tôi quá tệ mà đã vội phê phán, mong rằng những lớp mà tôi gọi
là xi măng thật ra là một chất liệu gì đó theo thời gian sẽ trở nên rêu
phong cũ kỹ như những lớp rêu phong hiện có của tháp.
Chỉ
mới đi qua 3 cụm tháp, chưa thể nói rằng đã biết hết về tháp Chàm Bình
Định, nhưng dù sao cũng vẫn có được cảm giác đang đi trên những ký ức
của một thời Chămpa. Năm 1307, kinh đô Đồ Bàn ghi dấu ấn lịch sử quan
trọng trong quan hệ Việt – Chăm: vua Champa - Chế Mân cưới công chúa nhà
Trần là Huyền Trân, rước về Đồ Bàn, lễ vật cầu hôn là hai châu: Ô, Lý
(từ sông Cam Lộ, Quảng Trị đến Hải Vân ngày nay). Lại một cuộc hôn nhân
chính trị, các bà công chúa của Thăng Long về sống ở kinh đô xưa này đều
có cuộc đời không suôn sẽ, vua Quang Trung qua đời năm 39 tuổi, vua
Chăm là Chế Mân cưới Huyền Trân được 1 năm thì cũng mất. Đàn bà dù là
công chúa… cũng liêu xiêu.
Chào cả nhà Blogspot!
Trả lờiXóaBài viết thật quý giá, cám ơn chị. Đọc xong, cảm giác như chính mình vừa đi qua mảnh đất hào hùng ấy vậy.
Trả lờiXóaKhi nào rảnh rảnh chút, ông bà nội Khánh-Yến đi ngao du hén.
Xóa