Một đêm nữa ngủ tại Pleiku, phố núi cao, phố núi đầy sương thật
nhưng có vẻ chẳng còn trời thấp thật buồn vì quán cà phê cạnh khách sạn
karaoke cũng phải đến nửa đêm mới ngưng tiếng hát. Buổi sáng thứ hai ở
Pleiku lại khá hấp dẫn với món phở khô Gia Lai, các bà du khách trùm sò
này đã tính rất kỹ, không muốn bỏ bữa điểm tâm ở khách sạn nhưng lại
cũng muốn thưởng thức món phở khô ngoài phố vì Bếp ấm Bếp vui Thanh Quế
đã nếm phở khô của khách sạn trong buổi điểm tâm sáng qua và cho biết
không xuất sắc lắm. Do hôm nay chúng tôi sẽ đi một đoạn đường khá dài:
Pleiku - Kon Tum 50km và KonTum - Ngả 3 Đông Dương gần 100km, nên đã
chọn ăn sáng món bánh mì trứng gà ốp-la để mang theo dọc đường, sau đó
theo bạn lái xe đến một chỗ bán phở khô trong một hẻm nhỏ. Món phở khô
thoạt nhìn gần giống như món hủ tiếu khô ở Sài Gòn. Nhưng sau khi cẩn
thận ngồi trộn các thứ đã được dọn kèm ra với bánh phở, một gắp bánh phở
trộn rồi và một thìa nước dùng sẽ cho một hương vị rất riêng và… ngon,
thịt bò trong tô nước dùng rất mềm ngọt, tóm lại đầu bếp Thanh Quế tuyên
bố sáng mai tui ăn phở khô nữa.
Rời
quán lề đường và chào tạm biệt thành phố với những con dốc cao cao đi
lên đi xuống. Vì kế hoạch đến tối sẽ về ngủ lại Kon Tum để hôm sau đi
Măng Đen, nên cũng khá nhẩn nha, ghé mua cà phê mang theo uống dọc
đường, đợi khá lâu vì cà phê ở Tây Nguyên này chỉ pha bằng phin, dù là
bán cho khách mang theo đi đường.
Phụ
nữ uống cà phê sữa đá nên không dám nói là khen có chính xác không
nhưng cả 4 bà đều khen cà phê rất ngon, đậm đà, 8 ngàn một ly, một điểm
son nữa vì…rẻ.
Bắt đầu rời Pleiku đã 9 giờ, trọng tâm hôm nay
là đến cột mốc biên giới, nước ta chỉ có hai tỉnh nằm ở điểm giáp ranh 3
biên giới là Điện Biên và Kon Tum. Ở Điện Biên là bản A Pa Chải của bà
con dân tộc Hà Nhì, thuộc xã Xín Mần huyện Mường Nhé (giáp Lào và Trung
Quốc). Ở Kon Tum là buôn I ệc của đồng bào dân tộc Ka Dong, thuộc xã Bờ Y
huyện Ngọc Hồi (giáp Lào và Campuchia). Có một vấn đề là cậu lái xe
người Gia Lai, cửa khẩu Bờ Y thì đã đi rồi nhưng ngả 3 Đông Dương thì
chưa, tôi có tìm trên mạng tuy nhiên không rõ lắm vì mỗi người hướng dẫn
một cách, nhưng đường đi trong miệng, nên khi đến thị trấn Plei Kần
huyện Ngọc Hồi thì bắt đầu hỏi đường.
Có
một điều thú vị, 3 lần hỏi đường đều được chỉ dẫn rất tận tình, nhưng
lần nào trước khi chỉ đường cũng đều được hỏi ngược lại, người Kinh thì:
“Ủa mà đi lên đó làm gì dzậy?”, người dân tộc thì: “Lên đo lam chi
dớ?”. Lần nào cũng ngẩn ra không biết nói sao, bởi vì nghỉ thầm ờ thì
tại mình cũng hơi rảnh nên đi, chứ ai người ta cũng đang đầu tắt mặt tối
kiếm sống, thành ra cũng không dám trả lời. Đầu tiên là lúc 11.30 ghé
vào một quán ven đường, định nghỉ ngơi, đã ăn bánh mì, tráng miệng với 5
ly kem. Tranh thủ hỏi đường, vừa được chỉ đường vừa được báo động: “Hôm
nay con đường này đến 2.30 trưa là bị cấm xe đến 9 giờ tối vì đang làm
cầu truyền hình Âm vang biên giới, coi chừng đi rồi không ra được phải ở
lại đến tối”. Thì ra cùng với 2 điểm cầu khác ở An Giang và Lai Châu,
lúc 17 giờ hôm nay 14-12 , tại điểm cầu truyền hình ngã ba Đông Dương,
thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chương trình “Âm vang biên
giới” sẽ khai mạc. Hội ý chớp nhoáng, tất cả đồng ý đã đi đến được gần
biên giới rồi thì sẽ đi tiếp, nếu khi quay lại trễ mà bị cấm đường thì ở
lại xem văn nghệ, về đến Kon Tum nửa đêm cũng được, phòng khách sạn đã
đặt rồi, chỉ liệng túi vô là ngủ thôi. Vậy là ăn nhanh rồi lên đường
ngay, đi ngang ngả 3 Ngọc Hồi gặp một sân khấu thật hoành tráng cho buổi
tối.
(Ảnh tư liệu)
Tóm
tắt các chỉ dẫn lên cột mốc ngả 3 biên như sau: Đi vào thị trấn theo
đường thẳng sẽ gặp một ngã tư, là chỗ giao nhau của ba con đường: đường
Hồ Chí Minh (tức đường 14, tên cũ là đường 18), đường 14C và đường 40.
Đường 40 rẽ ngoặt về hướng Tây đi vào khu vực biên giới, chỗ rẽ ấy chính
là ngã ba Đông Dương. Lần thứ 3 hỏi đường được chỉ thêm rất cẩn thận:
“Trước khi đến cửa khẩu Bờ Y, bên tay phải có trạm biên phòng, ghé qua
đó các anh biên phòng sẽ hướng dẫn cho”.
Đến ngả 4, chạy thẳng đường 40… không thấy trạm biên phòng nào hết, chạy luôn một lúc thấy… cửa khẩu Bờ Y.
Xuống
xe gặp hải quan cửa khẩu, hỏi đường lên cột mốc ngả 3 biên, câu đầu
tiên được hỏi là: “Các cô có đem theo giấy CMND không ?”. Trả lời có,
được hướng dẫn tiếp: “Các cô quay lại đi đến khi nào thấy cây xăng, đối
diện là trạm biên phòng, vào đó để các anh ấy hướng dẫn thủ tục”. Lại
quay xe ra, lần này đi chầm chậm, đến cây xăng đang ngơ ngác thì thấy
bên trái có bản chỉ dẫn trạm biên phòng ở bên trong con đường rẽ vào,
nhìn lên hóa ra trạm ở trên một ngọn đồi bên cạnh con đường.
Chạy
xe lên trạm, vắng tanh vắng ngắt, nhìn đồng hồ đã 12.20, là giờ nghỉ
trưa, tưởng đâu phải đợi đến giờ làm việc, nhưng may có một bạn chó biên
phòng thấy động sủa om sòm, một anh bộ đội đi ra, sau khi nghe lý do
ghé trạm, anh cũng bèn hỏi câu đầu tiên: “Các cô đi mấy người, có đem
theo giấy CMND không ạ?” Trả lời có, và định lục túi lấy giấy tờ ra
nhưng anh đã đi thẳng ra cổng, ngó qua cái xe, và hướng dẫn: “Bây giờ cô
đi ra cửa khẩu Bờ Y nhé, nói với các anh ngoài đó là đã ghé qua đây và
biên phòng đã đồng ý để các cô lên cột mốc rồi. Các anh ấy sẽ chỉ đường
đi cho cô nhé.” Mình ngớ ra, hỏi lại:”Thế có giấy tờ gì của các anh để
cầm theo không ạ?” “Không sao đâu, cô cứ đến đó và nói thế là được rồi”.
Chẳng biết làm sao, đành cám ơn và lại chạy xuống cửa khẩu, gặp lại anh
hải quan biên giới, nói y như vậy, lần này anh hỏi lại: “Các anh trên
đó đồng ý rồi phải không. Các cô có giấy CMND chứ?” Lại gật đầu và định
lôi giấy tờ ra, nhưng anh đã tiếp tục: “Bây giờ cô chạy thẳng vòng qua
cạnh cửa khẩu nhé, đến khi gặp một ngả 3 đầu tiên thì rẽ tay trái, sẽ đi
ngang một trạm có barie, báo cho biết cô muốn đi lên cột mốc, người ta
sẽ mở barie cho xe cô đi, chạy thẳng đường đó độ 9 km là đến chân đồi
có cột mốc”. Sau đó anh lại thêm: “Giờ này buổi trưa, nếu không có ai ở
đó thì cô… tự mở barie để đi”. Mình chẳng hiểu sao, thấy chỉ hỏi thôi mà
không anh nào buồn xem giấy tờ của mình, bèn nghĩ hay là tại cái mặt
bầy tui… quá lương thiện! Đến ngả ba biết là đã đúng đường nhưng vẫn cẩn
thận dừng xe hỏi một anh người dân tộc đang đi, anh gật đầu chỉ quẹo
tay trái và nói thêm là đi 1 cây số nữa là đến. Lại thắc mắc, biên phòng
nói đi 9 cây số nữa, anh dân tộc nói 1 cây. Nhưng thôi đúng đường thì
cứ đi, đường tốt và khá đẹp, cỏ lau trắng và cỏ đuôi chồn hồng hai bên
ven đường.
Nhưng đi cũng khá lâu, lại bàn tán với nhau, cây số của anh người dân
tộc Ka Dong chắc phải khác cây số của bộ đội biên phòng, đi mãi đến khi
đường nhựa thành đường đất thì có 1 cột cây số bên đường ghi 1km. Vậy
là anh Ka Dong nói cũng đúng, có 1 cột cây số duy nhất ghi vậy thì anh
nói vậy thôi.
Đã đến chân cầu thang đá dẫn lên cột mốc.
Nhìn tấm bảng ghi độ cao ngọn đồi là 1.086m rồi nhìn các bậc thang dẫn lên đồi và nhìn nhau, leo đồi đang buổi ban trưa, chị Quế tuyên bố tui sẽ đi lên, chừng nào đi không nổi tui sẽ nghỉ.
Dĩ
nhiên đến đây rồi thì phải leo thôi, cũng hơi ngán vì đi lên chỉ thấy
những khúc ngoặt trước mặt mà không biết còn bao nhiêu bậc thang nữa,
nhớ hồi leo núi Ba Vì có 500 m cuối mà đã đến 1.000 bậc thang.
Nhưng chỉ phải qua 3 khúc ngoặc thôi đã nghe cậu lái xe reo lên phía trên, sắp đến rồi các cô ơi.
Ái chà, chắc chỉ hơn 100 bậc thang, hóa ra độ cao ghi trên bảng là so với… mặt nước biển, leo lên không mệt lắm, nhưng cảm giác khi nhìn thấy cột mốc trên đỉnh đồi thật tuyệt vời.
Cột mốc nặng 900 kg , làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn quốc huy, năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ của chính nước đó.
Nhặt được một ngọn lau, cầm lên chụp hình với cột mốc trong cảm giác thật trẻ thơ khi nhớ về một thời Đinh Bộ Lĩnh với cờ lau tập trận.
Chẳng có con gà nào ở đây nhưng đúng là nếu như có một con gà trống đứng đây gáy thì cả 3 nước đều nghe, vì bước xuống bậc thang là ranh giới ngay.
Không
có bóng cây trên đỉnh đồi này, lộng gió nhưng nắng chói chang, chắc vậy
nên cả 3 bên đều bắt đầu trồng cây, cây còn nhỏ xíu chỉ thấy các bảng
tên, cây bên nước nào bảng tên bằng chữ nước đó. Phía Việt Nam có một
cây chuổi ngọc đã bắt đầu có hoa nhưng được bó chặt lại có lẽ vì sợ gió
thổi ngã. Ngọn đồi này có tên là Đồi Tròn cách đường tuần tra biên giới
của bộ đội biên phòng không xa, nhìn những bông hoa hiếm hoi trên đỉnh
đồi nhớ bài hát mà cậu lái xe đã cho nghe suốt từ khi ở cửa khẩu vào:… Phía
sau chùm hoa ấy là dấu chân lặng thầm cỏ mùa này non vậy mà đất nóng âm
âm... Phía sau chùm hoa ấy mũi súng canh đường biên chiến sĩ mình trẻ
quá đang bám trụ ngày đêm…
Đi xuống các bậc thang, nhìn núi đồi hùng vĩ chung quanh, bước chân lâng lâng.
Xe
chạy về quá ngả tư một chút thì bị chặn lại, anh cảnh sát giao thông
nói rất dễ thương: “Đường này không đi được vì đang chuẩn bị cầu truyền
hình, bây giờ xe quay lại đi đường Hồ Chí Minh vòng ra, đi đường đó đẹp
hơn đường này”. Quả nhiên nhờ bị cấm đường mà đi được một đoạn đường
thênh thang rất đẹp, đường rộng 6 làn xe, mà rất ít xe nên dân tận dụng
để … phơi sắn.
Về
đến Kon Tum đã 4 giờ chiều, lúc đó mới nhớ ra là chưa…ăn trưa. Ăn xong
ghé nhà thờ chính tòa, nhưng sẽ kể trong một dịp khác khi nói về nhà thờ
ở Kontum và chùa ở Pleiku vì các nhà thờ và chùa ở đây đều rất đẹp. Kết
thúc một ngày đường, về khách sạn, cũng đặt trước qua online, thấy trên
ảnh khá đẹp, kiểu resort, giá lại khá mềm, 240 ngàn một ngày phòng 2
người, lại gần cầu treo Kon Klor, gần sông Đăk Bla, mặc dù hơi xa phố
chính.
Khách
sạn thật bên ngoài muốn đẹp hơn trong ảnh, nên khi vừa nhận phòng xong,
lát sau bước ra sân thấy mặt trăng thấp thoáng sau mấy ngọn tre, chị
Quế đã quyết định ngay là sẽ ở lại Kon Tum 2 đêm thay vì một như kế
hoạch và sẽ đi thẳng ra sân bay Pleiku khi đến ngày về. Tôi đi dạo dạo
một vòng bên ngoài, hóa ra khách sạn nằm giữa thôn Kon Klor của người
BaNa, đến phiên tôi cũng muốn ở lại. Vậy là tối đó cả nhóm sau khi lang
thang phố chính của Kon Tum đã quyết định thay vì ngày mốt về Pleiku,
vì như chương trình đã định Pleiku 2 ngày và Kon Tum 2 ngày, sẽ ở lại
Kon Tum thêm ngày cuối và chỉ về Pleiku để ra sân bay. Không ngờ đó là
một ngẫu hứng hết sức đúng, vì cả 3 ngày ở Kon Tum đều rất hay. Ánh
trăng suông đã níu lại chân người.
(Ảnh Nguyễn Thanh Quế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét