Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

CHÙA Ở PLEIKU - NHÀ THỜ Ở KONTUM

Hành trình thực sự của chúng tôi chỉ có 4 ngày, bỏ ngày đầu vì đến Pleiku thì đã tối rồi, mà lại hơi tham, muốn đi khá nhiều nơi, nên chùa và nhà thờ ghé qua không nhiều và cũng không lâu. Nhận xét đầu tiên sau một ngày ở Pleiku, ghé hai kiểng chùa và nhìn qua một cổng chùa khác, chùa ở đây đều mới trùng tu, không thấy nét rêu phong như chùa ở miền Bắc, màu sắc không như các chùa miền Nam, ở đây chùa mang màu đất đỏ bazan chứ không phải màu đỏ son, cùng màu xanh lục của lá rừng và một màu nâu đỏ cùng nâu nhạt mà hôm sau khi mua thổ cẩm tôi nhận ra đó là màu nước nhuộm của vỏ cây và vỏ cà phê. Ngôi chùa lớn nhất ở Pleiku là chùa Minh Thành, nằm trên một triền đồi, bắt đầu xây dựng từ năm 1964 và từ đó đến nay vẫn tiếp tục được trùng tu cũng như xây dựng mới. Ngôi chùa to lớn nằm trên diện tích khoảng 2 ha nên máy ảnh nghiệp dư như tôi chỉ chụp được từng phần bên ngoài.  Chánh điện cao 16m làm bằng gỗ pơ mu và gỗ gõ, có 2 tầng, họa tiết công phu.



Bên phải là dãy nhà việc và tháp chuông.





Bên trái là tháp Tổ khai sơn.



Phía trước chùa là hồ Liên Trì với tượng Phật Di Đà bằng đá, cao 7,5 m, nặng 40 tấn  đứng nhìn xuống thành phố Pleiku phía trước.





Một bảo tháp Xá Lợi có 9 tầng, cao 90 m đang xây sắp xong phía bên trái.



Các chi tiết chạm trỗ khá công phu. Có cảm giác  kiến trúc cầu kỳ của ngôi chùa này hình như pha trộn nhiều loại kiến trúc chùa Đài Loan, Thái Lan, Trung quốc…



Ngôi chùa thứ hai chúng tôi bước chân vào là chùa Bửu Minh ở gần Biển Hồ trà, ngôi chùa khá xưa của Pleiku, đầu thế kỷ XX, những người phu mộ từ đồng bằng lên làm ở đồn điền chè đã lập một làng tên là “Xóm Cỏ May”, do nhu cầu tín ngưỡng, một nơi thờ tự có tên “Sơn Hải miếu” được lập ra, đó là tiền thân của chùa Bửu Minh. Năm 1936, được khai sơn thành  chùa Phật Học, năm 1961 được trùng tu và mang tên Bửu Minh.



Cũng là một ngôi chùa có kiến trúc khá lạ với các chùa ở đồng bằng, chánh điện cao gần 50m, có dáng dấp như mái nhà rông Tây Nguyên.


(Ảnh tư liệu)

Các đầu đao vươn ra nhiều nên giống thân chim phượng hoàng.



Các đầu đao khắc chạm  đầu rồng kiểu đầu rồng chùa Tây Phương - Hà Tây, cạnh đầu rồng là cá hoá long, giống góc mái chùa Một Cột Hà Nội.



Khuôn viên chùa không lớn so với rất nhiều kiến trúc được xây dựng trong chùa nên cho cảm giác khá chật hẹp.





Một ngôi chùa khác chỉ chạy xe ngang nhìn qua là chùa Bửu Nghiêm, cũng mang màu của đất bazan và vỏ cà phê.



Không có thời gian nên chưa tìm hiểu về nhà thờ ở Pleiku, nhưng khi đến Kon Tum thì thấy ở mỗi bản làng đều có một nhà rông  và thường là có thêm một nhà thờ với kiến trúc đặc biệt kiểu Tây Nguyên. Nhà thờ Chính Tòa Kon Tum thì không phải bàn rồi, nổi tiếng với kiểu dáng hết sức đặc biệt, kết hợp kiến trúc Roman và kiến trúc nhà sàn người Bahnar, làm toàn bằng gỗ (phần lớn là gỗ cà chít), nên tên dân gian gọi là Nhà thờ Gỗ.





Từ cột kèo đến nóc nhọn của giáo đường và tháp chuông cao vút đều bằng gỗ.







Điểm xuyết trên đó là những hoa văn mang sắc màu Tây Nguyên, tạo điểm nhấn.



Bên trong nhà thờ là mái vòm cong vút cao lồng lộng.



Dọc hai bên là những hàng cột làm từ gỗ cà chít đen tròn, thẳng tắp. Liên kết với các cột là những vòm gỗ. Tất cả được đục đẽo, gắn kết nhau bằng mộng, không đinh hay thứ gì kết dính.



Lồng vào giữa những khối gỗ là những tấm kính màu, mô tả hình ảnh trong Kinh Thánh và cũng là chỗ lấy ánh sáng cho phía trong.





Nếu như nhiều chi tiết làm bằng gỗ thì tường và mái nhà thờ lại là đất sét trộn rơm bện lại thành khối và đắp lên nhau, gắn kết với cột kèo gỗ tạo thành kiểu kiến trúc độc đáo. Cũng như nhà rông, tôi bất ngờ trước sự vững chãi của kiến trúc và thán phục tài hoa của các nghệ nhân đất Tây Nguyên.





Nếu nhà thờ Chính Tòa đẹp dung dị mà sang trọng thì các nhà thờ tôi gặp khi đi ngang qua các giáo xứ cũng đẹp một cách đặc biệt. Đi trên đường 24, đến xã Đăktơre huyện Kon Rẫy, gặp làng Kon XơmLuh, một nhà thờ mang hình dáng một nhà rông Tây Nguyên sừng sững bên đường.





Cột gỗ, mái ngói, các điêu khắc bằng gỗ và chi tiết hoa văn Tây Nguyên, đẹp đến ngạc nhiên với một nhà thờ nhỏ bên đường.







Một lần khác đi vào làng Kon K'Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa, ngôi làng cổ nhất của Kon Tum cũng thấy một nhà thờ gỗ nhỏ xinh, cũng kiến trúc bằng gỗ và hoa văn kiểu Tây Nguyên, rất tiếc hôm đó là thứ hai, nhà thờ đóng cửa, không nhìn được kiến trúc bên trong.





Kon Tum còn có Tòa Giám mục còn có tên là Chủng viện Thừa Sai Kon Tum, xây dựng từ năm 1935, cũng vẫn là sự kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Vật liệu chính vẫn là gỗ quý và xây dựng  vẫn là sự lắp ghép.





Nằm khuất sau hai rặng sứ lâu năm và những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát, Chủng viện mang dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng như chính nhịp sống của người bản địa Kon Tum.



Tiếc là chúng tôi ghé qua đúng giờ nghỉ trưa vì còn phải quay về Pleiku để đáp chuyến bay về Sài Gòn tối hôm đó nên không vào được bên trong để xem một bảo tàng thu nhỏ ở lầu 2 lưu giữ và trưng bày khá đầy đủ về những vật dụng sinh hoạt, sản xuất, vật thể, ấn phẩm văn hóa, tôn giáo của các dân tộc bản địa Kon Tum. Ngoài sân vườn có một số các hình tượng các vật dụng sinh hoạt của người dân Tây Nguyên.
Xe bò và cối giã gạo.



Gùi và bầu rượu.



Chiếc thuyền độc mộc lớn trước để nơi đây bây giờ chỉ còn 2 chiếc  thuyền nhỏ.




(Ảnh tư liệu)

Chùa và nhà thờ là thế giới tâm linh, mỗi người tùy theo hoàn cảnh khi bước vào mà cảm nhận thế giới trong đó.



Tôi là một người bình thường, điều tôi biết chắc là khi rời khỏi đây, bước qua cánh cửa này, tôi sẽ lại trở về với tất cả những sân si đời thường!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét