Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

HUẾ... NHỮNG ĐIỀU CÒN DỄ CHỊU

Dễ có hơn 6 năm rồi tôi chưa trở lại Huế, trước đây vì công việc, đôi ba năm ra Huế một lần. Tôi đến với Huế lúc còn chưa là di sản văn hóa thế giới, chưa có các thuyền rồng đỏ vàng xuôi ngược trên sông Hương. Để đến điện Hòn Chén phải ngồi trên một cái đò bé tẹo, mỏng như lá lúa, mà cậu bé lái đò vừa chèo vừa luôn miệng trấn an du khách:  “Không răng mô, không răng mô”. Nhưng cứ phải tìm đến điện Hòn Chén vì bài thơ của nhà thơ Thu Bồn:
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu…

Khi Huế đã là di sản, người đông dần lên, nhà cao dần lên…, Huế được nhiều và mất cũng nhiều. Những năm gần đây, bạn bè tôi cả những người mới đến Huế lần đầu hay trở lại Huế đều tỏ ý thất vọng, có lẽ vì mong muốn được nhìn thấy những điều mong đợi ở một di sản văn hóa thế giới, mà cái áo di sản lại quá rộng với Huế, 21 năm rồi vẫn lúng túng trong cái áo lụng thụng, không lớn kịp để mặc vừa, các di tích dần trở thành phế tích, những nơi được phục dựng thì sơn son thếp vàng mới tinh hoặc được sắt, thép, xi măng hóa v.v… nhưng tôi vẫn mê Huế bởi cái vẻ huyễn hoặc lãng đãng mà kiêu kỳ như trong thơ Thu Bồn:
…Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng…

Thành ra tôi nhìn Huế như nhìn người yêu, mà nhìn người yêu thì thường không tỉnh táo lắm, nên đừng ngạc nhiên khi tôi nói về Huế toàn những điều… dễ chịu.
Ra Huế những ngày đầu tháng 3, người địa phương nói một năm Huế chỉ có mười mấy ngày thời tiết đẹp như ri, không có nắng, thảng hoặc có một chút mưa bụi lay phay, se se lạnh đủ để khăn áo làm duyên. Bọn tôi ở một khách sạn gia đình trong một con kiệt đủ rộng cho xe hơi vào trên đường Lê Lợi, giá mềm, nhưng phòng đẹp, đầy đủ tiện nghi, nhân viên phục vụ chu đáo, dễ thương, ở gần đường Phạm Ngũ Lão Huế (cũng giống hệt như khu Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn). Cách khách sạn 100m là sông Hương, còn với bán kính 1km có thể đi ra cầu Trường Tiền, trường Quốc Học, trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ), qua cầu Trường Tiền quá lên một chút là đến khu Thành nội. Còn quẹo tay trái cũng trong bán kính 1km là đi về Đập Đá, thôn Vỹ Dạ, Cồn Hến… Tóm lại trừ cái view nhìn ra ngay sông Hương mà khách sạn Hương Giang 4 sao đối diện có, còn lại những ưu thế khác về địa hình, giao thông, dịch vụ mua sắm, hàng quán … khách sạn 1 sao của mình cũng có y như… Hương Giang.

Ngày ở Huế: Mùa này buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều cũng y hệt nhau vì không có nắng, đường phố cũng đầy xe đi lại nhưng êm êm, ở Huế không nghe tiếng còi xe cuống quýt như Sài Gòn.



Sáng sớm khi sương còn mịt mùng, sông Hương như biến mất, chỉ còn thấy một con thuyền trên bến.



Buổi trưa vẫn lang thang được vì không một chút nắng, đi đâu cũng thấy những chùm hoa xoan đong đưa trên ngọn cây, hoa xoan nở trắng khắp nơi, người Huế gọi là cây sầu đông (cũng có người gọi là cây sầu đâu), những chùm hoa tim tím dễ chịu như thời tiết mùa này.





Buổi chiều muốn ngồi cà phê thì có Nón Huế ở Đập Đá




(Ảnh tư liệu)

Hoặc cà phê Vỹ Dạ xưa đường Nguyễn Sinh Cung cũng khá thú vị. Ở Vỹ Dạ xưa nên bỏ qua khu nhà rường bề thế với những hành lang rất cung đình, đi thẳng ra phía sau, ngồi cạnh bờ sông, không khí trong trẻo tưởng chừng như uống được, y như một câu thơ của Hàn Mặc Tử: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc...







Đêm ở Huế: Huế khi xưa, buổi tối 8 giờ trở đi đường phố vắng ngắt, đèn đường tù mù, thỉnh thoảng leo lét một ngọn đèn trứng vịt bên lề đường, sà xuống để ăn… trứng vịt lộn. Chuyến đi này, một lần trời sẩm tối tôi đi qua cầu Ưng Bình, bất giác ngó thấy một buổi tối Huế như cách đây 20 năm.



Bây giờ đêm của Huế cũng rực rỡ đèn.





Thông thường du khách buổi tối ở Huế là đi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương, nhưng gần một năm nay cạnh cầu Trường Tiền có một chợ đêm rất hay, có khi nên gọi là chợ chồm hỗm, vì không có gian hàng chỉnh chu, chỉ là những tấm trải bên lề đường, đèn đường không đủ sáng, nên mỗi gian hàng tự thêm đèn, nhưng rất vui, chợ bán đủ thứ, thức ăn vặt, hàng lưu niệm, vẻ tranh …, tối nào cũng rất đông người lui tới, phần lớn là thanh niên nhưng cũng không hiếm khách du lịch.






Ăn ở Huế: Thật ra các món ăn phổ biến của Huế ở Sài Gòn đều có: bánh khoái, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh cuốn, nem rán, nem lụi, mít trộn, bún bò Huế, bánh canh bột xắt, cháo lòng bò…, mùi vị, phong cách, giá tiền hình như ở Sài Gòn các quán bán món ăn Huế cũng y vậy. Chỉ có món cơm hến là hiếm ở Sài Gòn, món ăn phổ biến và thiệt rẻ tiền này ở Huế chính ra cũng khá cầu kỳ. Một tô cơm hến có khoảng gần 15 món trong đó: cơm nguội, hến, bạc hà, rau má, ngò rí, húng cây, rau chuối, mè, đậu phộng, da heo khô chiên giòn, giá, ruốc huế, khế, gừng, ớt… cộng với một nồi nước hến luôn đỏ lửa.





Cơm hến, cháo hến, bún hến ở tại cồn Hến có một giá: 7 ngàn một tô, ở đây chè bắp non cũng rất ngon. Cơm hến gánh rong tô lớn hơn giá 10 ngàn. Bánh bột lọc và cơm hến là hai món mà những người phải mưu sinh suốt ngày ngoài đường rất chuộng, dễ ăn, rẻ mà no. Chè Huế cũng đặc biệt, bán cùng một chỗ 20 món chè, món chè lạ nhất là chè bột lọc thịt quay, ăn giống như bánh bột lọc chấm…nước đường thay cho nước mắm.





Còn một món cũng rất cầu kỳ nên ít người làm và đã có lúc thất truyền là cơm muối, năm 1987 tôi từng được ăn một bữa cơm muối ở nhà một người bạn, cũng cầu kỳ nhưng là cơm muối dân dã, chị cũng là cô giáo dạy Sử nên chiều ý bọn tôi làm một bữa cơm chỉ với 9 món muối (theo chị là chưa  đầy đủ): Muối trắng rang, muối ớt đỏ, muối riềng vàng, muối khế, muối sả xanh, muối tiêu, muối mè đen, muối ruốc, muối thịt ram khô. Nghe nói bây giờ muốn ăn cơm muối phải đặt trước ở nhà hàng vài ngày, vì chỉ còn vài nghệ nhân làm được, nhưng cơm muối bây giờ có vẻ cung đình hơn, vì là cháo ngũ sắc ăn với muối trắng, xôi 3 màu Phượng hoàng ăn với muối mè, rồi cơm trắng thì ăn với 9 món muối như muối tiêu, muối cá thu, muối tôm, muối mè, muối ruốc bò v.v....



(Ảnh tư liệu)

Đặt một mâm 10 người, giá khoảng trên200 ngàn/người. Cũng nghe nói nghệ nhân bây giờ có thể làm 27 món ăn từ muối. Thiệt là… rất Huế!

Người ở Huế: Những ngày ở Huế không nhiều, ảnh về người không nhiều, chỉ là những nét nhấn nhá.
Một bác trung niên ngồi vẻ bên bờ sông.



Bạn sinh viên trường Mỹ thuật ngồi vẽ ở chợ đêm.



Hơi tiếc là ít gặp các cô gái Huế mặc áo dài, lang thang ở Huế vào 2 ngày cuối tuần nên không thấy được hình ảnh áo dài trắng nữ sinh Huế, chỉ bắt gặp vài áo dài tím của các cô hướng dẫn viên du lịch tình cờ gặp đây đó.



Nhưng cũng nghe nói festival 2012 đã phát 200 cái nón lá cho nữ sinh Quốc học Huế để khuyến khích nữ sinh đi học đội nón lá khi mặc áo dài trắng.


(Ảnh tư liệu)

Những người phụ nữ Huế trên đường mưu sinh trong ảnh mình lần này làm liên tưởng đến hình ảnh cái cò lặn lội bờ sông.









Cảnh ở Huế: Huế là sông Hương núi Ngự, là lăng tẩm thành quách xưa, nhưng nếu đi marathon theo city tour thì có khi gần đến cuối ngày thở ra bằng tai nên chỉ như phản xạ khi bấm máy chụp ảnh chứ ít còn tâm trí thưởng ngoạn. Một kinh nghiệm nhỏ: Vé vào các điểm tham quan ở Huế khá đắt, thôi thì cũng chịu vì để góp phần duy trì và trùng tu, mặc dù có điểm như lăng Tự Đức trong khi đang chờ trùng tu trông như phế tích, tuy nhiên nếu du khách đã 60 tuổi trở lên sẽ chỉ mua giá vé bằng 50%, hoặc nếu dự kiến sẽ đi thăm 3 lăng tẩm thì hãy mua ngay cùng lúc 3 vé sẽ được giảm 25% . Và chịu khó tự đi không theo tour, chầm chậm một chút, thỉnh thoảng bất chợt bắt gặp các hình ảnh đời thường khá thú vị.
Một bầy trâu tắm bên sông.



Một con thuyền nằm nghỉ trưa. 



Một sông Hương chảy êm êm lặng lặng không thể hình dung khác hơn bởi một nhà thơ Quảng Nam là Thu Bồn.
…Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…




Ngó núi Ngự Bình nhớ câu ca dao nghe buồn nhức xương.
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Bởi cha mẹ chàng cứ gạn đục khơi trong
Nên chàng với thiếp mới long đong duyên tình




Đi qua phủ thờ Tuy Lý Vương - vị hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng – nhìn rêu phong theo năm tháng… y như một bài thơ của ông:
Hương phong xuy cổ bích. Lão ốc ám sinh xuân…
(Gió thơm vờn vách cổ. Nhà cũ thắm xuân tươi…)



Đứng một lúc ở góc thành đổ nát hình dung ra …Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.



Một ít ngày ở Huế chẳng đủ để hy vọng hay thất vọng về Huế, mang về vài bức tranh của những chàng họa sĩ tương lai đang học trường Mỹ Thuật đêm đêm ngồi vẽ tranh dưới dạ cầu Trường Tiền.





Và mong Huế làm sao cố gắng để đủ sức cho du khách vấn vương còn quay lại.


5 nhận xét:

  1. Chỉ chạy về đây khi cần cất bài. Thiệt là mình cũng bạc quá...

    Trả lờiXóa
  2. một bài hướng dẫn cặn kẽ hơn tất cả các bài hướng dẫn khác về Huế đó chị ơi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lang thang ở Huế hay hơn đi theo tou Bố Susu à. Và... rẻ hơn.:)

      Xóa
  3. sang đây để thấy Huế thơ mộng hơn người ta nói, chúc bạn vui vẻ an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bản thân Hế vẫn thơ mộng, tại con người làm Huế ... khó chịu đấy bạn ạ. Cám ơn đã ghé qua nhà .

      Xóa