Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Ngày 4, 5: Mộc Châu - Hòa Bình - Sơn Tây

Buổi sáng Mộc Châu mờ trong sương, lên đường trở về đồng bằng, cô bạn nhỏ cứ tiếc nuối sao mà chuyến đi nhanh đến vậy.



Trước khi về cũng tìm cách ghé thăm mấy chú bò sữa, như đã nói, dạo sau này ngành chăn nuôi và trồng trọt Mộc Châu không hoan nghênh… khách du lịch. Cũng như ở những cánh đồng chè, các trang trại chăn nuôi khép kín cửa và đều có bảng Không tham quan, chụp ảnh. Lý do sự có mặt ồn ào của khách du lịch đôi khi làm bò tắt sữa, cộng với không đảm bảo vô trùng, ngoài ra thỉnh thoảng khi bò được đưa ra ngoài đồng cho hưởng ánh nắng mặt trời, dĩ nhiên là ở ngoài đồng thì phải lem luốc, thế là các du khách chộp được ảnh được đưa lên mạng  với lời bình không tích cực… Tóm lại những người như mình không được hoan nghênh ở vườn chè và trang trại chăn nuôi Mộc Châu, nhưng cô bạn nhỏ rất thiết tha muốn chụp ảnh… với bò. Vậy là đi tìm những khu chăn nuôi nhỏ, đậu xe từ xa, rón rén đi vào, chỉ sợ chó sủa, người ta ra đuổi chạy không kịp. Có lẽ thấy bọn mình cũng biết điều nên không ai ra ngăn, có điều cửa trang trại đóng im ỉm, đi ra ngoài đồng tìm được một đàn bò được cho ra phơi nắng, cạnh cây bưởi đầy quả, vậy là cũng chụp được ảnh bò sữa, khuyến mãi thêm một bạn trâu đang đứng suy tư.







Rời Mộc Châu với một số điều ấm ức, xuôi về Hòa Bình, đi ngang Thung Nhuối, còn sương nhiều quá dù đã gần trưa.



Chụp ảnh thị trấn Mai Châu dưới thung lũng, cảnh đẹp nhưng còn đầy sương máy mình chụp mờ quá.







Qua Thung Khe, gặp cái dốc Đá Trắng đẹp tuyệt.





Xuôi về Hòa Bình, doc đường thấy bán cá nướng sông Đà từng xâu từng xâu.



Ghé vào nhà máy thủy điện Hòa Bình, lấy luôn các thông số của nhà máy vào đây để thấy được vẻ hoành tráng mà chúng tôi được chứng kiến.







Nhà máy thủy điện Hoà Bình công suất lớn nhất Đông Nam Á. Công trình thủy điện Hòa Bình có bốn nhiệm vụ chủ yếu: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy.
Các chỉ tiêu, thông số của nhà máy:
+ Chiều dài đập : 734 m
+ Chiều cao đập : 128 m
+ Mực nước dâng tối đa : 120 m
+ Dung tích hồ chứa nước : 9 tỷ m3
+ Số tổ máy : 8
+ Công suất thiết kế : 1920 MW
+ Loại đập : Đá đổ có lõi sét
+ Thời gian thi công : 15 năm liên tục
+ Khối lượng đào đắp đất đá : gần 50.000.000 m3
+ Đổ bê tông : 1.899.000 m3
+ Khoan phun : 205.000 m
+ Lắp đặt thiết bị kim loại 46.721 tấn
 Chúng tôi được vào tầng hầm trên cùng để tham quan, nghe nói còn 9 tầng hầm bên dưới nữa.







Từ trên cao nhà máy thủy điện nhìn xuống thành phố Hòa Bình.



Rời Hòa Bình lẽ ra tôi về luôn Hà Nội, ngủ một đêm, hôm sau bay về Sài Gòn, nhưng vì bay rất trễ, chuyến 10 giờ đêm, một ngày lang thang ở Hà Nội không làm gì, quyết định ở lại Sơn Tây, một phần là vì sự hiếu khách của người Sơn Tây. Chị là người quen của cô bạn nhỏ, biết mình thông qua cô ấy nhưng dứt khoát kéo về nhà ở không cho thuê khách sạn. Không phải vì sự hiếu khách của chị mà mình khen, nhưng chị rất xinh, nhìn chị cứ nhớ đến người con gái Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng, xinh xắn, xởi lởi mà rất nhẹ nhàng:
…Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
   Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
   Em đã bao ngày em nhớ thương?...
Tôi ngủ lại nhà chị, thân mật như ở nhà mình, tối đó ra thành cổ Sơn Tây , tôi đã đến đây một lần vào năm ngoái, nhưng buổi tối thành cổ thật lung linh.













Sáng hôm sau, chị chủ nhà đi làm, cô bạn nhỏ có công việc nên ở lại nhà, vậy là tôi một mình đi khám phá Sơn Tây, năm ngoái tôi đã lang thang ở Đường Lâm cả một ngày rồi, lần này muốn đi Ba Vì, thuê một bác xe ôm gần nhà, tôi lên Vườn Quốc gia  Ba Vì. Bác ấy chở tôi lên núi Tản, từ trung tâm thị xã Sơn Tây chỉ 10 km là đến chân núi, nhưng để lên đến gần đỉnh là 14 km (núi cao gần 1.300 m), chiếc xe Dream Thái cũ kỹ ì ạch leo núi, thỉnh thoảng ngừng lại và kiếm nước ở các khe nước bên đường đổ vào cho máy nguội, những lúc đó tôi cuốc bộ, chụp được từ trên cao xuống hồ Tiên Sa.



Càng lên cao trời càng mát lạnh, may là tôi có đem theo áo khoác, 9 giờ sáng nhìn xuống bên dưới vẫn mù mịt trong sương.



Đến nơi không còn chạy xe được nữa, phải cuốc bộ, theo như bác xe ôm thì khoảng 500m, có 2 nhánh để lên 2 đỉnh, tay trái là lên tháp Bảo Thiên, nơi có đền thờ Bác Hồ, nhánh tay phải là lên đền Thượng thờ thánh Tản Viên. Bên trái là 1.000 bậc thang, bên phải là 600 bậc, tôi quyết định đi phía 1.000 bậc trước rồi sẽ đi phía 600 bậc sau (đấy là thoạt đầu mơ mộng như thế), những bậc thang mờ sương, leo lên và… cứ leo mãi, thỉnh thoảng có người cùng đi lên, nhưng tôi đi khá chậm và cứ ngừng để nghỉ.







Sương mờ mịt, trời lạnh ngắt, nhưng mồ hôi cứ tuôn ra, leo lên được khoảng nửa tiếng, mệt quá, mà chẳng biết lúc nào đến, cứ quẹo qua là lại thấy một khoảng hun hút phía trước.



Ngồi nghỉ lại và định quay xuống, nhưng sau thấy làm vậy thì… hèn quá, quyết định cứ đi tiếp và không để ý coi chừng nào đến nữa, quay ra ngắm trên trời, dưới đất, chợt thấy những chiếc lá ngô đồng rụng dưới chân. Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu.



Ngẩng lên thấy một nhánh ngô đồng hiếm hoi đầy lá vàng trên đầu. Cảm hứng và cho ra một con cóc nhỏ: Những chiếc lá ngô đồng còn sót lại, Mùa thu trên núi đang đi qua.



Mà mùa thu đi qua thật, những chiếc lá đỏ rụng đầy trên rêu xanh.



Thỉnh thoảng lại nghe điện thoại ở nhà gọi lên: “Đang ở đâu, hôm nay bão vào đất liền đấy” . Trả lời cho ở nhà yên tâm, ngoài này nắng tốt. Rồi lại có điện thoại các bà bạn rủ đi uống cà phê ở Sài Gòn. Một mình trên núi nhưng chẳng thấy trơ trọi tí nào. Mãi rồi cũng đến, tháp Bảo Thiên hiện ra trước mặt, như vậy đã  leo lên khoảng non tiếng đồng hồ, 10 giờ trưa mà đỉnh tháp vẫn mờ sương.



Đền thờ Bác Hồ nằm dưới  những tán cây lớn, bình yên vô cùng.



Nhưng từ đỉnh núi nhìn xuống chẳng thấy gì vì mây trắng vẫn phủ chung quanh, một con chim quốc vừa bay ngang vừa kêu quốc quốc. Hết cả mệt nhọc.



Lúc đi xuống thì dễ hơn vì cứ bước xuống, xuống mất khoảng nửa tiếng, Đang xuống gặp các bác vừa lên đền Thượng xong sang leo bên này, hỏi thăm, bên đó ít bậc hơn nhưng bậc rất cao, ái chà kiểu này chẳng mơ mộng leo đền Thượng nổi nữa, xuống đến nơi đành đứng khấn Thánh Tản ngay chân đền vì chẳng còn đi nổi nữa.



Khi xe quay về đến cây số thứ 11, nhìn lên núi, sương đã tan vì đã hơn 11 giờ trưa, chụp được cái ảnh làm bằng chứng, em đã leo từ cái cột điện lên đến tháp đấy các bác ạ.



Thấy tự hào… đã  vượt lên chính mình nhé,  nhưng thật ra đi xuống 1.000 bậc thang  như vậy trọng lực dồn vào hai bắp chân, về đến nhà bắp chân mỏi ơi là mỏi, lẽ ra đừng chảnh, phải bẻ một cây trúc bên đường làm gậy để chống khi đi xuống. Về đến nhà được cô bạn nhỏ đãi một bữa cháo cua đồng quá ngon, thiệt là phê, lăn ra ngủ, chiều xuống xách túi về Hà Nội, mang theo một túi sấu non chị chủ nhà cứ nhất định bắt mang đi.  Ra Nội Bài bay chuyến khuya. Tưởng chuyến trễ thế này ít khách, hy vọng tìm được chổ trống cuối máy bay để nằm ngủ, nhưng chuyến này vẫn đầy nghẹt khách, ngủ gà ngủ gật đến khi nghe cơ trưởng báo máy bay đang hạ độ cao, nhìn xuống Sài Gòn đèn ngọn xanh ngọn đỏ bên dưới, cảm giác về đến nhà thật bình yên.



Rồi các ký ức của chuyến đi sẽ lắng xuống, lại mơ về một chuyến đi khác. Cám ơn bạn bè đã chịu khó nghe tôi cà kê chuyện đường xa.

6 nhận xét:

  1. Về nhà rồi, vừa ấm áp khi ở nhà, vừa tiếc nuối đường xa.

    Trả lờiXóa
  2. chuyến đi thật thú vị và nhiều điều mới được khám phá quá, chị nhỉ?
    chúc mừng chị :)

    Trả lờiXóa
  3. Chuyến đi thật thích thú và lặn lội đáng phục, Hình chụp ban đêm tay máy rất vững :)
    Đàn bò và cây bưởi thật bắt mắt ,Còn Cây Ngô Đồng tôi cứ nghĩ là cây thân thảo :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cây ngô đồng bên TQ thì nhiều, mọc ven đường như loại cây cho bóng mát. Việt Nam mình xứ nóng, chắc trên núi khí hậu mát mẽ nên thỉnh thoảng có một vài cây. Mình thích lắm khi gặp được cây ngô đồng trên núi Ba Vì.

      Xóa
  4. Được đi du lịch ké cùng chị Minh An nè :) Hình đẹp quá, chị ơi! :)

    Trả lờiXóa