Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Ngày 3: Suối Giàng - Mộc Châu

Ngày thứ ba từ Suối Giàng -Văn Chấn bắt đầu xuôi đường 32, tạm biệt những bậc thang ruộng ngút mắt đến trời của Yên Bái.



Về đến Ba Khe thay vì qua đèo Khế như lúc đi thì lại rẽ sang đèo Lũng Lô về Phù Yên để vào địa phận Sơn La. Đèo Lũng Lô độ dốc chỉ 10% nhưng đường khá khó đi vì dấu tích những điểm sạt lỡ của trận bão 3 năm trước cắt khúc cung đèo 15 km này vẫn còn.



Trên đường về phà Vạn Yên, còn 18 km nữa đến phà là một cung đường đèo tuyệt đẹp bởi đi dọc theo một nhánh nhỏ của hồ chứa nước khổng lồ của thủy điện Hòa Bình, đường miên man một bên là vách núi và một bên là hồ nước xanh mênh mông dài theo con đường, hồ ở cuối nguồn nước sông Đà, cá sông ở đây rất phong phú và rất lớn, đời sống dân cư có vẻ trù phú, dọc theo bờ hồ nhà người Mường mái ngói đỏ san sát.







Đến phà Vạn Yên, thấy bến phà vắng ngắt im lìm, chỉ có một chiếc thuyến máy nhỏ đang chở người và xe gắn máy sang sông.



Tưởng là phải đợi rất lâu nhưng may quá bên kia sông xuất hiện một chiếc xe 7 chỗ cũng đợi qua phà, vậy là vào trạm gặp các bác lái phà, 5 phút sau phà vận hành sang sông. Lần đầu tiên đi một chiếc phà qua sông chỉ có mỗi nhà mình thế này, vé pha quà cả người lẫn xe 50.000 đ.



Qua phà theo đèo PaChăm đường 43 quá trưa mới đến cao nguyên Mộc Châu. Ăn trưa ở trong một nhà hàng nhỏ tên Thủy Doanh  có  1 câu slogan khá độc đáo.



Ăn trưa có món bê chao, hỏi ra mới biết dòng đời của bò đực ở Mộc Châu này quá ngắn, khi bê con được sinh ra , là bê cái sẽ được nuôi thành bò sữa, nhưng bê đực thì chỉ sau một tuần bú sữa non xong là bị hóa kiếp, vì bê đực nuôi không có lợi mà rất tốn sữa.



Buổi trưa nắng nóng nên ghé Động Sơn Mộc Hương trước. Động còn gọi là Hang Dơi nằm về phía Đông - Bắc của thị trấn với diện tích là 6.915m2. leo 240 bậc là tới cửa hang. Cửa hang quay về hướng Nam nhìn xuống thung lũng lớn, ở giữa thung lũng lớn nhìn ra 7 ngọn đồi nhỏ. Nếu như theo truyền thuyết thì hang là một con rồng bay qua và ở lại… Tuy nhiên về mặt khoa học thì các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm ra những di chỉ chứng minh Hang Dơi này đã có người Việt cổ sinh sống cách ngày nay từ 3000 từ 3500 năm. Trong lòng hang có một mạch nước ngầm tạo thành một hồ nước nhỏ nên người dân tộc Thái còn gọi là hang Salai (hang Nước). Có vẽ trước đây có nhiều dơi nên cũng có tên Hang Dơi. Công bằng mà nói từ khi Việt Nam tìm ra các hang động ở Phong Nha- Quảng Bình rồi thì các động nhỏ thế này xem ra cũng ít người tìm đến, có một điều rất tuyệt là trưa nắng nóng bước vào hang thì mát lạnh bởi một cái máy lạnh thiên nhiên khổng lồ.









Rời hang Dơi đi tìm thác Dãi Yếm, trước khi xuống thác dọc đường thấy những quả bí xanh bí đỏ bày bán to như những chú lợn con.




Đường xuống thác,  qua một khúc quanh hiện ra một cảnh tuyệt đẹp với căn nhà nhỏ nằm giữa đồi ngô đã thu hoạch chỉ còn lá khô nâu.





Xuống thêm hai con dốc một cái thác dịu dàng hiện ra, thật đẹp.







Thác Dải Yếm có tên gọi khác là "thác Nàng", "thác Bản Vặt" nằm tại xã Mường Sang. Sở dĩ thác mang tên là Dải Yếm vì theo truyền thuyết, thác là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ.  Thác nằm trên dòng suối Vặt khởi nguồn từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu ở đầu bản Vặt, một bản của người Thái có lịch sử lâu đời. Thác Dải Yếm bao gồm hai phần, thác nước phía trên rộng 70 mét, thác nước phía dưới nằm cách đó 150-200 mét. Hai thác đổ xuống với tổng chiều cao 100m, một bên được chia làm 9 tầng, bên còn lại 5 tầng. Cách giữa hai phần thác là một bãi đất phẳng thuận tiện cho việc tham quan. Ở nơi đây một “nàng” đã đứng chụp với thác Nàng.



Đi tìm các đồi chè, tiếc là những đồi chè lớn có những vồng chè uốn khúc đẹp mắt thế này không còn được cho vào xem nữa, hậu quả của những mùa du lịch trước, khách vào chơi, tham quan, chụp ảnh và… làm nát các luống chè.



Đó là hậu quả của du lịch tự phát và không… tự giác. Nghe nói đến mùa hoa cải bây giờ các vườn cải cũng không cho vào chơi vì qua một mùa du lịch thì các vườn cải cũng nát tan. Nhìn cái biển Không tham quan, chụp ảnh mà thấy buồn, chẳng đưa lên vì thấy… nhục quá.  Đành ghé vào một đồi chè bên đường.





Trên đường về thị trấn ghé qua Bản Áng chụp cảnh đồi thông bên hồ buổi chiều, đẹp mơ màng.



Bản Áng có những ngõ nhỏ hàng rào xây gạch rất hay, lang thang và gặp nhà có 2 cây hồng quá đẹp, lần đầu mình thấy những quả hồng trên cây đẹp như thế.







Chiều xuống rồi, đi tìm chỗ ngủ thôi, tạm biệt chú bọ ngựa ở ven đường thiên lý. Thấy mình như Dế mèn phiêu lưu ký. He he he…

5 nhận xét:

  1. Đồi chè ở đó có màu xanh biếc thật lạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đứng nhìn các đồi chè mênh mông nối tiếp nhau, đẹp lắm bạn ạ, chỉ tiếc mình không chụp được.

      Xóa
  2. những người đi trước đã lấy và phá hết, người đi sau chỉ còn tiếc nuối. Không thì những hình ảnh đồi chè xanh ngát sẽ có trong bài này rồi :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng buồn bố Susu nhỉ, lần đầu mình đến một nơi... không hoan nghênh khách du lịch.

      Xóa
    2. buồn thiệt là buồn :(

      Xóa