Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Ngày 2: Mù Cang Chải - Suối Giàng

Buổi sáng ngày thứ 2 trong chuyến đi, thức dậy nhìn ra toàn cảnh thị trấn Mù Cang Chải trong nắng sớm.



Huyện Mù Cang Chải có 1 thị trấn và 13 xã. Cả huyện có 2.200 ha ruộng bậc thang, thì diện tích ruộng bậc thang ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình là 330,11 ha và được giữ gìn nguyên vẹn. Do điều kiện tự nhiên của Mù Cang Chải, nơi đây không có cánh đồng lòng chảo nên bà con từ hàng ngàn năm vẫn bám lấy đồi, rừng, núi để sống. Be bờ, tạo ruộng trên những triền núi để trồng lúa nước là cách thức đem lại năng suất cao nhất. Cứ thế qua bao đời ruộng nối ruộng, từ đỉnh núi xuống tận chân núi, đã vô tình tạo nên những bậc thang ruộng kì vĩ ngày nay. Chiều hôm qua đã ghé qua xã La Pán Tẩn, 1 trong 3 xã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia, nên sáng ngày thứ hai của chuyến đi vẫn là ruộng bậc thang. Trong thị trấn có những khẩu hiệu rất miền núi.




Xã Chế Cu Nha nằm trên một ngọn núi, theo mũi tên chỉ thẳng lên…trời thì leo lên Chế Cu Nha còn 2km, cô bạn nhỏ đồng hành gặp sự cố khi nếm quả táo mèo ngâm với một loại lá rừng vùng núi nên ngồi lại trên xe.





Chỉ còn tôi với cậu Long lái xe, đang đứng nhìn cái dốc cao và… hơi băn khoăn thì gặp một bạn phượt đang đổ xe gắn máy từ trên cao xuống nói với lại: “Lên trên kia đi, cảnh đẹp lắm” (phục bạn này thật, thấy người dân địa phương đi xe gắn máy trên các dốc núi này đã nễ rồi).



Quả nhiên càng lên cao nhìn xuống những kiệt tác ruộng bậc thang bắt đầu hiện ra.













Sau khi ngắm nhìn trời đất mênh mông một lát định quay xuống, lúc này một nhóm có cả khách du lịch người Pháp cũng đang leo lên, cô hướng dẫn viên quen với cậu Long nói với tôi: “cô đi với bọn cháu cho vui, đi lên đỉnh rồi vòng qua đường bên kia xuống núi, cảnh đẹp lắm”. Cậu Long nói: “Nếu cô trekking theo nhóm này thì cháu sẽ xuống và lái xe qua điểm chân núi bên kia đợi”. Thấy có bạn đồng hành và muốn thử sức đôi chân mình nên tôi nhận lời. Quả nhiên càng đi càng thấy đẹp.














Và lên cao thì mới thật sự vào bản, vì nhà người Mông thường vắt vẻo trên triền núi, những mái nhà với dây bí đỏ bò trên nóc đầy trái.









Đây là bản Trống Tông, đường dốc ngoằn ngoèo, xe gắn máy chạy veo veo, các vị khách khoai tây cũng leo dốc veo veo, khoai lang như tôi đi từ từ phía sau, nhưng rồi cũng bắt kịp do khi gặp những sinh hoạt trong bản, khách khoai tây dừng lại tìm hiểu.




Ngày CN nên trẻ con rất nhiều trên đường, chăn trâu, lội suối…, các chú nhóc thường không mặc quần.




Đang những ngày nông nhàn vì bắp đã hái xong, treo đầy trong nhà, lúa phải đến mươi ngày nữa mới gặt.




Những người phụ nữ Mông ngồi thêu ở góc nhà, bắt gặp một cô gái Mông thật dễ thương.








Đến một đoạn gặp được cảnh đang đào bậc thang ruộng.




Để làm ruộng, trước hết, người dân phát cỏ và các loại cây nhỏ rồi dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc to, tiến hành đào và san. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng vì mặt bằng ruộng liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Do đó, đào và san ruộng là khâu kỹ thuật đòi hỏi phải có kỹ năng. Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ hai tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân cho lúa, đây chính là nét độc đáo chỉ người Mông mới có thể làm được. Tiếp theo là làm bờ ruộng. Trong hệ thống ruộng bậc thang, bờ ruộng là yếu tố quan trọng đóng vai trò “bức tường” giữ nước. Bờ ruộng được tiến hành làm ngay từ khi san ruộng, đất làm bờ lấy ngay từ chỗ san gạt ở phía mép cuối của mặt bằng thửa ruộng. Người ta thường dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, chỗ nào thiếu đất thì tiếp tục cào từ chỗ cao sang chỗ thấp, sau đó dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 1- 1,5m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ cứng lại.






Đi mãi vẫn chỉ mới được hơn nửa đường, mình kêu: "lên 2km, xuống 2km mà sao dài thế", cô hướng dẫn viên cười: “Bác ơi mới 2 dao quăng, còn một dao nữa mới xuống đến chân núi ạ.” Biết là cô ấy trêu mình, đành cười thôi. ( Đã gặp chuyện dao quăng này một lần rồi khi đi thực địa lúc còn làm việc, đang đi trong rừng thấy một bạn người STiêng rẽ vào lối khác, hỏi đi lối ấy bao xa, bạn trả lời 2 dao quăng, ối giời vậy là đường tắt rồi, 2 lần quăng dao mà, cho dù thật khỏe quăng thật xa thì 2 lần quăng dao vẫn đi tốt,nhưng đi mãi không thấy tới, hỏi ta thì hóa ra cái dao rựa đeo bên hông, cứ đi đến khi nào mỏi thì sẽ quăng qua hông bên kia, đó là một lần dao quăng đấy giời ạ). Cô hướng dẫn viên cũng chỉ mới đi đường này một lần nên thỉnh thoảng phải dừng lại hỏi đường, bà con người Mông ở đây nói tiếng Kinh cũng rất sõi, và rất dễ thương, có khi đang đèo trên xe vợ chồng con cái gặp đoàn đang mải miết đi, thắng xe lại hỏi: “Đi chơi à, có biết đường đi không?”. Đường cứ lên xuống thế này, ảnh chụp cho thấy đang đi bên dốc này, sẽ xuống dốc và leo lên dốc bên tay trái ảnh.




Cứ lên xuống mãi như thế đến khi thấy được quốc lộ.








Tính ra đi bộ vòng quanh núi khoảng chừng 5,7 km gì đó, nghĩ lại thấy… cũng phục mình. Kha kha kha… Xuống đến xe thấy cô bạn nhỏ sau một giấc ngủ ngắn trong xe đã tươi tỉnh trở lại, chạy sang xã Dế Su Phìn, nhưng đường không thể đi xe được, phải trekking tiếp, he he he… nhìn cái bảng Dế Su Phìn 1,8 km nghĩ đi vô chắc ít nhất cũng một, hai dao quăng, đành chịu thua, sau khi đã làm 3, 4 cú quăng dao gì đó ở Chế Cu Nha.




Lên đường rời Mù Cang Chải, vẫn luyến tiếc ngắm nhìn ruộng bậc thang bên đường đi.




Xuôi về ăn cơm trưa ở Tú Lệ, gạo nếp ở đây nổi tiếng, tiếc là đang ăn những hạt nếp cuối cùng, độ hơn tuần nữa bắt đầu gặt mới có nếp mới.




Qua Nghĩa Lộ, về đến Văn Chấn ghé Suối Giàng, độ cao ở đây 1.400 m so với mực nước biển, leo lên đồi chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cụ chè 300 tuổi đứng trong một vòng rào, các cụ khác bên ngoài nhìn gốc cũng phải hơn một, hai trăm tuổi, có những cây chè thế thật đẹp. Vì lá và búp chè ở đây to khác hẳn với các loại chè khác, búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết.







Ghé một cửa hàng mua chè, trong khi pha chè đợi ngấm nghe kể lại: Với độ cao 1.400m so với mặt nước biển, mùa đông thường không có mặt trời còn buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Đầu tiên chè tươi hái về, chọn những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Tôi không phải là người sành uống chè, chỉ biết nhấp vào một ngụm chè ở đây, đầu tiên nghe vị khá đắng, nhưng khi nuốt qua khỏi cổ, đọng lại một vị ngọt ngọt như vừa ngậm một ít cam thảo.




Mới đó mà đã hết một ngày, chiều xuống rồi, tối nay ngủ lại ở Suối Giàng.



8 nhận xét:

  1. Leo đường núi mà được 7 Km thiệt đáng nể :))

    Trả lờiXóa
  2. vậy là chị còn khỏe lắm đó. Chị đi khi lúa chưa chín nên có một màu xanh ngát của những ruộng bậc thang :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng hơi tiếc vì lúa chưa chín bố Susu à, nhưng mình ở xa quá không thể canh chính xác để ra được, mà lúa chín thì tùy theo thời tiết từng năm.

      Xóa
  3. Minh An! Nilan đã đóng blog rồi, nhưng vẫn mò vào nhà bạn để xem hình bạn đi du lịch Mù Can Chải. Khâm phục bạn quá, đi rất giỏi và dạn gan. Những hình ảnh sương mù ,ruộng lúa, và đồi Chè ở đó rất đẹp
    Chúc mừng Minh An có một chuyến đi thật là thú vị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, sao lại đóng blog hở Nilan. Bạn chụp ảnh rất tuyệt mà, thỉnh thoảng đưa lên cho bạn bè xem nhé.

      Xóa
  4. Hoi suong do,0 viet nam di du lich qua thoai mai, Toi ao uoc duoc vay, Nhung chl la mo
    ,

    Trả lờiXóa