Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

ĐƯỜNG VỀ: HÀ GIANG - TUYÊN QUANG - PHÚ THỌ - HÀ NỘI

Ngày thứ 4 trên đường về, đoạn đường về từ Mèo Vạc – Yên Minh – Hà Giang 150 km đường đèo, nếu tính cả lượt đi từ Hà Giang lên Lũng Cú, qua nhà Vương rồi về Mèo Vạc theo đường Mã Pì Lèng khoảng 280 km thì trong chuyến đi này chúng tôi đã đi trên 400 km toàn đường đèo.
Được ngày nắng đẹp, nhìn đường có thể thấy chúng tôi cứ bò loanh quanh từ ngọn núi này qua ngọn núi khác,
 







vừa thấy trèo lên một cung đường thì lát sau đoạn đường vừa đi qua đã nằm ở tầng dưới.





Không trở về đoạn Dốc 9 khoanh ở Mã Pì Lèng đã đi chiều hôm qua, nhưng đoạn đi qua Lũng Phìn, Sủng Trà, Sủng Trái, Sủng Máng thì dốc 4,5 khoanh cũng đầy, máy ảnh tôi chỉ chụp được độ rộng tối đa…3 khoanh dốc nằm gần nhau, đưa lên để mọi người hình dung thêm con dốc đến 9 khoanh thì nó như thế nào.



Một khoanh đèo hình chữ M ở Lũng Phìn.




Từ Mèo Vạc về Yên Minh đi qua những rừng thông trên núi, đường lẫn khuất quanh co.




Đến Quản Bạ nắng tốt vậy là nhìn được Cổng Trời (điểm vuông nhỏ trên đỉnh núi đối diện chính là Cổng trời QB)




và Núi Đôi.




Mặc dù biết bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao là viết về Núi Đôi ở Sóc Sơn (Hà Nội), nhưng nhìn Núi Đôi Quản Bạ vẫn cứ nhớ về một thời bi hùng đó…


Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ cỏ con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!



Đi từ 9.30 sáng trừ lúc ngừng ăn cơm ở Yên Minh, đến gần 6 giờ chiều mới về đến Hà Giang, lúc 5 giờ chiều đang đi trên đèo thì sau một khúc quanh bỗng xe khựng lại vì mặt trời hiện ra tròn xoe như một cái dĩa lớn, ôi những cung đèo Đông Bắc tiễn chúng tôi bằng một hoàng hôn tuyệt vời.




Đêm thứ 3 ngủ lại ở thành phố Hà Giang, nơi này khá trù phú, khách sạn như ở Hà Nội, chúng tôi đã về đồng bằng. Ngày thứ 4 từ Hà Giang về Tuyên Quang, ghé Tân Trào, vẫn khung cảnh bình lặng của một làng quê dân tộc Tày,



hồ nước lung linh trước đường lên lán Nà Lừa,



bóng dáng nền nã trong bộ áo người Tày của cô gái Tuyên Quang,



tôi xin phép ngồi nghỉ trong đình Tân Trào lợp lá cọ mát rợi, nhớ lại thời kỳ làng quê nhỏ xíu yên ắng này lại chính là nơi đưa đất nước vượt qua cái thế mành chuông treo sợi tóc.



Chỉ có một điều là không muốn đưa hình cây đa Tân Trào đang được trồng lại, so với hình cây đa thưở xưa mà tôi đã chụp năm 2005 thì đúng là trải một cuộc bể dâu, nhìn buồn quá.

Đi tiếp về Phú Thọ - Việt Trì, đền Hùng được sửa sang nhiều, khang trang hơn, nhưng cũng vì thế mà ít nhiều mất nét rêu phong, đi 255 bậc thang lên đến đền Hạ, thắp nhang khấn Tổ mẫu Âu Cơ,



đi tiếp 268 bậc thang đến đền Trung, thắp nhang ở Hùng vương Tổ Miếu và nhớ nơi đây là nơi Lang Liêu được truyền ngôi trong sự tích Bánh dày, bánh chưng,




tiếp 102 bậc nữa lên đền Thượng nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, tôi và Quý An cũng khấn tạ ơn các vị tổ tông đã phò hộ đi đến nơi về đến chốn,



từ Đền Thượng nhìn xuống các mái đền rêu phong bên dưới nhớ nơi này còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân, sự tích Thánh Gióng là đây. Cả một lịch sử thời dựng nước hào hùng và lãng mạn ở nơi này.


Về đến Hà Nội, chia tay quyến luyến 2 bạn trẻ đã rất nhiệt tình trong chuyến đi, 4 ngày đi qua thật nhanh. Một giấc ngủ vùi thật sâu sau hơn 1.000 km đường xa.

Sáng hôm sau có một ngày dự phòng nên rảnh rỗi, cũng còn thấm mệt sau chuyến đi nên bàn với nhau tiêu khiển bằng việc gì đó nhẹ nhàng, vậy là đi bộ từ phố cổ ra Long Biên, leo lên xe bus đi Bát Tràng, đến đó Quý An tập vuốt gốm, tôi nhìn cô và các cô SV Hà Nội chơi đất sét như trẻ con chơi đồ hàng,



dĩ nhiên là không thể nào làm thành được sản phẩm, chơi chán nhờ người ta làm ra món đồ gốm theo yêu cầu, cho vào lò sấy độ một tiếng,



thời gian đó đi dạo chợ Gốm Bát Tràng, nơi đây trên trời dưới đất là gốm, từ gốm hiện đại màu sắc rực rỡ đến gốm men rạn giả cổ mà nhìn vào cái bát điếu cũ kỹ cứ ngỡ đâu có từ trăm năm nay.


Quay trở về lấy sản phẩm đã sấy ra, ngồi tô màu như trẻ con,




cái bình hoa theo ý mình sơn vẽ đã hoàn thành, chắc chẳng đẹp gì so với sản phẩm chính hiệu làng gốm, nhưng quý lắm, Quý An cứ khư khư trên tay suốt đường về vì sợ vỡ.



Một buổi thư giãn, cầm được sản phẩm đã sấy, đã phủ bóng sau khi sơn chỉ phải trả 30 ngàn, thương làng gốm quá.


Hôm sau đến trưa tôi mới về lại Sài Gòn, vậy là lại ra hồ Gươm sáng sớm, hôm ấy là 10/10, ngày giải phóng thủ đô, bóng màu bay trên tháp Rùa,




quanh hồ đầy người đi tập thể dục sáng sớm, ở góc vắng thấy một người nước ngoài ngồi đọc sách, cô người yêu nằm ngủ gác đầu lên người anh, thật lãng mạn, rón rén ra phía sau chụp lén một tấm hình.



Mùa thu Hà Nội mới bắt đầu, chưa có cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nhưng biết lúc nào tôi có dịp lại gặp Hà Nội mùa thu nên chụp một tấm ảnh trong cái hơi se lạnh đầu mùa.




Buổi trưa ngủ gà gật trên chuyến bay, gần đến Sài Gòn giật mình thức dậy, nhìn xuống thành phố bên dưới, nhớ đến chuyến đi vừa qua như một giấc mơ, nhớ đến một buổi chiều ngồi trên một cung đèo nhìn xuống thung lũng các bản người H’Mông bên dưới,




lúc đó tự nhiên nghĩ đến câu nói ông bà xưa “Nhìn lên mình chẳng bằng ai, đến khi ngó xuống chẳng ai bằng mình”. Biết là mình hạnh phúc!


Cám ơn 3 bạn trẻ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong chuyến đi này!

6 nhận xét:

  1. Ái chà! Nguoivankhoa ghé nhà tui rồi nghe.

    Trả lờiXóa
  2. Show hình tuyệt quá chị Minhan ơi ..
    Nhìn thích gì đâu .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bắt đầu làm quen với blog này đây "hiệp sĩ" Gió ơi. Hi hi...

      Xóa
  3. KH vote hình ảnh và bài viết nầy quá tuyệt Minh An ui!

    Trả lờiXóa