Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

LŨNG CÚ: Đi tìm hoa tam giác mạch


Rời nhà Vương đã 12.30 trưa, nhưng nhìn thấy quán nhỏ ở đây đang đầy khách du lịch ăn trưa, biết là rồi sẽ phải đợi lâu nên nhai đỡ các viên kẹo cà phê đi luôn qua Lũng Cú cách đó khoảng 40 km. Chuyến đi này ngoài việc hài lòng vì bên cạnh việc đi Hà Giang, Quý An sẽ còn được ghé Phú Thọ viếng đền Hùng và Tân Trào ở Tuyên Quang, cô nhỏ này còn một mong muốn lãng mạn là chụp hình với hoa tam giác mạch,
theo thông tin tìm được thì tam giác mạch là loại kiều mạch thân cỏ được bà con vùng cao nhất là các bản người Lôlô gieo trồng trên các vách núi và thung lũng, một năm hai vụ, vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Vì lúa chỉ trồng một năm một vụ, nên tam giác mạch được xem như loại lương thực cứu đói khi giáp hạt. Tuy không có năng suất cao nhưng là cây trồng truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên rẻo cao phía Bắc. Sở dĩ người ta gọi loài hoa này như vậy là bởi vì cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa là một hạt lúa mạch. Hạt tam giác mạch được dùng làm bánh, nấu rượu, những năm trúng mùa lúa thì hạt mạch chủ yếu để chăn nuôi gia súc, ngoài ra còn dùng làm vị thuốc trong đông y.

Theo đồng bào dân tộc, một sào ruộng có thể thu hoạch được hơn 20 kg quả tam giác mạch. Nhìn trên Google hoa tam giác mạch màu trắng phơn phớt hồng rất dễ thương. Nhưng thông tin cũng cho biết tam giác mạch ở Hà Giang chỉ có nhiều tại hai nơi: Xín Mần ở phía Hoàng Su Phì, phía này không phải đường đi của chúng tôi, một nơi nữa là Lũng Cú. Thế là dọc suốt đường đi Lũng Cú lúc nào cũng chăm chăm nhìn hai bên đường tìm mải mê không thấy đói nhưng không hề thấy bóng dáng loại hoa này. Trên đường đi lúc thì trời mù mịt sương, lúc nào quang quang một chút lại nhảy xuống xe lò dò đi tìm, chỉ thấy những bông hoa dại rất đẹp cùng các cây sa mộc ven đường.




Đã thấy cột cờ Lũng Cú xa xa,


nhưng đã gần 2 giờ trưa, đói mềm người, xộc vào một quán nhỏ, gặp một đoàn khách đã chạm mặt ở nhà Vương, đang ăn gà luộc và… mì gói, chị chủ quán người Lôlô thấy chúng tôi vào lật đật đi lấy gạo nấu cơm, ối giời, giờ này mà còn đợi nấu cơm nữa thì có mà chết đói, tôi sục vào gian bếp ám đen bồ hóng, thấy còn một tô cơm nguội, bèn bảo hấp lại cho nhanh, có cải Mèo thì nấu canh và sẽ cho mì gói vào, còn mấy trái su su thì luộc, có thịt trâu và thịt lợn gác bếp, ngán thịt trâu rồi, nói với chủ quán thái thịt lợn ba chỉ, hấp sơ lại cho mềm rồi rang khô lên, trời lạnh chẳng kiêng cữ mở màng gì hết, ăn mở cho ấm, vì đói nên su su và rau cải Mèo ăn ngon chưa từng thấy. Trong lúc ăn hỏi chị chủ quán về hoa tam giác mạch, được trả lời: “Ôi dào, cả một thửa ruộng đầy trong núi kìa, người ta giồng cho lợn ăn í mà”. Ha ha ha… phải nhìn vẻ mặt của Quý An lúc đó, cô lúc nào cũng nghĩ về hoa tam giác mạch một các hết sức lãng mạn với những cánh đồng hoa mênh mông, những cô dâu mặc váy cưới màu trắng đứng giữa cánh đồng hoa cài trên đầu một vòng hoa tam giác mạch, thế mà chị Lôlô này buông gọn: “giồng cho lợn ăn”, cắt đứt một cách tàn nhẫn suy nghĩ đang bay bổng của nàng Quý An.

Ăn cơm xong chúng tôi đi tìm hoa tam giác mạch, đi qua một con đường mòn, đã thấy cánh đồng hoa trước một cái hồ và gần chân núi, không biết cách nào để vào bên trong, cuối cùng xin phép chủ nhân một căn nhà gần đó vào trong nhà, đi qua sau căn bếp tường đá và leo xuống, băng qua vài thửa ruộng và đến được cánh đồng hoa thì giày và quần ai cũng lấm lem bùn đất.


Nhưng rất đáng công vất vả, một thửa ruộng hoa tuyệt đẹp, chúng tôi gặp may vì tam giác mạch chỉ trồng sau khi gặt lúa xong, vào cuối tháng 10 bước qua đầu tháng 11, Hà Giang mới nhiều hoa tam giác mạch, chúng tôi đi vào đầu tháng 10, lúa chín vẫn còn đầy chưa gặt hết, may mà gặp được nơi trồng sớm thế này.




Những bông hoa xinh xắn còn đầy sương dù là đã gần 3 giờ trưa, cứ rung rinh trong gió, cố gắng lắm tôi mới chụp được hơi cận cảnh thế này,





chưa biết chụp macro nên gần hơn nữa thì nhòe ngay, nhưng về sau phát hiện ra chụp nhòe như thế cũng hay hay, thế là thi nhau rón rén bước vào giữa để chụp ảnh.



Vậy là xong mơ ước tìm hoa tam giác mạch của Quý An, lội từ ruộng hoa lên đường và sau đó phải dùng đủ thứ từ khăn khô, khăn ướt, nước rửa tay, các bụi cỏ còn đầy sương để tạm sạch các đôi giày mới dám leo lên xe.

Lên cột cờ Lũng Cú, từ này đọc chệch âm sang âm người H’Mông là Long Cổ,tức là trống của nhà vua, người ta tin rằng nơi này là một trong những điểm trấn giữ biên ải tổ quốc sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, ông đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ, cứ mỗi canh giờ lại có 3 hồi trống đĩnh đạc, vang xa mấy dặm, như một sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước ở đây đặt một cột cờ là một thân cây sa mây cổ thụ cao 20m, đến năm 2010 thì cột cờ mới được xây lại và hoàn thành. Cột cờ trên đỉnh núi Rồng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), ở độ cao gần 1.700m so với mực nước biển. Cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 29,5m (hơn cột cờ cũ 10 m), có hình dáng như cột cờ Hà Nội, chân, bệ có sáu mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Cán cờ cao 9m. Lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9m, chiều rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Đường lên đỉnh núi cột cờ được xây lại gồm 283 bậc lên theo lối cũ, đồng thời xây mới thêm 283 bậc đi xuống (trước đây chỉ có một đường lên).


Leo lên hết các bậc thang nhìn lá cờ đỏ phần phật trước gió, lòng nôn nao một cảm giác kỳ lạ, đứng chụp hình bên cạnh tấm biển ghi tên cột cờ Lũng Cú, như một giấc mơ, tôi đã đứng đây, nơi cực bắc của biên giới tổ quốc.


 Đoàn phượt Hà Nội cũng vừa lên tới, các bạn mang theo cờ tổ quốc và thay áo đỏ sao vàng, những người đang có mặt tại đây cũng tíu tít mượn cờ mượn áo sau khi các bạn chụp hình xong, tôi mượn lá cờ đỏ để chụp hình, lòng rưng rưng thật sự.



Thân cột cờ mới có hệ thống thang bộ đi lên đến đỉnh cắm cờ. Chúng tôi cũng vội đi lên vì sắp đên giờ bộ đội biên phòng đóng cửa lên thân cột cờ, đi vòng vòng cầu thang cuốn lên được đến nơi treo cờ, chóng cả mặt và muốn đứt hơi vì đi không nghỉ do chỉ còn mươi phút nữa là phải trở xuống. Cuối cùng thì tôi cũng đã ở đây, trên cao 30m ở cực Bắc đất nước.



Nhìn qua bên kia dãy núi biên giới là địa phận Trung quốc.




Từ trên cao nhìn xuống trung tâm hành chính xã Lũng Cú, và làng Lôlô Chải A với những mảnh ruộng bậc thang nằm bên dưới, cảnh đẹp tuyệt vời.





Rời Lũng Cú chúng tôi quay lại Đồng Văn cách đó 26 km, trên đường đi gặp 2 đoàn “phượt”, một đoàn khá đông, khoảng 15 bạn, đang ngồi nghỉ bên đường, nhưng 1 đoàn nữa thì thật là gan lì. Khi đang trên một khúc quanh trên đèo thì trước xe chúng tôi có 2 xe gắn máy ngã, ngừng xe lại chúng tôi chạy vội đến đỡ xe lên, 4 cô gái đi trên 2 xe gắn máy, do đến khúc quanh mà lại thắng gấp vì nghe tiếng còi xe hơi đàng sau nên xe đi trước ngã làm xe sau cũng ngã theo, cậu Long lái xe làu bàu: “Giời ạ, sao không có thằng con giai nào đi cùng thế này”. Hỏi ra 4 cô từ Sài Gòn ra Hà Nội, đi xe khách lên Hà Giang, từ đó thuê xe gắn máy đi phượt lên Lũng Cú Mèo Vạc, thấy một cô xoa xoa đầu gối, tôi bảo để xe cho cô bạn chạy còn cô lên xe đi với chúng tôi, nhưng cô cám ơn rồi từ chối vì vẫn muốn đi với bạn. Các cô lên xe và hẹn gặp lại ở Đồng Văn. Chúng tôi lên xe đi nhưng thỉnh thoảng vẫn dừng lại một chút vừa ngắm cảnh vừa có ý đợi để xe các cô chạy qua trước,




cứ như thế về đến Đồng Văn, các cô ngủ lại đây, còn chúng tôi sẽ đi cố lên Mèo Vạc, hỏi chuyện thì cả 4 cô đều làm việc tại nhà Xuất bản Trẻ, chưa ai từng đi cung đường này bao giờ, cứ cầm bản đồ thế là đi, cậu Long lại lẩm bẩm: Con gái Sài Gòn lì thật!

Dạo một vòng phố cổ Đồng Văn, nhà ở đây với nét kiến trúc truyền thống vùng cao pha trộn với kiến trúc người Hoa Nam Trung quốc cũng tường trình nhưng mái ngói âm dương và nền lát đá. Ngôi nhà có đèn lồng là quán cà phê phố cổ.



Chợ cổ vẫn duy trì được kiến trúc xưa nhưng không họp chợ nữa, mà chợ phiên mỗi CN sẽ họp bên cạnh đó.




Đi luôn 22 km nữa sẽ đến Mèo Vạc, chợ phiên ở đây lớn hơn chợ phiên Đồng Văn, sẽ đi qua đèo Mã Pì Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam (3 đèo kia là: Đèo Ô Quy Hồ ở Sapa, Đèo Khau Phạ ở Mù Căng Chải và Đèo Pha Đin ở Điện Biên).

Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pì Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pì Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Mã Pì Lèng dịch ra nghĩa đen là sống mũi ngựa, dịch ý thì đây là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. Năm 1959, Chính phủ đã tiến hành làm con đường mang tên Hạnh Phúc nối Hà Giang với 2 huyện vùng cao là Mèo Vạc và Đồng Văn, 2 huyện cheo leo nơi cực bắc tổ quốc. Để làm con đường này 1.000 thanh niên xung phong trong 6 năm với hầu hết là lao động thủ công không có máy móc. Riêng đoạn Mã Pì Lèng, do quá hiểm trở, nên khi đục từng cm đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng, mỗi ngày có vài chục dân công được làm lễ truy điệu sống rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống. Sau khi hoàn thành hết sức gian khổ và bi tráng, con đường này được đặt tên là “Con đường Hạnh phúc” vì đã mở ra cơ hội cho đồng bào dân tộc ở vùng xa xôi hẻo lánh tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Con đường hình thành vòng vèo quanh lưng núi, nơi có vực đá bên sông Nho Quế, hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á. Sai lầm của chúng tôi là quên mất miền núi buổi chiều xuống rất nhanh, lên đèo rồi mới thấy điều đó, đã la cà hơi lâu ở phố cổ Đồng Văn,




mà xe không thể chạy nhanh hơn được, sương và bóng tối phủ kín dần,



không kịp nữa rồi, chỉ trễ khoảng 15 phút đã khiến chúng tôi khi đến đỉnh cao nhất của Mã Pì Lèng nơi có một mảnh sông Nho Quế tuyệt đẹp bên dưới, thì tôi chỉ chụp được một tấm hình thảm hại thế này vì trời đã sụp tối, máy ảnh của tôi không thể chụp được ở một độ sâu vực như thế.



Đưa thêm tấm ảnh rất đẹp của trang web Công viên cao nguyên đá Đồng Văn để thấy tôi tiếc thế nào, vì ngày mai phải đi sang một đường khác, không quay lại hướng này.



Đành chụp một tấm kỷ niệm bên cạnh tấm bảng Con đường hạnh phúc với sự nhàu nhĩ sau 1 ngày đường.



Lên xe về Mèo Vạc, tôi vẫn tiếc thầm mãi cho đến tối hôm đó khi lên giường tôi đành phải dỗ giấc ngủ bằng một an ủi rất AQ: Có lý do để sẽ… trở lại cung đường này một lần khác nữa.

15 nhận xét:

  1. Có một cảm xúc khó tả khi 2 bạn blog cùng đứng chụp ảnh tại cực Bắc Tổ quốc thế này,sau khi đã đi cùng một chặng đường dài


    Hi hi... Phần tiếp sau sẽ kể chuyện rất vui của Quý An ở chợ phiên Mèo Vạc.

    Trả lờiXóa
  2. Em phục chị sát đất . Cám ơn chị đã tường thật đầy đủ những nơi đã đi qua .Em ..chắc chẳng có cơ hội .

    Trả lờiXóa
  3. Ôi cảm ơn em cho đọc một entry hay thế này. Chị đọc với cảm xúc theo cùng em. Chị sẽ chép nguyên bộ chuyến Bắc hành này của em để dành bên nhà chị nhé. Chị hay xem những chương trình du lịch trên tivi, hay đọc những bài báo về du lịch. Nhưng chưa khi nào cảm động như đọc những bài em.

    Trả lờiXóa
  4. Chị nói với Quý An đã đến nơi đã gặp tam giác mạch sao không đem về mấy nhánh hoa ép khô, để Tết năm nay có những tấm thiệp độc đáo không ai có. Thế là cô bé tiếc...

    Trả lờiXóa
  5. Rồi sẽ có cơ hội. Chị tin như thế, vì chị mơ cũng lâu rồi.

    Trả lờiXóa
  6. Chính xác. Đất trời cứ lồng lộng.

    Trả lờiXóa
  7. Ôi, cám ơn chị nhé. Em đã viết ngay vì sợ rồi sẽ quên, tuổi già mà.

    Trả lờiXóa
  8. Ối giời ôi! Tại sao lại không nghĩ ra chuyện đó, bây giờ đến phiên em tiếc...

    Trả lờiXóa
  9. Em đọc mê mẫn về chuyến đi của chị . Mê luôn những tấm hình chị chụp . Nếu phải vất vả để rồi được đứng giữa cánh đồng hoa tam giác mạch thì cũng không uổng công chị à . Hình cô bạn trẻ chụp giữa ngàn hoa đẹp lắm . Cảnh quê hương mình đẹp tuyệt chị hén

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn bạn. Cảm giác đứng ở cánh đồng hoa tuyệt lắm, và cũng thật may vì hoa tam giác mạch thường phải đến cuối tháng 10 mới có. Đi thế mà không tìm được cô Quý An nhà ta về không ngủ được đâu.:))

    Trả lờiXóa
  11. Chỉ biết nói "TUYỆT VỜI!!!"
    Em mình giỏi!

    Trả lờiXóa
  12. chị viết mê quá, làm Mây cũng thèm . Em đang mơ 1 chuyến hành hương về Yên Tử núi thiêng mà chưa có cơ hội , hic hic

    Trả lờiXóa
  13. He he... Chuyện cà kê được chị khen. Sướng!

    Trả lờiXóa
  14. Khi nào Mây ổn về việc đang lo, sẽ hành hương về Yên Tử được thôi. Yên Tử bây giờ dễ đến lắm rồi.

    Trả lờiXóa