Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN: ĐÃ ĐI VÀ ĐÃ ĐẾN


Chuyến đi này lẽ ra tôi đã không có, từ tháng 5 bà bạn Hải ngỏ ý muốn đi Sapa vì chưa biết nơi này, tôi cũng chưa đi Tây Bắc mùa lúa chín nên hẹn nhau tháng 9 đi. Tháng 7 cô nhỏ Quý An báo tin sẽ ra công tác Hà Nội tháng 10 và sẽ dành thì giờ đi Đồng Văn Lũng Cú, tôi chỉ biết suýt soa, nơi biên giới tận đỉnh đầu tổ quốc, tôi đang ước một ngày nào đặt chân đến, cung đường này khó đi cho những người bị say xe nên không dễ kiếm được bạn đồng hành, có người đi mà không đu theo được thật là tiếc. Nhưng rồi một duyên may nho nhỏ, tháng 8 tôi lọ mọ săn được một cái vé máy bay đi Hải Phòng chỉ có 200 ngàn, cô nhỏ Quý An rủ rỉ, vậy là thôi cũng liều lên đường mặc cho cái ống heo kêu khóc vì gầy trơ xương.

Ngày khởi hành tưởng như không suôn sẽ vì đi trước một ngày khi bão số 7 đổ bộ miền Trung, ngồi ở sân bay sốt ruột khi lần lượt Việt Nam Airline, rồi Jetstar, rồi Air Mekong báo tin delay một số chuyến, cuối cùng thì VietjetAir cũng vậy, từ 10 giờ mà đến 12 giờ 30 mới bay. Đến sân bay Cát Bi, trời đẹp chẳng mưa gió, nhưng nếm ngay mùi taxi Hải Phòng, kéo vali ra khỏi cái sân bay nhỏ, vài chiếc taxi đang đậu, một cậu thanh niên Sài Gòn đang đứng tần ngần, taxi hét giá 100 ngàn đến bến xe Cầu Rào chỉ cách đó 3km, thấy tôi cũng đi Cầu Rào, bác tài liền nói : 2 người mỗi người 50 ngàn. Tôi lắc đầu, bảo cậu thanh niên cứ từ từ, một bác nữa ra cũng đi Cầu Rào, cũng bị hét 50 ngàn, tôi bảo 3 người mỗi người 30 ngàn, thêm vé ra cổng 10 ngàn nữa, không đi thì thôi. Thấy dân Sài Gòn chẳng hào sảng gì, cuối cùng taxi đành chịu thua, đồng ý đi giá đó. Đến bến xe, lên xe Hải Âu đi bến xe Gia Lâm Hà Nội, 100 km vé 70 ngàn, xe đi ngang đường Tôn Đức Thắng, những cây phượng lá xanh ngắt dài theo con đường, mùa hè chắc đỏ rực phượng vĩ. Đến Hà Nội thì Quý An đang ở Sơn Tây, sáng mai lên sớm để đi tour.


Sáng sớm tôi xuống sảnh khách sạn thì ngỡ ngàng nhìn một chiếc xe 4 chỗ đang đợi. Thì ra cách đó 10 ngày khi chúng tôi đặt tour Hà Giang-Đồng Văn-Lũng Cú-Mèo Vạc, công ty đã thông báo, chưa có đoàn 10 người, nên chúng tôi đã đồng ý đi với giá tour đoàn 5 người, chuyển tiền ra ngay, nhưng cũng dự tính nếu không có tour ở Hà Nội tổ chức chắc phải tự lên Hà Giang rồi mua tour trên đó. Vậy mà sáng nay đi một đoàn chỉ có…2 người là tôi và Quý An, một cô hướng dẫn viên và một cậu lái xe. Ái chà, lần đầu tiên tôi đi tour quý sờ tộc như thế này. Cô hướng dẫn viên xinh xắn, cậu lái xe nhanh nhẹn tháo vát, và sau khi đi được vài giờ tôi biết thêm cậu ấy chính là trưởng phòng điều hành của công ty, vì đoàn ít người, các lái xe khác cũng ngại đi nên cậu ấy tự cầm lái, để giữ uy tín cho công ty, tôi cũng cẩn thận dò hỏi thêm thì biết cậu đã lái xe đi cung đường này 6 lần rồi, vậy là yên tâm, vì tôi đã đi Đông Bắc phía Thái Nguyên Cao Bằng và biết mùi đường đèo Đông Bắc là thế nào.


Hôm đó bão rớt miền Trung, chúng tôi để lại Hà Nội lãng đãng màu khói phía sau nhưng trời không mưa, từ ngã ba Hạc ở Việt Trì bắt đầu song hành theo dòng sông Lô, nghe tôi có ý muốn dừng lại ở một đoạn nào đó để chụp ảnh sông Lô, cậu Long lái xe nói gần đến Tuyên Quang sẽ rẻ vào khu tượng đài chiến thắng sông Lô trên cao chụp ảnh sông rõ hơn. Đến Phú Thọ thì trời bắt đầu mưa, không vào viếng các vua Hùng được, Quý An tiu nghĩu vì cô chưa biết đền Hùng, nhưng được trấn an ngay là sẽ viếng trên đường về. Trời mưa rồi lại hết mưa, đến Đoan Hùng ngoặc vào một con đường nhỏ, từ xa đã nhìn thấy tượng đài chiến thắng sông Lô sừng sững trên một ngọn đồi,




phía trước là ngả ba sông Lô và sông Chảy, nơi hai con sông mãi miết ngày đêm hòa vào nhau.



Đứng ở đây và nhớ Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao: …Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…



Những bông hoa xuyến chi mọc dài theo con sông, và trên suốt chuyến đi này khắp nơi đầy hoa xuyến chi rập rình trong gió.




Đến Tuyên Quang (cách Hà Nội 166km) thì vẫn còn hơi sớm để dừng ăn trưa, trời đã tạnh ráo trở lại nên đi cố thêm lên tới Việt Quang thì đã quá ngọ, đói meo, dừng lại một quán bên đường, thức ăn chỉ nấu khi được gọi nên nóng sốt, có thịt gà núi, cá, canh rau, nhưng ngon nhất lại là món rau muống luộc, non mềm, ngọt lịm và kinh nghiệm đi đường núi chỉ trừ có cá suối còn thì không ăn cá, chẳng tươi ngon gì.


Tiếp tục lên đường, đến Hà Giang, đã đi được 320km nhưng cũng chỉ mới 4 giờ chiều, tìm tin thời tiết trên Google, Hà Giang ngày mai sẽ mưa, bạn Long nêu ý kiến thay vì ngủ lại Hà Giang trù phú thì nên tiếp tục đi cố lên Quản Bạ cách đó 50 km, vì từ giờ trở đi là đường đèo, sương mù vẫn dễ đi vì xe hơi có đèn vàng có thể thấy xe ngược chiều từ xa nhưng nếu có mưa thì lại khác, mà đoạn từ Hà Giang đến Tam Sơn Quản Bạ sẽ đi qua dốc Pắc Sum dài 10 km khá hiểm trở, có một câu truyền tụng thế này “dốc Pắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn”. Sáng mai trời mưa nên nếu đã qua được dốc Pắc Sum chiều nay vẫn tốt hơn. Dọc đường lên Quản Bạ các đồng lúa đã chín vàng. Lúa chín đầy đồng nhưng nhà thì vẫn nghèo.




Vùng núi chiều xuống rất nhanh, bắt đầu những cung đường đèo với các dãy núi mờ sương, và cuối cùng thì sương đặc kín chỉ biết đi qua rất nhiều đoạn cua khủyu tay do ngồi trên xe cứ nghiêng ngả từ bên này sang bên kia, ơn trời chuyến đi này có một tay lái đường đèo rất giỏi.







Tối đầu tiên ngủ lại thị trấn Tam Sơn thuộc Quản Bạ, thị trấn nhỏ, chỉ có 1 khách sạn 2 sao duy nhất đã kín phòng vì dân phượt đổ lên nhiều quá, tìm một nhà nghỉ sạch sẽ, thật ra sau 1 ngày đường, chỉ cần có một nơi có nước nóng để tắm, một chiếc giường êm và một cái mền dầy là tốt rồi, bởi vì sau bữa cơm nóng với thịt trâu gác bếp xào hành, rau cải Mèo nấu canh, gà luộc rắc lá chanh, thì sự phân biệt giữa khách sạn và nhà nghỉ không cần thiết vì bạn đã ngủ vùi rất say.

Sáng sớm dậy đi dạo một chút, thị trấn Tam Sơn bé như bàn tay, tháp truyền hình chìm trong sương mù buổi sớm nên có lên đó cũng chẳng thấy gì. Ăn sáng với món bún canh và bún thả nóng hổi, miếng chả nướng thịt lợn núi mềm thơm. Trời mưa lắc rắc và sương vẫn dày đặc nên ngồi uống cà phê nghe nhạc TCS ở một quán nhỏ đợi trời rạng một chút mới lên đường.



Đi ngang cổng trời Quản Bạ, ngang núi Đôi, nhưng mưa nhỏ và sương đặc kín chẳng nhìn thấy gì, đành để mai trở về hy vọng trời tốt hơn, đã vào cao nguyên Đồng Văn khá lâu rồi nhưng không chụp được hình vì máy kỹ thuật số mà sương thì dày, những cung đèo cứ mù mịt thế này,





qua khỏi Hà Giang không còn đi theo sông Lô mà đi dọc theo một nhánh khác là sông Miện, núi đá chập chùng, vùng này gọi là Bát Đại Sơn.





Đèo Na Khê gần đến Yên Minh xe chạy qua những rừng thông tuyệt đẹp, có cảm giác đang ở đèo Preen. Cô nhỏ Quý An dò đường trên cái Iphone có 3G, còn bà già tôi thì cứ theo lối xưa mò mẫm trên bản đồ giấy. Đến Yên Minh đã hơn 10 giờ sáng, hết mưa, trời rạng được hơn một chút, dừng lại ngắm cao nguyên đá,




nhìn các ngôi nhà được tường trình (tường bằng đất), lợp ngói máng địa phương, tường xếp đá quây xung quanh nhà tạo nên những nét đặc thù của dân tộc Mông nơi đây. Người Mông ở đây là Mông Trung quốc nên nhà cửa xây kiểu kiến trúc Hoa.




Từ Yên Minh qua Phố Cáo rẽ một lối khoảng 20km lên Sả Phìn thăm nhà họ Vương. Nhà Vương nằm trên ngọn đồi hình mai rùa, đúng địa thế phong thủy, có 700 cây sa mộc trăm tuổi bao quanh. Ngôi nhà này được xây vào năm 1914, thuê thợ khoảng 200 người từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) sang làm, với chi phí lên tới 15 vạn đồng bạc trắng (giá trị 1 đồng bạc trắng thời đó = 10 đồng France Pháp). Kể lể thì dài dòng, chép tư liệu ra đây cho nhanh: Khu nhà Vương được xây dựng theo kiến trúc cổ Trung Quốc (đời Thanh) hình chữ Mục. Tổng thể khu nhà Vương gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc đều làm 2 tầng với 64 buồng, tổng diện tích sử dụng là 1.940m2 gồm: Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh. Phía ngoài của khu nhà được xây bằng đá và trình tường (kiểu nhà của đồng bào Mông), phía trong lịa ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ hay nện đất, (đều là gỗ thông và gỗ sa mây), mái lợp ngói máng, hàng hiên cuối cùng được ốp ngói ống, đầu viên ngói trang trí hoa văn chữ Thọ. Bố cục ngôi nhà theo 3 lớp cao dần từ khu nhà ngoài vào khu nhà trong cùng. Hai góc nhà trong cùng xây 2 lô cốt bằng đá xanh dầy 0,7m chia thành 3 tầng ( đề đề phòng thổ phỉ cướp của). Từ ngoài vào có 3 sân: Sân tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh được lát bằng những phiến đá xanh to. Xung quanh khu nhà có xây tường đá bao bọc, tường dày 0,6m có nơi dày gần 1m cao 2,5 đến 3m chiều dài tường thành gần 240m. vào khu nhà phải qua cổng đá 15 bậc, cổng được xây, ghép đá khắc gỗ tinh sảo, cầu kỳ và uy nghi hình dáng của đại bàng vỗ cánh. Ngôi nhà là một điển hình về sự kết hợp nghệ thuật kiến trúc của người Mông và người Hán ở khu vực biên giới Việt – Trung.



Điều đặc biệt nhất trong ngôi nhà Vương là những kiến trúc và hoa văn hình hoa và trái anh túc. Vì thế, còn gọi đây là “dinh thự thuốc phiện”.Trong khu dinh thự họ Vương, tất cả các phiến đá kê cột nhà đều được tiện, gọt thành hình quả thuốc phiện. Họa tiết trang trí trên đầu đao kèo nhà cũng được tiện hình quả thuốc phiện. Hoa trang trí trên các cửa là hoa anh túc.






Căn hầm được làm bằng những phiến đá xanh dày trên 60cm, được thiết kế để chứa thuốc phiện, nằm phía trái ngôi nhà, đối xứng với căn hầm giống y như thế chứa vàng bạc phía phải ngôi nhà.




Phía trên cùng 2 lô cốt bằng đá xanh chắc chắn


Vương Chí Sình là người rất có uy tín với các dân tộc miền núi quanh vùng Đồng Văn này, là người Hoa nhưng lập nghiệp ở Việt Nam nên ông cũng có tinh thần yêu đất nước nơi ông sinh sống, ủng hộ rất nhiều vàng bạc thời kỳ bắt đầu Việt Nam độc lập, vì vậy ông là đại biểu Quốc Hội đại diện cho các dân tộc vùng cao phía Bắc. Ông có 3 người vợ, có vẻ sống hòa thuận với nhau, vì tôi thấy chiếc bàn gỗ dành cho các bà vợ đánh mạt chượt trong góc phòng lên nước bóng loáng, chụp từ vọng gác xuống 4 mái nhà bao quanh chiếc sân vuông làm tôi nhớ đến phim Đèn lồng đỏ treo cao cao của Trương Nghệ Mưu.




Chụp ảnh kỷ niệm ở những mái hiên cũ kỷ nhuốm màu thời gian này.






Dưới chân đồi nhà Vương là chợ Sả Phìn, còn gọi là “chợ lùi”, vì cũng một tuần họp một lần nhưng lùi lại một ngày theo 12 con giáp, thí dụ chợ Sả Phìn họp tuần này vào thứ năm ngày Tỵ thì tuần sau sẽ họp vào thứ tư ngày Hợi…Chúng tôi ở đây thì chợ đã họp ngày hôm qua, cũng hơi tiếc.
 

Cũng tại đây chúng tôi gặp một đoàn “phượt” từ Hà Nội lên, các bạn này là dân phượt chuyên nghiệp, nên nhìn xe, các miếng đệm trên gối , khuỷu tay, vai và đồ lề trên xe thì rõ. Chúng tôi còn gặp đoàn này trên cột cờ Lũng Cú và ở cùng một khách sạn tại Mèo Vạc.





Rời nhà Vương, bắt đầu cuộc tìm kiếm… hoa tam giác mạch.

13 nhận xét:

  1. Mượn tấm ảnh bản đồ của bạn Thanhcuong 67 để minh họa đường đi từ Quản Bạ đến Lũng Cú

    Trả lờiXóa
  2. Cơ khổ, đi tới đâu thì mưa gió bão bùng, bục túi nước đến đó!
    :)))))))))))))

    Trả lờiXóa
  3. Hừ hừ...Tại Út Đen nói trước khi đi mà. Nói vậy chứ nếu có một tay lái đường đèo ngon lành thì đi trong... sương gió cũng hay lắm nè. :))))

    Trả lờiXóa
  4. Vất vả nhưng cũng hay lắm tienvy ơi. Về nhà rồi mà cứ nghĩ như một giấc mơ qua.

    Trả lờiXóa
  5. Em vẫn nhớ năm 2005 đi Cao Bằng Bắc Kạn với chị, những chuyến đi Đông Bắc bao giờ cũng thích ghê chị hén.

    Trả lờiXóa
  6. Mong ước thành cho những chuyến đi nữa em hén.

    Trả lờiXóa
  7. Thích cái sương gió này quá đi chớ.

    Trả lờiXóa
  8. Chị thật may mắn có được chuyến xe đi riêng hai người . Em cũng có vài lần thuê xe đi như vậy với con gái , thích lắm , muốn dừng lại chụp hình ở đâu cũng được . Đi theo tour nhiều người mình ít chủ động được . Cảnh đồi núi sương mù mờ mịt nhìn thích quá

    Trả lờiXóa
  9. Sương mù mịt thì chụp ảnh không đẹp nhưng cảnh bên ngoài rất đẹp, mình mê mẫn ngắm cảnh quên chuyện lo đường đèo... cheo leo. :))

    Trả lờiXóa
  10. Ôi Muốnnnnnnnnnnnn... hội mình đi với nhau. :)))

    Trả lờiXóa