Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

SƠN TÂY... Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai... (2)


Vừa ăn trưa vừa nhìn bản đồ để xem còn có thể đi đến đâu nữa.



Và thấy chỉ có thể ở làng Mông Phụ rồi ra trung tâm thị xã để ghé Đền Và với Thành cổ Sơn Tây. Lang thang qua làng Đông Sàng thì chắc chẳng còn thời gian. Bên đó có chùa Mía, một ngôi chùa gỗ mít đã có 700 năm nay với gần 300 pho tượng bên trong, không đến thì thôi mà ghé qua chắc mất cả buổi chiều này, lại còn Đền phủ thờ bà Chúa Mía, cung phi của chúa Trịnh Tráng (thường được gọi là bà chúa Mía) - người đã có công tu sửa chùa Mía, đình Mông Phụ, đền Và, đền Nam, đền Bắc, chùa Viễn Sơn, chợ Tam Bảo,mở bến đò Hà Tân (bến đò Mía) cho dân thuận tiện đi lại. Dọc theo QL 32 sẽ đến Miếu Mèn nơi thờ Bà Man Thiện, mẹ Hai Bà Trưng, nghe nói làm mới lại rất nguy nga tráng lệ, nhưng làm mới rồi thì thôi vậy không ghé cũng không tiếc. Vậy là quyết định chỉ ở Mông Phụ rồi quay về thị xã Sơn Tây.


Gần đình Mông Phụ là nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, theo Đại Nam Nhất Thống Chí chép, ông làm quan đi sứ nhà Minh, khi vua Hy Tông nhà Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Đồng trụ đến nay rêu đã xanh)”, ông đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)”, vua Minh nổi giận nên ra lịnh giết ông, tuy nhiên vẫn nễ phục nên cho ngậm sâm ướp xác mang về cố quốc, vua Lê cảm động thân hành đến viếng tang. Thắp hương cảm phục người không cho nước lớn làm nhục quốc thể.




Ra khỏi cổng làng đi tiếp qua cầu Cam Lâm.



Trên đường lại thấy một đền nhỏ cũng thờ Đức Thánh Tản Viên (vùng Sơn Tây – Ba Vì, là nơi có hơn trăm đền thờ thần Sơn Tinh thế này), tiếp đến là Đình Phùng Hưng, quá vài trăm m là Đền và Lăng Ngô Quyền. Đường Lâm được gọi là làng 2 Vua, bây giờ các vị chắc là thần tiên trên trời rồi. Nhớ lại xa xưa Bố Cái Đại Vương được dân xem như cha mẹ, vua Ngô Quyền dùng cọc nhọn đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Bây giờ cháu chắt Hoằng Tháo quay lại kiếm chuyện với ta, thắp hương khấn các cụ cho con cháu chân cứng đá mềm đá văng bọn nó ra khỏi biển Đông.


Đền Phùng Hưng



Lăng Ngô Quyền



Tiếp đến là rặng ruối (hay là duối?) đã có 1.000 năm tuổi.

Tương truyền đây là rặng cây vua Ngô Quyền buộc voi tập trận. Nghĩ chắc là truyền thuyết, vì ngôi nhà cổ nhất ở Đường Lâm cũng chỉ 200 năm với 18 đời, nhưng truyền thuyết là lịch sử lãng mạn, có chính sử và có… lãng mạn sử - Sơn Tinh Thủy Tinh chẳng hạn cũng là một lãng mạn lịch sử - và điều này giúp cho con cháu chúng ta nhớ đến tổ tiên xa xưa nhiều hơn.

Quay về trung tâm thị xã Sơn Tây, trên đường ghé Đền Và nơi phụng thờ đức Thánh Tản Viên (Sơn Tinh), theo truyền thuyết, đức Thánh Tản Viên sau khi giúp dân chống giặc ngoại xâm, khai sơn, trị thủy, vào một ngày xuân đẹp trời (14/1), Ngài từ núi Tản du ngoạn đến đồi Và, xã Trung Hưng, thấy đây là một thắng địa, phong thủy hữu tình, hội tụ khí thiêng đất trời, Ngài liền lập hành cung ở đây, gọi là Đông cung.






Bây giờ gọi là Đền Và. Lại cũng truyền miệng là đền rất thiêng, ngoài cổng đền bao nhiêu là hàng quán bán đồ sắp lễ chào mời. Có một đoàn xe mang biển số xanh lễ mễ mang mâm lễ vật vào tận bên trong hậu cung, bà Hải tò mò đi theo, tôi không thích lắm nên đứng ngoài này, cúng tiền công đức và khấn Đức Thánh Sơn Tinh cho mưa thuận gió hòa, để dân được nhờ và … 2 bà già đi rong này cũng yên tâm chân cứng đá mềm mà đi.


Đến thành cổ Sơn Tây, một dạng kiến trúc từ kinh thành Huế mang ra. Thành cổ Sơn Tây nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội gần 50km, là một công trình kiến trúc quân sự cổ.











Được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng, có tổng thể hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, cao 5m, chung quanh thành phía ngoài có hào sâu 3m, rộng 20m, dài khoảng 1.795m, được nối ra sông Tích ở góc thành phía Tây Nam.






Chính giữa là “Vọng cung” là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần thú và là nơi các quan trong trấn hàng năm, Xuân Thu nhị kỳ, đến tế lễ hoặc “bái vọng” mỗi khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống.




Trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, nhìn thẳng ra Kỳ đài (cột cờ) xây trên một bệ hình chóp vuông cụt bằng đá ong, cao khoảng 18m. Di tích này vừa được trùng tu lại năm 2007 nên có những chỗ gạch còn rất mới.




(Ảnh tư liệu)


Vòng hào chung quanh rất đẹp, tôi chụp không đẹp lắm nên xin phép đưa một bức ảnh thật đẹp của bạn Minh Đức về một buổi chiều mùa thu ở đây.


Hết thời gian và cũng sắp… hết tiền. He he… Hà Nội - Sơn Tây đi về 4 lượt xe bus 110 km 2 người chỉ tốn 96.000 đ, còn taxi đi vòng vòng Đường Lâm - thị xã Sơn Tây vài tiếng đã 300 ngàn. Chiều rồi, quay về thôi. Ngồi trên xe bus, những cảm xúc suốt cả ngày lắng lại, tôi lại nhớ đến nhà thơ Quang Dũng, đôi mắt một người con gái Sơn Tây đã làm thành những bài thơ để đời, còn tôi rời khỏi Sơn Tây, thật tình tôi cũng… Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai…

  (Ảnh Tạ Minh Đức)

10 nhận xét:

  1. Hí hí... Đường xa đi được nên tham, cái gì cũng muốn kể, các bác chịu khó xem nhé. Tiếp đến sẽ là chuyện Mai Châu. :)))

    Trả lờiXóa
  2. Đọc Sơn Tây ký sự của Chị qua entry này, đôi chỗ giọng văn thấy giống ký...sinh sự, haha, nhất là đọan "đá văng chúng ra khỏi Biển Đông" hihi...
    Chị Hải thích quá, đi với một bà Tổ sư Sử thì thôi khỏi chê. Em tiếc không đi được. hồi tụi em về Sơn Tây chỉ đi Chùa Mía, Chùa Dâu, Chùa Tây Phương thôi Chị à. không biết mấy chỗ này để đến, uổng ghê. Nếu Chị GiaMinh còn ...sức, cho em đi một chuyến giống in vậy nghen Chị, hic!
    Em chờ nghe chuện "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"...
    Không vô lẽ mà Quang Dũng trở thành nhà thơ lớn của nước mình... đọc thơ Ông, thấy quê hương hiển hiện...
    Nay qua entry của Chị lại thấy thơ Ông hiển hiện cùng quê hương...

    Trả lờiXóa
  3. Giỏi quá, hai bạn chịu khó dong ruổi đi du lịch ba lô,về lại có hình và bài tường thuật đầy đủ,đáng khen lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Thật quí giá lắm entry này. Người học sử đi du lịch có cảm nhận rất là sử học. Những entry kể chuyện"vụn vặt" kiểu này của GM thật là quí đối với chị, chị chép để dành bỏ vào túi cho những chuyến đi chơi Bắc của chị nhé GM. Thật ấn tượng với chị chi tiết em kể về sứ giả Giang Văn Minh thà bị giết chết chớ ko bỏ rớt một câu thơ xúc phạm dân tộc Việt. Chị cũng rất yêu quí Quang Dũng, xưa kia đã mê mãi chép thơ của ông, đã lượm nhặt những tài liệu gì viết về ông mà tìm thấy được. Và luôn ước có một lần đặt chân lên đất Sơn Tây ...

    Trả lờiXóa
  5. He he... Em dám rủ là chị dám đi à.:)))

    Trả lờiXóa
  6. Thích quá chị ơi . Em phục hai chị sát đất luôn . Đúng là càng già càng dẻo , càng dai . heheheh

    Trả lờiXóa
  7. Nể người viết quá.
    Đúng là như theo chân em mình đến Sơn Tây và từng lúc, những trang sử cũ cũng như được lật ra, để thêm yêu thêm quý người xưa...
    Cứ vụn vặt như thế để chị còn được theo em đi...

    Trả lờiXóa
  8. KH rất ngạc nhiên về những ngôi đền cổ, cây đa đường làng mà mình từng nghe trong nhạc của Phạm Duy.

    Trả lờiXóa
  9. Chi Tuyetmai, Biengbiec, chị Thunhan, Kimhuynh: Mọi người mà đi thì cũng sẽ cảm xúc như em vậy, những con đường đất cũ và nghĩ đến một thời Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Ngô Quyền... có lúc nổi da gà. He he...

    Trả lờiXóa
  10. Hồi em leo Hòang Thành Thăng Long chỗ Phố Phan Đình Phùng, nhớ Hòang Diệu mà cũng nổi da gà Chị à...

    Trả lờiXóa