Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

SƠN TÂY... Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai... (1)

Nhắc đến Sơn Tây y như rằng nhớ đến nhà thơ tài hoa Quang Dũng, hồi còn đi dạy, đến bài Tây Tiến giảng như lên đồng, nhưng đến cuối buổi vẫn rán thêm một chút Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai.
Sông xa từng lớp lớp mưa dài…

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…


Ấy vậy mà ra miền Bắc bao nhiêu lần, ngược xuôi Đông Bắc,Tây Bắc đủ cả, nhưng vẫn chưa lần nào đến Sơn Tây. Chỉ vì… hơi gần quá, cách Hà Nội hơn 50 km, nên cứ tặc lưỡi: Tranh thủ đi nơi xa trước, Sơn Tây gần đây thôi, một tẹo là tới, lúc nào đi chả được. Và như vậy là chưa bao giờ đi Sơn Tây. Lần này cũng vậy, Sơn Tây không có trong kế hoạch, định là đi núi Yên Tử. Bà bạn Hải chưa biết Yên Tử nên mong lên đỉnh Phù Vân một chuyến, nhưng chắc là chưa có duyên, chẳng vậy mà mấy ngày liền Hà Nội tạnh ráo đầu thu, đến tối hôm trước mưa lai rai cả đêm, đến sáng sớm vẫn mưa bụi bay bay.Tình thế này nếu Uông Bí Mạo Khê cũng mưa thì không thể lên Yên Tử được, đành rằng có cáp, nhưng vẫn còn những đoạn khi gần lên đến chùa Hoa Yên và chùa Đồng dốc đất gần như thẳng đứng, các bậc thang đất mùa khô leo cũng đã vất vả rồi, trời mưa này với hai bà sắp bước qua U 70 thì chẳng khả thi. Ngồi cà phê Lâm nói chuyện một lát thì trời tạnh mưa, nhưng cũng đã gần 9 giờ, không tính chuyện Yên Tử được nữa. Ngẫu hứng: Hay ta đi làng cổ Đường Lâm.
Vậy là tính chuyện Sơn Tây. Mua 2 trái bắp luộc nóng hổi, 2 quả bưởi Hưng Yên mọng nước, mỗi bà một chai nước, bỏ vào balô, lên đường bằng… xe bus.
Đi bộ khoảng 1km ra đầu Quán Thánh đón xe bus số 18 để ra bến xe Kim Mã, ngồi xe bus một vòng gần kín nửa thành phố từ quận Hoàn Kiếm qua quận Đống Đa, 3.000 đồng/ người. Đến bến xe Kim Mã lên xe bus số 70 đi Sơn Tây, gần 50km vé 20.000 đ. Qua Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ là đến Sơn Tây. Tóm lại chỉ mất thì giờ thôi còn tiền xe thì quá rẻ. Từ quốc lộ vào trung tâm Sơn Tây, 2 bà đón xe taxi, không biết đường đất, lại chẳng có bản đồ Sơn Tây trong tay, thuê taxi cho lành.



Đi thêm khoảng 7 km thì đến xã Đường Lâm, cổng làng Mông Phụ dung dị hiện ra, ao sen bên tay phải đã hết mùa sen, rơm vàng trải đường làng, nghe nói cổng làng Mông Phụ là cổng làng duy nhất còn lại ở Đường Lâm, cổng được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” – Trên là nhà, dưới là cổng.




Đến đây xin mở ngoặc một chút, tôi có một cô em đồng nghiệp người Sơn Tây, khi cô nhìn những tấm ảnh tôi chụp ở Sơn Tây, hơi thở dài một chút: “Bác chụp quê em hơi ít đẹp nhé”. He he…, thương cái tình yêu quê hương của cô em gái Sơn Tây, nên ở đây thi thoảng tôi thêm vào các bức ảnh cô đưa cho tôi để đẹp lòng cô em.


(Ảnh tư liệu)



Làng đang vào mùa gặt, đường làng chưa có nhiều rơm phơi nhưng các đụn rơm mới rải rác đường làng, mùi rơm ngan ngát.
 

Các nhà làm phim Việt Nam khi quay cảnh làng quê Bắc bộ thì thật sướng, ở đây đủ cả đặc trưng của một ngôi làng: cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… Đường Lâm vốn nổi tiếng là một vùng đất đá ong. Đâu đâu cũng thấy đá ong, từ cái giếng cho đến cổng nhà, cột đình, ngôi mộ, nhà thờ họ. Đường Lâm còn được biết đến là một vùng trồng mía, làm đường nổi tiếng. Vì thế có những địa danh liên quan đến các hoạt động này như Đường Lâm, chùa Mía, phố Mía, tổng Mía. Đó cũng là hình ảnh mía, mật, đường qua câu ca ví von như sau: "Lên phố Mía; Gặp cô hàng mật; Nắm lấy tay hỏi đường" ( tương truyền đây là câu đối bà Đoàn Thị Điểm ra cho Trạng Quỳnh).



Đình làng Mông Phụ thờ Thành Hoàng Đức Thánh Tản (Tản Viên Sơn), đình có từ thời vua Lê Thần Tông (cách đây khoảng 400 năm), nhưng đã được sửa sang gần đây nhất năm 2007, nên những vách đá ong còn mới quá.




Nhưng nhìn tổng thể vẫn còn giữ được nét cổ xưa của mái đình làng quê Bắc bộ. Sân đình lát gạch Bát Tràng, hai bên đầy đủ tả hữu, hai bên đình có hai giếng nước được gọi là 2 mắt con rồng (theo các cụ trong làng thì làng nằm theo hình thế đất con rồng, đầu rồng là đình làng, râu rồng tỏa ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải).




Khi vào bên trong sân đình, chúng tôi “bị” một lão ông giật giọng gọi lại … để thuyết minh về ngôi đình, nói một ít về những chuyện ai cũng biết của đình, ông gợi ý trả tiền thuyết minh, cũng hơi bực mình nhưng nghĩ lại ông lão đã 83 mà vẫn còn lo đi kiếm sống, thôi thì gởi ông tiền chè thuốc và mong mình khi đến tuổi này đừng phải vất vả sinh nhai thế kia.






Ra khỏi đình, bắt đầu dạo quanh trong làng, đường làng thường lát gạch hoặc tráng xi măng, mùa này bắt đầu phơi rơm khi nắng tốt, đặc điểm nhà ở Đường Lâm là tường bằng đá ong hoặc tường trình (những viên gạch làm bằng đất bùn, tro và rơm phơi khô), những con đường quanh co trong làng thật yên ắng, rơm, hoa và dây leo trên những bức tường cũ làm 2 bà già bấm máy ảnh mỏi tay.










Bất chợt một ngõ quẹo bắt gặp một nóc nhà thờ xưa kiểu châu Âu với tháp chuông tuyệt đẹp nhô lên giữa xóm.




Buổi trưa nên chúng tôi không ghé vào các nhà vì sợ làm phiền, mượn vài tấm ảnh của bạn Tạ Minh Đức để giới thiệu bên trong một ngôi nhà cổ và một chỗ làm tương Mông Phụ.




Mỏi chân ghé vào một quán nước chè của một bà lão chít khăn nhung đen, uống một cốc nước vối, mua cho cụ một phong kẹo dồi, quán của cụ bán cả bản đồ Đường Lâm, may quá cái bản đồ bé tẹo giải quyết được việc tìm đường đi và việc sẽ đến những nơi nào bởi vì cái làng nhỏ 2 vua 1 hậu này coi vậy mà có quá nhiều nơi để ghé lại.




Kinh nghiệm đi Sơn Tây cho các bạn sau này muốn đến là nếu có sức khỏe nên đi xe gắn máy từ Hà Nội, đến trung tâm Sơn Tây rồi tha hồ sục sạo các nơi bởi vì ở đây ngoài làng cổ để lang thang còn rất nhiều đền, đình và chùa: Đình Phùng Hưng; Lăng Ngô Quyền; Đền Và (thờ Thánh Tản Viên Sơn Tinh); Đền thờ nữ tướng Lê Thị Lan (tướng của Hai Bà Trưng); Đền phủ thờ bà Chúa Mía (Cung phi chúa Trịnh Tráng); Miếu Mèn (nơi thờ bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng); Chùa Viễn; Chùa Mía…

He he he… nhưng cũng có kinh nghiệm này do dân phượt truyền lại: “Các bác đi xe gắn máy có hỏi đường thì hỏi về Sơn Tây cho chắc ăn, đã có 2 bạn phượt hỏi đường về “Đường Lâm” và dân địa phương hiểu là hỏi “đường 5”, thế là nhiệt tình chỉ đường và 2 bạn đã bị …“ đậu phộng đường.”
Buổi trưa muốn tìm món gì của Sơn Tây nhưng thật tình chẳng có, bánh tẻ Sơn Tây từng nghe giới thiệu





nhưng phải đặt mới có, bà cụ bán quán bảo lúc nào vào mùa đông khách du lịch thỉnh thoảng cụ mới quấy một nồi chè kho, chứ mùa này ít khách cũng chả ai mua. Về lại thị xã ăn thịt quay Sơn Tây thì thú thật 2 bà già không mê, vậy là dỡ bắp luộc và bưởi ra coi như...ăn trưa trên đường phượt. He he... Các công ty du lịch gặp 2 bà già này thì thật chán nhỉ.
(Còn tiếp)

27 nhận xét:

  1. He he... Ngày mai kể tiếp chuyện Sơn Tây, hình chụp nhiều nhưng không đẹp, lựa mỏi mắt quá. :)

    Trả lờiXóa
  2. Hic, ảnh Chị chụp nhìn quen quá...và nhớ quá Đường Lâm. Cái làng cổ còn sót lại này đẹp lung linh, góc cái cua khuất còn cái giếng đá ong không Chị? hic... ngày đó mấy anh chị em nhà em cũng lang thang Đường Lâm... hết một buổi trưa...
    Ta nhớ xứ Đòai mây trắng lắm...
    Trời xanh không thấy bóng Ba Vì...

    Trả lờiXóa
  3. Những cái giếng làng vẫn còn đấy MM ơi. Hình nhiều quá mà chụp lung tung.Chị lựa ra hoa cả mắt.
    Đến Sơn Tây nhớ thơ Quang Dũng nhỉ. Người đâu tài hoa thế chứ. :)

    Trả lờiXóa
  4. Ôi em,
    Khi rời Sơn Tây có đôi mắt ai u ẩn chiều tiễn biệt hông ta?
    ...
    Ôi trời,
    Khi nào ta mới đến được Sơn Tây?
    ...
    Viết nữa đi em,
    Hình thì cứ post hết lên photos đi mà!

    Trả lờiXóa
  5. Em com bên MOP rồi ...sang đây vẫn thích nhìn hình

    Trả lờiXóa
  6. sao Mây không thấy hiển thị hình chị ạ ???

    Trả lờiXóa
  7. Chị thấy mà mây..coi chừng phần mềm coi ảnh trong máy mây lỗi đấy

    Trả lờiXóa
  8. Ơ, hồi sáng Quý An cũng gọi điện bảo thế khi đọc Lang thang Hà Nội. Chị thì cũng chẳng biết tại sao.:)

    Trả lờiXóa
  9. Gío ơi !!! niềm riêng thiệt thòi của đôi ta
    :((

    Trả lờiXóa
  10. em chưa đến được làng cổ Đường lâm , tiếc tiếc , à chị có đi thăm làng Vũ đại , lò gạch chưa ?

    Trả lờiXóa
  11. Hay quá GM ơi, đăng du lịch Tuổi trẻ được đó. Chị sẽ ghi nhớ mọi điều để dành đi Bắc nhá.

    Trả lờiXóa
  12. úi, Mây thấy hình rồi chị à, cảm ơn chỉ về 1 entry nhẹ nhàng sâu lắng, hình ảnh đẹp. Đường Lâm đẹp quá, em mê mấy cái đình chùa cổ với nét kiến trúc và đầu hồi rất riêng, rất thuần Việt. Có dịp, em sẽ nhất định đến Đường Lâm. Hihihi, em cũng mê thơ Quang Dũng nữa, 1 lảng tử hào hoa, hihihi

    Trả lờiXóa
  13. Đang cũng là một điều tiếc của mình đó.:)

    Trả lờiXóa
  14. Thu xếp đi một chuyến chị à, để càng lâu chân giò... càng sắp hết "đát"... He he he...

    Trả lờiXóa
  15. Tháng 10 Mây ra, bỏ một ngày thuê xe gắn máy tự đi Sơn Tây, nhớ ghé cả làng Đông Sàng để thăm chùa Mía, chị đang tiếc đây nè.

    Trả lờiXóa
  16. Xem xong chỉ biết......Ôi! hay quá MA ạ!

    Trả lờiXóa
  17. Dạ, nếu ra HN thì Mây sẽ ghé Đường Lâm và đi Yên Tử núi thiêng, hai nơi này em chưa biết tỉ ạ. Xí quên, tỉ tỉ PM hay nhắn SMS cho em biết nhà của tỉ nhé ( nhà em cũng gần nhà thờ Huyện Sĩ), để em mang cái DVD nhạc đến tặng tỉ tỉ

    Trả lờiXóa
  18. Chỉ là người Sơn Tây nói giọng nặng quá hén Chị. Tụi em ngồi với một bà cụ ở đình làng Mông Phụ mà Bà nói hơn nửa tiếng tụi em...hiểu chết liền hehe!

    Trả lờiXóa
  19. Đến Chùa Mía phải đi rất nhẹ, mục hết rồi Chị à...

    Trả lờiXóa
  20. là sao nhỏ ? là người Sơn tây mà nói giọng Nghệ à ?

    Trả lờiXóa
  21. Em thấy Chị Quế nói đúng, Chị Giaminh gởi TT đi Chị... hic! Cho nhiều người được đọc... hay em chạy xuống phụ Chị ...biên tập đặng...ăn theo tên tuổi nhá... hehe!

    Trả lờiXóa
  22. XÓm , ngõ ở TS vẫn giữ được nét xưa cổ . Hay quá chị nhỉ .

    Trả lờiXóa
  23. Hai bà già đi thật là mê... mê luôn entry của GM... chả biết bao giờ cho đến bao giờ... Thôi đành du lịch ở đây cho đỡ ghiền. Chị nhớ cổng vào Đường Lâm có cây đa to lắm lắm bóng cây toả ra rợp mát rượi cả một vùng. Hông biết có phải cái ảnh soi bóng nước đó không? Cái đẹp luôn làm ta mê muội và muốn khám phá. GM là một trong những người thật giàu có...:D

    Trả lờiXóa
  24. Chị Haphan, chị Thunhan, chị Thanhque, Minhtmap, Biengbiec: Ở làng quê ấy êm đềm lắm, he he... 2 bà già đi du lịch tiết kiệm được khen là giàu có... về tâm hồn. Cám ơn mọi người nhé.

    Trả lờiXóa
  25. Bạn blog đọc là thích rồi,chị không có duyên với báo đâu. :)

    Trả lờiXóa
  26. hihi, là Chị nghĩ vậy thôi, thử một lần đi Chị...

    Trả lờiXóa
  27. Bánh tẻ Phú Nhi là đặc sản của Sơn Tây, lần này ra Hà Nội con sẽ mang về ( nếu ngày về con xuất phát từ Sơn Tây - Vì bánh này phải ăn ngay). :):)
    Sơn Tây - vùng đất này con rất yêu mến. Cảm ơn Cô đã cho con hiểu thêm về Sơn Tây qua một góc nhìn thật đẹp, thật nhẹ nhàng.
    Đi du lịch theo tour hay đi bụi đều có cái hay riêng. Con nghĩ người làm du lịch sẽ không có ý kiến gì đâu ạ. Con vừa thích đi du lịch bụi, vừa thích đi tour. :):)

    Trả lờiXóa