Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

LANG THANG HÀ NỘI

Hà Nội đón chúng tôi với thời tiết của đầu mùa thu, cây cơm nguội chưa vàng, những chiếc lá bàng màu đỏ chỉ mới rải rác trên cây, nhưng bầu trời cả ngày lúc nào cũng như lãng đãng một màu khói, thi thoảng những cơn mưa nhỏ, đôi lúc ánh lên màu nắng vàng mật ong, tóm lại mùa thu đã đến nhè nhẹ.

Tôi đã đến Hà Nội nhiều lần nhưng lần nào cũng chỉ ít ngày, cho công việc hoặc như một nơi dừng chân trước khi đi đến một nơi xa hơn. Lần này cũng vậy, ở lại với Hà Nội chỉ 2 ngày, một ngày khi mới đến và một ngày trước khi về lại Sài Gòn. Cũng như những lần trước, với vài ngày tôi không có tham vọng hiểu và biết về Hà Nội, tôi chỉ lang thang và thú vị với những điều nho nhỏ tìm thấy.

HÀ NỘI … buổi sớm mai: Thành phố này dậy muộn hơn Sài Gòn, 6 giờ sáng ra đường, phố vẫn còn vắng vẻ, rải rác những người đi bộ tập thể dục buổi sáng hướng ra bờ hồ, một vài góc phố tập trung những người phụ nữ ở quê ra đang sắp soạn những giỏ trái cây, những giỏ hoa… trên xe đạp để chuẩn bị đi bán rong.





Những chiếc xe đạp chở đầy hoa làm nhớ đến Gánh hàng hoa của một thời Tự Lực Văn đoàn.





Hồ Gươm sáng mùa thu mờ sương, một cơn mưa nhỏ chợt đến, cầu Thê Húc trở nên dịu dàng, tôi vốn không thích cái màu đỏ chói của chiếc cầu 15 nhịp này, nhưng sáng nay màn mưa mờ mờ làm màu đỏ chiếc cầu thành một điểm nhấn dễ chịu.






Xa xa tháp Rùa mờ mờ trong sương, buổi sáng Hà Nội thật yên bình.




Nhưng chỉ một lát sau, Hà Nội thức giấc và từ đó đến suốt ngày cả thành phố như cuống quýt, người từ các ngã xô nhau ra phố, từ phố cổ đến các đại lộ đều đầy người đầy xe, nhộn nhịp và hối hả như thế cho đến tối, khi những ngọn đèn màu lấp lánh chiếu rực rỡ các phố lớn, Hà Nội trở nên lộng lẫy, bóng tối dấu hẳn những con đường ướt lép nhép bùn đất của trận mưa ban chiều. Vì vậy tôi thật yêu những buổi sớm Hà Nội, những ngày ở đây sáng sớm nào tôi cũng lôi chị bạn thức giấc lang thang buổi sáng.


HÀ NỘI…phố cổ: Chúng tôi ở một khách sạn nằm ngay trong phố cổ, New Hà Nội - số 9 Hàng… Mắm. He he… thú vị hơn là quán cà phê đối diện mang tên… Cà phê Mắm. Gọi là phố cổ với những bảng tên đường 36 phố phường Hà Nội xưa, với lòng đường bé tẹo của trăm năm trước, còn thì chẳng thấy cổ chút nào, một ít nhà xưa còn lại thì cũng cơi nới thêm và luôn là một cửa hàng hay một công ty gì đó, tên phố cũng chỉ là kỷ niệm như phố hàng Muối bây giờ bán… nội thất xe hơi; Hàng Vôi là một loạt cửa hàng mỹ phẩm, thời trang; Hàng Than giờ bán bánh cốm, chè thuốc, hàng phục vụ đám cưới; Hàng Vải nay bán toàn tre nứa; Hàng Cháo lại chuyên về dụng cụ cơ khí, cơ điện.… . Đường trong phố cổ từ 8 giờ sáng trở đi đến đêm lúc nào cũng đông nghẹt người và xe, tôi thầm phục những chiếc xe bus to lớn chạy xuyên qua phố cổ, còn những chiếc xe điện chở du khách đi tham quan thường cứ hay bị mắc kẹt ở một góc phố nào đó.





Vì thế hai bà già chúng tôi đi lại trong phố cổ chọn luôn cách tiện nhất: đi bộ, cứ lang thang đi bộ lại hóa hay, đôi lúc còn tìm những dấu vết xưa. Khi tìm đến bến xe buýt ở đầu đường Quán Thánh, chúng tôi bắt gặp cửa ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại trong 5 cửa Ô của Hà Nội xưa: Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Ðống Mác và Ô Quan Chưởng. Tôi hơi ngơ ngẩn vì bên dưới cửa Ô còn những viên gạch xưa, nhưng bên trên thì xi măng mới quá, nghe nói người ta thay áo mới cho cửa nhân dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, trông hơi chán thật.




Dạo tôi ra Hà Nội năm 1986, cửa Ô cũ kỷ trông hay hơn nhiều.


 Cửa Ô ngày xưa .
 

Tên chính thức là Đông Hà môn, tức là cửa ô Đông Hà. Gọi là Ô Quan Chưởng, để ghi nhớ sự hy sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn, chiến đấu chống lại quân Pháp đánh thành Hà Nội.

Nhưng ít nhất đầu đường Quán Thánh vẫn còn một cây đa xưa. Bâng khuâng khi nghĩ trăm năm trước ở đây là đầu một con đường làng.

 
Cổng chợ Đồng Xuân vẫn còn giữ được nét xưa.
 
 
 (Ảnh tư liệu chợ Đồng Xuân xưa)


Đi ngang phố hàng Buồm thấy vẫn còn Đền Bạch Mã, một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long xưa, gồm bốn ngôi đền: Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành).


(Ảnh tư liệu).

Phố Hàng Buồm đông đúc người và xe cộ qua lại, tôi đứng mãi mới có một khoảnh khắc không người không xe đi ngang qua đền Bạch Mã để chụp một tấm ảnh.




Phố cổ còn một nơi không thể không đến: Cà phê Lâm. Từ khách sạn chúng tôi ở quẹo ngay góc phố đầu tiên là ra Nguyễn Hữu Huân, bước quá một chút đến số 60 gặp cà phê Lâm, quán cà phê có từ những năm 50.





Nghe kể lại ông Lâm chủ quán là người yêu tranh và yêu văn nghệ sĩ, nên hay cho nợ tiền ăn sáng, uống cà phê. Các họa sĩ nghèo, thường là khách nợ chung thân của quán ông Lâm. Tất cả đều được ông Lâm ghi vào sổ nợ , đến khi đã khá nhiều ông Lâm sẽ khẽ khàng bảo :" Này ông, đã đủ cho một bức tranh rồi đấy ông ạ". Những bức tranh gán nợ thời ấy bây giờ treo ở đây không bức nào dưới 200 triệu đồng, vì các tác giả xưa giờ đều là những danh họa có tiếng.
 

Tranh Nguyễn Đình Chi


Tranh Bùi Xuân Phái

Cũng theo lời kể, nhà văn Nguyễn Tuân đã nói vui rằng :"Hữu ngạn sông Saine có bảo tàng Louvre,Tả ngạn sông Hồng có Cà phê Lâm". Bước vào quán cà phê, nhìn những bức tranh nằm yên trên vách thấy như thời gian ngừng trôi ở đây. Tôi không phải là người sành cà phê, nhưng ngồi uống cà phê ở đây, ngắm nhìn khung cảnh quán cũ kỹ giống in hệt một bức tranh đang treo trên tường là một điều thú vị.




HÀ NỘI… xe bus: Hai bà già chúng tôi là những người du lịch tiết kiệm, đi loanh quanh trong phố cổ hay ra hồ Gươm thì đi bộ, đi xuyên qua thành phố từ quận Hoàn Kiếm đến quận Thanh Xuân thăm người quen hay ra bến xe Kim Mã đi Sơn Tây thì leo lên xe bus. Chỉ mất 3 ngàn đồng một lượt sẽ đến được nơi mà nếu đi taxi cũng phải trên dưới trăm ngàn, lại vừa được nhìn ngắm vòng quanh các phố Hà Nội. Xe bus Hà Nội khá cũ kỹ, thậm chí ít ghế ngồi hơn xe bus Sài Gòn, nhưng dịch vụ thì khá tốt, khoảng 1 phút trước khi xe đến trạm dừng nào đó thì có loa thông báo trên xe và một hàng chữ sáng đèn phía đầu xe cho biết số của những tuyến xe nào đi tiếp ở trạm dừng đó. Khách đi xe nghe thông báo sẽ bước ra gần cửa và bấm vào đèn báo hiệu muốn xuống xe ở trạm dừng sắp tới. Vì vậy vào giờ cao điểm xe chật kín người nhưng không ồn ào tiếng kêu xe ngừng ở các trạm, trên xe phần lớn là học sinh, sinh viên và người già, đa phần đi vé tháng. Một số cô gái Hà thành rất dễ thương, đứng dậy nhường chỗ cho người già, 2 bà già chúng tôi được cái hân hạnh nhường chỗ ấy, tôi ngồi quan sát thấy tiếp tục những người già khác đều được nhường chỗ trên xe bus. Tôi đi xe bus ở Hà Nội chưa nhiều, 2 lượt đi về xe số 1 Long Biên – Nguyễn Trãi, 2 lượt đi về xe số 18 Long Biên – Kim Mã, 2 luợt đi về Kim Mã – Sơn Tây, nhưng có thể nhận xét một chút: xe bus Hà Nội khá tốt đấy chứ.

HÀ NỘI… ăn quà vặt: Một là vì chúng tôi là phụ nữ, hai là đi chơi rất ngẫu hứng, không theo một giờ giấc nhất định nào nên thường chúng tôi ăn quà nhiều hơn ăn cơm, chung quanh phố cổ đầy những hàng ăn đường phố. Có thể ăn quà ngoài phố thì hơi…không vệ sinh, nhưng làm sao ta có thể cưỡng được khi buổi sáng sớm từ bờ hồ quay về, trời đang mưa phùn và đi ngang một hàng bánh cuốn nóng, ngồi xuống bên cạnh bếp lò ấm sực, một dĩa bánh nóng, vỏ bánh mỏng mềm dai đúng kiểu Hà Nội.




Hoặc buổi chiều đang đi bộ trên phố hàng Than đúng vào giờ ăn xế, thấy một hàng bánh tôm, dù không phải đang ở Hồ Tây, nhưng những con tôm bé xíu đúng là tôm hồ Tây, đỏ hồng, mềm giòn không cứng một tẹo nào, trên chiếc bánh còn rải rác những thanh khoai lang xắt nhỏ, bánh giòn ngon mặc dù có hơi bị nhiều dầu, trả 20 ngàn cho một dĩa bánh ăn xế rồi lại tiếp tục đi bộ dạo phố.





Từ bờ Hồ đi về khách sạn, hướng về phố Hồ Hoàn Kiếm, tìm những đồ lưu niệm trên các cửa hàng của con đường này.




Chợt thấy trên vĩa hè toàn xe gắn máy đời mới, các cô tiểu thư rất thời trang với túi xách tay hàng hiệu, các chàng công tử tóc nhuộm,một bên tai đeo khoen, các “mợ” Hà thành trung niên đặc trưng với da trắng như trứng gà bóc, lông mày cong nửa vòng nguyệt, cổ đeo một vòng ngọc trai… tất cả đều ngồi bên những chiếc bàn thấp kê sát vĩa hè, xì xụp một món gì đó, 2 bà già cũng sà vào: Nộm đu đủ bò khô… gia truyền Long Vi Dung.




Rồi thì các món bún: từ bún chả hàng Mành mùi thơm không thể không động lòng, bún bung chỉ đơn giản là những miếng sườn non với các mảnh dọc mùng thái lát rất dễ nuốt sau một ngày mệt nhoài đi Mai Châu, cả món bún thang nữa, bún thang vĩa hè thiếu đủ thứ, không trứng rán thái rối, không ruốc tôm he bông, không trứng muối, chỉ có ca la thầu với giò lụa thái mỏng và những miếng thịt gà nhỏ, nhưng bỏ vào một chút xíu mắm tôm, vị nuớc thang nóng hổi trong buổi tối se lạnh làm nhớ đến Tết, những ngày sau Tết, các món ăn còn thừa mỗi thứ một ít trong tủ lạnh cho tất cả vào nồi thế là có một nồi thang…
Bún thang vỉa hè và bún thang đủ vị.




Tóm lại một thú vui khi lang thang Hà Nội là ăn quà vặt, chỉ mỗi tội lần nào ăn món nóng cũng phải nhắc “đừng bỏ mì chính vào bát nhé”.

HÀ NỘI… người Tràng An: Một ngày trước khi bay về, hãng hàng không Jestar nhắn tin SMS cho biết… máy bay delay. Hai bà già về hưu đi chơi bằng máy bay giá rẻ, biết rằng giá rẻ thế nào cũng có chuyến bị delay, nên tôi đã chọn chuyến về cuối cùng trong ngày trên bảng giờ bay khi mua vé là chuyến 21.20 để khỏi bị nhưng thế mà nó vẫn cứ delay thành chuyến nửa đêm, hic!
Vậy là còn thời gian nên buổi chiều trước khi bay lại tiếp tục lang thang, và ra bờ hồ ngắm buổi chiều mùa thu trước khi về, ngồi ở bờ hồ chiều hôm đó lại rất hay,vì bắt gặp những nét văn hóa… rất Tràng An.

Một họa sĩ ngồi vẽ chân dung




Và các cô dâu Hà Nội. Ôi! các cô gái Hà thành sắp sửa làm cô dâu ra bờ Hồ chụp ảnh cưới, cô nào cũng mặc áo dài lụa trắng, quần đen, búi tóc kiểu cổ, các chú rễ tương lai đơn giản áo sơ mi trắng dài tay, quần tây sẫm màu, cứ như tôi đang được nhìn lại người Hà Nội của thế kỷ trước. Đứng xa xa chộp ảnh cho các cô không ngượng vì người lạ nên tôi có những bức ảnh không đẹp lắm nhưng để lại một kỷ niệm dễ thương về người Hà Nội.








Không hiểu sao nhớ về Hà Nội tôi chỉ toàn nhớ những điều vụn vặt, lần đầu tiên khi ra Hà Nội vào năm 82 hay 86 gì đó, dự một Festival thanh niên, khi về tôi đã kể chuyện Hà Nội thế này: "Bạn Hà Nội đưa đi thăm quanh thành phố, đi ngang một chỗ có chữ Cao Xà Lá, tôi hỏi, bạn giải thích: Là khu công nghiệp sản xuất cao su, xà phòng, thuốc lá. Một lúc sau thấy thỉnh thoảng trước các ngôi nhà thấp trong các phố nhỏ có treo bảng Quy Gai Xốp, lại hỏi và được giải thích: Đó là các nhà khi ta đem bột, đường đến họ gia công làm bánh gai, bánh quy, bánh xốp theo yêu cầu. Sau 2 lần như thế tôi nghĩ đã hiểu được quy luật chữ nghĩa ở đây, vì vậy khi thấy một tấm bảng Xăm lốp chín, lần này tôi lại hỏi: Thế đây là món gì? Ối giời ôi, hóa ra là nơi vá xe đạp, mà là vá chín vì có đốt lửa cho miếng vá chảy mềm ra. Rồi đến lúc bạn cho mượn xe đạp để tự đi vòng vòng phố, bạn dặn với theo “Phanh không xơi nhé”, nghĩ bạn dặn đừng ăn món gì đó, tôi lầm bầm “Có tiền đâu mà xơi cái gì”. Leo lên xe đạp đi, hóa ra “phanh không xơi” nghĩa là “thắng không ăn”. Nghe tôi kể xong, má tôi hỏi: “Có đi thăm lăng Bác không, có thấy chùa Một Cột không, có ra hồ Tây không v.v… ?” Trả lời: Dạ có. Bạn bè hỏi: “Có đi Văn Miếu thắp nhang không, có ra đền Ngọc Sơn, có đến chùa Trấn Quốc không v.v… ? Trả lời: Có. Và ai cũng cáu: Thế sao không kể. Những lần sau cũng vậy, bạn bè hỏi có thăm Bảo tàng Dân tộc học không, có đến di tích Hoàng thành Thăng Long không v…v…? Đều trả lời có, nhưng kể thì toàn kể những chuyện linh tinh. Có lẽ vì Hà Nội là Thăng Long, 1.000 năm đã đi qua mà tôi chỉ ghé ngang có vài ngày, nên những điều bác học về Hà Nội tôi không dám nói, vì chắc sẽ không đủ và cũng có khi không đúng. Và lần này cũng vậy, lại cũng chỉ là những chuyện vụn vặt. Cám ơn đã nghe tôi kể lể.



31 nhận xét:

  1. He he... Ngày mai kể chuyện Sơn Tây nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Thích vụn vặt như thế này. Bác học ngán rồi em à. Chờ nghe nữa nè.

    Trả lờiXóa
  3. Chị ơi, em thấy bài này làm trang giới thiệu Hà nội cho những ai chưa đi Hà nội bao giờ tham khảo về món ăn, các điểm cần đi qua...hihi như em chẳng hạn.. đủ tuyệt vời, biên tập hay mà...

    Trả lờiXóa
  4. ôi, chị làm Mây nhớ những xe đạp hoa của HN, và thèm bánh tôm Hồ Tây, cũng nhờ chị Mây mới biết cafe Lâm thú vị đến thế

    Trả lờiXóa
  5. Trước đây, nghe kể về Hà nội, em mất hứng hoàn toàn. Giờ nghe chị kể về Hà nội, em thấy "nó" cũng đáng yêu quá chứ. Vuột mất chuyến đi này, tiếc ghê :)

    Trả lờiXóa
  6. Mấy kiểu ảnh cưới cũng dễ thương ghê chị. Hum nèo may cái dzài trắng dzúng vậy mới đc, hihihihi

    Trả lờiXóa
  7. GM kể chuyện HN đọc thích quá, thích những gánh hoa sáng sớm, thich quán cà phê Lâm, thích ngắm cô dâu Hà Nội nữa.. đẹp dịu dàng quá đỗi...

    Trả lờiXóa
  8. Em hem xem được hình, nhưng có mấy chỗ em nói ngay: Em đã đến cà phê Lâm gần như mỗi ngày, ăn xôi xéo góc Nguyễn Hữu Huân - Lê Thánh Tông rất ngon. Lê Thánh Tông buổi chiều có một bà cụ bán bún mắm tôm đậu phụ ngon trên cả tuyệt vời....
    Giọng entry kể như tự sự mà là cái tự sự ngàn năm, em vẫn thấy rưng rưng Chị à, cảm ơn Chị...

    Trả lờiXóa
  9. Em cũng ở HN hai ngày , ốm mất gấn 1 ngày nên cũng chẳng hiểu hết HN ngoài những điều vụn vặt . Cứ bảo ước gì có một sáng đầu thu dạo quanh HN , nhưng chắc phải vài năm nữa chị MA ạ..
    Nghe chị kể , bâng khuâng nhớ HN

    Trả lờiXóa
  10. Từ hồi nghỉ hưu em cũng chỉ thích 888 kiểu này thôi, viết kiếm cơm ngán chị hén.

    Trả lờiXóa
  11. Có dịp ra Hà Nội đi em, lang thang cũng hay lắm.

    Trả lờiXóa
  12. Chị đang tiếc nè, giữa tháng 10 Mây mới đi Hà Nội. Chị thì 4/10 bay ra đi Đông Bắc nhưng đến 9/10 chị lại về SG rồi. nếu không 2 chị em mình cà phê Lâm hén.

    Trả lờiXóa
  13. Chị với Hải cũng cứ tiếc giá có thêm vài bạn nữa cùng đi. Cứ nghĩ hội dã quỳ mình cùng ở Hà Nội rong chơi nhỉ. Nghĩ không cũng thấy sướng rồi.

    Trả lờiXóa
  14. Em ngắm các cô ấy suốt buổi chiều ở đó, dễ thương lắm chị Hà ơi.

    Trả lờiXóa
  15. He he... Em gái lại quý chị mình, khen quá lên rồi.

    Trả lờiXóa
  16. Hẹn nhau một lần mùa thu Hà Nội nhé Gió. Vài năm nữa chắc chân chị cũng chưa đến nỗi nào, và... cũng có thời gian bỏ ống. Hi hi...

    Trả lờiXóa
  17. Rất hay !!!! MA viết và post hình ảnh quá hay và rất đầy đũ, bạn có khiếu viết về phóng sự tài liệu ngắn gọn rõ ràng. KH rất thích thú.

    Trả lờiXóa
  18. Ở đâu cũng vậy, xấu tốt ở bên nhau, muốn vui thì nhìn cái tốt, muốn yêu thì nhìn cái đáng yêu, em hén.

    Trả lờiXóa
  19. Vui vì bạn thích cái kiểu cà kê của mình. :)

    Trả lờiXóa
  20. nghe chị kể thích ghê (trước giờ nghe khác - có lẽ vì chẳng được nghe ai kể những điều "vụn vặt" như chị). Sẽ phải lết xác ra đó thoaiiii, heyzzza. Chờ nghe tiếp chuyện Sơn Tây :-)

    Trả lờiXóa
  21. Đi bụi sẽ rất hay em à. Chị tiếc sao hồi trẻ hông có cái vụ đi phượt, bây giờ già rồi, chưn giò hết ngon rồi... Em thì phượt tốt chán hén.

    Trả lờiXóa
  22. Dơi chả thích phượt gần, hehehe

    Trả lờiXóa
  23. He he.. doc bai viet cua M.A thich qua, muon ra Ha Noi qua!

    Trả lờiXóa
  24. Em thích cái quán cafe LÂM đó quá , nhìn thấy thanh thản , nhẹ nhàng , không xô bồ , chật chội như quán cafe SG .

    Trả lờiXóa
  25. Văn Khoa "trẻ" hẹn nhau một lần lang thang Hà Nội đi nè. Nhanh lên kẻo không còn "trẻ" nữa... :)

    Trả lờiXóa
  26. Em mà ra Hà Nội, ngày nào cũng sẽ ngồi quán đó như chị và như Minhtmap vậy.

    Trả lờiXóa
  27. Con thấy không hề ''vụn vặt'' chút nào đâu ạ. Mỗi người đều có cảm nhận riêng, khám phá riêng về một vùng đất. Hà Nội luôn mang một ý nghĩa đặc biệt trong con về mặt tinh thần. :):) Cảm ơn Cô đã viết. :):)

    Trả lờiXóa
  28. Nhìn Hà Nội như em đã nhìn thì mới "cảm" nổi, chị rất tiếc, rất tiếc là đã bị mất hình tượng nên gần như không hoài vọng về một nơi mà trước đây, chị chỉ biết trong tiểu thuyết, khi đối diện thì những "trần tục" khiến mình hụt hẫng.
    Phải thong thả và "từ bi" thì mới thấy được Hà Nội 36 phố phường của Tự lực văn đoàn.
    Em siêng viết, chụp hình đẹp, kiên nhẫn chờ đợi chèn hình cho bài viết thêm sinh động, thế là...cả nhà được nhờ!
    Ôm một cái thay cho ;lời cám ơn nhé!

    Trả lờiXóa
  29. Có dịp quay lại lần nữa, chị đừng thèm nhớ những "trần tục "- nơi nào cũng có cả- chị mơ mộng một chút, người viết như chị thế là sẽ có hình tượng ngay ấy mà. :)

    Trả lờiXóa
  30. Hi hi... cám ơn trước về chuyện cho tui đu theo lãng du sắp tới.

    Trả lờiXóa