Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

THÁNG 11... NHỚ NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐI DẠY HỌC

Năm 1975, tôi có hai năm học bổ túc dành cho tất cả những ai đã học các môn Khoa học Xã hội và tôi ra trường Sư phạm năm 1977, thời gian chờ quyết định nhận nhiệm sở là lúc lớp tôi liên tục tổ chức tiệc chia tay… Sài Gòn. Hôm thì nhà đứa này nấu cháo huyết, hôm thì nhà đứa kia chiên bánh cay…, bởi vì theo như những lời đồn thổi thì sẽ có 80% giáo sinh ra trường về các tỉnh phía Nam nhận nhiệm sở. Riêng tôi thì gia đình cũng chuẩn bị tư tưởng cho tôi khá kỹ về chuyện đi dạy học xa nhà, ba tôi mua cho tôi một bộ tiểu thuyết Xa Mạc-Tư-Khoa khổ 20x12 dầy cộp, má tôi soạn đi soạn lại những đồ đạc cần đem theo, tôi thì liên tục viết lưu bút chia tay bạn bè... Nhưng bộ Xa Mạc-Tư-Khoa tôi đọc vừa xong thì lại nhận quyết định dạy học tại Sài Gòn. Ngôi trường mà trước đây ngày nào tôi cũng đi ngang qua và chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ dạy học ở đây.

 Ngày 15-4-1977, tôi đi nhận nhiệm sở, tôi chọn cái áo dài lụa trắng thích nhất để mặc, kết quả là bác bảo vệ không cho tôi vào… vì không có phù hiệu, sau khi biết là giáo viên bác đã rối rít xin lỗi, tôi cười vui vẽ nói không có chi nhưng tự nhủ tôi sẽ chỉ mặc áo dài màu khi đi dạy.

 

Photobucket

 

 

Ngôi trường cả cấp II và cấp III, khoảng trên dưới 250 lớp và có gần 300 giáo viên, những ngày đầu tôi gần như không dám vào phòng giáo viên, kiếm cớ lân la ở thư viện. Đông giáo viên như vậy mà vẫn thiếu nên tôi được phân công buổi sáng dạy khối lớp12 và buổi chiều khối lớp 7. Rút kinh nghiệm chuyện áo dài trắng, giờ đầu tiên lên lớp, một lớp 12 khối D, tôi mặc áo dài tơ vàng, tóc bới cao cho giống… mệ, khi chuông reng báo giờ lên lớp, chắc nhìn mặt tôi thấy ngơ ngơ tội nghiệp, một đàn anh cùng tổ bộ môn chuyên ngậm píp thuốc lá trong giờ ra chơi cho tôi một lời khuyên: “Muốn nói cho bọn cấp III này nghe lời thì em phải nhìn vào mắt chúng nó mà nói nhé, nhìn tránh đi chỗ khác thì em không dạy nổi chúng nó đâu”. Tôi mang theo lời tư vấn đầu tiên, bước những bước chân nhẹ nhàng lên lớp, gót giày cao gót nghe lốp cốp các bậc cầu thang. Tôi vừa xuất hiện ở cửa lớp, bọn học sinh đồng loạt đứng dậy, lô nhô… như một cái rừng, tôi đĩnh đạc bước lên đầu bục giảng ở cửa lớp để đi lại bàn giáo viên, trong khung cảnh im ắng đó ở cuối lớp bỗng vang lên một câu “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, và tiếp theo là sự yên lặng, không một tiếng cười khúc khích lẽ ra phải có, cha mẹ ơi, cái bục giảng nằm theo chiều ngang lớp chỉ độ 10 m, nhưng tôi đi hoài mà chẳng thấy đến được bàn giáo viên, chân chỉ chực khuỵu xuống, đôi giày cao gót gõ lốc cốc kiêu hãnh vài phút trước đây bây giờ chỉ làm tôi muốn… té. Bước được đến bàn giáo viên tôi phải đứng dựa vào bàn để trấn tĩnh, và bây giờ cái rừng người đó đều đồng loạt ngước nhìn tôi với ánh mắt ngây thơ… vô số tội, thật tình tôi chỉ muốn tránh nhìn chúng nó, nhưng nhớ lời đàn anh ngậm píp, tôi cố nhìn thẳng vào học sinh, chúng nó cũng nhìn tôi, chân tôi run và suýt chút nữa tôi đã nhìn tránh đi nơi khác, may là có cái bàn cho tôi tựa vào, cô trò nhìn nhau chỉ vài giây nhưng tôi thấy dài lắm, tôi đã định bỏ cuộc… nhìn vào mắt nhau này. Nhưng may quá, chúng nó đã cụp mắt xuống, tôi không rầy rà tiếng nào mà chỉ gật đầu chào và nhỏ nhẹ cho các em ngồi xuống (còn sức đâu mà la rầy gì nữa, tôi chỉ mừng vì thoát được chuyện… nhìn nhau), suốt tiết dạy đầu tiên đó tôi hầu như chỉ giảng và cố viết lên bảng càng ít càng tốt, để tránh xoay lưng ra lớp, lý do là… lưng áo tơ vàng của tôi ướt đẫm mồ hôi. Chấm dứt giờ dạy, chuông ra chơi vang lên, bước ra khỏi lớp tôi chạy về phòng giáo viên và vào ngay toilet… để khóc. Chủ nhật tuần đó nhà tôi có một đoàn học sinh lộc ngộc lố nhố đến thăm, nhìn ra cổng nhà, tôi lại toát mồ hôi, nhưng hóa ra là các em đến xin lỗi.Thì ra chúng nó bắt cá với nhau xem cô giáo mới ra trường sẽ phản ứng ra sao: nam sinh thì cá là tôi sẽ khóc, nữ sinh cá là tôi sẽ… chửi. Cuối cùng chúng nó thán phục: “Cô ngon lành quá, coi cái vụ đó như phủi bụi”. Dĩ nhiên tôi dấu nhẹm chuyện khóc trong toilet. Má tôi rất vui vì mới đi dạy đã có học trò đến thăm, bà tốn hết cả nồi chè bo bo đậu đen đường tán cho chúng nó.

Nhưng có lẽ vì thế mà cô trò chúng tôi trở nên tâm đầu ý hợp. Và tôi say sưa với chuyện dạy học của mình, nửa năm học đầu tiên 1977-1978, bởi tính nhiều chuyện, tôi hay thêm thắt vào bài giảng những chuyện không có trong sách giáo khoa: Giảng bài chiến thắng Hà Hồi - Ngọc Hồi, trên bản đồ tôi còn chỉ thêm một con đường ngược từ Thăng Long về Phú Xuân mà ngày mùng 5 Tết, Quang Trung theo đó gởi về cho vợ một cành đào để công chúa Ngọc Hân đỡ nhớ quê nhà. Trong cuộc chiến Nguyên Mông, sách giáo khoa chẳng có chữ nào về danh tướng Phạm Ngũ Lão, tôi cũng mất thêm 5 phút quý báu của 1 tiết lên lớp để kể chuyện ông ngồi đan sọt mãi lo nghĩ chuyện nước mà giáo đâm vào đùi chảy máu cũng không hay. Hoặc bài người nông dân áo vải chống quân Minh tôi phải rán chứng minh cho học sinh thấy cụ Nguyễn Trãi làm quân sư cho Lê Lợi cũng không kém chi Gia Cát Lượng phò Lưu Bị với chi tiết cụ cho lấy mật mía viết từng chữ lên lá cây rồi bỏ vào rừng cho kiến đục thân lá, sau đó thả xuống suối, người dân nhặt được lá xếp lại thành ra câu sấm truyền “Lê Lợi vi quân – Nguyễn Trãi vi thần”. Tóm lại thường thì khi tiếng chuông ra chơi hoặc chuyển tiết vang lên, hành lang nhộn nhịp giáo viên, học sinh qua lại thì lớp tôi dạy lúc nào cũng im ỉm cửa vì tôi đang… cháy giáo án bên trong. Học kỳ I kết thúc, chuyện thường xuyên cháy giáo án của tôi bị nêu ra, Khối thì sợ mất điểm thi đua,Tổ bộ môn sợ mất chỉ tiêu tiên tiến… Tôi được Ban Giám Hiệu mời làm việc với lời nhắc nhở rằng nếu không thực hiện đúng 5 bước lên lớp, tôi sẽ bị coi là không đủ… khả năng chuyên môn. Vậy là chấm dứt những chuyện ngoài giáo án.

Không nói được trong giờ, thì nói ngoài giờ, năm đó tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 11 A (ban Văn-Sử-Ngoại ngữ), học trò cũng rất mê Sử, vậy là chúng tôi tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa trao đổi về môn Sử: “ Phan Thanh Giản: Công hay tội?”. Vấn đề này, bây giờ năm 2011, nói ra thấy bình thường, đó là trao đổi tranh luận về lịch sử, với các tư liệu lịch sử chính thống gần như đầy đủ trong thư viện. Nhưng năm 1978, khi mà tài liệu lịch sử duy nhất trong thư viện là sách giáo khoa mà sách giáo khoa  là pháp lệnh, và trong đó ghi ràng ràng: “Phan Lâm mãi quốc; Triều đình thí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp), thì một cuộc ngoại khóa với cái tên như vậy đủ khả năng cho sự nghiệp dạy học của tôi dừng lại ngay từ giờ phút đó, nhưng tôi – một con nhãi ranh điếc không sợ súng – nên cứ ngơ ngơ tiến hành. Cũng may ông bà phù hộ tôi, nên dù tôi đã có lễ phép đến mời từ Ban Giám Hiệu, đến Tổ trưởng bộ môn,Trưởng khối chuyên môn và các giáo viên đồng nghiệp trong tổ, nhưng chắc ai cũng thấy chẳng nên mất thì giờ với một cô nhóc mới ra trường như tôi nên chẳng ai đến dự, thành ra cũng chẳng ai biết chúng tôi đã làm gì, trừ ông đàn anh ngậm píp. Chỉ với sách giáo khoa nhưng các học trò của tôi cũng tranh luận rất sôi nổi, phe bảo có tội vì đã làm mất 6 tỉnh miền Nam, phe nói có công kể ra những chuyện thanh liêm, thương dân và đã nhất là ông đã tự vẫn sau khi làm mất 6 tỉnh… Giá như ngày đó tìm ra được một bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn như bây giờ thì đã không phải bàn, bởi vì 10 năm sau khi cụ Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886,vua Đồng Khánh đã xét lại công tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn miếu Huế. Nhưng như đã nói – đó là năm 1978 – và  thầy trò chúng tôi đã phạm húy khi dám bàn luận về công của cụ Phan Thanh Giản, đàn anh ống píp – người duy nhất đến dự buổi ngoại khóa – khi được mời phát biểu cảm tưởng vào cuối buổi đã cười cười nhận xét về hai bông hồng được cắm rất khéo trên bàn chủ tọa, về sự lưu loát và tranh luận rất sôi nổi của các em học sinh… rồi thôi. Khi ra ngoài hành lang chỉ còn có hai anh em, anh đã gõ cái ống píp lên đầu tôi: “Này cô em, muốn đi dạy học thì không nói gì ngược lại với sách giáo khoa cả nhé! Và cũng đừng kể lể gì trong họp tổ về cái buổi này đấy!”

Vậy là theo năm tháng tôi dần dần đã đi theo cái quỹ đạo tất nhiên của chuyện dạy học: giáo án và đồ dùng dạy học đầy đủ, đúng 5 bước lên lớp, không ngẫu hứng phá cách trong giờ. Thậm chí có lúc tôi phát chán vì sự lập lại đều đều những tiết dạy. Nhưng dù có lúc mệt mõi như vậy, sau 11 năm đi dạy học, đến khi vì một việc riêng tôi chuyển ngành sang một Viện nghiên cứu KHXH. Vậy mà từ đó đến gần 20 năm sau thỉnh thoảng tôi lại bị những giấc mơ mà bạn bè gọi là “hội chứng… đi dạy học”, tôi thấy tôi đi dạy trở lại, nhưng luôn đến trường trễ giờ và không biết là sẽ dạy lớp nào, tôi đi tìm phòng giáo vụ để xem thời dụng biểu nhưng tìm mãi không ra, hoặc đã đi lên cầu thang nghe tiếng học trò đùa giỡn ầm ầm trên đó biết là lớp của mình nhưng sao đi hoài vẫn không đến lớp được, hoặc đi lên lớp nhưng không nhớ là đã dạy đến bài nào, không có một chữ nào trong đầu, không giáo án trong tay… cứ như vậy, kết thúc giấc mơ là nỗi lo sợ khiến tôi tỉnh giấc. Mọi người suy luận chắc tôi vẫn… thèm đi dạy học, trong khi tôi lại thấy tôi đã yêu thích công việc ở Viện Nghiên cứu, nhưng các giấc mơ cứ trở đi trở lại trong một thời gian dài mới chấm dứt. Tháng 11 đến, nghe các bạn blog râm ran nói chuyện trường lớp, bỗng nhớ lại cái lúc đầu tiên mình đi dạy học!

 

Photobucket

 

 

 

 

33 nhận xét:

  1. Thời gian của kỷ niệm đây há GM?

    Trả lờiXóa
  2. Hổm rày nghe các bạn blog râm ran nói chuyện 20/11, tự nhiên nhớ chuyện hồi xưa đi dạy. Người già hay nhớ chuyện xưa hén KH!

    Trả lờiXóa
  3. Em vào Sư Phạm là một tình cờ không định trước, ngày em "công bố" quyết định này từ gia đình đến bạn bè ai cũng xúyt xỉu... Chỉ có em là khăng khăng, và từ cái khăng khăng này, đọat luôn giải nhất thi hùng biện nhân nói về tác phẩm Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn ở nhà văn hóa Thanh Niên, khi chọn một chi tiết con gái của chủ tịch Huyện kiên quyết không thi đại học mà ở lại phụ mẹ trong công việc bộn bề của Cù Lao...
    Em vào Sư Phạm, học rất tài tử, nhưng năm nào cũng nắn nót ghi trên trang đầu cuốn vở câu châm ngôn " Tôi học ngày nay để dạy dỗ ngày sau" và là một sinh viên khá giỏi của Khoa. Vậy mà ra Trường mới 3 năm, em là người đầu tiên của cái khoa ấy xin nghỉ dạy...
    Đơn em không ai cứu xét và em tiếp tục nghiệp dĩ tới bây giờ, hôm nay đọc entry này của Chị, vào hơi muộn vì cứ bị Mul cấm cửa, thấy rưng rưng nỗi niềm của một hòai niệm về Nghề. Giấc mơ Chị có em cũng từng, trong suốt những ngày chờ quyết định cho thôi việc. Tỉnh dậy cứ lạ là sao mình đâu có yêu nghề, mà mình lại cứ mơ thấy hòai...
    Và sau 28 năm "gõ ...khá đau đầu trẻ", em nghiệm ra, không vô lẽ người ta gọi nghề của chị em mình bằng hai tiếng "Nghiệp dĩ"...
    Rất hân hạnh được bắt tay Chị, đồng nghiệp đáng kính!

    Trả lờiXóa
  4. Có lẽ tình yêu nghề nằm ở trái tim. Cái đầu tỉnh táo thì nói ta không nhớ gì cái "nghiệp dĩ" này hết. Nhưng trái tim lại có tiếng nói riêng của nó. Cũng hân hạnh được bắt tay em, người "gõ... đau đầu trẻ" bằng trái tim cô giáo!

    Trả lờiXóa
  5. Nói mà lựa Cù Lao Tràm để nói thì giải nhất hùng biện là đúng rồi cô em ơi! Thời gian đó Cù Lao Tràm bị nhiều sóng gió lắm, chị nhớ hình như vậy.

    Trả lờiXóa
  6. cái "thuở bạn đầu" qua lời văn của chị sống động quá, em đọc một mạch

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn em! Chị cũng viết một mạch. Người già thành ra hay nhớ chuyện xưa.

    Trả lờiXóa
  8. Em doc entry cua chi va cua Map voi hoai niem cua mot co hoc tro nho. Ky uc tro ve rat ro rang trong nhung ngay lop co tiet du gio, hay cac ban trai da rat pha nhu the nao vao ngay dau don tiep co giao moi ra truong trong tiet len lop dau tien, dac biet la neu co giao ma dep va de tjuong nua thi rat duoc ca lop uu ai quan tam cham soc den .... phat khoc. Va trinh tu cua cac co cau hoc tro luc nao cung y chang nhu nhau thi phai, do la se keo mot lo loc den nha co giao xin loi va duoc an che, hihihihi
    cam on chi da co mot entry that de thuong cho em nho lai nhung ngay di hoc, tuong rang da quen ....

    Trả lờiXóa
  9. Hehe, cho đến bây giờ em đã là cô giáo 28 năm, mỗi khi có cơ hội được đi học là em trở về làm học trò ngay, không nhập nhằng giữa hai vai trò. Nghĩa là em cũng chọc phá THầy Cô, nhưng hông ai phát khóc, chỉ có em là bị kêu phát biểu đến ...nổi ốc... hehe!
    Em học lớp người lớn, nên có phụ huynh mà hông hay. Giờ chơi buổi học thứ tư, hai ba phụ huynh đến chào và ...rụt rè nói: Trời, con tôi về cứ nói sợ cô Mập nhất trường, mà tụi tôi thấy Cô ...tếu quá chừng... hic!

    Trả lờiXóa
  10. Chị cũng được hội chứng nhớ nghề như GM vậy. Cứ mơ thấy chúng nó. Và cũng luôn có những tiết dạy phá cách, cháy giờ như vậy. Rồi cũng có mấy em học trò hơn 20 năm vẫn nhớ về thăm cô, mãi đến khi chị rời khỏi nhà Sương Nguyệt Anh đi lưu linh, mới thôi vì ko còn biết cô ở đâu.
    Đọc GM, yêu cô giáo áo tơ vàng xinh xắn chinh phục học trò bằng một cách rất hên. Thuở ban đầu này thật là đáng nhớ suốt đời.

    Trả lờiXóa
  11. À, em quên bình cái vụ cô giáo nhát gan... em thiệt ngưỡng mộ Chị hiền. Từ hồi em mới ra trường em đã nổi tiếng a cờ ác. Em tòn nhìn thẳng vào mắt học trò...lúc khỏ tụi nó, hic!

    Trả lờiXóa
  12. Hên thiệt chứ hén. Mình... sợ hổng dám nói gì mà tụi nó tưởng mình không chấp nê. Hi hi...

    Trả lờiXóa
  13. Em ui! Chỉ là năm đầu tiên thôi. Vài năm sau, những vụ như vậy chị... nhai như nhai ngóe. He he...

    Trả lờiXóa
  14. Hồi đó, chắc Chụt cũng... siêu quậy?

    Trả lờiXóa
  15. Dạ đâu có nà, Chụt ngoan hiền bẩm sinh đó chị ui

    Trả lờiXóa
  16. Dạ, em xác nhận điều này. Chụt ngoan hiền bẩm sinh, chỉ hay nổi điên là do....giáo dục... hihi!

    Trả lờiXóa
  17. Nhưng vẫn còn được năm đầu tiên "cô giáo như mẹ hiền"... để ..tự hào Chị à...
    Còn em thì lúc nào cũng nghe học trò hát " Cô giáo em, người hổng xinh. Cô hay sùng, mắt cô long lên" hehe!

    Trả lờiXóa
  18. Gió thì vào nghề khởi đầu cũng không do mình chọn lựa ...
    Sau tháng 4/1975 từ VK trở về nằm nhà ... thỉnh thoảng lên trường theo lời triệu tập của Ban trị sự thanh niên nhưng không hiểu sao cứ thấy hụt hẫng bởi cứ bị phê là "tư tưởng tiểu tư sản" do cứ ôm cái áo dài đến trường ...thế là bỏ luôn không đến trường nữa .Năm 1976 có ông chú gần nhà biết nộp đơn cho học khóa SP cấp tốc dành cho những vùng xa xôi gọi là Kinh tế mới ngày ấy ...Thế là học , ra trường vào rửng 3 năm đến năm 1976 mới về gần nhà do hoàn cảnh riêng ..

    Vào nghề rồi yêu nghề lúc nào không biết chị GM ạ ...
    Tháng 11 ngày xưa , chỉ nhận đóa hoa dại của đám học trò lam lũ nhưng sao mà thương và tự hào vì nghề mình đến thế ... bây giờ Gió ghét nhất ngày 20.11 ...bởi nó rầm rộ nhưng lại đầy giả tạo ....Ngày này chỉ muốn trốn cho nó nhẹ lòng ..:((

    Trả lờiXóa
  19. Ngoan hiền bẩm sinh , thành ... tinh là do wờn kảnh Mập uiiiii

    Trả lờiXóa
  20. Đúng là cái "nghiệp" (!), lúc còn đi dạy học thì nhiều khi mệt mỏi vì học trò, vì BGH, vì Sở GD, phòng GD, vì những "lối mòn" cứ phải đi qua mỗi ngày nhưng khi..."mất dạy" rồi thì ngơ ngẩn, tội nghiệp!
    Cô giáo dạy Sử vẫn còn yêu nghề quá và ấn tượng về "ông anh ngập ống píp" chắc là khó mờ phai?

    Trả lờiXóa
  21. Sao mà đồng cảm sâu sắc! Chị cũng ghét ngày 20-10 lắm lắm, đôi khi nghĩ lại, thấy mình hơi vô lý...Nhưng ngày xưa, làm gì có ngày 20-10, sao thầy cô của mình vẫn còn hoài trong tâm tưởng bởi mình hình thành nhân cách, khôn lớn, trưởng thành cừ những ông thầy, bà cô đó. Còn bây giờ, hoa và quà chỉ là...
    Thôi, hãy cùng nhau suy nghĩ về những kỷ niệm đẹp và quên đi những điều bất như ý, như vậy cho nhẹ nhàng mà ngắm hoa, ngắm trời đất đẹp mỗi ngày, thay đổi, sinh sôi mỗi giờ...

    Trả lờiXóa
  22. Buồn đến vậy sao Gió! Vậy mà từ sau ngày nghỉ dạy, cứ đến 20/11 mình lại hơi ganh tị với các thầy cô giáo...

    Trả lờiXóa
  23. Nhớ nghề và nhớ cả ông anh ống píp, dạy rất giỏi và là đàn anh đã cứu bồ dùm đàn em mới ra trường mấy bàn thua trông thấy.

    Trả lờiXóa
  24. Chu cha ơi, sao Chị em mình giống nhau thế. Hôm qua tụi em tụ bầy cũng ...tự lên án cái ngày này w ớ chừng...

    Trả lờiXóa
  25. Chị đã đọc entry của GM,còm của các bạn,kỷ niệm đẹp về các thầy cô giáo xưa vẫn ùa về,đẹp và cao quý.
    Mía sâu có đốt...Còn những thầy cô muốn trốn đi cho nhẹ lòng,lên án cái ngày...là còn hy vọng : "Cuộc đời vẫn đẹp sao,thầy cô vẫn đep sao "...

    Trả lờiXóa
  26. Ai biểu mặc áo tơ vàng chi, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò.. học trò bé tí mà đã biết “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”.. hehhee.. GM viết hay ghê, có trí nhớ tốt hồi tưởng lại một thời xa lắc khiến người đọc thích lắm. Cái ảnh cuối đó, GM gầy nhom, hồi ấy mode áo dài ngắn hen..,

    Trả lờiXóa
  27. Chị Hà ui, năm 77, học trò con trai lớp 12 đứa nào cũng cao hơn em hết, hồi đó em có 41 kg , bây giờ tăng thêm 13 kg nữa. He he...

    Trả lờiXóa
  28. Chị Hà ui, năm 77, học trò con trai lớp 12 đứa nào cũng cao hơn em hết, hồi đó em có 41 kg , bây giờ tăng thêm 13 kg nữa. He he...

    Trả lờiXóa
  29. Chị Hà ui, năm 77, học trò con trai lớp 12 đứa nào cũng cao hơn em hết, hồi đó em có 41 kg , bây giờ tăng thêm 13 kg nữa. He he...

    Trả lờiXóa
  30. Chị Hà ui, năm 77, học trò con trai lớp 12 đứa nào cũng cao hơn em hết, hồi đó em có 41 kg , bây giờ tăng thêm 13 kg nữa. He he...

    Trả lờiXóa