Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

ĐÊM PHỐ CỔ VÀ ĐÊM Ở PHỐ

Tôi có vài  lần đến Hội An trước đây, nhưng chưa lần nào ngắm Hội An ban đêm, vì vậy một lý do nữa cho chuyến đi “dân chơi không sợ mưa rơi” này là vì trong những ngày ở Đà Nẵng có một đêm rằm. Dặn nhau mang áo dài để dạo phố cổ nhưng trận mưa to vào buổi chiều ra sân bay TSN đã khiến 3 bạn trong đoàn bỏ áo dài ra khỏi vali, vì mang áo dài theo sẽ lích kích thêm nào là giày cao, là túi xách v.v… Vậy mà buổi chiều đến Hội An, trời đẹp đến thương, nhân đã hòa rồi thì bây giờ đến lượt thiên đã thời và địa đã lợi, trời không mưa, đường sá khô ráo, vậy là những người cổ đã được đi trên phố cổ.

 



Buổi chiều trời đẹp nên du khách khá đông dù là vừa qua cơn bão vài ngày, đi ngang những gương mặt cười trên một cửa hàng như thấy sự lạc quan ở đây, di sản văn hóa thế giới.



Chợt nhớ đến thông tin Hội An được xếp vị trí thứ hai trong danh sách những thành phố hấp dẫn nhất châu Á (cuộc khảo sát thường niên của Conde Nast Traveler, đứng đầu là Kyoto của Nhật Bản).



Chiếc cầu kiểu thượng gia hạ kiều biểu tượng của Hội An lúc nào cũng đầy người, nên luôn có sự túc trực của địa phương để can thiệp những lúc quá tải vì cầu chỉ có sức chứa tối đa là 100 người. Chiếc cầu dài khoảng 18m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Vãn Kiều.



Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.



Khi trời còn sáng những chiếc đèn lồng trước cửa nhà thoạt nhìn cũng bình thường.





Nhưng khi bóng tối về, những chiếc đèn lồng làm cả phố cổ lung linh.



Đèn trước cửa nhà.





Đèn treo trên trần nhà.





Đèn ở các cửa hàng đợi du khách.





Đi trong phố cổ, trong bóng tối và ánh đèn vàng, tôi luôn có cảm giác những con mắt cửa đang dõi theo mình, kiến trúc mắt cửa chỉ duy nhất có ở nhà cổ Hội An.



Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu rõ ràng nào về những con mắt cửa ở đây. Theo giải thích dân gian thì cho rằng: Hội An trước đây là một thương cảng, nơi tập trung các thuyền buôn, ngư dân, thương nhân sinh sống và buôn bán. Từ việc tin ở tác dụng của những đôi mắt thuyền đã dẫn lối đưa đường cho những con thuyền vượt qua phong ba, bão táp hiểm nguy cho nên họ cũng đã vẽ mắt cho những ngôi nhà của mình để bảo vệ ngôi nhà tránh những tai ương, rủi ro... Cứ thế lâu dần đã trở thành tập quán ở đây, làm cửa nhà phải có mắt. Từ vẽ, họ biến thể làm bằng gỗ để đuôi mắt cửa có tác dụng như một cái bản lề, được kéo xuyên qua xà ngang giúp cho cánh cửa có thể đóng mở dễ dàng, có thể đây là biến thể từ tay nắm cửa người Trung Quốc khi các thương nhân của họ sang đây giao thương, buôn bán... vì vậy mắt cửa được chạm trổ những hình Bát quái; hoa 8 cánh có nhụy hoặc vòng tròn lưỡng nghi v.v..., có vẽ như mắt cửa trong tâm nguyện của người dân là tìm kiếm sự may mắn, an lạc, xua đuổi những điều càn quái, xấu xa…





Tôi thích nhìn những đôi mắt cửa khi đến Hội An, đó là cái hồn của phố cổ. Trong khi tìm chụp những con mắt cửa, tình cờ gặp tấm bảng Minh An silk, nhớ ra mình đang đứng trên phường Minh An, trước đây cũng đã chụp ảnh mình đứng trước tấm bảng tên phường, nhưng đã làm lạc đâu rồi. Vậy là khi hỏi được UBND phường ở trên đường Trần Phú, lúc này trời đã tối, tìm mãi mới ra tấm bảng tên phường trên một căn nhà gỗ nằm sâu trong lề đường.



Trên đường Trần Phú có một quán cao lầu có trên 100 năm tên Trung Bắc, ghé vào ăn tối, gọi nhiều món trong đó cao lầu rất ngon, du khách đến ăn rồi ký tên kỷ niệm trên những tờ giấy cứng treo trên tường.





Ra khỏi quán ăn trời đã tối, nhưng đêm rằm mà… không có trăng, bầu trời tối đen, đang hơi thất vọng rồi cũng thả bộ ra sông Hoài, và tất cả chúng tôi đều ồ lên, bên kia sông Hoài, những ngôi nhà ban ngày thấy treo đèn lồng trông bình thường, đêm đến cả dòng sông lung linh, lung linh....



Tiếc là máy ảnh của tôi chỉ view được thế này là hết cỡ. Bên này sông nơi chúng tôi đứng đèn cũng tắt và ít đèn lồng hơn nên những mẹt hoa đăng giấy bày bán trên lề đường đâm ra huyền ảo.



Gương mặt cô bé bán hoa đăng thật dễ thương dưới ánh nến.



Chúng tôi mua hoa đăng giấy để thả xuống sông Hoài.



Lần lượt từng chiếc đèn được thả xuống sông.



6 chiếc đèn trôi trên sông Hoài mang theo các điều mong ước thầm kín của từng người.



Đêm sông Hoài làm chúng tôi không muốn rời Hội An, nhưng còn một đêm sông Hàn cũng đang đợi vì là tối thứ bảy, đêm cuối tuần cầu Rồng phun nước và lửa. Rời Hội An quay về trung tâm thành phố Đà Nẵng, đêm của phố cũng huyền ảo bên sông Hàn.





Cầu Rồng dài 560m, nặng gần 9.000 tấn, thắp sáng bởi 2.500 bóng đèn, đổi màu rực rỡ.







Du khách và người dân Đà Nẵng tụ tập rất đông bên cầu Rồng.



Chúng tôi ngồi ở một quán kem có cái tên View Dragonbridge, đủ xa để không bị ướt khi rồng phun nước và đủ gần để ngắm cầu Rồng. Đúng 9 giờ, trên cầu xe được ngăn lại, rồng phun lửa 2 lần cách nhau vài phút, mỗi lần 5 đợt lửa, phun nước 3 lần. Đà Nẵng đã tạo được một thương hiệu cho du lịch tối thứ bẩy và tối CN với sự kiện cầu Rồng phun lửa và nước.





Chúng tôi cũng có một sự kiện riêng, sinh nhật của bạn Kim Diệp vào ngày hôm đó, bạn đãi ăn kem, chúng tôi hát nho nhỏ happy birthday khi đeo lên cổ bạn món quà là một dây đá Ngũ Hành Sơn.





Tình bạn lung linh như đêm Đà Nẵng.
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

BIỂN VÀ NÚI Ở ĐÀ NẴNG

Đến Đà Nẵng 4 ngày sau khi bão vừa đi qua, thời điểm không hay lắm để đi du lịch. Nhưng cái nhóm 6 bà U60 và U70 này thật tình thì không dễ tụ tập để đi rong với nhau, tiếng là đã hưu trí rảnh rỗi nhưng người thì bận rộn với cháu nội, ngoại, người thì công việc ở Hội từ thiện, người thì tranh thủ làm chuyên môn theo thời vụ kiếm bạc cắc… nên khi mua được vé máy bay giá rẽ trước đó vài tháng, ai cũng cố thu xếp để được cùng nhau đi rong dăm ngày. Cuối cùng tặc lưỡi thôi thì cứ đi, vì… tiếc vé máy bay và vì kể từ 40 năm sau cái thời sinh viên đại học, đến lúc tuổi này mới thỉnh thoảng được cùng ở với nhau riêng gần cả tuần như thế.
Thiên không thời, địa không lợi, nhưng có nhân hòa, buổi chiều ra sân bay, Sài Gòn mưa như trút nước. Còn 50 phút đến giờ bay mới có đủ mặt cả nhóm, quầy làm check-in đã vắng rồi, thấy cô nhân viên của Việt Nam Airline nói qua bộ đàm: “6 hành khách lớn tuổi, xếp chỗ 18 còn được không?”.  Vậy là ưu tiên người lớn tuổi dù check-in trễ vẫn không bị ngồi gần cuối máy bay. Các bực bội do cơn mưa lớn giãn ra ngay, cười rất tươi và cám ơn cô nhân viên xinh xắn. Tuy nhiên vẫn… quên mình là người lớn tuổi, khi loa thông báo vào cửa ra máy bay ưu tiên cho người tàn tật, người cao tuổi và em bé, thì 6 bà vẫn điềm nhiên vừa xếp hàng phía cuối vừa tám chuyện, mãi sau khi chợt nhớ ra mình cũng là diện ưu tiên thì đã đến cửa máy bay rồi. Nhân hòa ở cả Đà Nẵng, một bạn trẻ chỉ quen qua đối tác làm việc nhưng rất nhiệt tình lo giúp việc đặt phòng ở khách sạn, phòng đẹp vì khách sạn mới xây vài năm, gần biển và… giá rẻ. Và bạn cứ luôn miệng suýt soa: “Các cô ra mùa này Đà Nẵng không được đẹp, tiếc quá”. Quý cái tình người Đà Nẵng nên tự hứa sẽ chụp hình giới thiệu một Đà Nẵng thật đẹp dưới góc nhìn du lịch thôi, tham gia một chút quảng cáo cho thành phố xinh đẹp và hiếu khách này. Sớm mai đi dạo một vòng quanh quanh gần nơi ở mới thấy người Đà Nẵng thật giỏi, chỉ vài ngày sau bão đã khẩn trương dọn dẹp gọn gàng phần lớn trong thành phố, 95% cây xanh ngã đổ trong bão, đã được dựng lên với 4 cột chống 4 bên và tàn lá được cắt gọn, đường phố thông thoáng và vẫn còn rất nhiều người đang tiếp tục dọn dẹp, bãi biển Mỹ Khê  đã được dọn sạch rác do sóng biển đưa vào, dấu tích cơn bão còn sót lại trên bãi biển là cụm rễ cây to nằm lẻ loi trên bãi cát và 1 con cá đã chết chắc do sóng đánh dạt vào bờ tối hôm qua.





11 giờ trưa, đứng trên bãi biển Mỹ Khê nhìn qua bán đảo Sơn Trà bên kia mây mù che phủ trên cao, tuy nhiên tượng Phật Bà chùa Linh Ứng vẫn nhìn thấy rõ.



Từ Mỹ Khê qua bán đảo Sơn Trà khoảng 10 km, chùa Linh Ứng nằm ở bãi Bụt, cổng tam quan nhìn ra biển.



Tượng Phật Bà cao 67m đứng hiền từ hướng về phía biển. Trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m.Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.



Từ bên này bán đảo Sơn Trà nhìn qua bờ bên kia là bãi biển Mỹ Khê nằm trong thành phố Đà Nẵng.



Những ngày sau bão trời vẫn chưa nắng nhiều, có ngày mưa lắc rắc lúc mưa lúc tạnh suốt buổi, lên núi Bà Nà gặp một ngày như vậy, lúc bắt đầu đi trời trong rất tốt, Bà Nà cách Đà Nẵng 25 km, đến nơi thì trời bắt đầu xụ mặt. Trung tâm du lịch của Bà Nà nằm trên đỉnh Núi Chúa có độ cao 1489 m so với mực nước biển. Tôi đã đến Bà Nà cách đây cũng phải chục năm, khi mới có tuyến cáp treo đầu tiên và chỉ đến lưng chừng núi. So với lúc đó, Bà Nà bây giờ thay đổi khác xa, như một góc châu Âu nằm trên đỉnh núi Chúa. Tuyến cáp treo có 2 ga, đó là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới(5.042,62m) và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới(1.291,81m). Ngồi trong tuyến cáp dưới, nhìn xuống suối Mơ bên dưới.







Trời bắt đầu lắc rắc mưa, càng lên cao sương mù càng nhiều.



Ra khỏi cáp, gió thổi lạnh, khoảng 16 -18 độ.



Mua vé vào hầm rượu Debay trước để tránh lạnh.



Hầm rượu được đào xuyên vào lòng núi có tổng chiều dài từ lối vào đến lối ra khoảng 80 mét, chiều cao 2,5 mét, rộng khoảng 2 mét, bên trong có các hầm cất giữ rượu, hầm chưng cất rượu, bar rượu, lò sưởi, sảnh. Vách hầm được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời, trần hầm được đào theo hình vòm cung thể hiện lối kiến trúc mang đậm chất Pháp.





Trong hầm tối mờ mờ được chiếu sáng bởi ánh đèn vàng, hay không bằng hên, cái khung cảnh tranh tối tranh sáng như thế, bằng cái máy ảnh nhỏ tôi đã chụp được cho bạn trong nhóm vài tấm ảnh cũng gọi là…nghệ thuật, thật là thích.



Vé vào hầm rượu ngoài chuyện tham quan còn uống miễn phí một cốc rượu vang hay môt ly nước trái cây. Ngồi ở bar rượu tranh thủ ăn trưa luôn.



Gần 12 giờ trưa, nhìn ra bên ngoài vẫn còn mù suơng, nhưng vẫn phải lên đường thôi.




Viếng chùa Linh Ứng.




Trời mù mịt sương khói và mưa nên không thểchụp được hình tượng Phật Đức Bổn Sư, xin được mượn tấm ảnh của bạn Lâm Minh Trang để minh họa. Tượng Đức Bổn Sư cao 27 m màu trắng. Xung quanh đế tượng có 8 mặt thể hiện 8 giai đoạn của cuộc đời Đức Phật.



Trời mưa nhiều hơn, nhưng ướt thì cũng đã ướt rồi và lạnh thì cũng đã lạnh rồi, nên thế là cứ tiếp tục đi, sau này về nhà bọn trẻ con xem hình trêu: “Các bà nội bà ngoại dân chơi không sợ mưa rơi nhé.”.



Về lại ga 1, lên cáp truyến trên, mưa càng nặng hạt hơn.



Rời cáp, quẹo luôn vào khu vui chơi Fantasy Park… để tránh mưa. Dựa theo cuốn tiểu thuyết “Hành trình vào trung tâm trái đất” và “Hai vạn dăm dưới biển” của nhà văn người Pháp Jules Verne, Bà Nà Hills Mountain Resort đã cho ra đời khu vui chơi giải trí trong nhà với diện tích 21.000m2 gồm 3 tầng với rất nhiều trò chơi cùng các rạp chiếu phim và khu vực nhà hàng. Được miễn phí 4 trò chơi nhưng không ai trong nhóm dám chơi cả, vì là những trò chơi cảm giác mạnh. Nhưng để trú mưa nên đã cả nhóm đi lang thang suốt cả 3 tầng, có lẽ do ảnh hưởng khung cảnh của thiếu nhi nên khi chụp hình cũng cũng rất… trẻ, đây là một bà ngoại của nhóm chụp với chàng trai Jules Verne.



Hết mưa tranh thủ để lên núi Chúa, nhưng sương giăng mịt mùng, nhìn xuống núi chẳng thấy gì, thôi cũng chẳng bỏ công leo lên cao nữa, chụp ảnh với phía trước khách sạn Morin, sương phủ kín giăng giăng, khách sạn kiến trúc kiểu châu Âu, chụp ảnh nhìn ra như… mùa thu Paris.







Lên núi và xuống biển, cuối cùng rồi thì cả nhóm cũng đã có dịp nhúng nước ở Mỹ Khê, bãi biển được nhận xét là một trong số 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất. Nắng đã lên, chúc Đà Nẵng mau hồi phục, trở lại là một thành phố du lịch xinh đẹp như vốn có.



Lần tới là chuyện ở phố cổ nhé. :)
Đọc tiếp ...