Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

ĐÀ LẠT - ÂN TÌNH XƯA

Tháng 11 này, tôi có hẹn với các bạn lên Đà Lạt ngắm dã quỳ, cứ tưởng cảm giác nôn nao những cuộc hẹn ở tuổi 18 đã đi qua rồi, nhưng hình như đang trở lại, có lẽ vì tôi là chủ nhà, cứ mong các bạn đến để khoe Đà Lạt, dù tôi không phải là người ở đây, tôi vẫn cứ thích nghe mọi người… khen Đà Lạt, chắc vì ân tình xưa của tôi với Đà Lạt

Dạo đó  - mùa hè năm 1978 - ban ngày tôi dạy học sinh phổ thông, và vì là đoàn viên thanh niên nên buổi tối tôi nhận dạy thêm bổ túc văn hóa cho người lớn, cho nên có những trường hợp phụ huynh học sinh ban ngày lại là học viên BTVH của tôi. Lớp tôi chủ nhiệm buổi sáng có một phụ huynh như vậy, chị lại là một người quan trọng ở Bến xe Miền Đông, thời đó giá vé xe đò chỉ vài đồng nhưng một người chỉ mua được 2 vé, nên khi chị hỏi tôi nếu có cần tổ chức cho trường đi đâu xa thì đưa giấy giới thiệu đến chị có thể cho ký hợp đồng cả xe. Được lời như mở tấm lòng, tôi là hướng đạo sinh từ bé nên thấy viễn cảnh một kỳ cắm trại xa qua cơ hội trên trời rơi xuống này, bàn với BCH Đoàn trường, trong đó cũng có vài em là hướng đạo sinh và cuối cùng tôi đã được đưa lại một kế hoạch đi cắm trại… ở Đà Lạt 1 tuần để trình Ban Giám Hiệu, hỏi ý kiến Bí thư Chi đoàn giáo viên là một chị ở B về, chị cũng đồng ý vì cho rằng nên tổ chức như vậy để học sinh có cơ hội học đi đôi với hành, Hiệu phó kiêm Bí thư Đoàn trường cũng ở trong phong trào SVHS Sài Gòn trước đây nên chị cũng dễ dàng chấp nhận cho phép tổ chức với điều kiện Chi đoàn giáo viên phải đi theo. Vậy là một kế hoạch như mơ đã sắp thành hiện thực, đến khi cho học sinh đăng ký tôi đã phải hết hồn khi nhận lại danh sách hơn gần 130 em tham gia (đó là còn giới hạn chỉ nhận học sinh trong BCH Chi đoàn lớp), cộng với gần 20 giáo viên trẻ, chúng tôi có một đoàn đi cắm trại gần 150 người. Khi tôi mang về cái hợp đồng ký với Bến xe Miền Đông 3 xe đò lớn thì cả đám học sinh ấy chúng nó hò reo vang trời.

Khâu khó nhất là kiếm được xe đã xong, còn lại chỉ là…chuyện nhỏ, mỗi em xin bố mẹ tiền vé xe đi Đà Lạt không khó vì tôi nhớ chỉ khoảng mươi đồng, liên lạc với trường Bùi Thị Xuân kết nghĩa Đà Lạt để xin ngủ… trong trường, chia ra mỗi tổ có khoảng 15 trại sinh và họp lại để phân công chuẩn bị, mỗi trại sinh mang theo phần gạo ăn một tuần của mình, đóng góp một số củi để nấu ăn và đốt lửa trại, phân chia nhau đem theo chăn, mùng, nồi niêu xoong chảo, mỗi người cũng chuẩn bị góp thức ăn khô như muối xả, đậu phộng kho nước tương, cá khô… rồi đem theo nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt…, các loại rau củ sẽ mua ở Đà Lạt. Gần đến ngày đi, Đoàn trường Bùi thị Xuân báo tin trường phải dành cho một cuộc họp hành lớn gì đó, nên chúng tôi sẽ được chuyển sang ở trường Nguyễn Du gần đó. Hình như lúc đó với chúng tôi chuyện ăn ngủ không quan trọng, chỉ thấy thích mê đi vì được đi chơi Đà Lạt 1 tuần liền. Ngày khởi hành, 3 chiếc xe đò mà trên mui chở đầy củi, còn trong xe thì nào là gạo rồi mùng mền, nồi xoong, đàn guitar… Chúng tôi ngoài giấy giới thiệu đóng dấu đỏ lòe còn cẩn thận mang theo cuốn sổ giấy giới thiệu và con dấu tròn của Đoàn trường. Trên dọc đường đi hơn 300 km bọn học sinh hát suốt, qua bao nhiêu là trạm gác đều suôn sẽ, bởi vì dù trên xe đầy ắp gạo củi nhưng chắc không ai nhìn chúng tôi thành đi buôn đường dài bởi những cái miệng dù xe ngừng lại trạm kiểm tra vẫn cứ ngoác ra vận hành hết đề-xi-ben của cổ họng để hát, có lẽ điếc tai quá nên trạm nào cũng cho chúng tôi đi ngay sau khi chỉ nghiêng nghiêng ngó ngó một tí trên xe.

Đến nơi trời đã về chiều, các bạn học sinh Đà Lạt đón chúng tôi ở một ngôi trường nhỏ, nhưng rất thuận tiện cho việc cắm trại, trường có khoảng trên 10 lớp học mái tôn, cửa gỗ nhưng rất kín nên khá ấm áp, một sân rộng phía trước để sinh hoạt và đốt lửa trại, phía sau một bên là dãy nhà vệ sinh, một bên là một khoảng sân rộng có mái lá, trống trải chung quanh hình như là nơi sản xuất hướng nghiệp gì đó, bây giờ là mùa hè nên trời mưa về buổi chiều, đây là chổ đặt bếp nấu ăn lý tưởng cho chúng tôi. Các bạn học sinh Đà Lạt sau đó đã mang đến nào là xô, chậu… rồi các loại rau củ: susu, khoai tây, cà rốt, củ dền, bắp cải…Tóm lại chúng tôi đã có một nơi cắm trại tuyệt vời. Một đêm lửa trại hoành tráng dưới trời Đà Lạt 17 độ mùa hè.

Chương trình hàng ngày của trại khá chặt chẽ: 5.00 có còi trực nhật đánh thức, 5.30 tập thể dục tập thể, 6.00 nổi lửa nấu cơm ăn sáng và nắm cơm mang theo ăn trưa, đến chiều về lại nổi lửa nấu cơm ăn tối và sinh hoạt lửa trại, 6 ngày ở Đà Lạt, mỗi ngày từ đường Bùi Thị Xuân chúng tôi đã được các bạn Đà Lạt hướng dẫn đến các nơi tham quan bằng cách… đi bộ, dạo đó Đà Lạt vẫn còn xanh mướt rừng thông trong thành phố, và hầu như khắp nơi đều vẫn là những vườn rau, vườn hoa, để đến những thắng cảnh mỗi ngày chúng tôi thường đi về trên 10km, xe đạp của các bạn Đà Lạt được dùng để chất đồ cắm trại mang đi trước, tuy nhiên do được dẫn đi theo những đường ngang ngõ tắt, xuyên qua những ngọn đồi có những cây hoa hướng dương nở to như như cái mẹt nhỏ, hoặc đầy hoa marguerite  trắng, đi qua các thung lũng đầy vườn rau, cứ nghe tiếng lao xao í ới: Cây cà rốt đây á? Cái này là cây khoai tây á? Hoa này là hoa gì đây?..., những người nông dân Đà Lạt thích thú nhìn bọn học sinh Sài Gòn và  cho bao nhiêu là rau củ đem về, thường cuối ngày khi trở về trại nấu cơm chúng tôi không phải ra chợ mua rau như đã dự tính. Đang giữa mùa mưa nên buổi chiều về là trời mưa, chúng tôi lếch thếch ướt át về trại như một đám tàn quân, tôi đã rất sợ, mưa gió lạnh lẽo thế này, lại chỉ ngủ trên những cái bàn học kê sát lại với nhau, nhỡ có đứa nào lăn ra ốm thì nguy, nhưng chắc cũng nhờ một phần trời thương, còn lại thì chiều nào về cũng phải đốt bếp nấu cơm, bọn trẻ xúm xít quanh bếp lửa nướng khoai, nướng bắp nên ấm, ban đêm thì nằm chen với nhau (vì chia nhau mang đồ đạc nên cứ 2 đứa lại chung một cái mền) thành ra cũng không lạnh lắm, buổi chiều về coi bèo nhèo tưởng sáng mai phải cho nghỉ xả hơi một bữa, nhưng sáng ra mặt mày đứa nào cũng tươi rói, lại đi tiếp. Thời gian đó thác Cam Ly vẫn còn rất đẹp, đầu nguồn vẫn còn nhà rông dài của người K’Ho, những rừng thông tuyệt đẹp vây chung quanh. Thác Datanla còn rất hoang sơ, chúng tôi cắm trại ở rừng thông phía trên chỉ ngắm thác từ xa, bọn con trai tìm cách để leo xuống thác. Trường "Couvent des Oiseaux"  (bây giờ là trường Cao Đẳng Sư Phạm) bên cạnh một rừng thông già đẹp như mơ. Đồi Cù thì mênh mông làm kiệt sức khi chơi trò chơi lớn ở đây, đã có một cuộc thi chạy marathon quanh hồ Xuân Hương…, đó là cuộc cắm trại hoành tráng nhất mà tôi có trong đời.

 

Photobucket

Photobucket

 

Rồi 6 ngày cũng trôi qua nhanh như chớp mắt, chiều ngày cuối chúng tôi chỉ để gạo lại đủ nấu cho bữa sáng và nắm cơm trưa, còn thì cho hết số gạo còn lại vào một bao lớn để các bạn Đà Lạt mang đến cho nhà chùa làm từ thiện. Khi đi mang bao nhiêu là củi để nấu, khi về mang bao nhiêu là… củ để làm quà (khoai lang, khoai tây, su su, cà rốt…), tối hôm đó lại một đêm lửa trại chia tay, gần như bọn trẻ thức cả đêm, lưu bút chuyền tay nhau tới tấp. Sáng hôm sau trại nhổ neo, đồ đạc gọn gàng trên sân trường, chia tay bịn rịn học sinh Sài Gòn – học sinh Đà Lạt, có cả những giọt nước mắt, tất cả sẵn sàng chờ xe đến.

Đúng 7 giờ ghi trong hợp đồng… chẳng thấy cái xe nào cả, cứ ngóng mãi về phía cuối dốc đợi xe lên, đến 8 giờ thì không thể đợi được nữa rồi, tôi và chị Bí thư Chi đoàn giáo viên mượn xe đạp chạy ra bến xe, ngoài đó vắng ngắt, những chuyến xe đò buổi sáng đều đi cả rồi (dạo đó bến xe mỗi ngày chỉ có một lượt xe đi và về), đưa hợp đồng ra chẳng ai biết cả, người ta nói: “Hợp đồng này ký với bến xe ở Sài Gòn, ở đây chúng tôi không biết.” Khi hỏi bây giờ biết có hợp đồng rồi liệu ngày mai có xe không, chúng tôi được trả lời: “Sài Gòn ký thì Sài Gòn điều xe, ở đây không biết”. Lần thứ nhất trong đời tôi bắt đầu biết thế nào là sự quan liêu, phóng ra bưu điện gọi về Sài Gòn, ngày đó điện thoại đường dài khó khăn hết sức, có khi gần 10 phút mới nối được cuộc gọi. Đầu tiên xin gặp chị phụ huynh, người quan trọng ở bến xe, sau một lát được trả lời chị đã đi công tác ở tỉnh, đề nghị cho gặp nhân vật đã đứng tên ký hợp đồng, sau một lát được trả lời… anh ta đã nghỉ phép sau 2 ngày nữa mới đi làm (sau này mới biết anh ta nghỉ phép và… lơ đãng cất luôn cái hợp đồng đó vào tủ), đòi nói chuyện với người có trách nhiệm ở bến xe hôm đó và đọc hợp đồng cho ông ta nghe, được trả lời: “Không biết gì về hợp đồng này hết, mỗi ngày bến xe có bao nhiêu là giấy tờ, ai ký người đó chịu trách nhiệm”. Kết thúc cuộc điện đàm, tôi nghe lạnh từ dọc sống lưng xuống tới gót chân, tôi hình dung ra chiều hôm đó, ở cổng trường đầy phụ huynh đến đón con và…

Định thần lại chúng tôi tiếp tục gọi về trường và nhờ người trực để báo lại với phụ huynh… ngày mai học sinh đi trại mới về. Trước mắt là nói như vậy để ở Sài Gòn yên tâm, còn làm sao để có xe về thì hai đứa tôi… chưa biết. Sau đó chạy ngay về trại, dọc đường vừa đạp xe vừa hội ý là phải nói sao cho học trò đừng hốt hoảng, chị bí thư chi đoàn giáo viên đã cố hết sức điềm tĩnh báo tin…ngày mai mới có xe về, tôi hội ý chớp nhoáng với giáo viên chuẩn bị tinh thần là nếu bọn trẻ có lo âu khóc lóc thì sẽ trấn an chúng nó. Nhưng vừa nghe dứt câu thì bao nhiêu thứ gì đang có trong tay chúng nó ném thẳng lên trời và gào U…ra…ra…. Thì ra bọn nó chẳng lo âu tẹo nào mà chỉ mừng vì được ở lại một ngày nữa, bọn học sinh Đà Lạt ở lại chia tay cũng mừng không kém, xúm lại liền bàn xem hôm nay sẽ đi đâu chơi nữa, thầy cô giáo đang lo về chuyện lương thực vì còn bao nhiêu gạo đã mang cho nhà chùa cả rồi. Nhưng bọn học sinh thì chẳng lo lắng gì cả, chúng nó chỉ các bao khoai, ý nói tối nay sẽ ăn khoai nướng, bữa trưa thì đứa nào cũng có một nắm cơm rồi. Chi đoàn giáo viên lại hội ý, bàn chán cũng chẳng ra được cách nào, đợi “thằng cha nghỉ phép” kia đi làm thì phải 2 ngày nữa, còn cử người mang hợp đồng về Sài Gòn thì mỗi ngày chỉ có một chuyến xe, sáng mai mới đi được… mà rõ ràng là không thể nào ở lại thêm vài ngày nữa được. Bên ngoài bọn học sinh cứ chạy ra chạy vào để xin đi chơi, cuối cùng các giáo viên chia nhau đi theo chúng nó, còn hai chúng tôi thì tiếp tục nhiệm vụ… kiếm xe mà trách nhiệm thuộc về tôi vì tôi là người ký hợp đồng!

Hai đứa tôi bắt đầu uể oải đạp xe leo dốc…mà không biết đi đâu, dự tính tìm đường đến UBND thành phố (là tính vậy mà cũng chưa biết đến sẽ tìm ai), đang đi  thì bỗng nhiên thấy tấm biển TỈNH ỦY LÂM ĐỒNG, vậy là quẹo đại vô, có giấy giới thiệu dấu tròn đỏ chót nên bảo vệ cho vào ngay, đến văn phòng chúng tôi xin gặp… bác Bí thư, khi người ta hỏi có hẹn trước không thì bọn tôi lắc đầu nhưng cũng nhanh trí giới thiệu là giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh và có việc cần gấp lắm, có lẽ cũng thấy tội nghiệp 2 cô giáo đường xá xa xôi tìm đến nên người ta lại bảo: Đồng chí bí thư đi họp rồi. Hai đứa tôi bèn xin ngồi đợi, nói rồi là ngồi xuống ngay (bởi cũng chẳng biết đi đâu bây giờ). Một cô trong văn phòng mời chúng tôi uống trà nóng mới pha, một dì khác chắc thấy mặt mũi hai con bé này bợt bạt vì lạnh nên thương tình mang ra cho một ít mứt gừng nhà làm, cô khác thấy vậy cũng đem khoai lang khô ra mời, bọn tôi vừa đói vừa mệt bây giờ có trà nóng, có khoai lang thế là yên tâm ngồi đợi. Đến 1 giờ trưa bác bí thư ngồi trong văn phòng chắc cũng không mở cửa ra đi ăn cơm được vì 2 con nhãi ranh này vẫn ngồi đó, và ngó bộ dạng thì chúng nó có thể ngồi đợi cho đến tối, nên cuối cùng bác bí thư đành mời chúng tôi vào, nghe xong bác liền lắc đầu: “Ở đây là văn phòng tỉnh ủy, đâu có liên quan gì đến bến xe nên làm sao can thiệp được”. Chúng tôi bèn nói một câu ngang phè: “Nhưng chúng cháu là Đoàn thanh niên, cánh tay phải của Đảng. Bây giờ Đoàn gặp khó khăn, chúng cháu kiếm Đảng chứ biết kiếm ai bây giờ!” Nhưng không ngờ cái câu ngang như cua ấy lại…đúng quan điểm lập trường, phần vì thấy không cách nào xua đuợc 2 cô giáo này đi, nên cuối cùng bác bí thư viết một thư tay, ký tên đóng dấu vào và nhờ một dì trong văn phòng cùng đi với chúng tôi ra bến xe. Nhờ lá thư và nhờ cách xởi lởi của dì ấy, đến 4.30 chiều thì chúng tôi có được lời hứa sẽ có 2 xe vào sáng mai và 1 xe vào sáng mốt, vì không thể có cả 3 xe cùng lúc trong khi bến xe chỉ có 5 cái xe. Ôi trời, tôi đạp xe ra về lên dốc mà như bay lên mây, ít ra thì chiều mai cũng có 2/3 học sinh đã có mặt ở Sài Gòn. Nhóm về sau nhờ nhóm về trước nhắn tin cho gia đình nên cũng yên tâm ở lại một đêm nữa. Tối hôm đó cả trại ăn tối với bắp nướng, khoai nướng và chuối rừng nướng, ngày hôm đó lúc chúng tôi đi tìm cách để có xe thì cả trại đi chơi trong rừng ở Trại Hầm tại một con suối có tên là Hố Tôm, bắt những con tôm suối và hái về rất nhiều chuối rừng. Tôi chưa từng ăn trái chuối nướng nào ngon như vậy, mật tươm vàng ươm miếng chuối. Tôi ở trong nhóm về sau, và có một ngày thư thả thật sự, tôi lang thang trong thành phố, một lần khi quẹo vào một con dốc nhỏ, tôi bắt gặp một thung lũng trồng hoa, rất nhiều marguarite trắng, và lần đầu tiên trong đời tôi được người ta cho tự hái hoa, ôm bó hoa cúc trắng đi bộ buổi chiều đầy sương tháng 6 Đà Lạt, tôi cảm thấy mình… đẹp như… trên phim xinê. 

Có lẽ vì ân tình ngày đó của Đà Lạt, đất và người ở đây đã cưu mang chúng tôi,  những kẻ đang  điêu đứng vì thói quan liêu của thời bao cấp, nên tôi đâm ra rất mê Đà Lạt, có dịp là tôi lại về đây. Đến khi gần cuối đời một cơ duyên khiến tôi mua được mảnh đất nhỏ nơi này, tôi đã tiêu hết đồng xu cuối cùng của một đời lao động vất vả của mình cho ước mơ một căn nhà trên cao nguyên, và tôi đã không phải hối tiếc vì việc này. Tôi rất hạnh phúc khi được bạn bè đến thăm để tôi khoe Đà Lạt, như để trả một chút cho ân tình cũ mà Đà Lạt đã cho tôi khi tôi 25 tuổi.

Photobucket

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Entry... cho những ngày hẹn dã quỳ

Photobucket


http://matcuoi.comLoa...loa...loa...... Xin được thông báo chương trình dự kiến cho những ngày đi gặp dã quỳ hoa:
Ngày thứ nhất (11-11-11):
- Mờ sáng nhóm tam cô nương làng Mul Gioheomay - Minhtmap - Chụt siêu quậy sẽ đổ dốc nhà Gia Minh. Uống cà phê Văn Khoa ở sân vườn GM, ngắm mặt trời lên. Ăn sáng: bánh căn xóm Trại Hầm.
Đi chơi: thuê thêm xe gắn máy cùng với một chiếc ở nhà lang thang mùa thu muộn Đà Lạt ghé bất cứ chỗ nào thích.
Photobucket 
Ăn trưa: Nem nướng bà Hùng.
- 15.00: Nhóm chị Quan Thư, Hồng Diệp, Thanh Quế tiếp tục đổ dốc GM. Lúc đó chủ nhà đang nấu cháo gà.
- 16.00: Đến lượt chị Thu Nhân, Cỏ May đổ dốc. Kết thúc đợt hành quân đến với dã quỳ.
- Buổi chiều: Ăn cháo gà dằn bụng, để lang thang ngắm hoàng hôn hồ Xuân Hương, sau đó tắt nắng thì dạo chợ đêm Đà Lạt.
- Buổi tối: Trăng lên, đốt nến ngồi ngoài sân, hội "bàn bánh" với cà phê và trà atisô.
Ngày thứ hai (12-11-11):
- Mờ sáng: Tiếp tục cà phê sân vườn
- Ăn sáng: Cháo trắng hột vịt muối của Cỏ May
- Đi chơi: Tất cả lên một chiếc tắc xi 7 chỗ cộng với xe gắn máy của GM. Sẽ đi về hướng Suối Vàng, đường đi cảnh đẹp và nhiều chổ có dã quỳ. Khi về sẽ ghé một nơi rất đẹp mà không có tour du lịch nào đến được vì là nhà riêng. GM sẽ xin phép chủ nhà cho vào ngắm cảnh. (Chổ này GM dẫn nhóm Văn Khoa ghé một lần rồi)

Photobucket
Photobucket


- Ăn trưa: Đi chơi về nấu bánh canh (của Thu Nhân) với cua đồng (của Cỏ May)
- Buổi chiều: Ăn món nướng ngoài sân với đủ các loại... chai mọi người mang lên và uống theo ý thích.
- Buổi tối: Tùy theo ngẫu hứng, lang thang ngoài phố hay ghé cà phê "Hoa violet ngày thứ tư" hay trải chiếu thơ ở sân nhà...
Ngày thứ ba (13-11-11):
- Mờ sáng: Ai muốn mua hoa lá,  rau củ quả mang về làm quà thì chạy ra chợ sớm.
- Ăn sáng: "Cơm chiên Thu Nhân"
- Đi chơi: Dạo xóm nhà GM, nếu đủ sức đi bộ lên đồi để MM cho mọi người "Thấy Phật"
PhotobucketPhotobucket

- 10.00: Quay về ăn kem Việt Hưng (ngồi trên lầu nhìn xuống đồi thông cảnh cũng khá là...romantic)
- 11.00: Chuẩn bị hành lý để xe trung chuyển đón nhóm thứ nhất rời Đà Lạt bằng xe.
- 13.00: Nhóm thứ hai cũng ra sân bay về lại Sài Gòn.
Còn lại sau đó chị Quế đi Đức Trọng còn Gia Minh đóng cửa nhà . Kết thúc chiến dịch Dã quỳ hoa
Tái Bút:
- Đây là chương trình dự kiến, mọi người tùy ý chỉnh sửa.
- Sân bay Liên Khương có một vạt dã quỳ mênh mông, nhưng chỉ có hành khách đi máy bay mới vào được, vậy nên chị Thu Nhân và chị Thúy nhớ chộp ảnh để share cho mọi người.Photobucket

- Nhóm đi xe hơi ban ngày cũng để ý cảnh dọc đường, gặp may cũng chộp được ảnh hay hay.
Photobucket

- Cuối cùng: Những hình minh họa trên đây là dã quỳ của những năm trước, còn năm nay đến giờ đó dã quỳ nhiều hay ít là do... ông trời, GM không chịu trách nhiệm. Hi...hi... 


Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

NHỚ BẠN VÀ NHỚ VĂN KHOA

Hơn 15 năm trước, trong một lần họp mặt đã có một ý tưởng là làm một cuốn Kỷ yếu về những năm tháng tuổi trẻ ở Văn Khoa. Bạn Huỳnh Ngọc Hội sẽ là người thực hiện ý tưởng đó khi có bài vở trong tay. Từ đó cứ mỗi lần có dịp gặp nhau, bạn Hội lại nhắc chuyện viết bài. Thấy thương nhiệt tình của bạn, Thu Nhân, Trân Thúy, Minh An bảo nhau viết bài gởi cho Hội. Tôi đã chép tất cả vào một dĩa mềm và đưa cho Hội. Năm tháng cứ qua đi, mọi người cứ nhắc chuyện làm Kỷ yếu, nhưng viết bài thì ai cũng cười... và hứa.  Khi bạn Hội mất rồi, tâm nguyện về cuốn Kỷ yếu của bạn lại được nhắc lại trong lần giổ thứ 2 của bạn. Bao nhiêu lần đổi máy tính, bài tôi viết về Văn Khoa cũng thất lạc, tôi cũng đã định cười và... hứa. Nhưng chị Hải - vợ của Hội - khi nghe tôi nói không còn bài đã viết, chị lẳng lặng đi tìm và trong đám giổ Hội lần thứ ba chị đã đưa cho tôi lại chiếc dĩa mềm cùng 3 bài viết năm xưa đã in. Bạn tôi vẫn giữ những gì tôi đưa, chiếc dĩa mềm bây giờ không dùng được nữa, nhưng đó là kỷ vật của bạn dành cho tôi.Trong khi đợi cuốn Kỷ yếu được thực hiện, nhóm bạn nguoivankhoa đã làm GÓC NHỎ VĂN KHOA như một phần nào tâm nguyện của bạn Hội, và 3 bài viết mà Hội đã giữ đã được đưa lên GNVK đầu tiên.

Hôm nay 17 tháng 9 AL, ngày giổ của bạn, chúng tôi sẽ lại đến với gia đình bạn và quây quần với bạn. Tôi đưa bài viết cũ lên blog của mình như một nén hương nhớ đến bạn và ngôi trường cũ của chúng ta. Lát nữa đây tôi sẽ đến nhà bạn và sẽ thắp hương cho cả những bạn ở xa không về với bạn được hôm nay.

Photobucket

 

NHỚ VĂN KHOA

 

Năm 1971 tôi bắt đầu vào Đại học, tôi ghi danh Đại học Văn khoa với mục đích học một năm dự bị để thi vào Đại học Sư phạm. Trường Văn khoa lúc đó dưới mắt cô học trò Tú tài 18 tuổi như tôi là một ngôi trường rộng lớn với những giảng đường mênh mông so với lớp học ở trường nữ trung học, cùng với những cầu thang gỗ cũ xưa và những hành lang dài rộng mà bất cứ lúc nào cũng thấy có sinh viên đi lại hoặc tụ tập thành từng nhóm, điều không bao giờ thấy ở trường trung học. Rồi đến giờ giấc học thì thật tuyệt vời đối với tôi, bởi vì thành phố Sài Gòn những năm tháng sau Mậu Thân đã chạm mặt ít nhiều với chiến tranh, đường phố đầy bóng dáng cảnh sát thường, cảnh sát dã chiến, cảnh sát chìm…, xe nhà binh chạy rầm rập và cố vấn Mỹ cũng đầy ngoài đường, cho nên suốt những năm là học sinh trung học, tôi luôn được đưa đến trường lúc 6.30 sáng, trở về nhà lúc 11.30, ít được đi đâu ngoài con đường từ nhà đến trường và ngược lại. Cho nên khi vào đại học, cảm tưởng đầu tiên của tôi là… sự tự do, giờ học ở Đại học hoàn toàn khác trường trung học, những ngày đầu tiên tôi sung sướng ngồi xe buýt đến trường có khi vào 9 giờ sáng và có lúc về đến nhà thì thành phố đã lên đèn. Nhưng chỉ 1 tháng sau niềm vui của tôi tắt ngấm vì… buồn quá, vài đứa bạn ở trung học cùng ghi danh Văn khoa thì lại khác môn nên cũng khác giờ học, tôi cảm thấy lạc lõng ở đây, sinh viên thì không cần mặc đồng phục, có áo dài, có mini jupe, có quần Jean và dĩ nhiên có những bộ đồ hippy khá bụi bặm. Giáo sư lên lớp mặc áo vét, đeo cà vạt, giảng đường rộng, giáo sư giảng bài bằng micro, nhìn xuống sinh viên ngồi bên dưới mà không cần biết có bao nhiêu người, không điểm danh và không phải trả bài hàng ngày, cũng không có chỗ ngồi cố định, có những buổi tôi đến trễ vì chờ xe buýt nên không còn chổ trong giảng đường thì kéo ghế ngồi ở hành lang gần cửa sổ, không còn lo sợ bị thầy la mắng nhắc nhở như khi còn học trung học, không phải lo lắng vì bài vỡ hàng ngày, nhưng chưa có bạn thân làm tôi cảm thấy buồn và cô đơn khi đi học ở đây.

        Có một ngày sau khi học xong một môn ở trường Luật tôi chạy về Văn khoa, lên lớp nhưng không còn chổ ngồi, hành lang cũng đã có nhiều bạn ngồi bên ngoài, và thật tình tôi cũng đã vắng môn học này vài buổi trước, đành phải đi kiếm cour để học thôi, thế là tôi bắt đầu làm quen với phòng Đại diện sinh viên ban Sử  Địa, đó là một căn phòng nhỏ gần Hội quán Sinh viên, tôi nhận ra ở đó vài gương mặt quen quen thường gặp trên giảng đường, tôi mua cour rồi quen dần với căn phòng nhỏ đó, đã vài lần ngồi phụ đánh máy bài giảng trên giấy stencil để đưa đi quay ronéo khi phòng Ban đại diện thiếu người mà cour thì cần phát hành gấp. Tôi bắt đầu thấy hết lạc lõng ở trường Đại học, khi hết giờ học hay khi rảnh rỗi tôi lại chạy đến căn phòng nhỏ đó, tôi đã có những người bạn cùng tuổi và làm quen được với các anh chị học lớp trên. Thời gian đó tôi mặc áo dài đi học vì những chiếc áo dài trắng thời trung học vẫn còn, ngoài ra cũng rất thích vì có thể mặc cả áo dài màu mà trước đây chỉ có thể mặc vào dịp lễ Tết. Lúc đó trường Văn khoa đang có phong trào cổ động nữ sinh viên đi học mặc áo dài để giữ lại truyền thống chiếc áo dài Việt Nam trước làn sóng mặc mini jupe và phong trào hippy với các kiểu ăn mặc lôi thôi bụi bặm. Thế là với chiếc áo dài mặc đi học, tôi được mời vào Hội Nữ sinh viên Văn khoa, ở đây ngoài những bạn năm thứ 1 ở tất cả các khoa còn  có những chị lớn học năm thứ 2, năm thứ 3 rất dễ thương , và thế là tôi lại biết thêm các Ban Việt Hán, Nhân văn, triết, Anh văn…Tôi dự buổi họp mặt đầu tiên với Hội Nữ sinh viên tại một nơi gọi là Hội quán Văn khoa, và tôi đã bị chinh phục để trở thành người của Hội quán.

        Đang ở một đô thị trong giai đoạn chiến tranh mà nhà náo biết nhà đó, mỗi cá nhân tự lực cho sự sinh tồn của mình, không tin bất cứ ai và bất cứ điều gì trừ bản thân mình, thì sinh hoạt của Hội quán Văn khoa lúc đó làm tôi ngạc nhiên. Thoạt nhìn thì đó là một quán cà phê với một quầy bán hàng và thu ngân cùng các bộ bàn ghế như bất cứ một quán cà phê nào lúc đó, nhưng có thêm một bàn bóng bàn. Nhân viên bán hàng là những cô sinh viên Văn khoa mặc áo dài đủ màu và thay đổi người mỗi ngày, ở đó bạn có thể uống cà phê và các loại nước giải khát khác, buổi sáng có bánh cuốn, bánh mì thịt, bánh patêsô ăn điểm tâm, tất cả đều với giá rất sinh viên. Khi được tham gia tôi mới biết Hội quán là nơi gây quỹ sinh hoạt cho Ban Đại diện sinh viên trong phong trào đấu tranh SVHS của trường lúc đó và do Hội Nữ sinh viên quản lý. Một nhóm các chị lớn phụ trách công việc chung như điều động, phân công trực các nhóm làm việc, tìm nơi cung cấp hàng hóa để bán… còn các nhóm làm việc hàng ngày phần lớn là sinh viên năm thứ 1, năm thứ 2, trực bán hàng ngoài giờ học mỗi tuần 1 hay 2 buổi sắp xếp tùy theo lịch học cá nhân. Khi trực thì mỗi nhóm  gồm 5 hay 7 người tự phân công luân phiên làm việc, lần này ngồi bán phiếu thu tiền thì lần sau pha cà phê, pha các loại nước giải khát, lần sau nữa thì hoặc rửa ly hoặc chặt nước đá… Khách hàng cũng toàn là sinh viên trong trường và các trường bạn chung quanh như trường Dược, trường Nông Lâm Súc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết ở Sài Gòn có một quán cà phê như vậy, khách mua phiếu ở một cô sinh viên trẻ măng, cười rất tươi nhưng luôn luôn thu tiền mà không bao giờ … cho ghi sổ, kế đó mang phiếu sang quầy đưa cho một cô sinh viên áo dài tha thướt khác và đợi, khi đồ uống hoặc thức ăn chế biên từ phòng trong được mang ra quầy, khách hàng sẽ tự mang về bàn mình ngồi, và khi rời khỏi quán thì mang ly tách trả nơi quầy để sinh viên phục vụ mang vào trong rửa. Vào những năm 70 thời đó có lẽ ở Sài Gòn có duy nhất một quán cà phê  như vậy, nhưng đặc biệt là rất đông khách, thậm chí có những lúc quá đông khách hàng, các cô sinh viên bán hàng trở nên rất “cửa quyền” với khách, nhưng khách hàng phần lớn là các chàng sinh viên trẻ tuổi lại cũng rất kiên nhẫn vui lòng chờ đợi để nhận một ly cà phê. Ngoài ra tất cả mọi người tham gia Hội quán đều làm việc tự nguyện, vào đầu buổi làm việc chị phụ trách giao cho nhóm một hộc tủ tiền lẽ và một cuốn Nhật ký Hội quán, cả nhóm bắt đầu ai vào việc đó: chặt nước đá, chuẩn bị ly tách, phin cà phê, nấu nước sôi, nhận giao các thức ăn sáng làm sẵn, bán phiếu, thu tiền, rửa ly tách…, đến hết buổi làm việc chị phụ trách nhận lại một hộc tủ tiền đã được đếm và xếp theo loại, ghi vào nhật ký bán hàng. Sau khi để lại tiền vốn mua hàng hóa cho ngày hôm sau, phần tiền lời hàng ngày bỏ hết vào quỹ để tổ chức các hoạt động như văn nghệ, làm báo, hội họp, phát cour cho sinh viên nghèo, cứu trợ thiên tai…

Thời gian đó một cô sinh viên tiểu tư sản thành thị như tôi dĩ nhiên không hiểu gì về cái gọi là kinh tế tập thể, kinh tế XHCN…, nhưng sinh hoạt ở hội quán Văn khoa đã làm tôi bất ngờ và hãnh diện khi được tham gia vào tập thể đó, tôi đã yêu mến bạn bè và xem Hội quán như ngôi nhà thứ hai của mình. Từ tình cảm như vậy dần dần tôi đứng vào phong trào SVHS đấu tranh, tôi tập hát và tham gia những đêm không ngủ, tôi đã ở lại trường đến tối mịt để đánh sencil, quay roneo làm báo, kẻ khẩu hiệu, dán áp phích, đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, chống Mỹ, tham gia những đêm Hát cho đồng bào tôi nghe… Buổi sáng đến trường mong ngóng gặp lại các bạn bè quen thuộc, bởi vì nếu vắng một người nào thì có thể bạn đã vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn tối hôm qua rồi. Với tình cảm và hoạt động cùng bạn bè , tôi gắn bó với trường Văn khoa với phong trào SVHS Sài Gòn lúc bấy giờ, tôi yêu quý các anh chị và bạn bè trong phong trào, ở đây dần dần tôi hiểu ra thế nào là chiến tranh nhân dân, tôi mang trong tim niềm mơ ước đất nước thống nhất, tôi đau lòng và giận dữ khi phong trào bị đàn áp, đó là thời gian đẹp đẽ nhất trong thời tuổi trẻ, tôi đã sống hết mình, đã có những người bạn thật tốt, đã có tình yêu và cũng có những nỗi buồn. Cho đến bây giờ, sắp bước vào tuổi 60, tôi vẫn tự hào đã có một thời gian thật đẹp như vậy khi còn trẻ, và cảm thấy thật giàu có khi nhớ về những kỷ niệm thời tuổi trẻ của mình.

TÔI RẤT NHỚ TRƯỜNG VĂN KHOA!

Đọc tiếp ...