Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

HOA TRÁI CUỐI MÙA XUÂN

Năm nay nhuận, Tết xong là đã hết tháng 2 dương lịch, thời gian này Đà Lạt đang cuối mùa khô, đã có vài trận mưa trong những ngày Tết, buổi tối và sáng sớm mới se lạnh, ban ngày nắng rực rỡ, buổi trưa cũng rát mặt như nắng Sài Gòn, hoa mùa xuân cũng tàn rồi, các cây mai anh đào đã ra lá xanh, chỉ còn một cây trong xóm còn một ít hoa nhưng cũng đã bớt thắm vì đã ra lá non xanh lấm tấm.



Bạn bè qua tết mới lên chơi, rảo rảo trong xóm, thấy còn 2 cây mai xanh đang nở rộ, cũng mừng vì còn có cái gì… để khoe.



Mùa này chỉ có hoa cà phê là đang trắng xóa khắp nơi.





Không còn hoa thì đi kiếm trái, đang mùa khoai tây, cho bọn trẻ trong nhà đi Đa Quí-Xuân Thọ đến một nhà vườn quen, đề nghị cho dỡ khoai tây mở hàng đầu năm, bác chủ vườn cũng vui vẻ chịu khó khuya hôm đó ra tưới cho đất mềm, để sáng hôm sau dễ xới vì toàn các tiểu thư, công tử, ăn khoai tây thì ăn đã nhiều nhưng bảo gọt củ khoai chưa chắc biết gọt.



Trên đường đi xuống ruộng khoai tây, thấy một vạt hướng dương đã nở hết rồi còn để nguyên ngoài ruộng.





Đi ngang một vườn ớt đang thu hoạch, nhìn mê quá.







Đi tiếp lại thấy một nhà kính trồng hoa sao tím.







Rồi hoa baby trắng.





Một góc vườn đang có duy nhất một cây cải để nở hoa cho đẹp, hoa cải cũng rất lung linh.





Lại cả một vạt hoa salem không thu hoạch vì giá hoa ngày tết rẻ mà công người làm thì đắt, bác chủ vườn bảo muốn hái bao nhiêu cứ hái, nhìn mà xót ruột công sức người nông dân quá.



Cứ la cà như thế khi xuống được đến ruộng khoai nắng đã rát mặt, khăn nón che mặt như phụ nữ đạo Hồi.



Nhìn bác chủ vườn làm rất dễ, lấy cây chỉa xắn xuống cạnh một gốc khoai đã héo dây, hất lên, thế là bao nhiêu khoai rơi ra, sạch bong chẳng dính đất cát gì cả, hóa ra khoai ngoài chợ dính đầy đất thì hoặc là khoai tây TQ hoặc là người ta thêm đất vào cho nặng cân.



Thấy bác chủ vườn làm dễ dàng các bạn trẻ nhà mình cũng đòi thử, dù đã được bác đứng cạnh bên hướng dẫn, hất mũi chỉa lên thay vì khoai rơi ra thì dính ngay vào mũi chỉa, nhưng ham lắm cứ dành làm với bác.





Nhìn khoai được xới lên, bọn trẻ con thích lắm cứ mãi mê nhặt, bọn người lớn cũng thích vì khoai mua tại ruộng theo giá bỏ cho thương lái chỉ có 5 ngàn một ký, nên cứ nhặt lấy nhặt để, kết quả khi cân là gần 70 kg. Ối giời, mang về tặng cho hàng xóm, rồi nhóm về Sài Gòn sáng mai cũng đóng thùng mang về chỉ hết được khoảng phân nửa, còn lại sẽ làm quà cho nhóm lên chơi những ngày sắp tới, khoai mới dỡ tại vườn, chính gốc khoai Đà Lạt.



Lại còn thấy một bụi cà mà bác chủ vườn trồng để nhà ăn, chẳng có phun xịt thuốc men gì cả, cũng ham, thế là bác hái cho một rổ.







Còn cà bi trên cành thì đẹp lung linh. Tóm lại một buổi sáng dang nắng đích đáng.







Đang rất phấn khích với thành quả thu hoạch khoai tây, thế là buổi chiều lại đi hái dâu tây, từ trung tâm Đà Lạt đang nắng chang chang ra đến Vạn Thành thì trời đổ mưa, vườn dâu  ở ngả ba Măng Lin.



Đến nơi mưa tầm tả, chị chủ vườn suýt soa vì trời mưa ướt át và mấy trận mưa đột xuất mùa khô này làm dâu hư hết cả, nhưng đã mất công đi hơn 15 km để đến, thành ra khi tạnh mưa, bọn trẻ cũng hăm hở lội ra vườn, nhìn các luống dâu gặp mưa trái mùa thương quá, các quả to đẹp hầu như bị hỏng hết, vườn dâu này vẫn trồng theo lối cũ, thành luống trên đất, trời mưa mà mưa trái mùa thế này nghe bảo là mưa axit, nước mưa đọng lại, quả vừa chín là bị hư hết.







Chị chủ vườn hướng dẫn hái các trái chỉ mới hơi hồng thôi, cứng cáp, ngày mai mang đi không bị hỏng, về đến Sài Gòn sẽ kịp chín, tuy vậy nhưng hái cũng mê lắm, mỗi khi được một trái đẹp lại reo lên khoe.











Thật ra thì ăn uống thì chẳng bao nhiêu, về Sài Gòn muốn mua gì cũng có, nhưng việc đến tận vườn cũng là để cho bọn trẻ thấy sự vất vả của người làm nông và biết rằng làm vườn cũng như là đánh bạc với ông trời vậy. Thành ra khi chia tay vườn nào cũng chúc cho chủ vườn năm mới nhiều may mắn, thật ra than thở vậy nhưng rồi họ lại cũng cắm cúi vào mảnh đất thôi, lại hy vọng năm mới nhiều thuận lợi, niềm lạc quan giản dị mà đẹp như màu vàng hoa cải!

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

MỘT NGÀY LANG THANG

Chuyến đi rất ngắn nhưng chuẩn bị lại lâu, chẳng là thấy các bạn trẻ đi phượt một mình cũng khá thú vị, nhưng sức bà già chắc không kham nổi chuyến đi bụi dài ngày. Nên tôi tự đặt cho mình một việc sẽ muốn làm: Thử thách sức khỏe bằng cách đi một nơi nào đó mà khoảng cách cả đi về trên dưới 3.000 km và chỉ trong vòng … 24 tiếng, thử thách cả túi tiền vì sẽ chỉ được tiêu tốn cho chuyến đi đó dưới… 1 triệu đồng, và sẽ đi trong ngày sinh nhật 60 tuổi. Nhưng bắt đầu của kế hoạch đó là việc tìm máy bay giá rẻ, thì không tìm được vé cho ngày tròn 60 tuổi, nhưng có vé cho ngày tròn 61 tuổi, tức là … 15 tháng sau. Cứ lấy vé rồi tính, sẽ đi Vinh, dù là nơi đó đã đi tháng 8-2008, dạo đó đi lúc trời nắng nóng, lần này đi vào đầu mùa đông.





Dự kiến như trên vé là sẽ đến Vinh lúc 7.30, cứ cho sai số đến 8 giờ,sẽ có 3 tiếng rưỡi đồng hồ để đi đâu đó rồi trở về sân bay lúc 11.30 để làm thủ tục 12.50 bay về, dự tính sẽ đi Khu lưu niệm Nguyễn Du, nơi cách sân bay 20km. Vé khứ hồi chỉ có 280 ngàn, chắc sẽ hoàn thành chỉ tiêu đi về trong ngày và không chi tiêu quá 1 triệu đồng. Bỏ kế hoạch đó vô tủ, 13 tháng sau, thấy chân giò coi bộ cũng vẫn xài tạm được, check lại ngày bay, hãng máy bay có thay đổi nhưng có lợi cho mình, buổi sáng bay trễ hơn 25 phút, 6.15 mới bay, ngủ được thêm nửa tiếng, buổi chiều bay trễ gần 4 tiếng, 16.40 mới bay, quá tuyệt, thêm một nơi nữa vào lộ trình: Phượng Hoàng Trung Đô của vua Quang Trung. Còn một việc nữa là ở nhà hơi lấn cấn việc tôi sẽ đi xe ôm đến các điểm muốn ghé (vì để tiết kiệm chi phí mà), suy luận của gia đình là không tin tưởng … người lạ ở một nơi xứ lạ. Giải quyết bằng cách gọi nhờ một cô bạn nhỏ làm việc ở Hà Nội nhưng nhà ở Vinh, tìm giúp một bác xe ôm quen. Cô bé gọi lại báo số điện thoại của người sẽ đưa tôi đi, vậy là ổn. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, còn 5 ngày nữa lên đường, áp thấp ngoài biển Đông, ảnh hưởng xa xa nhưng khả năng 80% Vinh có mưa. Vậy là bỏ thêm cái áo mưa mỏng và cây dù vô túi xách.
Sáng 7-12 ngồi phòng chờ sân bay đọc các lời chúc mừng sinh nhật trên FB, nhận ra một điều, có thể đi bất cứ ở đâu một mình, có một cái điện thoại trong túi, vậy là cả thế giới ở bên cạnh ta.



6.00 lên máy bay rồi cứ ngồi yên trên đó, 6.30 vẫn chưa bay, hỏi thì được trả lời… chưa biết bao giờ bay vì thời tiết ở Vinh đang xấu nên chưa có lệnh bay. 7.00 sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn mịt mờ sương.



Nhưng chỉ vài phút sau khi cất cánh lên phía trên trời xanh ngắt.





7.30, chuẩn bị ăn sáng, máy bay giá rẻ không có bữa ăn nhẹ, giá cả các món ăn trên máy bay thì không rẻ tí nào, 50 ngàn một suất miến, hủ tíu hoặc cơm chiên, mì gói cũng 30 ngàn, một ly cà phê pha từ gói cà phê 3 trong 1 giá gốc 3 ngàn nhưng giá thành 20 ngàn, chai nước suối nhỏ cũng 20 ngàn, bà già trùm sò chuẩn bị 2 cái bánh mì bơ nhân phô mai 18 ngàn, chai nước uống còn một nửa được hải quan cho qua , vậy là xong bữa sáng.



8.35, nhìn xuống dưới, thành phố Vinh mờ mịt trong sương.



8.40, đáp xuống sân bay Vinh với trời mưa lất phất, 18 độ, mặc thêm một cái áo len bên trong áo khoác.





Ra cửa sân bay gặp một bạn thư sinh trắng trẻo giới thiệu là người quen của Beli Hoàng, sẽ đưa tôi đi trong ngày hôm nay, thoạt tiên ngạc nhiên không biết cô bé Hoàng kiếm đâu ra chú xe ôm như sinh viên thế này, rong ruỗi đi trong ngày mới biết là người bà con họ xa của cô bé, ngày CN nghỉ làm ở bệnh viện nên nhận lời đưa tôi đi ngày hôm nay. Trời mưa nhưng không lớn nên vẫn cứ lên đường, mặc thêm cái áo mưa mỏng, ngồi sau xe, vậy là  đi tốt, cũng không lạnh lắm.
Thành phố Vinh ngày càng khang trang.





9.25 ra khỏi thành phố, đi ngang núi Dũng Quyết, sương núi vẫn mịt mùng, quyết định đi tiếp, hy vọng buồi trưa trời sẽ hửng, quay về sẽ lên núi.





Qua sông Bến Thủy, mờ mịt trong mưa, những cánh đồng xanh ngắt buổi sớm. Dọc đường thỉnh thoảng lôi điện thoại ra gặp bạn bè trên FB.





9.40 đến nơi, sáng Chủ nhật mưa, Khu lưu niệm vắng ngắt, chỉ có một người ngồi bán vé ở cổng, 10 ngàn một người, khuôn viên vắng tanh, cũng chẳng có người hướng dẫn, nhưng vì đã từng đến đây năm 2008 nên giờ cứ tự đi.





Cũng cảnh này dạo nắng tháng 8 trông vui hơn cảnh mưa dầm bây giờ và người bây giờ cũng đã … già hơn.


(Ảnh tháng 8/2008)



Nơi thờ bài vị cụ Nguyễn Du.





Nhà tư văn I thờ Khổng Tử.





Vườn ngày mưa vắng vẽ đìu hiu, cây muỗm ông nội cụ Nguyễn Du là Nguyễn Quỳnh trồng khoảng năm 1715-1720.





Nhà trưng bày các hiện vật cũng vắng tanh không ai ở đó, mặc dù các đồ cổ có giá trị cũng khá nhiều...



Gốm sứ thời Lý-Trần-Lê-Nguyễn.



Đồ đồng thời Hậu Lê.



Các sách quý thế kỷ XVII, XVIII v.v…





Nhưng đặc biệt là các di vật của cụ Nguyễn Du, ngoài giá trị cổ vật còn là giá trị đồ dùng của một danh nhân văn hóa thế giới, nhưng cái bảo tàng nhỏ này xem ra thật ơ hờ về mặt bào quản, có thể có máy quay, có thể có hệ thống báo động, nhưng vắng tanh vắng ngắt thế này, hai người chúng tôi quanh quẩn cả nửa tiếng trong này chẳng thấy một ai ghé vào trông chừng, chẳng lẽ nối giáo cho giặc nhưng vẫn phải lên tiếng để báo động, kiểu này mất như chơi.
Cái nghiên mực của cụ Nguyễn Du.



Bút tích của cụ trên đĩa Mai Hạc: Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen.



Sách Văn tế Trường Lưu nhị nữ cụ Nguyễn Du viết vào khoảng 1786-1802 v.v…



Sang viếng mộ ông cách đó khoảng 2km, trông cũng đìu hiu, không có vẽ chăm chút gì, dù rằng sang năm 2015 là kỷ niệm 250 ngày sinh Nguyễn Du.





Chẳng lẽ lại ứng như lời cụ viết: “Ba trăm năm lẽ sau này nữa.Thiên hạ ai người khóc Tố Như”.



11 giờ trên đường về, nhìn cổng làng văn hóa Tiên Điền thấy cũng buồn hiu.



Trên đường ghé đền thờ và mộ cụ Nguyễn Công Trứ, đều khóa cửa, chỉ đứng ngoài ngó vào, coi như không có duyên với Uy Viễn tướng công.







11.45, trời vẫn một màu xám, ra đến cầu BếnThủy 2, bên kia là cầu bến Thủy 1.





Đi tìm đặc sản xứ Nghệ để ăn trưa, loanh quanh mãi  nhưng cháo lươn, bánh mướt… chỉ có bán buổi sáng, đành ghé ăn tạm tô bún thịt bò nấu với hành răm, trời lạnh ăn món nóng thật ngon, mà chỉ có 20 ngàn một tô.
12.30 bắt đầu lên núi Dũng Quyết, đất Phượng HoàngTrung Đô, nơi có đền thờ Quang Trung.



Ngày trước vua Quang Trung chọn vùng đất giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân làm kinh đô để có thể khống chế và cân bằng 2 ực lượng Đàng Ngoài của chúa Trịnh và Đàng Trong của chúa Nguyễn. Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long Thủ , Phượng Dực , Kỳ Lân và Quy Bối . Người xưa gọi địa thế nơi đây là đất tứ linh, bởi có đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Gọi là núi nhưng thật ra đỉnh cao nhất chỉ 101,50m, đỉnh thấp nhất 53,50m.





Mưa vẫn rơi, nhìn xuống sông Lam mờ mịt, trong khi ngày nắng ráo cảnh khá đẹp.




(Ảnh tháng 8/2008)

Khác với đền thờ vua Quang Trung khá hiện đại ở Bình Định, đền thờ vua ở đây mang nét đền miếu nhiều hơn.





Ba gian thờ từ ngoài vào trong, gian trong cùng là Thượng Điện thờ vua Quang Trung, gian Trung Điện là các bàn thờ khác là các công thần như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phạm Công Trị, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở…





Điểm thú vị ở đây là có một tủ bán hàng tự giác, khách mua tự mở tủ lấy hàng, giá cả có trong bảng niêm yết bên trên, trả tiền bằng cách bỏ vào thùng, không có ai ở đó cả, tôi tò mò thử mở cánh tủ ra thì thấy là mở được, hàng là các loại bánh kẹo, hoa giấy, các đồ lễ…Có lẽ mua để dâng cúng nên chắc chẳng ai lại lấy hàng mà không trả tiền.





Rời khỏi đền, qua nhánh đồi phía tây, thành phố Vinh hiện ra dưới núi, nếu là ngày nắng chắc sẽ rất đẹp.





13.30, vẫn mưa, chạy về chợ Vinh, đi mua cam, đi ngang qua gian hàng bán các nồi, siêu, ơ bằng đất, lâu lắm rồi mới thấy lại các vật dụng nấu bếp than.





Cam Vinh nếu đúng cam Quỳ Hợp thì nhìn không đẹp nhưng ngon, vị ngọt thanh và giá không rẻ, mua tại chợ Vinh đã 40 ngàn một ký, xách về 4 ký, vừa đủ hành lý xách tay.





Mới 14.00, mời cậu bạn đường uống cà phê vì rất áy náy, bạn ấy đã tốn cả một ngày chở tôi đi trong mưa gió, lại nhất định không để tôi trả tiền xăng, mà mình lại tham đi, ghé đủ các nơi, chỉ đãi được bạn một tô bún ăn trưa và một ly cà phê trước giờ vào sân bay, thật quý cái tình người xứ Nghệ, chỉ qua một lời giới thiệu, vất vả với người Sài Gòn gần hết một ngày xông pha ngoài mưa.
15.30 vào làm thủ tục, lại ngồi phòng chờ check mail, trời lạnh nhưng thấy ấm khi đọc lời chúc sinh nhật và ngắm hoa gởi mừng trên FB, 16.30 lên máy bay, 17.00 khởi hành, trời vẫn âm u.





Nhưng chỉ sau vài phút cất cánh đã thấy mặt trời bên trên những đám mây, ngắm một hoàng hôn bên trên bầu trời.





18.30, Sài Gòn buổi tối lấp lánh bên dưới.



Vậy là từ 7 giờ sáng bay khỏi Tân Sơn Nhất, 7 giờ tối về đến Tân Sơn Nhất, tôi đã có một ngày sinh nhật lang thang trên đường thiên lý dù thời tiết xấu, chụp ảnh xám xịt xấu tệ, đi về đoạn đường gần 3.000km trong ngày, chỉ tổn thất: 280 ngàn vé máy bay + 120 ngàn xe ôm đi và về từ nhà – sân bay + 100 ngàn góp tu bổ các di tích + 120 ngàn ăn sáng, ăn trưa và uống cà phê: 620 ngàn (nếu không tính 160 ngàn 4 ký cam Vinh mang về nhà). Cảm thấy thật tuyệt!

Đọc tiếp ...