Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

LOANH QUANH HÀ NỘI: TÙY DUYÊN...

Lần này đi Hà Nội đúng là tùy duyên thật, vì thoạt đầu mục đích của chuyến đi cũng chưa rõ ràng, chẳng là tháng 9… năm ngoái (2013) Vietjet Air bán vé 0 đ, mà thời gian bay lại kéo dài đến cuối năm 2014, canh những tháng gần gần tìm không ra vé, lò dò đến tháng 11 thấy một lô vé 0đ, cộng các thứ thuế và phí tính ra có 280.000 đ khứ hồi Sài Gòn-Hà Nội, hỏi gấp các bà bạn, một số ngần ngừ vì chuyện ngày tháng, 3 bà khác bảo: “Mua ngay, đi ngày nào cũng được, ra … uống cà phê rồi về cũng được, đến lúc đó không đi được thì bỏ, vé rẻ quá mà, có sao đâu”. Vậy là canh được mỗi lần 2 vé, may mà bay cùng ngày chỉ khác chuyến, 2 người thì mua chung 1 gói cước hành lý ký gởi 15 kg giá 100 ngàn, vì mỗi người đã có 7 kg xách tay rồi. Tổng cộng 380.000 đ bay khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội, có điều như vậy là mua trước đến… 14 tháng. Với các bà O60 này thì 1 năm cũng đã có thể có nhiều thay đổi rồi, thành ra hẹn nhau từ 14 tháng trước mà đến ngày hẹn tụ hội đi được thì cũng là một cái duyên.
Lúc này mới hỏi nhau ra đó làm gì, chiều ngày thứ 1 bay ra, có trọn một ngày thứ 2, chiều ngày thứ 3 bay về, bàn nhau cái ngày trọn vẹn đó đi đâu xa xa, 2 ngày kia loanh quanh Hà Nội. Cả 4 bà đều muốn đi Yên Tử, 2 người chưa biết, 2 người đã đi từ năm 2005, chỉ mới có cáp treo lên đến chùa Hoa Yên thôi. Nhưng đã vài lần ra Hà Nội mà không đi được, có năm ra tháng 9, mưa gió sụt sùi làm sao leo núi, lần khác ra tháng 11 thì cáp treo đang ngưng để bảo dưỡng. Năm nay thời tiết không nắng, chỉ mưa bụi lay phay, cáp treo vẫn hoạt động, chân giò O 60 còn leo nổi lên đỉnh Yên Tử dù thật sự là vất vả, hoàn thành ý nguyện: Bái Phật trên non thiêng. Rồi đứng trên đỉnh núi mây mù nghe Mỹ Linh réo rắt Trên đỉnh Phù Vân, đó cũng là một cái duyên nữa.







Lần này cả hai ngày lang thang Hà Nội đều có ghé chùa. Buổi chiều đưa chị Quế - người rất ít biết về Hà Nội - ra Hồ Tây, ghé chùa Trấn Quốc, ngôi chùa được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội, đã 1.500 năm, dựng từ thời Tiền Lý (541-547), nguyên là chùa Khai Quốc.



Bỏ lại sự nhộn nhịp phố xá bên ngoài, nhà chùa dù đang đông người thăm viếng vẫn mang vẻ bình yên chốn tu hành. Một nữ thí chủ chậm rãi quét sân.



Chú chim sẽ nhỏ dù chân khách thập phương qua lại vẫn nhảy nhót  trên sân không bay đi.



Bóng ngói nóc chùa chiếu xuống những con cá đỏ yên lặng trong hồ.



Vẫn biết Phật tại tâm, nhưng đến chùa mà thấy lòng lắng lại thì nơi đó đúng là chùa, tôi nghĩ vậy.



Một buổi khác, đi tự do, chị Quế đi Hà Tây đến chùa Đậu nơi có 2 tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường. Chị Hải đi thăm người quen ở Ngã Tư Sở, nhìn bản đồ thấy gần chùa Bộc, vậy là tôi tháp tùng theo, vì đang rất muốn nhìn tận mắt tượng vua Quang Trung ở đây. Chùa ở phố Chùa Bộc thuộc quận Đống Đa.



Xưa kia chùa Bộc thuộc trại Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, còn có tên gọi là Thiên Phúc Tự hay Sùng Phúc Tự. Theo truyền thuyết, chùa Bộc được xây dựng từ rất lâu đời. Trong trận đánh quân Thanh tiêu diệt đồn Khương Thượng, chùa bị cháy, bị phá huỷ nặng nề. Sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã cho xây dựng, tôn tạo lại chùa. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, trong chùa có thờ tượng Đức Ông, có điều là tượng Đức Ông này còn có tượng hai tùy tùng ngồi bên dưới. Sau này, trong một lần quét dọn, chỉnh trang lại chùa người ta đã phát hiện ra dòng chữ ''Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng''  ở phía sau bệ tượng. Các nhà sử học đã xác định được Bính Ngọ là năm 1846. Người ta suy luận là để tránh nhà Nguyễn đang đàn áp khắp nơi diệt Tây Sơn, nhân dân đã bí mật đúc tượng vua Quang Trung đưa vào thờ với tên là tượng Đức Ông. Điều đáng chú ý của cụm tượng này là Vua Quang Trung với vẻ mặt nghiêm nghị, mình mặc hoàng bào, mang đai ngọc, mũ bình đính kiểu xung thiên, nhưng một chân đi hài, một chân để ra ngoài, cho thấy vua vừa trang nghiêm nhưng cũng ung dung, gần gũi với bên dưới. Còn hai vị đại thần Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở thì nghiêng mình như đang chờ lệnh, vua tôi rất gần gũi thân mật, đúng hình ảnh của một ông vua xuất thân từ nhân dân. Bảo tàng Tây Sơn ở Bình Định cũng đã phục chế một bộ tượng như vậy để thờ.







Sau chùa, có một cái ao đầy hoa súng, đó là dấu tích Hồ tắm tượng. Tương truyền trước đây hồ rộng bạt ngàn, khi nghĩa quân Tây Sơn hạ đồn Khương Thượng đã để cho đàn voi nằm, tắm ở đây. Từ đó hồ có tên là Hồ tắm tượng. Trải qua bao biến cố lịch sử, hồ giờ chỉ còn như một cái ao.



Đến chùa Bộc, gặp nguyên bản bộ tam tượng vua tôi Quang Trung, thấy di tích Hồ tắm tượng, lại là một cái duyên nữa với tôi.
Dù Hà Nội bây giờ đã dần trở thành quen thuộc, năm nào cũng nháng qua ít nhất 1 lầnđể đi đâu đó xa hơn, nhưng vẫn cứ thích lang thang nhìn nhìn ngó ngó. Ăn sáng có 2 buổi thì một buổi bát miến ngan bị nêm muối quá tay mặn ơi là mặn, vắt chanh vào chẳng cứu vãn được, thế mà nhìn qua bên đường lại thấy tấm bạt … cà phê Mắm (vì nằm trên phố Hàng Mắm), tự nhiên thấy mặn thêm, uống bao nhiêu là nước vẫn chưa vừa.



Nhưng sáng hôm sau trên vĩa hè Nguyễn Hữu Huân được bù lại đĩa bánh cuốn nóng tráng mỏng như lụa, mấy miếng chả quế xinh xinh, lá húng nhỏ thơm thơm.



Rồi cà phê Lâm lần nào ra cũng phải đến, vì ở đó thời gian như ngừng lại, lần nào bước vào cũng một cảnh y như thế, người ngồi uống cà phê với những cái bàn ghế thấp trông hệt bức tranh treo trên tường được vẽ từ mấy mươi năm trước.





Bước ra phố, sà xuống gánh hàng rong bán củ niễng, trám chua…





Ngó lên, những thúng hoa đằng sau xe đạp dập dềnh trước mặt.



Buổi chiều ở Hồ Tây, bên kia hồ là góc thành phố hiện đại với những cao ốc. Nhưng giữa lòng hồ mênh mông vẫn là những cái đăng bắt cá với chiếc ghe nhỏ.



Bên này hồ một cô bé ngồi đợi bạn, tay vẫn hý hoáy đan cái mũ len, tôi thích tưởng tượng ra xem ai sẽ nhận cái mũ len ấy: Bố, mẹ hay bạn trai?



Buổi chiều khác ở Hồ Gươm, đang canh Tháp Rùa qua những nhánh liễu rập rờn thì lại bỏ đi theo xem người ta chụp ảnh cưới.



Các cô dâu Hà Nội chụp ảnh cưới ở Hồ Gươm đều giống nhau áo dài trắng, quần lụa đen nền nã.



Nhìn yêu quá, vậy là đi theo chụp lén, có một cô dâu xinh như người mẫu.





Ngẫm nghĩ lại những ngày ít ỏi ra đây, có vẻ như thiên thời, địa lợi, nhân hòa… Vậy chắc là có duyên rồi!

Đọc tiếp ...

LÊN NÚI NGÀY MƯA PHÙN

Thời tiết phía Bắc là một cô tiểu thư đỏng đảnh, người miền Nam như tôi, mỗi lần ra Hà Nội lại cố nhớ xem lần trước đã đi tháng đó năm đó thời tiết là thế này thế nọ để mà khăn áo, nhưng không phải kinh nghiệm năm trước lần nào cũng đúng. Năm nay 4 bà O 60 (gọi U - under - 70 thì bảo già quá, thôi thì O - over - vậy) ra Hà Nội để đi Yên Tử, trong 4 bà thì tôi và chị Quế  là có… kinh nghiệm vì đã đi Yên Tử 1 lần vào cái năm xa lắc, năm 2005. Và Yên Tử tháng 11 trong trí nhớ của tôi đầy nắng, trời lạnh nhưng mặt trời chói chang, từ chân núi đầy đủ khăn áo, khi leo như bò lên những cái dốc dựng đứng, áo lạnh áo khoác dần dần bỏ lại dọc đuờng, dấu trong bụi, khi quay xuống sẽ lấy.



Tháng 11 năm nay vào lúc chúng tôi ra Bắc thì Hà Nội đang trong một đợt mưa phùn, trời cứ bãng lãng một màu khói, vậy là lên núi vào một ngày mưa bụi lay phay lúc mưa lúc tạnh, khác xa một Yên Tử đầy nắng 9 năm trước dù là cũng đi vào tháng 11.




(Ảnh chụp t.11/2005)

Năm 2005 tự thuê xe đi vì đoàn đông, nên khởi hành rất sớm, còn ghé được đền Trần Hưng Đạo, Côn Sơn Kiếp Bạc. Lần này  có 4 bà vì vậy đi với tour, và thế là có một kinh nghiệm mới, không nên đi theo tour vì rất mất thời gian cho việc chờ đợi ghép đoàn, sau khi vòng vòng quanh phố cổ Hà Nội đón lần lượt cho đủ 25 khách ở khắp các khách sạn, xe bắt đầu rời Hà Nội là 9 giờ sáng, đi một quảng đường hơn 130km để đến Uông Bí, xuống xe và số khách còn lại đi Hạ Long tiếp tục hành trình, nhóm này lên một xe khác vào đến chân núi Yên Tử (nếu khách đi lẻ 20 ngàn/người), đến nơi là 12 giờ trưa, vậy là… đi ăn cơm, chẳng còn bao nhiêu thời gian, các bà già sau đó leo núi mà cứ như giặc đang ở sau lưng, cứ lo không xuống kịp thì sẽ hụt xe đón, vì buổi chiều xe từ Hạ Long về sẽ ghé đón khách Yên Tử. Vì vậy nếu có từ 3,4 người cùng đi Yên Tử tốt nhất là thuê xe, sẽ chủ động được thời gian để thong thả vãn cảnh chùa, miễn sao đừng trễ giờ cáp treo dừng hoạt động là 16.30. Giá vé cả chặng lên xuống 2 trạm cáp treo là 280 ngàn.
Từ nơi bán vé đi cáp treo ở khu vực Nhà Trưng bày di tích Yên Tử đến nhà ga, đường  dài 600m,đi bằng xe điện 10 ngàn 1 người, lúc mới đến xe điện chưa ra nên túc tắc đi bộ.



Trời se lạnh đi bộ cũng rất thích, nhờ vậy nên có dịp ngó qua suối Giải Oan bây giờ đã cạn nước, chẳng còn dấu tích gì của con suối nơi các cung nữ nhà Trần trầm mình khi Phật hoàng không cho đi theo.



Yên Tử là một ngọn núi thuộc xã Thượng Yên Công (thị xã Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh) với độ cao 1.068m so với mực nước biển, do trên đỉnh núi thường có mây mù bao phủ nên trước đây Yên Tử từng được gọi là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng). Nếu đi bộ thì để lên đỉnh núi sẽ phải đi gần 6km qua những cánh rừng trúc, thông, tùng, mai, cảnh rừng núi ngoạn mục nhưng thật ra không hề dễ đi. Vì vậy đã có 2 tuyến cáp treo để lên đến đỉnh núi. Cáp 1 từ chân chùa Giải Oan lên gần đến chùa Hoa Yên với quảng đường 1km2 và độ cao gần 600m . Nhà ga cáp treo  được xây dựng với mái cong truyền thống nhìn rất ấm áp.







Bước ra khỏi ga nhìn chung quanh rừng núi phủ đầy mây mù.



Từ đây phải leo khoảng 500m bậc thang để lên chùa Hoa Yên. Năm 2005 khi chỉ mới có một cáp treo, đường lên chùa Hoa Yên là những bậc thang dốc đứng thế này, khi leo lên có khi bậc thang chạm gần ngực mình.



Bâygiờ có nhiều lối đi được xây dựng thêm và các dốc bậc thang đã đỡ thẳng đứng.



Nhưng vì vậy đường dài thêm, có người đã tỉ mẫn đếm đoạn từ nhà ga cáp treo đếnchùa Hoa Yên có khoảng 260 bậc đá có chiều cao mỗi bậc khoảng 20cm, cùng với những đoạn bậc cấp trải dài từ 5m-15m lúc lên dốc lúc xuống dốc.



Nhìn ra sườn núi cũng chỉ là sương mây mù mịt.



Đến vườn Tháp Huệ Quang đúng lúc một đám mây bay đến trắng xóa.



Nơi đây chỉ còn 64 ngọn tháp và mộ (trong số 97 ngọn tháp mộ của các nhà sư tu hành đã qua đời tại Yên Tử). Tháp Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ở chính giữa vườn tháp, xây từ  thời Trần, trùng tu vào thời Lê.



Lên chùa Hoa Yên, ngày xưa chùa có tên là Vân Yên. Lúc vua Trần còn tại thế, chùa Vân Yên là am thất nhỏ dựng sơ sài, lợp bằng lá cây rừng. Tại đây, Vua Trần thường mở các lớp giảng truyền yếu chỉ Thiền tông cho các đệ tử. Sau này khi vua Lê Thánh Tông đến thăm chùa, nhìn hoa sứ nở rộ quanh chùa cho đổi tên thành chùa Hoa Yên. Trước sân chùa vẫn còn cây đại cổ hơn 700 năm tuổi, gốc rễ to lớn, sần sùi, tán lá xum xuê, mùa này chỉ còn trơ cành, tìm lại ảnh 2005 để thấy gốc cây sứ cổ thụ.





Chùa có các tên gọi khác: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên, được tôn tạo lại vào cuối năm 2002, chất liệu bằng gỗ, lợp ngói mũi hài kép.





Gần đó là Chùa Một Mái nằm nép mình bên sườn núi cao. Nhưng lúc này lại một đám mây tràn đến bao phủ, lại tìm hình năm xưa ra minh họa.



Chùa Một Mái vốn là Am Li Trần. Vua Trần Nhân Tông thường sang đây đọc Sách, soạn Kinh. Các Kinh văn, Thư tịch của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử được biên soạn và tàng trữ ở đây, người sau lập chùa ở Am này, dân gian gọi là Bán Thiên Tự (Chùa bán mái) vì chùa tọa lạc giữa lưng chừng trời, nửa chùa phô ra bên ngoài trời, nửa còn lại ẩn sâu trong hang động và chỉ có một mái. Không gian trong chùa rất hẹp. Kiến trúc chùa được làm bằng gỗ, mái lợp ngói ta. Xung quanh là hệ thống ván bưng, có hai cửa sổ chấn song, được bố trí ở giữa để tạo độ thoáng cho không gian bên trong. Điều đặc biệt gian đầu tiên của chùa là một vòm đá, có một núm đá nước nhỏ tí tách suốt đêm ngày, đọng thành vũng nước trong mát gọi là "Giếng nước" không bao giờ cạn, nhưng cũng không bao giờ thừa. Nền chùa sạch khô không giọt nước thừa tràn.




(Ảnh chụp t.11/2005)

Từ chùa Hoa Yên có thể nhìn qua ga cáp treo 2 bên kia núi, nhưng mây trắng đã phủ kín ngọn núi, chỉ nhìn thấy cáp đang chạy ra từ nhà ga.



Nhìn thì vậy nhưng để đi đến ga 2 phải mất một quảng đường độ 500m, lối đi vẫn phải lúc lên lúc xuống. Bậc đá cái cao cái thấp, lúc dài lúc ngắn dựa theo thế thiên nhiên của triền núi. Nhìn chung quanh vẫn trắng xóa sương mây, vừa đi vừa thở dốc dù trời mát lạnh.





Ra khỏi ga… tiếp tục leo đường bộ, từ đây lên đỉnh còn 200m nữa, đường dốc cứ lẫn khuất trong sương. Chị Quế đến đây đành bỏ cuộc, bái vọng rồi quay xuống, một anh bộ đội trực nhà ga đưa chị xuống núi, những người còn lại tiếp tục đi.





Đi khoảng 50 m, gặp một khu đất rộng, nơi đặt tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tượng nặng trên 138 tấn,cao 12,6m, trời lại bắt đầu mưa, mù mịt, lễ Phật Hoàng xong, chụp ảnh tượng chỉ thấy mờ mờ trong sương.






(Ảnh trên Internet)

Lại tiếp tục đi trong mây, chốc chốc dừng lại nghỉ vì đã thở ra bằng tai chứ không chỉ bằng mũi với miệng, các bạn thanh niên đi trước suốt dọc đường cứ động viên sắp lên tới đỉnh rồi, phải chừng cả chục lần nghe như thế.





Còn 100m cuối nhưng thật sự bước không muốn nổi, cứ đi thì mồ hôi tuôn ra lại cởi áo khoác, đứng lại nghỉ một chút thì gió thổi lạnh lại mặc vào, tóc ướt, áo ướt vừa do mồ hôi vừa sương mây vừa mưa bụi. Lên gần chùa Đồng không còn bậc thang nữa mà là những tảng đá tròn xếp lần lượt lên nhau như lưng những con cá sấu, ngồi nghỉ lần cuối, rồi quẹo một khúc quanh.





Chùa Đồng đã hiện ra, thấy đã lên tới đỉnh núi tự nhiên hết cả mệt nhọc, tuy nhiên máy ảnh cùi bắp, thợ chụp dỏm, sương mây mù mịt, vì vậy không dám lùi xa để chụp, vì chẳng biết đâu là bờ vực, hình chụp ra chẳng thơ mộng gì cả, muợn một tấm ảnh trên Internet để mọi người thấy được cảnh bồng lai trên đỉnh Yên Tử.




(Ảnh trên Internet)



Chùa Thiên Trúc (chùa Đồng) trên đỉnh núi Yên Tử do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm cúng dường. Ngôi chùa nhỏ ở dạng một khối đồng hình chữ nhật, cao 1,35m, dài 1,4m, rộng 1,1m, qua thời gian đã hư hỏng nhiều. Năm 2005, UBND tỉnh và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã  xây dựng lại chùa Đồng hoàn toàn bằng chất liệu đồng với khoảng 70 tấn đồng, diện tích khoảng 20m2 ; chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m, mỗi viên ngói nặng khoảng 4 kg, 4 cột chùa, mỗi cột nặng 1 tấn. Trong Đại lễ khánh thành chùa Đồng ngày 30-01-2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục : Thiên Trúc Tự - ngôi chùa bằng đồng lớn nhất Việt Nam.



Đã đặt chân lên đến chùa Đồng, xem như hoàn thành tâm nguyện, sau khi bái Phật, đứng trên đỉnh núi mờ mịt sương mây, mở điện thoại nghe Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân, thật sự nổi gai ốc khi nghe… Mênh mênh mang mang



Chiều xuống dần phải gấp rút quay về, 1km5 đường bộ trở xuống cũng dài dằng dặc, đi xuống không phải thở như đi lên nhưng chân cứ phải dận xuống các bậc thang, bắp chuối rêm hết cả.



Muợn một ảnh trên Internet chụp từ chùa Vân Tiêu bên Tây Yên Tử nhìn qua đỉnh chùa Đồng để thấy con đường đã lên và xuống. Nam Mô A Di Đà Phật!


(Ảnh trên Internet)
Đọc tiếp ...