Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

TRỞ LẠI ĐÔNG BẮC

Tháng 9 mùa vàng trên những nẻo đường vùng cao phía Bắc, lời hẹn từ năm ngoái với cô bạn nhỏ đồng hành sau khi ở Mù Căng Chải về, năm nay sẽ đi Bắc Kạn-Cao Bằng. Với cô bạn nhỏ là để đánh dấu thêm những điểm đã đến sắp đầy kín trên bản đồ vùng cao Đông và Tây Bắc. Còn tôi và một bà bạn U 70 muốn đi lại cung đường này vì 2 lý do: - Năm 2005 đã đi nhưng chưa có kinh nghiệm, la cà hơi nhiều, nên khi chỉ còn 80km nữa là đến thác Bản Giốc mà đành phải quay về vì trong đoàn có người cần kịp giờ ra sân bay. - Lý do thứ hai: Tìm lại cảm giác với hạt dẽ Trùng Khánh, năm đó đi vừa chớm đông nhưng Cao Bằng đã rét cóng chân, vậy mà 10 giờ đêm vẫn tung chăn lội xuống chợ đón mẻ hạt dẽ vừa sấy xong, lột mũ len cho túi hạt dẽ vào chạy về khách sạn để vẫn còn nóng. Lục lại mấy tấm hình năm cũ để nhớ hồi đó mới ngoài 50, tự nhủ đi một chuyến Đông Bắc thế này biết bao giờ đi trở lại được nữa. Vậy mà đã được trở lại.


(Ảnh năm 2005 tại Lạng Sơn)


(Ảnh năm 2005 tại Cao Bằng)

Cô bạn nhỏ có công việc ở Hà Nội rồi ở lại để đi cùng, hai bà già đi chơi tiết kiệm với máy bay giá rẻ nên chuyến bay chọn mình chứ không phải mình chọn chuyến bay. Chị Quế ra trước từ ngày 19, lang thang Hà Nội và đi Tràng An-Bái Đính với Xuân Vy. Bà già tui sáng sớm 21 mới bay mà bay…Hải Phòng.



9.30 rời sân bay Cát Bi, ngoắc xe ôm ra bến xe Cầu Rào đi xe đò lên Hà Nội. 12 giờ trưa gặp 2 bạn đồng hành ở phố cổ rồi lên đường với một bạn thanh niên dẫn đường rất chuẩn: Trưởng phòng điều phối một công ty du lịch, lái xe đường đèo chắc như bắp vùng cao, rành rẽ các cung đường phía Bắc, năm nào cũng hẹn trước để bạn thu xếp một xe con và cùng đi.


(Ảnh Nguyễn Thanh Quế)

Ra Hà Nội lần này kịp thấy một điều, bác Thăng đã làm khá nhiều đường cao tốc nên…rắc rối quá, cả bọn hăm hở bóc tem cao tốc Hà Nội-Lào Cai, nghĩ là sẽ có đường rẽ sang cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, trả 40 ngàn phí trạm đầu tiên rồi mới biết... cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên nằm hoàn toàn hướng khác.



Vậy là đi được 50m phải rẽ xuống một đường nhỏ chui vào đường làng ở Sóc Sơn để ra QL 3 cũ đi Thái Nguyên, tự an ủi kiểu AQ là nhờ vậy mà còn ngắm được cảnh ruộng lúa vào mùa gặt hai bên đường.





Đến Phú Lương (Thái Nguyên), ghé Đền Đuổm, nơi thờ ông Dương Tự Minh, vị tướng tài của nhà Lý, người có công lớn trong việc giành lại phần đất đai rộng lớn từ tay giặc Tống và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía bắc Đại Việt. Ông còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, được nhà Lý phong sắc: "Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần". Các triều đại về sau đều có sắc phong ông là "Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần". Ngôi đền được xây dựng tại nơi tương truyền là nơi ông thác lúc về già.



Trước cửa đền là cánh đồng xanh bát ngát, dòng sông Cầu uốn khúc chảy qua.



Đến Bắc Kạn chiều xuống rồi, đi luôn đến Chợ Rã.



Ngủ lại một khách sạn có khuôn viên khá lớn nhưng vắng hoe, khách chạy xe thẳng vào trong và tự đi tìm nhân viên tiếp tân đang ở trong phòng xem…tivi. Không biết các bạn đồng hành thế nào nhưng bà già tui sau 2 giờ bay, 10 giờ ngồi xe, đặt lưng xuống là ngủ tít mù.

6 giờ sáng, ngó ra cửa, sương mù còn giăng giăng.



Lên đường sớm, đi ngang một chợ quê họp sớm, được ghé chợ 15 phút, nhận ra những phụ nữ Tày qua chiếc trán cao vì y phục bây giờ đều giống người Kinh.



Chợ quê vùng núi có những nét rất hay (sẽ kể 1 lần khác về chợ vùng cao), toàn những thứ trồng, nuôi ở nhà hay hái ở rừng, 2 bạn thanh niên mua 4 quả mướp non, khi ghé ăn trưa nhờ nhà hàng làm món mướp xào.


(Ảnh Xuân Vy)

Hồ Ba Bễ buổi sớm, nhìn lại ảnh năm 2005, cảnh cũ vẫn y vậy, hàng cây ven hồ 9 năm trước vẫn còn, chỉ khác là xum xuê hơn, hàng quán nhiều hơn, dạo đó ở đây vắng hoe.





Ghé ăn sáng, phở hay bánh cuốn của quán đều tự làm, bột gạo xay rồi tráng đến đâu bán đến đó, cuốn một ít nhân làm bánh cuốn, hoặc xắt ra làm bánh phở, bảo đảm không…hóa chất.



Xuống hồ, vẫn cảnh đẹp miên man.









Hồ Ba Bễ được UNESCO xếp vào danh sách một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ và phát triển. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi này xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Hồ dài hơn 8 km, chỗ rộng nhất khoảng 3 km, sâu khoảng 20 đến 30m. Ðoạn giữa hồ hơi eo lại.





Có hai đảo nhỏ nổi lên giữa hồ, một là đảo An Mạ, có một đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là "mồ yên mả đẹp", là nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc.



Hai là một gò có tên là Gò Gia Mãi (tên theo truyền thuyết là gò Bà Góa), như một viên ngọc xanh giữa hồ, phía trước có một dãy núi nhìn như gương mặt người nhìn nghiêng với chiếc mũi cao.



Tìm lại tấm ảnh chụp gò cách đây 9 năm và bây giờ thì thấy cây lá xum xuê hơn trước.





Nước và mây, thuyền cứ trôi.







Bản của đồng bào dân tộc Tày bên bờ sông Lèng cạnh hồ là bản Pắc Ngòi, nếu tối qua không quá trễ thì đã vào tận đây để ngủ cạnh hồ. Ở đây còn khá nhiều nhà sàn cổ, lợp ngói máng âm dương, người dân ở đây sống bằng nghề trồng lúa, ngô ở các bãi bồi ven sông và đánh bắt cá tôm trên hồ Ba Bễ.



Những con tôm, cá bé xíu cặp tre nướng ăn rất ngon.





Cơm lam nấu đúng kiểu, còn lớp màng vỏ nứa khi lột ra.



Đi qua một nhà sàn gặp cảnh vợ giã ngô, chồng nấu mèn mén.



Cảnh đẹp nhưng không ở lại lâu được, bỏ không đi thác Đầu Đẳng, động Puông, động Hua Mạ… vì nếu đi khắp lượt phải đến 5 tiếng đồng hồ, tranh thủ lên đường vì đang manh nha ý định ghé thêm một nơi mới, qua giới thiệu của một bạn blog khi vào FB sáng nay. Quay về Nà Phặc, qua đèo Gió, đèo Cao Bắc, đèo Khau Khoang, cảnh đường đèo Đông Bắc đẹp mê man.





(Ảnh Nguyễn Thanh Quế)

Làng quê vào mùa gặt, rất bình yên với những mãng màu rất đẹp, xe chạy vèo vèo, chụp ảnh cứ loang loáng qua, tay nghề kém nên bỏ gần hết, chỉ được vài tấm.







Đến Quảng Uyên, ngừng lại nghỉ uống nước, vào một quán cà phê, nhìn ra chủ quán là đồng hương miền Nam, thế là à ồ nói tiếng miền Nam ríu rít, cà phê, sinh tố, nước chanh đều rất ngon, đúng khẩu vị Sài Gòn, quán lại có wifi cực mạnh, 15 phút ngồi nghĩ ai nấy đều say sưa lướt mạng.



Chiều xuống, bỏ qua Cao Bằng đi cố đến Trùng Khánh.





Còn khoảng 20 km thì mặt trời bắt đầu khuất sau núi, lại một hoàng hôn tuyệt đẹp trên đường đi.



Chào Trùng Khánh!

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

NGẪU HỨNG BẮC SƠN

Thường sau những chuyến đi đến những vùng xa mình hay làm bà 8 cà kê chuyện đi chơi, để nhớ lại những ngày lang thang qua những vùng đất và con người hết sức thú vị, coi như ăn cơm nguội cho đỡ… tiếc vì những ngày được lãng du có cảm giác hết sức ngắn ngủi. Lần này lại kể chuyện ngày cuối trước vì Bắc Sơn là một ngẫu hứng của chuyến đi 4 ngày, kế hoạch từ 6 tháng trước dự kiến sẽ đi hồ Ba Bễ của Bắc Kạn, thác Bản Giốc, hang Cốc Bó của Cao Bằng. Lượt đi hướng Thái Nguyên, Bắc Kạn, lượt về là hướng Lạng Sơn, Bắc Giang, dọc đường đi sẽ la cà những nơi muốn ngừng trong thời gian cho phép. Trên đường đi, sang ngày thứ 2, chợt nhận được thông tin của một bạn blog về địa danh Bắc Sơn, với tấm hình quá đẹp trên Internet, tìm hiểu thêm thì thấy, trang web chuyên về du lịch When On Earth ca ngợi thung lũng Bắc Sơn của Việt Nam đẹp như một “thiên đường màu xanh lá cây trên trái đất” cùng những tấm ảnh tuyệt đẹp. Rồi một lời giới thiệu gây sốc trên Viral Nova: “27 khoảnh khắc ngạc nhiên nếu bạn… là chim”, 1 trong 27 nơi đó là thung lũng Bắc Sơn. Vậy là đổi hướng, đường về sẽ không đi trọn hướng Lạng Sơn mà rẽ ở Thất Khê để sang Bắc Sơn sau đó sẽ theo đường Thái Nguyên về Nội Bài.



Vì ngoài kế hoạch và là một điểm cũng chưa đuợc biết đến nhiều nên vừa đi vừa hỏi đường. Đến Thất Khê, sau khi dò bản đồ của bác Gu Gồ không ăn thua, phải 2 lần hỏi đường với người địa phương mới quẹo đúng chính xác hướng đi Bắc Sơn, đường đi len lỏi giữa những ngọn núi, từ Thất Khê đến Văn Mịch đường khá tốt, từ Văn Mịch đến Bình Gia có đoạn dằn sốc một chút nhưng trời khô ráo nên vẫn đi tốt, các bản làng dọc theo đường đi, những hàng rào đá, mái nhà người Tày màu năm tháng cũ kỹ thấp thoáng bên đường.





Tháng này là mùa gặt, tuy nhiên có nơi lúa vẫn còn xanh, có nơi vừa chín, có nơi đã gặt, nhìn như bảng pallet màu của họa sĩ.







Qua Bình Gia bắt đầu vào đèo Tam Canh, thung lũng Bắc Sơn hiện ra, chỉ mới trên đường đèo mà nhìn đã thấy mê mẫn, những bản người Tày, người Nùng, người Dao ở chân núi.









Vừa gần 12 giờ trưa, ghé ăn cơm và hỏi đường lên núi, mốc lên là trạm Viễn thông VNPT trên đỉnh núi. Dưới chân núi là một bản người Tày rất đẹp, đường làng tráng nhựa thẳng tắp, ruộng lúa vẫn còn xanh, người làng bảo phải 2 tuần nữa mới vào vụ gặt.





Hỏi đường lên núi, đó là một con đường với các bậc thang bằng đá gập ghềnh được làm để đưa cáp viễn thông lên đỉnh núi, có đường để leo nhưng leo thật không dễ, chị Quế đành ở lại dưới chân núi đi loanh quanh con đường làng, bà già tui may có 2 bạn trẻ đi kèm, chổ nào khó bạn thanh niên đỡ đần giúp.






(Ảnh Xuân Vy Nguyễn)

Thường là 2 bạn leo trước, bà già lụi cụi leo lên sau, lâu lâu lại nghe :“Được nửa đường rồi, nghỉ chút đi cô”, phải đến 4 lần nghe là đã đến nửa đường và ngồi nghỉ như vậy, mới thật sự là được giữa lưng chừng núi. Nhìn xuống đã thấy đẹp lắm rồi.





Dưới thung lũng là những ngôi nhà sàn người Tày giống nhau với màu ngói mới cũ cùng quay về hướng Đông Nam, những cánh đồng trước mặt.





Vừa leo vừa thở dốc, nhưng đã đi được nửa đường thì thôi rán thêm để còn về… khoe khoang. Đến lúc này thì các bạn trẻ bắt đầu đổi thành câu: “Sắp hết 2/3 đường rồi”, thở ra đàng tai, nhưng cứ ngoái lại nhìn thì đúng là càng lên cao nhìn càng đẹp, nên cứ bảo thôi cố lên, bạn thanh niên nhặt cho mấy tai quạt bằng mo lá tre, vừa che nắng vừa quạt khi leo.



Sau vài lần kêu lên đã 2/3 đường, cuối cùng cũng lên đến đỉnh, người địa phương có nói lên núi  mất 30 phút, nhưng nhóm này có bà già theo nên phải đến 45 phút, nhưng rất đáng công vất vả vì nhìn từ trên cao xuống quả thật tuyệt vời. Với 40% diện tích là núi đá và đồi núi, các dãy núi đá vôi trùng điệp ở Bắc Sơn đúng như sách cổ đã ghi là “Thiên Phong Vạn Lĩnh”, có nghĩa là dãy núi có hàng ngàn ngọn, hàng vạn đỉnh.


(Ảnh Xuân Vy Nguyễn)



Chụp bằng cái máy nhỏ của mình nên khung không rộng, không thấy được hết cảsự hùng vĩ, màu cũng không đẹp lắm, chụp thử bằng điện thoại, nhưng máy mình không quét được 180 độ nên cũng chỉ rộng hơn xíu thôi mà màu lại chán.



Vì cục xà bông của mình chụp chỉ đạt 1/3 cảnh đẹp của thiên nhiên, nên đưa thêm một  tấm ảnh chuyên nghiệp trên Internet cũng ngay góc núi này để mọi người thấy cảnh đẹp thế đấy.


(Ảnh chụp bằng cục xà bông nhỏ Canon)


(Ảnh xin trên Internet)

Và cũng tiếc là lúa vẫn chưa tới vụ chín nên các mảng màu chưa xuất hiện nhiều.



Nhưng với mình như vậy là quá tuyệt rồi. Chụp ké với bạn Xuân Vy Nguyễn, vậy là đã có cái mặt của mình trên đỉnh núi của Bắc Sơn.


(Ảnh Xuân Vy Nguyễn)

Leo xuống cũng vất vả vì thấy sao đường…dài quá và tự hỏi không hiểu làm sao mà mình leo lên được đến nơi, ngọn núi này chắc chỉ cao khoảng 400m-500m, vì núi thuộc cánh cung Bắc Sơn chỉ cao từ 500m-1.200m, ngọn Khau Pi Ao cao nhất ở Bắc Sơn là 1.107m, ngọn Pa Lép cao 503m…

Đã đi và đã đến Bắc Sơn! Tiếp tục đi đường 1B về đến Thái Nguyên, lên đường cao tốc Thái Nguyên về sân bay Nội Bài, bỏ lại mặt trời Hà Nội sau lưng.

Đọc tiếp ...