Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

BÊN SÔNG DRĂK BLA

Nếu như chị Quế bị giữ lại ở Kon Tum bởi một ánh trăng đêm trước và chổ ngồi uống cà phê sáng nay trong sân khách sạn nhìn ra một chiếc thuyền độc mộc bên những nhánh trúc lơ thơ.

 

Thì tôi khi bước ra cổng khách sạn nhìn chung quanh, có ngay cảm giác hôm qua mình đã quyết định đúng. Tối qua chẳng nhìn thấy gì hết, chỉ biết là nơi mình ở giữa một làng người Bahnar tên là Kon Klor, đã quyết định ở lại, sáng ra nhìn chung quanh thấy mình đang đứng tại một nơi là phố ở giữa làng, nơi mà văn hóa người Việt và người Bahnar đan xen, hiện đại và truyền thống lẫn vào nhau, tôi biết rất ít về dân tộc học, nên không cầu toàn, chỉ thấy là cái làng - phố này hay quá. Xen lẫn nhà tường người Kinh, là nhà sàn người Bahnar, có nhà sàn cầu thang bằng gỗ đúng kiểu, nhưng một nhà sàn khác thì cầu thang bằng…bê tông.





Đối diện nơi tôi ở là một khách sạn xây kiểu hiện đại rồi trên mái kết thêm vào một ít rơm.



Trên đường những phụ nữ Bahnar đi chợ sớm về, quần áo như người Kinh nhưng chiếc khăn quấn quanh người là khăn dệt tay truyền thống.



Theo ngôn ngữ Bahnar thì Konlàng, Tumhồ, với lời giải nghĩa tên gọi của một ngôi làng cổ gần một hồ nước lớn cạnh dòng sông Đăk Bla. Chỗ tôi ở bước ra 100m là đến sông Đăk Bla, nghĩa là tôi đang ở gần nơi hình thành Kon Tum từ xa xưa. Khi biết đi sâu vào thêm 5-7 km nữa là làng KonK'Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa được xem là làng cổ nhất trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay, tôi như lên mây, kiểu này đành xin khất Pleiku xinh đẹp một lần khác, ở lại với Kon Tum thôi.
Mặt trời vừa lên cả nhóm kéo nhau ra cầu treo Kon Klor.



Chỉ cách khách sạn khoảng 5 phút đi bộ, chiếc cầu treo công nghiệp to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, huyền thoại những dòng sông chảy ngược về Tây của đất Tây Nguyên, chảy từ Quảng Ngãi về đến thuỷ điện Yaly, nối thành phố Kon Tum với vùng kinh tế mới.







Cầu có chiều dài 292m, rộng 4,5m, xây dựng vào ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994.


(Ảnh tư liệu)

Chiếc cầu được đưa vào sử dụng thì cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng xuồng độc mộc đã từng bao năm qua lại đôi bờ.



Từ cầu treo nhìn ngược lại thấp thoáng nóc một nhà rông.



Có lẽ có duyên với Tây Nguyên, khách sạn Xanh nơi chúng tôi ở gần nhà rông Kon Klor, nhà rông lớn và đẹp nhất Tây Nguyên (từng bị cháy mất năm 2010, đã xây dựng lại sau đó 1 năm). Nhà rông Kon Klor được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết rất công phu và tỉ mỉ, có chiều dài mặt nền 17m, chiều rộng 6m và chiều cao của nóc là 22m. Toàn bộ phần trụ (14 cột gỗ tròn đường kính 5-60cm) và mặt sàn đều được làm bằng gỗ xoay - một loại gỗ quí hiếm với gần 80 m3, mái lợp bằng 3.000 tấm tranh (1 tấm tranh bằng 1m2) và hàng ngàn cây rui, tổng cộng hơn 3 ngàn ngày công.





Dông dài một chút, nhớ lại bài lúc còn đi học thì nhà rông là biểu tượng niềm tự hào đối với tộc người Bahnar vì ở đó hội tụ sức mạnh cộng đồng, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian. Điều rất đặc trưng của người dân Bahnar trong xây dựng nhà rông là họ luôn làm việc tập thể, công việc hết thảy phải chia đều dưới sự sắp xếp của già làng, tuy nhiên công việc lao động sản xuất của gia đình vẫn phải đảm bảo không bị ảnh hưởng, họ tập trung làm hai ngày thì một ngày nghỉ để lo việc nương rẫy. Việc làm khung, lên đòn tay, dàn giáo, rui, mè, lợp tranh, hầu hết là được buộc bằng dây mây mà rất  vững chắc, tôi cố tình tìm nhưng chẳng thấy một cái đinh nào.





Trở lại với buổi sáng hôm nay, bắt đầu một ngày rong ruỗi khác, ăn sáng cũng phở khô,nhìn cô bé con này ăn thì biết là món ngon thế nào.



Lên đường đi Măng Đen, cách KonTum 60km, tò mò vì muốn biết “Đà Lạt thứ 2”. Đi đuờng 24 dọc theo con sông Đăk Bla.



Có những đoạn đi ngang qua các làng Bahnar của xã Đăktơre, huyện Kon Rẫy, đường đẹp, cảnh đẹp nhưng xe chạy chậm vì là sáng Chủ nhật, trẻ em từ các nhà thờ đổ ra, đi bộ, hoặc đi xe đạp, chu choa, xe đạp đường dốc, có khi chở 3 mà bọn nhóc phóng veo veo. 







Cậu lái xe người Gia Lai sợ xanh mặt vì cứ phải thắng gấp tránh bọn nhỏ, chưa kể một cú hú hồn vì chiếc xe gắn máy chở hai chàng choai choai người dân tộc phóng một cái vèo ngay đoạn cua  gấp thiếu điều muốn va vào đầu xe hơi mình, mấy bà già vừa niệm Phật vừa trấn an lái xe “Đi từ từ thôi con, để ý nhường tụi nó nghe”.
Chuyển sang đường đèo, Măng Đen nằm giữa đèo Măng Đen và đèo Violăk, tên gọi xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn.



Đường khá dễ đi, chỉ quanh co uốn lượn chứ không có những dốc cùi chỏ như đường đèo Tây Bắc, Đông Bắc, các rẫy cà phê bạt ngàn trên đồi.



 

Con sông Đăk Bla đi vào núi đôi lúc nhìn xa như một sợi chỉ mỏng.



Những đoạn sông gần đường với những chiếc cầu treo vắt ngang qua, mình nhìn thấy cũng mừng cho đồng bào từ trong núi có chiếc cầu thông thương ra với bên ngoài.



Bắt đầu lên đỉnh Măng Đen với những rừng thông bạt ngàn, ngồi trong xe chụp ra hình xấu ơi là xấu, muợn một tấm hình của báo ảnhViệt Nam bỏ lên đây kẻo người Kon Plông buồn mình giới thiệu Măng Đen xấu quá.





Nằm ở độ cao 1.200m, nơi đây quả là “Đà Lạt thứ 2”, khí hậu ôn đới mát mẻ.





Ghé ăn trưa tại một quán mà sau khi hỏi chuyện hóa ra chủ quán đồng hương Sài Gòn, trên đường chính có một trạm nghỉ chân kiến trúc hơi giống chợ Sài Gòn.



Măng Đen đang bắt đầu khai thác du lịch, có vẻ có tiềm năng, nếu không người Sài Gòn đã không lặn lội lên đây. Bắt đầu rời khỏi con đuờng chính với vô số các biệt thự kiểu Pháp đã xây xong hay mới xong phần thô lẫn khuất giữa rừng thông.



Chỉ có 1 bản hướng dẫn ở đầu con đường quẹo vào rừng, mà sau đó có khá nhiều ngả rẽ, hỏi mãi rồi cũng đến được một cái hồ tuyệt đẹp (hình như là hồ Toong Đam).







Tiếp đến một cây cầu dây văng mới tinh, không hiểu sao lại gọi là cầu dây văng lệch nhịp, xuống dưới dạ cầu thấy còn ngổn ngang, cũng ngại ngại không dám đi qua vì không có một bản chỉ dẫn nào hết.





Lại quay ra đường chính hỏi đường vào thác Pasih, hóa ra phải đi qua cầu dây văng vào sâu bên trong vài km nữa, quay xe trở lại, không bỏ công, đi sâu vào rừng trời mát lạnh, nghe tiếng thác đổ, nhưng phải đi bộ xuống khá sâu, tuy nhiên có bậc thang bằng đá nên đi xuống cũng không khó lắm, thác Pasih hiện ra giữa rừng như một dãi lụa mềm tuyệt đẹp.







Đường điện đã dẫn vào đến chân thác, các nhà nghỉ chân trong rừng cũng đang được xây dựng, khu du lịch sinh thái đang hiện rõ nét.





Trên đường về chộp được một tấm ảnh hai cậu bé người dân tộc đang tắm với ống nước suối từ trên núi đổ về.



Cả một ngày đi bên cạnh dòng sông Đăk Bla, trở về phòng ở khách sạn Xanh, cũng có sông Đăk Bla trong tấm ảnh treo trên tường.



Như vậy những ngày ở Kon Tum, đi ra ngoài hay trở về phòng tôi đều ở bên cạnh sông Đăk Bla .


(Ảnh tư liệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét