Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

MỘT NGÀY CỦA MỘT NGƯỜI!

Buổi sáng


Thì vẫn là một buổi sáng, nhưng với chị hôm nay đặc biệt hơn, hôm nay chị bước vào tuổi mới. Mở Facebook, bạn blog chúc mừng sinh nhật dài dằng dặc, hoa bánh và lời chúc làm nhà FB của chị sáng rực. Sang nhà bên Multiply, những tấm thiệp dễ thương mừng sinh nhật bay đến. Chị mỉm cười.

Gần trưa

Đi nấu cơm và… hơi băn khoăn, “ông hàng xóm” từ sáng giờ vẫn điềm tĩnh xem báo rồi xem tivi… đợi ăn cơm, chị nghĩ thầm “sinh nhật ổng, ổng còn quên, huống chi…”. Nhưng còn con gái trên Sài Gòn, chắc hôm nay đầu tuần bận việc quá,chắc phải đến chiều mới gọi điện mừng sinh nhật mẹ, con trai bên Mỹ thì giờ này đang ngủ mà, chắc cũng phải đến tối bên này là buổi sáng bên đó, con trai sẽ gọi điện. Nhưng còn mấy bà bạn Văn Khoa, cùng hưu trí cả rồi, bận bịu gì mà trên blog cũng mất tăm, quên sinh nhật bạn hiền rồi à, hay là mấy hôm trước vì blog nguoivankhoa mừng sinh nhật sớm nên bạn bè đã chúc mừng ở đó rồi.
Nhưng nói gì thì nói đi nấu cơm trưa mà … không cười mím chi như hồi sáng được, vì thấy như một ngày bình thường, mà hôm nay đâu phải… một ngày bình thường.

Buổi trưa


Ông hàng xóm ăn cơm trưa xong, tình cờ buột miệng: “Chiều nay đi ăn nhà hàng hen, má nó” . Chị gật đầu và lại mỉm cười. Vừa quay đi lại nghe nói với theo: “Chiều nay mặc áo đẹp đẹp nghen”. Lại mỉm cười tiếp thôi.

Buổi chiều

Ở Bến Tre

Mới 4 giờ, ông hàng xóm đã kêu: “Thay đồ đi má nó”. Chèn ơi! Mới ăn cơm trưa xong, giờ này mà đi ăn nỗi gì, nhưng mà thôi, “người ta” đãi mà, giờ nào cũng được.
Ủa mà sao không dắt xe ra, ngó ra cửa, chiếc xe hơi vẫn thường hay thuê đi Sài Gòn tái khám đậu trước sân, cậu lái xe cười cười. Rồi, kiểu này con gái đang đợi trên Sài Gòn, hèn chi hôm trước có nói mẹ cho con xin số điện thoại anh lái xe vẫn hay đưa ba mẹ đi Sài Gòn. Ái chà, hai cha con tính làm tui bất ngờ hen, tui biết rồi, cười cười trong bụng nghĩ vậy.
Ở Sài Gòn

Con gái lăng xăng hổm rày, gọi điện cho mấy dì bạn của mẹ mà con biết số điện thoại qua cô học trò cưng của mẹ, mời mà nói: “Mẹ con không biết gì hết, dì đừng nói gì nghen”. Người được mời cũng im re, không dám hỏi ai hết, chỉ biết ngày đó, giờ đó, tới chỗ X. Rồi con gái đi chọn nhà hàng, sắp đặt trang trí cho có dòng chữ “CHÚC MỪNG SINH NHẬT MẸ”, ngắm nghía thực đơn chọn món ăn, lùng sục trên mạng tìm ra một nghệ nhân làm bánh, đặt một cái bánh mà biết mẹ sẽ hết sức ưng ý, đi chọn hoa…






17.30, con gái và cô học trò đã tíu tít sắp đặt ở nhà hàng, phòng ăn nhỏ, ấm cúng, nên không mời được nhiều, vài bạn Văn Khoa, vài bạn blog quen từ hồi ở 360, giờ chót có bạn không đi được vì nơi bạn ở mưa to quá mà lại khá xa, một bạn vài ngày trước bị tai nạn xe, còn thì đều đến trước giờ nhân vật chính lên tới Sài Gòn. Con gái thỉnh thoảng thông báo: “…tới quận X rồi, kẹt xe quá…, tới đường Y rồi, cũng còn kẹt xe…rồi rồi quẹo vô đường Z rồi, mấy dì chuẩn bị nghen, con xuống dưới đón..”. Trên này mấy bà bạn già cũng như con nít lo kiếm chỗ núp, nhân vật chính đi vô, cười cười ra cái điều: “Tui biết rồi, cha con tính tổ chức sum họp gia đình ngày sinh nhật tui nghen, có chị Ba nè, có mấy cháu nữa nè…”, qua khỏi cửa, ở đâu mấy bà bạn già ào ra, vỗ tay mà hát lạc tông hết…Happy birth day to you…
Miệng chị há ra rồi giữ nguyên vậy, không khép lại được, rồi chị ôm chầm bạn Văn Khoa với bạn blog. “Ông hàng xóm” đứng ngó chị ôm bạn miệng lắp bắp mà cười mãn nguyện, con gái vừa chộp hình vừa cười tươi rói, trông con gái in hệt chị 40 năm về trước ở trường Văn Khoa. Rồi cũng thời khắc đó, bên Mỹ chắc con trai cũng đang ngồi canh, gọi điện thoại về chúc mừng sinh nhật mẹ.

Tôi, một trong những người chứng kiến, mới nhìn như một tiệc sinh nhật bình thường,



 
 nhưng tôi nhìn nụ cười mãn nguyện của anh,



những giọt mồ hôi lấp lánh trên trán cô con gái đang lăng xăng không ngừng trong bữa tiệc, cô học trò rụt rè nhưng chu đáo chăm sóc mọi người, nhìn chị vừa cười vừa chu miệng run run thổi nến trên chiếc bánh sinh nhật đến mấy lần mới tắt hết, tôi biết chị vui và cảm động lắm.





Chúc mừng chị, hạnh phúc của người vợ, của người mẹ, thật viên mãn! Em mừng chị nghen!




Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

ĐƯỜNG VỀ: HÀ GIANG - TUYÊN QUANG - PHÚ THỌ - HÀ NỘI

Ngày thứ 4 trên đường về, đoạn đường về từ Mèo Vạc – Yên Minh – Hà Giang 150 km đường đèo, nếu tính cả lượt đi từ Hà Giang lên Lũng Cú, qua nhà Vương rồi về Mèo Vạc theo đường Mã Pì Lèng khoảng 280 km thì trong chuyến đi này chúng tôi đã đi trên 400 km toàn đường đèo.
Được ngày nắng đẹp, nhìn đường có thể thấy chúng tôi cứ bò loanh quanh từ ngọn núi này qua ngọn núi khác,
 







vừa thấy trèo lên một cung đường thì lát sau đoạn đường vừa đi qua đã nằm ở tầng dưới.





Không trở về đoạn Dốc 9 khoanh ở Mã Pì Lèng đã đi chiều hôm qua, nhưng đoạn đi qua Lũng Phìn, Sủng Trà, Sủng Trái, Sủng Máng thì dốc 4,5 khoanh cũng đầy, máy ảnh tôi chỉ chụp được độ rộng tối đa…3 khoanh dốc nằm gần nhau, đưa lên để mọi người hình dung thêm con dốc đến 9 khoanh thì nó như thế nào.



Một khoanh đèo hình chữ M ở Lũng Phìn.




Từ Mèo Vạc về Yên Minh đi qua những rừng thông trên núi, đường lẫn khuất quanh co.




Đến Quản Bạ nắng tốt vậy là nhìn được Cổng Trời (điểm vuông nhỏ trên đỉnh núi đối diện chính là Cổng trời QB)




và Núi Đôi.




Mặc dù biết bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao là viết về Núi Đôi ở Sóc Sơn (Hà Nội), nhưng nhìn Núi Đôi Quản Bạ vẫn cứ nhớ về một thời bi hùng đó…


Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ cỏ con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!



Đi từ 9.30 sáng trừ lúc ngừng ăn cơm ở Yên Minh, đến gần 6 giờ chiều mới về đến Hà Giang, lúc 5 giờ chiều đang đi trên đèo thì sau một khúc quanh bỗng xe khựng lại vì mặt trời hiện ra tròn xoe như một cái dĩa lớn, ôi những cung đèo Đông Bắc tiễn chúng tôi bằng một hoàng hôn tuyệt vời.




Đêm thứ 3 ngủ lại ở thành phố Hà Giang, nơi này khá trù phú, khách sạn như ở Hà Nội, chúng tôi đã về đồng bằng. Ngày thứ 4 từ Hà Giang về Tuyên Quang, ghé Tân Trào, vẫn khung cảnh bình lặng của một làng quê dân tộc Tày,



hồ nước lung linh trước đường lên lán Nà Lừa,



bóng dáng nền nã trong bộ áo người Tày của cô gái Tuyên Quang,



tôi xin phép ngồi nghỉ trong đình Tân Trào lợp lá cọ mát rợi, nhớ lại thời kỳ làng quê nhỏ xíu yên ắng này lại chính là nơi đưa đất nước vượt qua cái thế mành chuông treo sợi tóc.



Chỉ có một điều là không muốn đưa hình cây đa Tân Trào đang được trồng lại, so với hình cây đa thưở xưa mà tôi đã chụp năm 2005 thì đúng là trải một cuộc bể dâu, nhìn buồn quá.

Đi tiếp về Phú Thọ - Việt Trì, đền Hùng được sửa sang nhiều, khang trang hơn, nhưng cũng vì thế mà ít nhiều mất nét rêu phong, đi 255 bậc thang lên đến đền Hạ, thắp nhang khấn Tổ mẫu Âu Cơ,



đi tiếp 268 bậc thang đến đền Trung, thắp nhang ở Hùng vương Tổ Miếu và nhớ nơi đây là nơi Lang Liêu được truyền ngôi trong sự tích Bánh dày, bánh chưng,




tiếp 102 bậc nữa lên đền Thượng nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, tôi và Quý An cũng khấn tạ ơn các vị tổ tông đã phò hộ đi đến nơi về đến chốn,



từ Đền Thượng nhìn xuống các mái đền rêu phong bên dưới nhớ nơi này còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân, sự tích Thánh Gióng là đây. Cả một lịch sử thời dựng nước hào hùng và lãng mạn ở nơi này.


Về đến Hà Nội, chia tay quyến luyến 2 bạn trẻ đã rất nhiệt tình trong chuyến đi, 4 ngày đi qua thật nhanh. Một giấc ngủ vùi thật sâu sau hơn 1.000 km đường xa.

Sáng hôm sau có một ngày dự phòng nên rảnh rỗi, cũng còn thấm mệt sau chuyến đi nên bàn với nhau tiêu khiển bằng việc gì đó nhẹ nhàng, vậy là đi bộ từ phố cổ ra Long Biên, leo lên xe bus đi Bát Tràng, đến đó Quý An tập vuốt gốm, tôi nhìn cô và các cô SV Hà Nội chơi đất sét như trẻ con chơi đồ hàng,



dĩ nhiên là không thể nào làm thành được sản phẩm, chơi chán nhờ người ta làm ra món đồ gốm theo yêu cầu, cho vào lò sấy độ một tiếng,



thời gian đó đi dạo chợ Gốm Bát Tràng, nơi đây trên trời dưới đất là gốm, từ gốm hiện đại màu sắc rực rỡ đến gốm men rạn giả cổ mà nhìn vào cái bát điếu cũ kỹ cứ ngỡ đâu có từ trăm năm nay.


Quay trở về lấy sản phẩm đã sấy ra, ngồi tô màu như trẻ con,




cái bình hoa theo ý mình sơn vẽ đã hoàn thành, chắc chẳng đẹp gì so với sản phẩm chính hiệu làng gốm, nhưng quý lắm, Quý An cứ khư khư trên tay suốt đường về vì sợ vỡ.



Một buổi thư giãn, cầm được sản phẩm đã sấy, đã phủ bóng sau khi sơn chỉ phải trả 30 ngàn, thương làng gốm quá.


Hôm sau đến trưa tôi mới về lại Sài Gòn, vậy là lại ra hồ Gươm sáng sớm, hôm ấy là 10/10, ngày giải phóng thủ đô, bóng màu bay trên tháp Rùa,




quanh hồ đầy người đi tập thể dục sáng sớm, ở góc vắng thấy một người nước ngoài ngồi đọc sách, cô người yêu nằm ngủ gác đầu lên người anh, thật lãng mạn, rón rén ra phía sau chụp lén một tấm hình.



Mùa thu Hà Nội mới bắt đầu, chưa có cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nhưng biết lúc nào tôi có dịp lại gặp Hà Nội mùa thu nên chụp một tấm ảnh trong cái hơi se lạnh đầu mùa.




Buổi trưa ngủ gà gật trên chuyến bay, gần đến Sài Gòn giật mình thức dậy, nhìn xuống thành phố bên dưới, nhớ đến chuyến đi vừa qua như một giấc mơ, nhớ đến một buổi chiều ngồi trên một cung đèo nhìn xuống thung lũng các bản người H’Mông bên dưới,




lúc đó tự nhiên nghĩ đến câu nói ông bà xưa “Nhìn lên mình chẳng bằng ai, đến khi ngó xuống chẳng ai bằng mình”. Biết là mình hạnh phúc!


Cám ơn 3 bạn trẻ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong chuyến đi này!
Đọc tiếp ...

MÈO VẠC: Chợ phiên và ruộng bậc thang

Tối ngày thứ 2 chúng tôi ngủ lại Mèo Vạc, thị trấn nhỏ nhưng trù phú hơn Đồng Văn, tại khách sạn gặp lại đoàn các bạn phượt Hà Nội. Sáng sớm hôm sau đã thấy các bạn chuẩn bị lên xe, luợn chợ phiên một tí rồi về Hà Nội, 470 km, hôm nay CN, về để sáng thứ hai đi làm, thấy sức trẻ mà ham. Quý An và tôi cũng dậy sớm hăm hở đi chợ. Khi hành trình bắt đầu đi vào cao nguyên Đồng Văn, trên dọc các cung đường đèo thỉnh thoảng có những bản người dân tộc sống ven đường. Trên đường bắt gặp một cô người H’Mông đi hái cải Mèo,



hoặc hình ảnh mẹ cài cửa để rời nhà đưa con đi học nhìn như khung cảnh trong phim Truyện của Pao,



nhưng cuộc sống vùng cao này không phải chỉ là chuyện phim ảnh, thỉnh thoảng gặp trên đường đèo một người đàn ông mải miết đi với một cái chảo to sau lưng,



phụ nữ và trẻ em cũng phải mang vác những gùi củi vượt đầu đi bộ trên đường đèo.




Nhẹ nhàng nhất là cuốc vườn sau hàng rào đá.



Đây là vùng dệt lanh, mà sợi lanh phải được nối dài và tuốt đều vì liên quan đến công đoạn dệt sau này nên ở đây thường hay gặp ở bất cứ đâu hình ảnh người phụ nữ H’Mông, bước đi miệt mài với vòng lanh ngang lưng và cuộn lanh trên tay. Vừa đi vừa tước, vừa nối, cứ thoắn thoắt không ngừng.


(Ảnh tư liệu)


Sau đó mắc vào khung quay để xoắn lại thành từng cuộn.





Cuộc sống hàng ngày bình lặng và khó khăn như vậy nên mỗi ngày CN, niềm vui là đi chợ phiên, để mua bán, để gặp gỡ chuyện trò…thị trấn nào cũng có chợ phiên ngày CN.

Chúng tôi ở lại Mèo Vạc nửa buổi sáng để đi chợ. Thị trấn nhỏ này nằm giữa thung lũng, khu dân cư người Kinh xen lẫn với các bản người dân tộc, ngày CN trên các nẻo đường rất đông người dân tộc từ các bản đổ ra đi chợ. Mặc dù y phục người H’Mông Trắng ở đây không rực rỡ như người H’Mông Hoa ở chợ Bắc Hà, nhưng chợ phiên Mèo Vạc cũng rất đông người và mang một nét hồn nhiên mộc mạc của một phiên chợ vùng cao. Từ sáng sớm, những người Mông, Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô… lại tụ họp về phiên chợ. Phụ nữ trong những bộ váy truyền thống nhiều màu sắc, tay cầm ô, lưng gùi quẩy tấu, đàn ông thì mang gà, cắp lợn, dắt trâu bò, dắt dê xuống chợ.




Chợ họp từ ngoài đường,




lối vào chợ chen chúc người lên kẻ xuống,



trong chợ thật náo nhiệt người mua kẻ bán, y phục ngày chợ phiên đều rất đẹp và cũng rất khác nhau, tôi được hướng dẫn có thể căn cứ vào trang phục để đoán biết. Ví dụ, người Giáy thích mặc váy áo sặc sỡ, khăn đội đầu thường là xanh lục, người HMông Trắng lại chuộng màu đen có viền đỏ, trong khi người HMông Hoa thích khoác lên mình nhiều màu sáng, rực rỡ, còn người Dao thì đặc trưng là những tua màu xanh được buộc lên tóc hay khăn đội đầu… nhưng hoa cả mắt tôi thật không biết phân biệt các dân tộc trong chợ này,





có cả người Hoa từ biên giới sang bán hàng, mặc y phục lấp lánh kim sa,



chộp lén được một cô bé thật xinh đang mắc cỡ.


Chợ cũng là nơi dạo chơi của các chàng trai, các cô gái.




Trêu các cô gái là đặc quyền của các chàng trai trong chợ phiên, cô nhỏ Quý An cũng vào tầm ngắm, bị trêu bằng tiếng Kinh rất sõi: "Em ơi, em là người dân tộc nào thế?" ... " Em đi chợ lần đầu tiên ấy à?" ... "Ngồi xuống đây uống một chén rượu em ơi."... Về sau phát hiện ra chỉ vì Quý An… mặc váy, cô hướng dẫn viên cũng nói: “Ở đây chỉ có người dân tộc mặc váy, chắc họ tưởng chị từ… biên giới sang”.

 


Nhưng dù như thế, Quý An nhà ta say chợ cứ len lỏi suốt.



Nhìn chổ này mua áo cho con,



chổ kia những người đàn ông đếm tiền trong một vụ mua bán bò,




chổ nọ bán những chiếc que để se lanh,



bán chổi,



cả một dãy ngồi bán bánh moọc,

 
còn chợ bán món ăn thì khói mù,



đàn ông ngồi uống rượu khắp chợ,





cứ thế tôi cũng như Quý An cứ say mê lang thang đi chợ, và cũng mua đủ thứ: xôi, ổi thơm, hạt dẽ…


Mãi cho đến khi cậu Long phải gọi về để đi tiếp, đường còn xa…


Ngày thứ 3 của chuyến đi trời hửng nắng, ruộng bậc thang hiện ra thật đẹp mà ngày đi sương núi mù mịt đã giấu kín, nói vậy chứ dù đã 11 giờ trưa, nắng óng ánh trên đường đèo, nhưng các ngọn núi vẫn mờ mờ sương, máy ảnh của tôi đứng từ núi bên này không thể chụp rõ ruộng bậc thang ở ngọn núi mờ sương bên kia được, chỉ minh họa được 50% cảnh đẹp mê hồn của những thung lũng ruộng bậc thang lúa chín vàng.










Nắng vàng mùa thu buổi chiều, nhờ vậy mới nhìn được hàng chữ Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn mà lúc đi đã bị chìm trong sương mù,



và cũng nhờ trời đẹp nên mới nhìn rõ và biết mình đã đi trên những đoạn đường đèo như thế nào…


 


Đọc tiếp ...