Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

...GỢI NHỚ APSARA...

Thật vui khi được anh Võ Quê tặng cho một bài thơ sau khi anh đọc chuyện GM đi chơi ở Siemrep. Bài thơ rất dễ thương, gợi nhớ đến dáng vẻ huyền ảo của 1.700 cô vũ nữ Apsara trên những ngôi đền Angkor. Vì không biết tên bài thơ nên GM xin phép cho một cái tựa như trên để đưa bài thơ lên đây khoe với mọi người món quà của anh Võ Quê. Cám ơn anh hí!

Photobucket

 

Áp-sa-ra nụ cười của em
Điệu múa tài hoa bay vào đất nước
Ngàn sao khuya long lanh mắt biếc
Áp-sa-ra đôi bàn tay gọi trăng
.
Áp-sa-ra huyền thoại vĩnh hằng
Hồn thánh thiện trắng màu hoa sáng tạo
Nguồn rung cảm hiện thân em kỳ ảo
Cung đàn ngân âm hưởng thiên thần
.
Khát vọng tình dâng biển sữa thanh xuân
Thấm vào đá đá mềm theo vũ khúc
Áp-sa-ra sáng trưng miền Đâu Suất
Hương trầm thơm hồng trái tim thiêng
.
Áp-sa-ra cổ tích uyên nguyên
Trường ca về niềm đam mê nghệ thuật
Với sức sống diệu kỳ nguyệt nhật
Cây không-lan ôm thạch nhũ bóng ngời
.
Áp-sa-ra hóa thân cõi người
Em tạc vào đêm ngọn nguồn hạnh phúc
Em tạc lên ngày ánh dương trước ngực
Em tạc giữa nhân gian sắc nước hương trời
 

Photobucket

(Siemrep 2004)

 

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG: CAMPUCHIA II - Thật ra cuộc đời là... cõi thật!

Photobucket
Tựa bài thoạt nghe chẳng ăn nhập gì đến một chuyến đi, nhưng đó là một trải nghiệm thú vị trong lần thứ hai tôi đến Angkor. Tôi có một cô học trò cũ bây giờ đang dạy ở Đại học, cô ấy có hướng dẫn 2 sinh viên người Campuchia làm luận văn Cao học về văn hóa Khmer cổ gì đó, và thầy trò họ sẽ có một chuyến điền dã 3 ngày ở Angkor, trong khi chẳng có tour du lịch nào tổ chức ở lại Angkor đến 3 ngày, nên tôi hăm hở tháp tùng nhóm này.  Lần này đi với người bản xứ nên tôi biết thêm ở Angkor vé tham quan 1 ngày là 20 USD, 3 ngày 40 USD, 6 ngày  chỉ còn 60 USD, và giá vé này là  với du khách nước ngoài, người Campuchia vào tham quan bất cứ đâu ở Angkor đều không phải mua vé, một điểm son cho ngành du lịch Campuchia.
Vì đi theo nhóm nghiên cứu nên thoạt đầu tôi cũng mang theo  đầy đủ giấy bút, và nửa ngày đầu tiên tôi cũng ghi ghi chép, nhưng rồi tôi nhận ra rằng thầy trò kia thì họ cần đo đạc chiều cao, chiều ngang của từng linga vì ở mỗi ngôi đền các linga đều khác nhau, hoặc họ cần tìm hiểu mỗi dáng vẽ của các cô vũ nữ Apsara nói lên điều gì vì có 1.700 cô vũ nữ Apsara ở Ang kor thì có 1.700 vẻ mặt, tư thế và động thái không hề trùng lặp, và v.v… trong khi tôi là dân ngoại đạo với bộ môn Dân tộc học mà sao tôi cũng lại phải vất vả ghi chép thế nhỉ, tôi đi chơi cơ mà. Vậy là dẹp hết giấy bút, tôi chỉ dùng trực quan sinh động là nhìn và… sờ. Có lẽ nhiều du khách cũng như tôi nên có vài phù điêu ngực các cô vũ nữ Apsara… nhẵn bóng.
Photobucket
Lần này ngoài những ngôi đền lớn nơi khách du lịch thường xuyên đến, tôi còn được lang thang đến các ngôi đền nhỏ, vắng vẽ, u tịch, ít người lui tới, đến những nơi này tôi nhớ đến Mỹ Sơn của Việt Nam, cũng hoang phế, đổ nát nhưng toát lên vẻ kiêu hãnh của một loại hình kiến trúc mà ngàn năm sau vẫn đánh thức sự tò mò muốn tìm hiểu của loài người.
Photobucket
Photobucket
Trong chuyến đi này tôi thú vị khi được so sánh đền Ta Keo với  đền Bateay Serie. Đền Ta Keo với 3 ngọn tháp trên cao được xây dựng đầu thế kỷ XI, nhưng công trình dang dỡ nửa chừng sau cái chết của vua Jayavaman V, ngôi đền đã xây cất xong nhưng không có ai chạm khắc, các tảng đá vẫn nguyên vẻ thô mộc, vì vậy ngôi đền này có một vẻ dáng đặc biệt vững chãi và đẹp đơn giản như một người đàn ông.
Photobucket
Trong khi Bateay Serie là một ngôi đền bằng đá thạch anh đỏ và đá ong đỏm đáng với những nét chạm khắc hoa văn trên đá thật tinh xảo và lộng lẫy, mang dáng dấp uyển chuyển mềm mại của người phụ nữ, ngôi đền này cũng được xây vào năm 967, đã ngàn năm qua nhưng các bức phù điêu vẫn còn sắc nét như vừa mới hoàn thành.
Photobucket
Photobucket
Một ngôi đền khác dù là phế tích vì đổ nát khá nhiều nhưng lại nổi tiếng do đã đưa Campuchia đến gần với thế giới hơn qua bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ của đạo diễn Tomb Raider: đền Ta Prohm. Ngôi đền mà sự cộng sinh ở đây đã giúp tồn tại với sức mạnh của thời gian,  những cây cổ thụ với bộ rễ khổng lồ ngoằn ngoèo bò dọc theo các bức tường đá, xuyên thủng các mái vòm, trùm lên các ngọn tháp, nhưng cũng chính nhờ những bộ rễ này mà các bức tường đá vẫn còn đứng vững. Ngôi đền này có rất nhiều hành lang, trong đó có một hành lang được thiết kế như thế nào đó mà đi bên trong, nếu ta đập nhẹ tay lên ngực sẽ nghe được tiếng vọng vang về qua những bức tường.
Photobucket
Nhưng điều hài lòng nhất trong chuyến đi này là tôi đã nhìn được mặt trời lặn ở ngay đường chân trời khi leo lên đồi Bakheng. Lần trước tôi cũng đã leo được lên đây, kinh đô đầu tiên của đế chế Khmer chỉ còn lại vài bức tường đổ nát, nhưng buổi xế chiều khi mọi người đổ về đây nhìn mặt trời lặn, nơi này như tháp Babel, có đủ mọi màu da, mọi thứ tiếng.
Photobucket
Photobucket
Lần đầu tôi lên và ngồi đợi như bao người khác, sau đó… trời chuyển mưa, mây đen kéo tới, chẳng còn mặt trời, lại còn phải chạy xuống núi thật nhanh để tránh cơn mưa. Lần này tôi đi vào cuối năm nên không lo trời mưa, và sau khi mất 30 phút lên được đến tháp Babel tôi mới nhận ra là đã… bỏ lại máy ảnh trong túi xách để trên xe. Nhưng dù sao thì cuối cùng tôi vẫn được nhìn thấy mặt trời lặn ở đường chân trời và trước những giây phút mặt trời biến mất, tôi có được một tấm hình mặt trời trên lòng bàn tay. Cô học trò cũ chụp cho tôi và rửa ra một tấm hình gởi tặng, cô có gởi cho tôi một file những tấm hình trên núi Bakheng nhưng tôi lại làm thất lạc mất, nên đành chụp lại từ tấm hình đã có.
Photobucket
Và điều trải nghiệm thú vị đã xảy ra với tôi ở Angkor Wat. Ngôi đền mà dù đến Angkor bao nhiêu lần thì cũng vẫn phải trở lại để tham quan vì nó rộng lớn quá, chẳng thể nào đi hết được trong một lần. Đây là ngôi đền duy nhất ở Angkor có lối vào chính ở hướng Tây, hướng mặt trời lặn, vì vậy bình minh trên Angkor Wat là một cảnh rất đẹp với 5 ngọn tháp đen hùng vĩ trong ánh rạng của mặt trời. Angkor Wat hay được gọi là “Thành phố đền” là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Angkor và là biểu tượng của nước Campuchia.
Photobucket
Chúng tôi có hẳn 1 ngày ở Angkor Wat, thật  ra 1 ngày ở ngôi đền có chiều ngang 215m, chiều sâu 187m và chiều cao 65m, với khu đền chính gồm 398 gian phòng, mà  tầng 1 với các dãy hành lang dọc ngang dài hun hút cả 4 phía với các phù điêu trên tường thuật lại những cuộc chiến tranh và những sự tích trong sử thi Ấn Độ-Ramanaya… thì với nhóm nghiên cứu mà tôi đi theo họ đã phải làm việc rất khẩn trương. Còn tôi thì lại có 1 ngày nhẩn nha ở đây, tôi đã có thời gian xem hết các bích họa trên các hành lang, những hình khắc trên đá sinh động đến mức tôi có cảm giác như có thể nghe tiếng hò reo xung trận của hàng vạn quân lính của vua Suryavaman II ở hành lang phía Nam, kế là bức phù điêu với 37 cảnh trên thiên đàng và 32 hình phạt dưới địa ngục, tôi đã tới cái tuổi chẳng còn thời gian sống tốt hơn để được lên thiên đàng nên cả thiên đàng lẫn địa ngục tôi không quan tâm lắm. Hành lang phía Đông, phía Bắc và phía Tây là kể  lại những sự tích trong sử thi Ấn Độ - Ramayana, mà bức phù điêu của phía Tây là tráng lệ và hoàn hảo nhất. Thật tình tôi không hiểu hết về nội dung các bức phù điêu, một phần cũng vì hành lang rất tối, chụp hình cũng chẳng thấy rõ được, nhưng vì cả buổi sáng tôi nhẩn nha soi đèn pin để nhìn các bích họa này, nên hình như tôi cũng đắm chìm vào cái không khí huyền hoặc của ngôi đền. Buổi chiều khi leo những bậc đá cổ dựng đứng để lên tầng tháp thờ Phật và thần linh, theo người Campuchia thì đây là nơi thần linh tiếp xúc với con người.
Photobucket
Các hành lang cổ xưa này tôi đã đi qua lần trước rồi và bỗng dưng tôi có ý nghĩ, nếu tôi ngồi yên ở một góc hành lang, nhắm mắt lại- và thật sự mong muốn- không biết tôi có thể hình dung ra được cảnh tượng ở đây hơn 800 năm trước không? Thật ra tôi cũng thấm mệt, đó là một cớ để tôi có thể ngồi yên một mình.
Photobucket
Tôi ngồi một lúc, hình như tôi buồn ngủ, có lẽ vậy. Và tôi bỗng nghe rầm rập bước chân đi phía dưới sân đền, tôi bước ra nhìn xuống  và chao ôi, tôi thấy một cảnh giống hệt như tôi đã từng nhìn thấy ở một trong những bích họa trên tường.
Photobucket

Và tôi bỗng sợ, thật sự là tôi sợ, tôi nghĩ là tôi đã bước qua cánh cổng thời gian của ngôi đền này và tôi đã trở ngược về 850 năm trước, trong tiềm thức tôi vẫn còn nghĩ được có lẽ tôi nằm mơ, nhưng tôi vẫn hoảng sợ, tôi sợ tôi sẽ không còn trở về được… với thế kỷ XXI nữa. Nên tôi hết sức cố gắng… để mở mắt ra, tôi thấy mình vẫn ngồi trên hành lang vắng lặng, vừa rồi tôi đã ngủ và đã mơ. Nhưng nói thật là tôi có mừng, mừng vì tôi vẫn còn thấy thấp thoáng đàng xa nhóm thầy trò Dân tộc học, nghĩa là tôi vẫn đang ở thế kỷ này, tôi đang đi du lịch và rồi tôi sẽ trở về nhà.
Ngồi trên xe về khách sạn, tôi ngẫm nghĩ thấy mình cũng hơi… hèn, tôi cũng đã từng nghêu ngao “Cứ nghĩ trần gian  là cõi thật. Thế cho nên tất bật đến bây giờ”. Tôi khi tuyệt vọng cũng đã từng nghĩ: Cõi tạm này có phải rời bỏ cũng chẳng lưu luyến gì. Vậy mà hôm đó tôi đã mừng biết bao nhiêu khi thấy tôi được trở lại với cuộc đời này. Từ đây về sau tôi đã có một trải nghiệm để nhận ra: Thật ra cuộc đời này là cõi thật!
Đọc tiếp ...