Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG - CAMPUCHIA I: Nụ cười Bayon

Tặng Gió Heo May
   
Photobucket

Chuyến đi này đã lâu rồi, cách đây khoảng muơi năm, khi tóc tôi chỉ mới chớm bạc và chân tôi còn khỏe, tôi đã đi theo một nhóm bạn trẻ du lịch bụi Campuchia, ký ức mạnh mẽ về đất nước có một quần thể kiến trúc tuyệt vời hơn 100 ngôi đền bằng đá vẫn nằm trong tôi. Lúc đó chưa có  blog, và đến bây giờ tôi mới viết blog. Khi tôi nhìn nụ cười của một cô bạn trên blog của cô, người phụ nữ mà những cơn gió lớn cuộc đời làm oằn vai cô, nhưng nụ cười của cô vẫn làm mềm lòng người nhìn. Cô làm tôi nhớ đến chuyến đi này…
Một chuyến đi tập họp những người có thể nói tàm tạm tiếng Campuchia, tiếng Pháp, tiếng Anh và giỏi nhất … tiếng Việt, túi nhẹ tiền mà lại thích du lịch, thời điểm đó Campuchia là thích hợp nhất, trừ tiền visa là 25 USD/người khi qua biên giới và vé vào cổng Angkor 20 USD/người/ngày, còn thì các chi phí khác gần giống như chúng tôi đang sống một ngày bình thường ở Việt Nam, và chúng tôi đã đi ngẫu hứng, không giống như chương trình tour Campuchia của các công ty du lịch.  Vậy lại hóa hay, có thể ngừng lại bất cứ nơi nào thích, để có thể hiểu Campuchia nhiều hơn một tour du lịch có chương trình, nhưng cũng có điều dở, vì lang thang nhiều ngày ở các nơi, nên chỉ có một ngày với Angkor, đến đó mới biết 1 ngày là không đủ, tôi đã tiếc đến nổi vài năm sau nữa tôi quay lại Angkor và ở đó 3 ngày, vẫn chưa phải là nhiều nhưng ít nhất cũng đủ để tôi không phải tiếc nữa.

* Thoáng qua đất nước và con người Campuchia

          Đầu tiên khi bước qua khỏi khu vực hải quan mang kiến trúc đặc thù Campuchia, xe đi qua các làng mạc thì tôi lại thấy như đang ở Việt Nam, cảnh làng quê giống hệt Sóc Trăng, Hà Tiên…, nhưng khi đến bến phà đầu tiên, nhìn những chiếc xe chở người Campuchia  đi ngược chiều tôi sửng sốt…

Photobucket
  
Thoạt tiên tôi nghĩ do xe ít mà nhu cầu người đi quá đông, nhưng  sau này thấy có những chuyến xe ít người ngồi bên dưới mà vẫn có người ngồi vắt vẻo trên nóc xe, hỏi ra mới biết, thứ nhất giá tiền ngồi trên nóc xe rẻ hơn ngồi trong xe và thứ hai theo như chính người ngồi trên nóc xe nói là ngồi trên đó… mát hơn!

          Làng mạc, con người, hoa sen… thoạt nhìn cũng tương tự Việt Nam, thật ra rất…  Campuchia

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Bóng dáng những chiếc áo vàng ở đường lên một ngọn núi mà người Campuchia cho rằng có dấu chân của Phật nhắc tôi nhớ Campuchia hiện tại là nơi mà đạo Phật như quốc giáo.

Photobucket

Nhưng điều làm thú vị là khi ghé ngang con sông Ngàn Linga với vô số linga nằm dưới lòng sông cho thấy từ xa xưa đất nước này lại mang dấu ấn đạo Hindu.
 Photobucket

Ở con thác nhỏ đầu dòng sông này, những người Campuchia đến tắm dưới dòng chảy của con thác hiền vì họ tin rằng khi ngồi tắm ở đó và khấn nguyện thì sẽ được như ý. Tôi nghĩ khi người ta có niềm tin chắc là sẽ thấy hạnh phúc.

Nhưng điều choáng ngợp nhất chuyến đi lần đầu đến Campuchia vẫn là Angkor.

Photobucket

Khi tôi tận mắt nhìn thấy những ngôi đền ở Angkor thì cứ như bị đấm một cái vào ngực, tôi nghĩ nhà thám hiểm người Pháp Hessi Mouhot năm 1860 khi lần đầu tiên vạch những bụi cây trong một góc rừng già và thấy Angkor hiện ra trước mắt chắc cũng có cảm giác như vậy. Sao lại có một nền văn minh rực rỡ đến thế của con người lại bị ngủ vùi trong rừng rậm, và tôi thật tiếc, chỉ có một ngày ở Angkor, chúng tôi đã tiêu phí những ngày ít ỏi của chuyến du lịch tại nhiều nơi trên đất nước Campuchia, nên dừng chân ở Angkor có  một ngày, chỉ 3 ngôi đền Angror Thom, Angror Wat và Ta Prohm cùng đỉnh núi Bakheng đã ngốn hết  một ngày. Ở ngôi đền nào cũng vậy, bước qua cổng như bước qua cánh cửa thời gian, bỏ lại sau lưng thế giới của thế kỷ hiện đại, trở lại với thời gian của gần 1.000 năm trước.

* Nụ cười Bayon:

Angkor Thom có nghĩa là Thành phố vĩ đại, kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor, sau khi vua Jayavarman VII dành lại được thủ đô từ tay người Champa, đã xây dựng từ cuối thế kỷ  XII theo phong cách Phật giáo (khác với Angkor Wat được xây dựng theo sử thi Ramayana của Ấn Độ). Có đến 5 cổng thành có tường cao hào sâu chung quanh thành phố cổ xưa này, chúng tôi đi như mọi người vào cổng phía Nam, đó là một đại lộ mênh mông với hai bên là công viên cây xanh cao vút có những bầy khỉ rất dạn dĩ, hai bên đường là hai hàng tượng đá – thiện ở bên trái, ác ở bên phải –108 nhân vật thần thoại nắm giữ thân rắn thần Naga trên đầu gối và đứng canh gác cho cổng thành. Nơi bắt đầu con đường, tượng Naga tỏa thành 9 đầu xòe hình nan quạt, thân rắn cùng đoàn tượng đá kéo dài hơn 200m đến gopuras (cổng vào). Đỉnh của mỗi gopuras là 4 khuôn mặt khổng lồ tạc vào đá với đôi mắt khép hờ nhìn ra 4 hướng.

Photobucket

Bước qua cổng chỉ có những phương tiện không có động cơ mới được phép đi lại trong kinh đô cổ có chu vi 12 km này. Tấm ảnh tôi chụp trước cổng cho thấy sự nhộn nhịp ngày nay với lượng khá đông du khách ở đây.
 Photobucket

Tôi tìm được trên mạng tấm ảnh minh họa đúng với tên tôi muốn gọi: Cánh cổng thời gian.

 Photobucket

Bước qua cổng thời gian, phế đô hiện ra sừng sững mà điêu tàn, tôi ngậm ngùi khi liên tưởng đến nơi đây đã từng được xây dựng như hình ảnh của một tiểu vũ trụ mà mỗi con đường dài dẫn tới mỗi goguras là hình ảnh cầu vồng nối liền thế giới của thần thánh và con người. Đi sâu vào bên trong, đền Bayon hiện ra, tôi đứng đó và ngơ ngẩn, những gương mặt khổng lồ hiền lành mà bí ẩn vây chung quanh, con người trở nên nhỏ xíu trước sức nặng của ngàn năm lịch sử đổ xuống.
Photobucket 
Photobucket
  
Tôi như lạc trong mê cung của  54 ngọn tháp tượng 4 mặt thần Lokesvara (còn gọi là thần  Avalokitesvara) tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng. Hãy hình dung  bạn lạc vào một điện thờ hình tròn với 12 gian tỏa chung quanh, và nối với vô số những ngọn tháp nhỏ, mỗi tháp có 4 gương mặt với nụ cười Bayon nổi tiếng, tưởng chừng như giống nhau nhưng đó là 216 gương mặt với 216 nụ cười khác nhau, mỗi gương mặt là một nét riêng, nhưng đều rất thông tuệ, luôn gắn với một nụ cười thật lặng lẽ, hiền lành và đầy bí ẩn, có một điều gì đó mơ hồ ẩn sâu bên trong.

Photobucket

Photobucket

  Tôi nghĩ ở độ cao trên 25m đó các vị thần đã phải nhìn những thăng trầm của đất nước Campuchia 800 năm qua, các nụ cười bằng đá u uẩn trước một nền văn minh rực rỡ bỗng chốc biến mất mà cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải thích, tìm lại trong lịch sử chỉ thấy các cuộc chiến tranh ở Campuchia từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX chưa đủ tàn khốc để xóa sạch một nền văn minh, không thấy dấu tích một trận dịch bệnh lớn để tiêu diệt hết những nghệ nhân  đã làm nên một kinh đô bằng đá nhưng rất lãng mạn, không hề thấy sự nặng nề của đá. Dường như bí mật lịch sử nằm trong các nụ cười Bayon.

Photobucket

Tôi chụp một tấm hình đứng gần các vị thần, nụ cười của tôi nhạt lắm vì nỗi đau cuộc đời tôi như hạt cát so với nỗi đau của một kinh đô bị quên lãng trong rừng già. Tôi sẽ trở lại Angkor một lần nữa vì các ngôi đền bị lãng quên này.
Photobucket

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

CHỈ CÓ TÌNH YÊU...THÌ CHƯA ĐỦ

Photobucket

 

Đó là chuyện với mảnh vườn nhỏ của tôi, tôi yêu nó và sự thật là nó đã trở nên khốn khổ khi về sống với tôi, một người có thâm niên trồng hoa… trong chậu, khách hàng thân thiết của cô đẩy xe bán chậu kiểng đi ngang nhà, vì thường xuyên mua cây mới! Vậy mà tôi rất tự tin khi cho rằng với kinh nghiệm nhiều năm trên rẻo đất chút xíu trước sân nhà tôi sẽ trở thành người làm vườn khi có cơ may nào đó. Và rồi tóc có vài sợi bạc, tôi sợ già, một người bạn khuyên nghĩ đến cái gì tích cực hơn đi, kẻo… già thật đấy, thế là tôi lại mơ mộng (18 tuổi mơ mộng, 28 tuổi cuộc đời vật lên vật xuống hết mộng mơ, 38 tuổi lại mơ trở lại), cũng bắt chước người khác tôi có một ước mơ hết sức… thời thượng: mơ có một mảnh vườn. Rồi tôi làm việc cật lực để bỏ ống heo, cũng may lúc đó tôi có một việc cần phải quên, tôi cày như điên.. để không phải nhớ. Thế đấy, nỗi thất vọng này có khi lại bắt đầu cho một hy vọng khác. Ngày rộng tháng dài, tóc tôi đã nhiều sợi bạc hơn, không cần phải sợ thì cũng đã già thật rồi, và tình cờ một cơ duyên tôi đã có một ngôi nhà vườn, mà lại là vườn trên Đà Lạt. Bởi vậy, yêu lắm! Ngôi nhà và mảnh vườn nằm trên lưng chừng một ngọn đồi, nên phải qua một con dốc đứt hơi để đi vào, bù lại tôi có riêng cả mấy ngọn đồi và 2 dãy núi xa xa để nhìn từ phía trước nhà. Vườn nằm thoai thoải theo triền đồi, từ một kẻ không có miếng đất cắm dùi, nay là chủ vườn, sướng không chịu được, tôi mê mẫn ngôi nhà vườn của tôi, và trở thành kẻ phụ tình với  Sài Gòn, tôi chẳng còn để ý gì đến Sài Gòn nữa. Gia đình thỉnh thoảng lên đó để nghỉ ngơi, bạn bè lên đó để ngao du sơn thủy, còn tôi lúc nào có cơ hội là tôi chạy lên để… lau nhà và nhổ cỏ vườn. Gia đình xem tôi là lão hà tiện Harpagon của Molière, nhưng vì chẳng còn đồng tiền vàng nào trong tráp để mở ra ngắm nghía, lau chùi, nên tháng tháng chạy lên Đà Lạt để lau chùi, dọn dẹp nhà cửa vườn tược vậy.

Nói như vậy để thấy tình yêu của tôi với mảnh vườn là lớn lắm, nhưng tôi không nhận ra là từ khi về sống với tôi, mảnh vườn trở nên khốn khổ. Tôi chăm sóc nâng niu lắm, tôi khen cây mít khi nó ra nhiều quả, tôi hát cho cây dâu tằm nghe khi tôi hái trái, tôi so sánh trái cà phê chín đỏ sáng lấp lánh như mặt trời nhỏ trong vườn, tôi mừng như trẻ con được kẹo khi hoa tường vi, hoa magarit, hoa hồng, hoa cúc trắng, hoa cô ban tím, hoa cosmot vàng, hoa bướm… bắt đầu nở bên góc nhà, rồi tôi trồng được một cây mimosa mà tán lá của nó đẹp nhất trong xóm, tôi có một cây mai anh đào cuối vườn nở rất đẹp, mùa xuân năm đó, người Đà Lạt còn phải khen. Lúc nào cũng thấy tôi lẩn khuất đâu đó ngoài vườn nhổ cỏ (ôi dào, cỏ mọc cả tháng, tôi lên nhổ cỏ được vài ba ngày, vào mùa mưa vườn lúc nào cũng đầy cỏ dại), nhưng làm vườn không chỉ là nhổ cỏ, tôi cứ tưởng như vậy là tôi đã yêu lắm rồi, chăm sóc nhiều lắm rồi. Tôi không hề biết đến mùa mưa đất trong vườn tôi khóc vì… đau.

Mùa mưa

Đà Lạt mùa mưa có những ngày nhà tôi đẹp lắm, đó là khi buổi sáng nắng tốt, xế trưa trời mưa, đến chiều và cho đến sáng hôm sau, thung lũng trước nhà tôi đầy sương mù, mảnh vườn huyền hoặc trong sương, bạn bè lên nhằm những ngày này, tròn xoe mắt: “Như Sapa... á”, nghe thích vô cùng, vì vậy mùa mưa năm đầu tiên tôi chỉ nhìn lên trời. Và những con dốc Đà Lạt, những con dốc rất hiền hòa, thơ mộng với dã quỳ mùa thu, for get me not mùa hè, mai anh đào mùa xuân, và phượng tím cuối mùa đông, nhưng khi trời mưa thì những con dốc lại dữ dội vô cùng, nước cuồn cuộn như thác. Nhà tôi nằm trên lưng đồi, chung quanh toàn những con dốc, khi mới về hàng xóm bảo mùa mưa nhớ khơi đường thoát nước, tôi vâng dạ, đầu mùa mưa mượn người đào lại mương thoát nước rộng rãi đàng hoàng, mùa mưa đến, khi có trời mưa tôi chỉ ngó lên trời, mơ mộng với những cơn mưa, năm đó nhiều cơn bão rớt ghé qua Đà Lạt, mưa như không còn nước trên trời, mỗi tháng lên vài ngày tôi cũng chỉ nhìn trời không nhìn đất, không biết rằng đến giữa mùa mưa con mương thoát nước bên hông vườn đã đầy những cây gãy, những lá, những rác và đủ  thứ bà rằng từ các con dốc chung quanh đổ về, mương trở nên đầy nghẹt, nước chảy tràn qua vườn, xói đất đau buốt (trời mưa, nước từ dốc chảy xuống vườn như cái thác Datanla nhỏ), tôi không hề biết chuyện đó. Gần cuối mùa mưa, tôi đang ở Sài Gòn, hàng xóm gọi điện: “Cô ơi, vườn nhà cô bị lở đất rồi, cô lên mau đi, không thôi hết mùa mưa, đất vườn nhà cô còn… phân nửa”. Cha mẹ ơi, từ nhỏ tới lớn tôi chỉ biết nông dân bị mất đất bởi cường hào ác bá, tôi đâu biết đất cũng có thể bị mất do… ông trời. Chạy lên, xót xa nhìn, vườn sụp hẳn một góc cuối vườn, màu đất đỏ như bị thương, hỏi: “Rồi bây giờ làm sao?” Hàng xóm bảo “Phải xây taluy chận lại, mới giữ được đất”.

Xây taluy – nói nghe nhẹ như không, đến chừng làm… nặng như đá, đó là một bức tường tạo bởi những viên đá xanh nặng 5,7kg, với một cái chân bê tông để giữ cho chắc chắn bức tường đá nặng trịch đó, chỉ với một mảnh taluy dài 12m, cao 4m (đâu làm nổi hết quanh vườn) mà con heo đất còm cõi trông thấy (tôi lại nuôi heo cho một ước mơ khác), taluy xây xong nhưng chắc là đất còn đau lắm, cây hồng dòn cuối vườn dần chết khô, cũng may những bụi chè xanh vẫn còn gượng được và lại xanh tốt. Mùa mưa 2 năm sau đó, mọi việc bình yên, lúc này tôi vẫn nhìn trời nhưng đã biết nhìn thêm xuống đất, tôi thật chẳng muốn nước làm bị thương mảnh vườn của tôi nữa, nhưng nhìn trời nhìn đất, còn phải nhìn sang chung quanh, mà tôi lơ đãng lắm, nhà hàng xóm xây lại nhà, càng tốt, nhà người ta đẹp, mình bên cạnh cũng… thơm lây, nhưng tôi không biết (lại không biết), đất đào nền được đổ ra vườn, và đất vườn nhà hàng xóm cao hơn bên vườn nhà tôi, trời mưa, nước chảy chỗ thấp, một góc vườn bên trái nhà tôi dần thành cái thác nhỏ mà tôi không hay. Lại một lần giữa mùa mưa hàng xóm gọi, lần này bi kịch hơn, cây mai anh đào của tôi, một cây mai anh đào rất đẹp, đã theo đất lở rơi xuống vườn thấp hơn của nhà bên dưới, lần này thì tiếc ngẩn tiếc ngơ, bởi vì theo tôi đó là cây mai anh đào…đẹp nhất ???

  Lại làm taluy, và cũng chỉ được ở một góc vườn nữa thôi, con heo đất chẳng còn nữa, một giấc mơ khác vậy là xa vời vợi nữa rồi. Nhưng bây giờ ước mơ đó với tôi không quan trọng nữa  mà vấn đề là sự vô tình của tôi lại cứ làm đau đất. Sự bất quá tam, tôi mong sẽ chẳng có lần thứ 3 nữa.


Photobucket

Mùa nắng

Đến mùa nắng đất đau cách khác, khô ran vì thiếu nước, một tháng tôi lên năm ba ngày, những ngày đó vườn được tắm mát, nhưng 25 ngày còn lại trong tháng, tội nghiệp cho cây trong vườn, từ tháng 11 đến tháng 3, Đà Lạt nắng vàng mật ong buổi sáng nhưng đến trưa nắng chói chang chẳng kém Sài Gòn, cây lá trong vườn héo rũ, đợi đến đêm sương xuống, uống sương cầm hơi, đến sáng sớm cả vườn tươi tắn trở lại, đến trưa lại héo rũ, chờ đến tối uống sương, cứ như vậy vật vã cả một mùa khô, nhưng dù khốn khổ đến vậy, mảnh vườn của tôi vẫn cần mẫn làm tròn nhiệm vụ của nó, dây su su với các đọt non xanh muớt sống lây lất mùa khô, khi mưa đến đong đưa trái như những cái chuông màu xanh, bí rợ cho quả vàng ươm,  bọn trẻ con trong nhà đếm các trái mít trên cây so sánh năm này với năm khác nhiều hay ít hơn, cô em dâu canh lúc nào dâu tằm chín rộ để lên hái về làm mứt, ngâm rượu, cậu em trai thì sau khi uống cà phê nhà trồng tự rang tự xay đâm ra không uống cà phê ngoài phố được nữa, còn những bông hoa trong vườn nhà tôi rất cố gắng để nở hoa: magarit trắng, tường vi hồng, thiên lý cam, cosmot vàng, loa kèn dại trắng muốt … cho hoa  quanh năm,  thỉnh thoảng những cây forget me not xuất hiện yếu ớt trong góc vườn, có lẽ gió đưa hạt bay đến, rồi mùa xuân hoa mai anh đào, hoa bướm, mùa hè mimosa, mùa thu dã quỳ, mùa đông cô ban tím… những bông hoa tội nghiệp, ít ỏi, cánh mỏng, màu nhạt, mong manh hơn đồng loại ở những vườn hoa khác, chỉ vì chúng nó sống với tôi, một người thành phố đi làm vườn.


Photobucket

 

Có vẽ ngôi vườn của tôi cần tình yêu một người làm vườn thực thụ, với tình yêu của người thành phố làm vườn thì nó khốn khổ quá.Thế mới biết, chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ, ta sẽ làm đau người mình yêu mà không biết, vậy nên, đừng vì thiếu biểu biết… mà bị mất… người yêu!!!
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN; NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

Sáng nay, 5 giờ  bước ra đường đi bộ tập thể dục buổi sáng như thường lệ, đi ngang trường Bùi Thị Xuân, ôi chao, nhớ ra hôm nay thi Đại học, giờ này đã có sĩ tử ngồi trước cổng trường rồi, hai cô bé, ngồi ôn bài dưới ánh vàng của đèn đường, ngừng lại hỏi: Con ơi, còn sớm quá mà, hay là đi về nhà bác nghỉ chút đi, nhà bác gần đây thôi. Hai cô nhỏ cười bẽn lẽn: Tụi con ngồi chờ chút là trời sáng mà. Chưa kịp nói thêm thì có bóng mũ cối đi tới: Ăn bánh mì nghe 2 đứa, giờ này còn sớm quá, chưa có bán gì nhiều. Đứng lại hỏi thăm, ông bố mặt đầy vết nhăn cực nhọc của ngày tháng, nhưng giọng thì như hân hoan: Cha con từ Đắc Lắc xuống, ở nhà người quen bên Phú Lâm, lo đi sớm tại sợ lạc đường thì cũng còn thì giờ đi kiếm đường, với lại lát nữa đông lắm, sợ kẹt xe, con nhỏ này là con, con nhỏ này là cháu, con thằng em. Nói rồi quay ra lăng xăng, đưa 2 ổ bánh mì, đi kiếm chai nước trong giỏ xe, tháo cái nón cối ra quạt quạt cho con, trời sáng sớm còn mát mà quạt nỗi gì. Tôi chúc cha con bác cháu hôm nay thắng lợi rồi bước đi mà lòng nao nao khi nhớ tới cái mũ cối quạt quạt bên 2 mái đầu đang cúi xuống cuốn tập để xem bài. Cha mẹ nào đưa con đi thi cũng biết cái cảnh đứng trước cửa trường đợi con, mình ở tại Sài Gòn, quen nước quen cái, con mình còn được ngủ thêm chút xíu, sĩ tử ở xa như 2 cô bé này, thương quá.

Đường Sài Gòn sáng sớm nay đã rộn ràng từ rất lâu, bóng áo trắng đi thi nhộn nhịp trong cái mờ mờ nhập nhoạng của sáng sớm. Đi bộ ngang chổ bán hủ tíu mì lề đường, cố tình đi chậm để nghe tiếng của một ông bố khác: Cho một tô hủ tíu mì… ừ… một tô thôi. Không muốn đoán già đoán non, nhưng không hiểu sao tôi lại cứ muốn tưởng tượng ra, từ xa lặn lội đưa con lên Sài Gòn đi thi, cái xứ này gạo châu củi quế, tiết kiệm từng đồng, nhưng sáng nay con thi môn đầu tiên, rán mua cho con tô hủ tíu ăn sáng lấy sức làm bài. Đi tới một khúc quẹo khác là chỗ bán cơm tấm bình dân, thấy một chị ngồi ngó thằng con trai cao hơn mình cả hai tấc đang cắm cúi ăn dĩa cơm sườn, tôi nghĩ chị ngó nó ăn chắc cũng thấy no rồi.

Cái sự học của nước mình hay dở thế nào thôi đừng bàn tới ở đây, chỉ muốn nói nhìn cảnh cha mẹ đưa con đi thi sáng nay tôi thấy câu ca xưa thật thấm thía: Công cha như núi Thái sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Các con sĩ tử ơi, rán làm bài cho tốt, nhìn cảnh cha mẹ các con đứng trước cổng trường, thiệt tình tôi nao nao trong dạ.
Đọc tiếp ...