Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

SÀI GÒN... SƯƠNG MÙ

Sáng nay Sài Gòn có sương mù, mà tôi lại… ở Lái Thiêu. Ngày hôm qua nhìn thấy nắng suốt buổi sáng, đến xế trưa. trời mưa lớn tôi biết thế nào cũng có sương mù, sáng nay nhìn những ngọn dừa mờ ảo trong Tịnh An Viên, tôi vừa đi bộ trên con đường nhỏ đầy sương mờ mịt trong xóm, vừa gọi điện cho một người bạn mà tôi biết giờ này đang đi bộ trong Tao Đàn, bạn trả lời:  “Ừ, sáng nay sương mù nhiều lắm, ra đây đi,  nhìn sương cho đỡ nhớ Đà Lạt”. Ừm… nhưng bây giờ thì tôi đang nhớ Sài Gòn, tôi tiếc quá, những buổi sáng sương mù hiếm hoi này, Sài Gòn như mềm ra, dễ lay động trái tim bạc tình của tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mù sương thế này thuở xưa, áo dài trắng huyền ảo trên con đường đầy lá sao vàng rụng xuống đất, các cậu học trò áo trắng, phù hiệu đạp xe lãng đãng phía sau, tôi nhớ Phạm Thiên Thư, nhớ Phạm Duy, nhớ Thái Thanh… “Anh theo Ngọ  về…, đường mưa nho nhỏ…”.

Người ta nhìn Sài Gòn Bằng nhiều cách khác nhau, người lạc quan nhìn Sài Gòn bằng con mắt hãnh diện, thành phố này hiện đại và năng động nhất nước, nhìn Sài Gòn từ trên cao trông từa tựa một thành phố hiện đại ở nước ngoài. Người bi quan nhìn Sài Gòn với những khu nhà ổ chuột, những người sống ở vỉa hè, những nơi bán cơm trắng vì có những người sống ở Sài Gòn ăn cơm trưa bằng 2 ngàn đồng cơm trắng với 3 ngàn rau muống xào. Tôi đã qua thời lạc quan, tôi cũng đi qua thời bi quan, tôi bây giờ với tài khoản thời gian không biết còn bao nhiêu, tôi nhìn Sài Gòn cho tôi.

Và buổi sáng mù sương này, tôi tiếc quá, tôi không biết làm thơ, tôi nhìn mọi việc khá là thô thiển. Việc này có thể ví như, hàng ngày tôi đã quen với sự cáu kỉnh thường xuyên của bà vợ của mình, cuối ngày về nhà chỉ có con Ki ra mừng tôi, bà vợ không thấy bóng đâu chỉ nghe giọng: “ Coi chừng, bỏ cả vớ ra, nhà mới lau…”, “Nhè nhẹ thôi, cu Bi mới dỗ ngủ xong…”. Hoặc có một buổi chiều đi dự tiệc, bà vợ của tôi bỗng hóa thành một bà hoàng với váy viếc lượt là, vòng vàng nhẫn xuyến sáng rực trên người, nước hoa thơm phức, dắt cái xe cũ kỷ ra mới thấy không xứng với vợ, đành tốn tiền đi tắc xi vậy. Nhưng cũng có một ngày cuối tuần vợ đi chợ mua được mớ cá đối sông tươi roi rói, nho nhỏ như những chiếc lá ánh bạc, về nhà cặm cụi cho vô nồi áp xuất kho cho mềm cả xương ra, rồi lại lấy ra cho vào cái ơ kho quẹt, hái một mớ rau sống trồng thủy canh trên  lan can lầu, nhìn bữa cơm có cả mùi ngai ngái của con sông, của đất ruộng… Vậy mà tôi phải thay đồ đi ăn… cơm khách. Tiếc quá bạn ơi!

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

NỢ...MỘT LỜI XIN LỖI SÀI GÒN

Sài Gòn trời mưa, ào ào, mãnh liệt như giận dữ nhưng chỉ một lát rồi thôi, mưa ngưng, nắng lại chan hòa như chưa từng có mưa đi qua. Một buổi chiều như vậy, tôi trú mưa trong một hiên nhà và nhìn ra đường, tôi chợt nhận ra tôi chưa hề nhìn kỹ Sài Gòn. Tôi, kẻ mà cuống nhau được cắt tại một nhà bảo sanh ở Quận 4 Sài Gòn, tôi đã được nuôi lớn ở đây, tôi đã học, đã yêu, đã làm việc, đã nghỉ hưu tại Sài Gòn này. Vậy mà dường như chưa bao giờ tôi nhìn kỹ Sài Gòn, lúc nào ra đường cũng khẩu trang che kín mặt, vội vội vàng vàng, đến nơi làm việc, đi dạy, đi chợ, vào quán cà phê, đi shopping…, lúc nào cũng than thở: Sài Gòn nóng quá, bụi quá, ngột ngạt quá… Thỉnh thoảng tôi lại vác balô đi du lịch, đến nơi nào cũng khen đẹp quá, thơ mộng quá, yên tĩnh quá…, rồi tôi trở lại sống ở Sài Gòn, cơm áo gạo tiền tôi kiếm được từ  Sài Gòn, nhưng chưa bao giờ nhận lại được của tôi một lời khen, ngoại trừ hiếm hoi khi ở tuổi 18 tôi mê những con đường lá me bay của Sài Gòn,vậy thôi. Đến khi đọc một đoản văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tôi nhận ra mình là kẻ bội bạc đó. Tôi đã sống cả đời ở đây, nhưng lúc nào cũng mong ngóng về một nơi khác, tôi ăn cơm, uống nước của Sài Gòn, tôi làm ra tiền ở Sài Gòn, một đời sống ở Sài Gòn tôi đã dành dụm được để mua một căn nhà ở… Đà Lạt, và từ đó tôi càng bội bạc dữ, tôi sống ở Đà Lạt trung bình 5 ngày trong 1 tháng, 25 ngày còn lại tôi sống ở Sài Gòn, nhưng lúc nào cũng mong ngóng đến ngày chạy lên Đà Lạt, ở đây tôi làm vườn, nhổ cỏ, tưới cây, trồng hoa, hái dâu tằm, hái cà phê… và tôi đã từng hài lòng tự nhủ là cứ khi nào lên đến Đà Lạt tôi quên hẳn Sài Gòn tất bật. Đọc Nguyễn Ngọc Tư, tôi ngộ ra tôi là kẻ bạc tình, Sài Gòn như người vợ cũ xưa, nhẫn nhịn cơm bưng nước rót cho tôi, ngày nào tôi cũng về ăn cơm uống nước, nhưng tâm tưởng thì mơ về nơi khác. Vậy mà Sài Gòn vẫn cưu mang tôi, không giận dỗi, mưa rồi lại nắng, Sài Gòn chẳng giận ai lâu. Nhưng buổi chiều đứng trú mưa ấy, nhìn Sài Gòn tôi biết, tôi còn nợ Sài Gòn một lời xin lỗi!

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

CHUYỆN TÌNH VĂN KHOA NGÀY ẤY - BÂY GIỜ

CHUYỆN TÌNH VĂN KHOA NGÀY ẤY – BÂY GIỜ

 

          Từ ngày có Góc nhỏ Văn Khoa, buổi đầu người mùa thu cho nghe  Hỡi người tình Văn Khoa… sao mà tha thiết quá, đến giờ được Gió heo may dẫn về Hôm nay về Văn Khoa, lá me xưa đã già…, lá hoa giờ rã cánh, theo cuộc tình bay qua…, tự dưng xao xuyến nhớ đến những chuyện tình Văn Khoa. Nhớ lại một thời nhiều gian khổ, sau năm 1968, chiến tranh hiện diện từng góc phố Sài Gòn, nói như Eric Remarque “tình yêu trong chiến tranh là bắt đầu cuộc tán tỉnh không có tương lai”. Nhưng ở Văn Khoa thời đó, tình yêu vẫn nở hoa. Có những mối tình kết thúc có hậu, tay trong tay đến gần 40 năm sau, nhưng cũng có những chuyện tình ngậm ngùi đi qua năm tháng chiến tranh đó. Nhưng dù thành hay không, chuyện tình Văn Khoa vẫn đẹp như trong tiểu thuyết. Có một chuyện được lưu truyền trong anh em phong trào, nghe thật ngậm ngùi và tha thiết. Tạm gọi là chuyện tình với những bài thơ.

 

Bài thơ thứ nhất: Bài thơ viết sau lưng tờ lịch

Bắt đầu câu chuyện là một việc không hề lãng mạn, thậm chí còn mang tính “chính trị”! Đó là năm 1972, khi chính quyền Việt Nam cộng hòa hạ tuổi quân dịch xuống 1 tuổi để tổng động viên, các nam sinh viên trở tay không kịp, lần lượt bị đưa lên quân trường, phong trào SVHS Sài Gòn xao xác vì anh em phong trào cũng bị đi quân trường khá nhiều. Trong số những biện pháp đưa ra để anh em bỏ ngũ trở về có một việc là nhờ các cô sinh viên Văn Khoa viết thư gởi đến quân trường, những lá thư nói về bạn bè, trường học, về cha mẹ, gia đình, nhắc đến quê nhà…những lá thư góp phần thôi thúc các anh tìm cách rời bỏ quân trường. Trong số những người viết thư có một nhà thơ, vô tình làm sao một lá thư của cô lại đến tay người nhận cũng là một nhà thơ, người khá nổi tiếng với bài thơ viết về các bà mẹ, các em gái Sài Gòn mà một nhạc sĩ sinh viên đã phổ nhạc và bài hát trở thành một trong những bài hát nổi tiếng của phong trào SVHS. Nhà thơ viết thư chắc đầy cảm xúc, mà nhà thơ đọc thư chắc cũng đầy xúc cảm, chỉ biết là sau đó nhà thơ nam đã bỏ ngũ để về một miền quê xa lắc ở miền Trung, bạn bè bặt tin anh từ đấy.

Sau ngày hòa bình được 5 năm, trong một dịp trở lại Sài Gòn, anh đã tìm đến nhà cô ấy, để rồi đứng tần ngần bên hàng rào lá tigôn xanh mướt, khi nghe hàng xóm cho biết “Cô ấy đã lấy chồng, theo chồng về quê ở sông Tiền”. Anh trở lại miền Trung, cuới vợ, sinh con, những năm tháng khó khăn đó anh đã làm đủ thứ việc, làm thầy giáo dạy học, làm nông dân bên miếng vườn nhỏ, làm tiều phu lên núi đốn củi… anh đã làm đủ mọi cách để nuôi sống gia đình nhỏ của mình, và anh vẫn còn làm thơ, rất nhiều bài thơ.

Mười lăm năm sau nữa, trong một lần trở lại Sài Gòn, bạn bè gặp anh mừng rỡ người bạn phương xa, với sự ưu ái của bạn bè, anh có một nguyện vọng: làm sao để gặp lại được người viết bức thư hơn 20 năm trước. Sài Gòn những năm cuối thập niên 90, điều đó không quá khó, độ hơn muơi tin nhắn và các cuộc gọi điện, đã tìm ra cô ấy, may mắn thay, một tuần cô lại có vài buổi lên Sài Gòn dạy học, và hạnh phúc thay hôm đó lại là ngày cô có mặt ở Sài Gòn. Lại một vài tin nhắn nữa đã hẹn được một buổi cơm trưa mừng ngày hội ngộ của những người bạn cũ, một người bạn gái sẽ đưa cô đến, nghe xong cuộc hẹn, anh bồi hồi với tay gỡ tờ lịch trên tường quán cà phê, viết vào phía sau tờ lịch một bài thơ, cũng xin mạn phép được trích đăng ở đây vì bài thơ này có trong tập thơ của anh đã được xuất bản và phát hành trên cả nước.

 

MƯA ĐẦU MÙA

 

Buổi sáng đầu mùa mưa

Cây hồi sinh xanh mướt

Nắng mặt trời chải lược

Hương đất ngọt ngào bay

 

Trong khóm lá vườn cây

Áo thơm mùi trái chín

Nụ cười ai rất mịn

Đậm đà hương sầu riêng

 

Buổi sáng đầu mùa mưa

Trở về qua thành phố

Mát rượi lòng đại lộ

Tình xưa lá me bay

 

Trở về thành phố này

Nhớ bạn bè tranh đấu

Nhớ những đêm không ngủ

Tiếng hát “Dậy mà đi!”

 

Lại về qua trường xưa

Ngỡ ngàng cây đã lớn

Mười mấy năm giữ trọn

Nỗi nhớ thương bạn bè

 

Thư em viết cho anh

Mười năm sau mới hiểu

Khi biết thương cành liễu

Mùa thu đã đi qua

 

Em đã về Tiền Giang

Chút tình xưa ủ kín

Ngày ngày con nước đến

Gởi em lòng phù sa

 

Em về với học trò

Anh cũng về quê xưa

Mỗi năm mang thương nhớ

Gởi theo đầu mùa mưa

 

Buổi hội ngộ bất ngờ đầy cảm động, những người bạn sau 20 năm mới gặp lại nhau. Nhưng rồi cũng phải chia tay, anh gởi cô bài thơ viết sau lưng tờ lịch, cô về lại sông Tiền, anh ngược về đầm Ô Loan, hai gia đình nhỏ ấm yên hạnh phúc, chút kỷ niệm cất sâu vào trong góc nhỏ trái tim…

 

Bài thơ thứ hai: Bài thơ… bị đánh mất

Lại gần mười lăm năm nữa, anh có dịp về thăm bạn bè ở Sài Gòn, lần này đúng ngày 9-1, anh biết thế nào cũng gặp lại cô trong số đông đảo anh chị em về họp mặt, anh đã làm một bài thơ, viết cẩn thận vào một tờ giấy đẹp, cất vào túi áo định sẽ gởi tặng cô. Đêm họp mặt, người là người, đông thế mà anh vẫn tìm ra cô, tay run run cho vào túi áo tìm bài thơ… nhưng không có, bài thơ bị rơi mất tự bao giờ, anh đứng ngơ ngẩn vì làm mất bài thơ, cô ấy cười lặng lẽ, bạn bè anh cười… khoái chí, bởi vì thật tình mà nói, họ có phần ganh tị với anh, cô ấy dù đã lên chức bà nội nhưng vẫn còn sắc nước hương trời, vẫn còn là người đẹp Văn Khoa thuở nào. Nên khi thấy anh có lợi thế nhà thơ, lần nào gặp cô cũng có một bài thơ, các đồng chí bạn có phần ganh tị, và khi thấy bài thơ bị đánh mất thì cười khoan khoái vô cùng. Bài thơ ấy trừ anh ra không ai biết nội dung vì nó rơi mất đâu rồi.

 

Bài thơ thứ ba: Bài thơ chưa có và chuyện cũng chưa xảy ra. Nhưng nếu mươi năm sau anh còn có cơ hội trở lại Sài Gòn. Chắc chắn anh sẽ có một bài thơ và lần này chắc là bài thơ sẽ được giữ rất kỹ!

 

 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

BÀI THƠ GIÓ... TẶNG

Mở hàng nhà mới của mình bằng... bài thơ Gió tặng.
Trộm vía Gió lấy hên Gió ơi!

THÁNG CHẠP ANH VỀ ĐÀ LẠT

Tháng chạp anh về Đà Lạt
Ngả mình trên dốc hoa vàng
Chút buồn rơi trên ngọn cỏ
Thèm nghe tiếng guốc em vang...

Biết tình không còn đó nữa
Biết người xa mãi... ngút ngàn
Tháng chạp anh về Đà Lạt
Một mình giữa buổi chiều vàng

Nhớ em tóc thề chẻ ngọn
Mắt nhìn biếc mấy ngọn đồi
Ta xa nhau từ dạo ấy
Tóc thề... mắt biếc xa xôi...

Ta xa nhau từ dạo ấy
Buồn vui biết mấy ngả đời
Em và đồi hoa Đà Lạt...
Trở thành nỗi nhớ khôn nguôi...

Ngày mai anh rời Đà Lạt
Ngàn thông thổi rét vào lòng
Ngày mai anh rời Đà Lạt
Buốt lòng !!! Nhỏ có biết không?
Đọc tiếp ...